Đào tạo giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào?

14/02/2019 06:58
Phó Giáo sư Lưu Trang
(GDVN) - Chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi yêu cầu bức thiết phải thay đổi cách đào tạo giáo viên lâu nay để bắt nhịp với sự chuyển động của thời đại.

LTS: Chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được triển khai nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên, nhà quản lý và các trường đào tạo sư phạm.

Trong bối cảnh chương trình mới được áp dụng, các trường sư phạm cũng sẽ có những thay đổi về nội dung, chất lượng đào tạo giáo viên để đáp ứng yêu cầu mới.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã nhận được những chia sẻ tâm huyết của Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Là trường Sư phạm trọng điểm quốc gia, Trường Đại học Sư phạm -  Đại học Đà Nẵng gánh vác nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các cấp bậc học phổ thông.

Thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông, trong những năm qua, nhà trường đã cùng với các cơ sở giáo dục tham gia xây dựng, góp ý, bổ sung chương trình giáo dục phổ thông.

Ngày 27/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đây là kết quả của quá trình tư duy tích cực, có trách nhiệm của đội ngũ giáo chức, các nhà khoa học, những nhà quản lí giáo dục và cả những người trăn trở nhiều cho bức tranh đổi mới giáo dục trong cảnh huống nhiều biến động như hiện nay.

Chương trình cũ đã “lạc hậu” trong thời đại 4.0

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực và phẩm chất người học nhằm giáo dục, đào tạo nên những công dân có phẩm chất tốt và có năng lực vận dụng những kiến thức cơ bản hiện đại được học vào thực tiễn cuộc sống và biết làm chủ cuộc sống.

Phó Giáo sư Lưu Trang chia sẻ về những đổi mới trong đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: VS
Phó Giáo sư Lưu Trang chia sẻ về những đổi mới trong đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: VS

Trong khi chương trình giáo dục phổ thông hiện hành từng được xây dựng theo tư duy định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, ít chú trọng cho học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn.

Với nhìn nhận của cơ sở giáo dục đại học chúng tôi, chương trình giáo dục phổ thông  hiện hành ít quan tâm đến “cái còn lại” của tri thức trong nghề nghiệp, cuộc đời mỗi cá thể mà chỉ chú trọng vào định lượng tri thức của quá trình đào tạo giáo viên;

Giáo viên phải làm gì để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới? (4)

Trong khi đó, thực chất có những lượng tri thức là thừa và bất cập, nhất là trong không gian sống toàn cầu hóa và con người đang cần những thứ khác ngoài tri thức trong bối cảnh sống “công nghệ 4.0” như hiện nay.

Khác với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành có nội dung giáo dục gần như đồng nhất cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Chương trình giáo dục phổ thông mới, được xây dựng thành hai lộ trình: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Chương trình dạy học giai đoạn giáo dục cơ bản được lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, tinh giản, không chồng chéo nội dung;

Giảm số môn học, thiết kế một số môn học theo các chủ đề, nhằm tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của mình.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với góc nhìn cá nhân, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.

Chương trình mới khoa học và hiện đại hơn

Điểm nhấn của chương trình giáo dục phổ thông mới là tính liên thông và không đứt gãy trong cấu trúc nội dung, làm cho những tri thức được lĩnh hội trong lộ trình học tập của học sinh mang tính tương tác cao.

Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, sự kết nối giữa chương trình các cấp học trong một môn học và giữa chương trình các môn học với nhau chưa logic.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông

Một số nội dung dạy học bị trùng lặp, chồng chéo hoặc chưa thật sự cần thiết đối với bậc học phổ thông.

Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, việc kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học được chú ý hơn.

Vì vậy, liên thông và không đứt gãy là cốt tủy của mục tiêu thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, chương trình giáo dục phổ thông mới có tính thống nhất những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh cả nước.

Nhưng vẫn tạo sự chủ động và sáng tạo của các địa phương, của nhà trường và giáo viên về việc lựa chọn sách giáo khoa. 

Hay bổ sung một số nội dung dạy học, hoặc triển khai kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của vùng miền, địa phương.

Điểm này vừa thỏa mãn được tính nhất quán của chương trình, vừa tránh được tình trạng “đồng phục” trong đào tạo.

Về hệ thống môn học của chương trình mới bậc Tiểu học, có một số môn học và hoạt động giáo dục mới là: Tin học và Công nghệ, Ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm;

Bậc trung học cơ sở có liên môn: Lịch sử và Địa lý và Khoa học Tự nhiên; bậc trung học phổ thông có thêm môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật;

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được triển khai ở các cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông mới không phải là “ván đã đóng thuyền”

Điểm mới nữa đối với bậc trung học phổ thông là ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh được chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn để học.

Nói một cách khái quát, điểm nổi trội của chương trình giáo dục phổ thông mới vừa mang tính kế thừa chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, vừa mang tính hiện đại, phù hợp thời đại.

Mục đích là nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh, chú ý đến từng cá thể học sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay trong ghế nhà trường phổ thông.

Trên cơ sở các hoạt động trải nghiệm để nắm bắt thực tiễn và có thể “thực hành, làm quen” với nghề nghiệp tương lai ở mức độ nhất định.

(Còn nữa)

Phó Giáo sư Lưu Trang