Ai trả tiền viết sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới?

22/03/2019 06:54
NHẬT DUY
(GDVN) - Vấn đề đặt ra là bộ sách giáo khoa mà Bộ Giáo dục chủ trì thì lấy từ nguồn vay của Ngân hàng Thế giới còn các bộ sách giáo khoa khác thì được lấy kinh từ đâu?

Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai chỉ còn hơn một năm nữa sẽ được áp dụng giảng dạy đại trà ở lớp 1.

Phải nói rằng đây là khoảng thời gian không còn nhiều để hoàn thiện bộ sách nhưng chúng ta thấy vẫn còn rất nhiều phải làm.

Theo thông tin từ Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thì trong tháng 3 này sẽ mời chuyên gia, giáo viên viết bộ sách giáo khoa mới.

Vấn đề đặt ra là bộ sách giáo khoa mà Bộ Giáo dục chủ trì thì được lấy kinh phí từ nguồn vay của Ngân hàng Thế giới còn các bộ sách giáo khoa khác thì được lấy kinh phí từ đâu?

Chỉ còn hơn 1 năm nữa là áp dụng sách giáo khoa mới ở lớp 1 (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Chỉ còn hơn 1 năm nữa là áp dụng sách giáo khoa mới ở lớp 1 (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Lâu nay, có lẽ mọi người chúng ta vẫn tưởng là những bộ sách giáo khoa không phải của Bộ chủ trì biên soạn thì kinh phí sẽ là của các tổ chức, cá nhân bỏ ra để thực hiện bộ sách của mình.

Tuy nhiên, sự thực có lẽ lại không phải là vậy.

Ngày 19/3/2019, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông đã trả lời phỏng vấn trên Báo Thanh niên giúp cho dư luận có nhìn rõ nhất về vấn đề này.

Khi phóng viên Báo Thanh niên đặt câu hỏi:

Điều khiến dư luận lo ngại trong việc không công bằng còn là việc bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục- Đào tạo tổ chức biên soạn thì lấy từ nguồn vay của Ngân hàng Thế giới còn các bộ sách giáo khoa khác phải tự trang trải kinh phí trong tất cả các khâu nên khó có thể cạnh tranh bình đẳng về giá? [1]

 Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Thành đã chia sẻ như sau:

Cơ cấu chi phí cho một bộ sách giáo khoa là có phần nhuận bút tác giả thì tất cả các bộ sách giáo khoa đều có, khác nhau chỉ là phần kinh phí này khi bộ sách giáo khoa của Bộ thì được đầu tư trước.

Còn phần in ấn tất cả các bộ sách giáo khoa đều như nhau nên không có sự khác nhau”. [1]

Như vậy, kinh phí nhà nước (nguồn tiền vay) sẽ chi trả tiền nhuận bút viết sách giáo khoa cho tất cả các bộ sách giáo khoa tới đây chứ không phải chỉ riêng bộ sách mà Bộ Giáo dục chủ trì biên soạn.

Ai trả tiền viết sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới? ảnh 2Câu chuyện chương trình, sách giáo khoa vẫn chưa ngã ngũ

Việc chi trả tiền nhuận bút viết sách giáo khoa cho tất cả các bộ sách giáo khoa cũng tạo nên sự công bằng giữa bộ sách của Bộ và những bộ sách của các tổ chức, cá nhân khác.

Nó sẽ tạo nên được sự cạnh tranh công bằng giữa các bộ sách giáo khoa với nhau khi cùng có sự đầu tư kinh phí giống nhau.

Tuy nhiên, việc chi trả này sẽ tạo nên áp lực cho ngân sách nhà nước. Bởi, chương trình, sách giáo khoa hiện hành chỉ có “một chương trình, một bộ sách giáo khoa” mà khi đưa vào giảng dạy đã gây tốn kém hàng tỉ đô la.

Bây giờ “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” cứ ngỡ là các tổ chức, cá nhân làm sách sẽ phá vỡ thế “độc quyền” sách giáo khoa.

Đồng thời sẽ giảm được chi phí cho nhà nước, dân cũng có sự lựa chọn cho riêng mình khi sử dụng các bộ sách giáo khoa mới.

Thế nhưng, từ những chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông thì ta thấy kinh phí phải chi sẽ nhiều hơn.

Bởi, theo lộ trình thì nếu chúng ta thực hiện "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa", trong đó Bộ Giáo dục sẽ thực hiện biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Lựa chọn một chương trình- một bộ sách giáo khoa- hay nhiều bộ sách giáo khoa đến bây giờ hình như vẫn chưa có những quyết định cuối cùng.

Ai trả tiền viết sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới? ảnh 3Bộ Giáo dục có nên làm bộ sách giáo khoa cho chương trình mới nữa không?

Trong khi nhiều cá nhân, tổ chức đã và đang thực hiện việc biên soạn bộ sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Điều này đã được giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, chia sẻ với Báo Vietnamnet như sau:

Từ khi Bộ Giáo dục- Đào tạo bắt đầu công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (ngày 12/4/2017), đặc biệt là từ khi công bố dự thảo các chương trình môn học (ngày 19/1/2018).

Nhiều nhà xuất bản đã đứng ra tổ chức, nhiều nhóm tác giả đã tập hợp nhau để viết sách và có thể nói nhiều quyển sách bây giờ đang ở giai đoạn hoàn thiện.

Do đó, các chủ trương mới cần hết sức cân nhắc bởi có thể gây sự hụt hẫng cho các tổ chức, cá nhân đang hăm hở đóng góp, tham gia vào việc viết sách giáo khoa”. [2]

Rõ ràng, những bộ sách giáo khoa cho chương trình mới đang còn rất rối bởi chúng ta vẫn thấy còn nhiều ý kiến khác nhau.

Song, điều mà chúng ta mường tượng thấy rất rõ là kinh phí để thay đổi chương trình, sách giáo khoa cho những năm tới đây sẽ rất nhiều.

Bởi, phần lớn sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới không được Bộ thực nghiệm trước mà đưa vào áp dụng đại trà ngay sẽ dẫn đến việc chỉnh sửa, bổ sung ở các năm tiếp theo.

Như vậy, nếu nhiều bộ sách giáo khoa cũng đồng thời nhiều kinh phí hơn!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/giao-duc/moi-giao-vien-gioi-truc-tiep-dung-lop-pho-thong-viet-sgk-1061856.html

[2] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/chi-co-mot-bo-sach-giao-khoa-la-dieu-dang-tiec-509891.html

NHẬT DUY