Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đánh giá cao động thái mới nhất của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước yêu cầu làm rõ vụ việc này.
Theo đó, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Giáo sư Trần Văn Nhung đã có văn bản gửi Giáo sư Trần Ngọc Thêm – Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học học kiểm tra việc Giáo sư Nguyễn Đức Tồn bị tố đạo văn của học trò.
Giáo sư Hoàng Chương khẳng định: “Đã là khoa học thì phải chính xác, trắng - đen rõ ràng. Việc mập mờ không phải là khoa học”.
Theo Giáo sư Hoàng Chương, đó là một nguyên tắc rõ ràng mà tất cả người làm khoa học phải tôn trọng và làm theo.
Sách của ông Nguyễn Đức Tồn bị nghi đạo văn luận án của nghiên cứu sinh do ông hướng dẫn. (Ảnh: Vietnamnet.vn) |
“Sự “đạo” và không “đạo” của ông Nguyễn Đức Tồn đâu khó làm rõ.
Những người cầm cân nảy mực chỉ cần đối chiếu cuốn sách của ông Tồn và các tài liệu đối chứng của học trò sẽ ra ngay”, Giáo sư Chương gợi ý.
Giáo sư Chương nhấn mạnh: “Đừng coi ông Tồn là giáo sư thì ông ý là hoàn toàn đúng.
Chúng ta phải xem một người đạo văn là vi phạm bản quyền, tức là đã phạm pháp. Quan trọng hơn cả, việc đạo văn là vi phạm đạo đức của một người làm khoa học.
Các bên liên quan cần phải đưa rất rõ là ông ta đạo cái gì, đạo ở đâu, câu nào.
Tài liệu của học trò là văn bản nào, ngày tháng ra sao, ở đâu. Việc đối chiếu rất dễ. Một cuốn sách mà có đến cả một trăm trang trùng hoàn toàn nội dung với luận án của người khác thì cần phải minh bạch làm rõ”.
Trưởng khoa Luật chép luận văn của người khác vẫn lên lớp bình thường |
Khi chứng minh ra rồi, dù là giáo sư hay “ông tổ” gì đi nữa cũng phải chịu trách nhiệm. Không phải là giáo sư mà kính nể hay xuê xoa bỏ qua các vi phạm”, Giáo sư Chương nêu quan điểm.
Theo ông, một Giáo sư mà có hành vi đạo văn tức là đã không đúng đạo đức, vị thế của một người thầy.
Thầy là phải làm gương cho trò. Người thầy mà đạo văn thì dù sau này có ngồi ở bất cứ đâu, chấm ai đi nữa cũng không có giá trị.
“Học trò người ta có thể xì xào đằng sau. Ối trời, ông ý đi đạo văn tư cách gì mà ngồi chấm người khác”, Giáo sư Hoàng Chương nói.
Theo Giáo sư Chương, thời gian vừa qua đã có quá nhiều lùm xùm xung quanh việc phong Giáo sư, Phó Giáo sư. Đáng lẽ, những lùm xùm về tính chân thực trong hồ sơ phong Giáo sư, Phó Giáo sư không nên xảy ra.
Chính vì thế, nếu việc đúng sai trong vụ việc ông Nguyễn Đức Tồn bị tố đạo văn không được làm rõ sẽ làm mất niềm tin vào việc xét duyệt Giáo sư.
Đặc biệt, ông Tồn lại là thành viên Hội đồng Chức danh ngành. Một người có vấn đề như vậy nếu không làm rõ trắng – đen, giới khoa học sẽ mất lòng tin.
“Hội Đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước nên cho ông Tồn tạm nghỉ một thời gian để làm sáng rõ vấn đề đạo văn. Nếu ông Tồn chân chính, ông Tồn trở lại Hội đồng Giáo sư ngành cũng không muộn”, Giáo sư Chương nêu quan điểm.
“Hãy trả lại vị thế cho các Giáo sư chân chính”, Giáo sư Chương một lần nữa mong mỏi.
Hai nghi án đạo văn “lùm xùm” Trước đó, nghi vấn đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam - được đưa ra năm 2007. Ông bị tố đã lấy nhiều nội dung trong luận văn, luận án và bài viết của chính học trò mình hướng dẫn, cùng những đồng nghiệp thế hệ sau. Cuốn sách Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội 2002 được cho là đã lấy gần như toàn bộ luận án Phó Tiến sĩ của bà Nguyễn Thúy Khanh, có tên Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật được bảo vệ năm 1996 tại Viện Ngôn ngữ học. Bà Nguyễn Thúy Khanh cũng là nghiên cứu sinh do Giáo sư Tồn hướng dẫn. Cuốn sách này cũng được cho là đạo gần như toàn bộ 96 trang luận văn tốt nghiệp đại học của sinh viên Cao Thị Thu, chuyên ngành Ngôn ngữ học, khóa 1991-1995 của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cuốn sách thứ hai Những vấn đề dạy và học trong nhà trường: Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc Trung học Cơ sở, nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn đưa nguyên vẹn bài báo Dạy từ láy cho học sinh Trung học Cơ sở của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà. |