Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đưa ra tại hội thảo “giải pháp quản lý thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới” do Trường Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đà Nẵng ngày 22/3.
Vai trò “đầu tàu”
Thạc sĩ Cao Thị Thúy Diễm - Trường Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc thực hiện thành công chương trình và sách giáo khoa mới phụ thuộc vào sự quản lý hiệu quả của hiệu trưởng.
Đại diện lãnh đạo 32 sở Giáo dục và Đào tạo phía Nam tham gia góp ý về “giải pháp quản lý thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới”. Ảnh: TT |
Hiệu trưởng sẽ gánh trên vai trách nhiệm lớn trong việc tổ chức thực hiện dạy và học theo chương trình mới, đổi mới dạy học truyền thụ nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, lấy học sinh làm trung tâm cho mọi hoạt động.
“Trong chuẩn mới, hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với đơn vị mình quản lý. Trong nhà trường, Hiệu trưởng vẫn giữ vai trò là người giáo viên, trực tiếp tham gia giảng dạy theo số tiết quy định.
Quy định này nhằm giúp hiệu trưởng nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác”, Thạc sĩ Diễm phân tích.
Những trở lực khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới |
Việc thực hiện tự chủ trường học cùng với việc ban hành chuẩn hiệu trưởng phổ thông mới đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của hiệu trưởng tại các trường phổ thông hiện nay.
Cụ thể, vai trò của hiệu trưởng được thể hiện ở những điểm sau: Hiệu trưởng với vai trò lãnh đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình mới.
Trong quá trình đổi mới giáo dục rất cần khả năng lãnh đạo và hướng dẫn của hiệu trưởng, người đứng đầu tập thể.
Theo quy định, hiệu trưởng không chỉ là người quản lý mà còn chịu trách nhiệm cả về chất lượng và hiệu quả giáo dục tại đơn vị mình.
Hiệu trưởng là người có ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Quản trị hoạt động dạy học của hiệu trưởng có hiệu quả thì chất lượng giáo dục sẽ tăng và ngược lại.
Dựa trên điều kiện thực tế của trường học, hiệu trưởng sẽ là người giám sát việc lên kế hoạch chương trình giảng dạy, giúp triển khai các hoạt động dạy học, giải pháp quản lý, đánh giá chất lượng giáo dục.
“Hiệu trưởng được xem như là người thuyền trưởng, dẫn dắt, lèo lái cho cả con thuyền đi đến đích đã đề ra.
Là người định hướng cho đội ngũ giáo viên trong quá trình dạy học để đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục hiện nay”, Thạc sĩ Diễm chia sẻ thêm.
Còn theo Thạc sĩ Phạm Văn Tiên – Trưởng Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh thì hiệu trưởng có vai trò là người tạo động lực thực hiện cho đội ngũ giáo viên.
Hiệu trưởng cần có những đánh giá thường xuyên và công bằng về hoạt động dạy học của giáo viên theo yêu cầu của chương trình mới.
Đào tạo giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào? |
Hay việc tuyên dương khen thưởng những giáo viên đạt thành tích vượt trội là một trong những phương pháp tạo động lực làm việc cho đội ngũ giáo viên.
Có động lực làm việc, giáo viên sẽ tạo môi trường học tập đổi mới với việc lấy học sinh làm trung tâm mỗi tiết học.
Hiệu trưởng với vai trò là người giám sát và hỗ trợ giáo viên trong quá trình dạy học theo chương trình mới. Khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, giáo viên sẽ rất cần đến sự hỗ trợ từ hiệu trưởng.
Sự hỗ trợ này sẽ giúp giáo viên hoàn thiện hơn trong công tác giảng dạy, triển khai kế hoạch thực hiện dạy học đảm bảo thời gian và đạt chất lượng cao nhất.
Ngoài ra, hiệu trưởng còn giữ vai trò giám sát, giúp phát hiện và điều chỉnh kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình mới cho phù hợp.
Tiêu chuẩn của một Hiệu trưởng mới là gì?
Thạc sĩ Trần Công Kha - giảng viên trường Đại học An Giang cho biết, để phát huy vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, hiệu trưởng phải đáp ứng hầu hết các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của cán bộ quản lý giáo dục.
Ai trả tiền viết sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới? |
Bộ tiêu chuẩn này gồm 5 chuẩn. Thứ nhất là về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp.
Thứ hai là năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm với các tiêu chí như: phải hiểu biết chương trình giáo dục, có trình độ chuyên môn vững về bộ môn đang đảm nhiệm giảng dạy, có kiến thức liên môn…
Thứ ba là năng lực lãnh đạo nhà trường với các tiêu chí như: phân tích và dự báo tầm nhìn chiến lược, thiết kế và triển khai, có bản lĩnh đổi mới…
Thứ tư là năng lực quản lý nhà trường với các tiêu chí như: lập kế hoạch hoạt động, tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ, quản lý hoạt động dạy học, quản lý hoạt động giáo dục…
Thứ năm là năng lực xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội với các tiêu chí như: tuyên truyền giá trị nhà trường, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo…
Ngoài ra, ông Kha cũng chỉ ra các kỹ năng cần thiết của một hiệu trưởng như: kỹ năng lãnh đạo và tạo sự thay đổi, kỹ năng xây dựng viễn cảnh, kỹ năng xây dựng chính sách và quản trị;
Kỹ năng giao tiếp và quan hệ cộng đồng, kỹ năng quản lý tổ chức, kỹ năng lập kế hoạch và phát triển chương trình...