Kỳ tuyển sinh năm 2019, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng dự kiến sẽ tuyển 2.880 chỉ tiêu, trong đó có 2.340 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 và 540 chỉ tiêu xét theo học bạ trung học phổ thông.
Việc tuyển sinh và đào tạo giáo viên của nhà trường năm nay cũng có nhiều thay đổi, hướng đến đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn.
Nhiều học sinh đã quan tâm hơn đến các ngành đào tạo giáo viên. Ảnh: TT |
Phó Giáo sư Võ Văn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, trong kỳ tuyển sinh năm 2019, nhà trường sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên gấp đôi đối với các ngành sư phạm.
Trước đó, nhà trường đã có nhiều năm liên tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh để tránh tình trạng dư thừa nguồn nhân lực sư phạm.
Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm, nhà trường giảm hơn 10% đối với các ngành đào tạo giáo viên. Năm 2018, nhà trường chỉ tuyển 444 chỉ tiêu/năm.
Bộ trưởng Nhạ xác định: Trường sư phạm tốt là "đột phá trong đột phá" |
Tuy nhiên, đến năm nay, trường đã tăng lên 850 chỉ tiêu.Trong đó, nhà trường cũng đã mở thêm 5 ngành đào tạo để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đây là những chương trình đào tạo giáo viên dạy tích hợp. Bao gồm: ngành sư phạm tin học và công nghệ tiểu học (45 chỉ tiêu), ngành sư phạm công nghệ (40 chỉ tiêu);
Ngành sư phạm khoa học tự nhiên (45 chỉ tiêu), ngành sư phạm Lịch sử - Địa lý (45 chỉ tiêu), ngành giáo dục công dân (40 chỉ tiêu).
Thầy Minh chia sẻ, những ngành học mới này sẽ được đào tạo để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Để mở các ngành này, nhà trường cũng đã có một thời gian dài chuẩn bị các công đoạn từ giáo trình, cơ sở vật chất kỹ thuật...
“Nhà trường đã có những bước chuẩn bị trong 4 năm qua. Ngay từ những ngày đầu tham gia các cuộc hội thảo, hội nghị do các trường Đại học sư phạm trọng điểm trên cả nước tổ chức góp ý về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Đến khi Bộ Giáo dục công bố chương trình giáo dục phổ thông mới thì nhà trường cũng mở ra ngành học mới, bắt kịp với nhu cầu của chương trình”.
Giáo dục là quốc sách nhưng ai thực hiện? |
Theo thầy Minh thì để mở được các ngành học này, nhà trường cũng đã có nhiều cuộc tham dò ý kiến, khảo sát nhu cầu thực tiễn ở các địa phương.
“Kết quả khảo sát cho thấy, hiện nhiều địa phương đang thiếu giáo viên giảng dạy các môn tích hợp. Nhiều nơi phải đưa giáo viên đi đào tạo lại để bắt kịp chương trình mới.
Nên việc mở các ngành học này, sau bốn năm, số sinh viên ra trường sẽ có thể đáp ứng ngay chương trình giảng dạy mới mà không phải đào tạo hoặc bổ sung thêm kiến thức”.
Một điểm đặc biệt nữa được thầy Minh lưu ý là nhu cầu tuyển dụng giáo viên các ngành học này ở các địa phương rất lớn. Sinh viên các ngành học này sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội việc làm rất lớn.