15 năm trước lương tháng giáo viên mới khoảng 1 chỉ vàng, giờ còn hơn nửa chỉ

10/12/2021 06:42
THANH AN
GDVN- Dù kinh phí học tập do giáo viên chi trả, nhà trường hay địa phương chi trả thì đây rõ ràng vẫn là một khoản tiền cực lớn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Những giáo viên được tuyển dụng vào giảng dạy trong ngành giáo dục cách nay 15 năm và hưởng lương bậc 1, hệ số lương 2,34, lương cơ sở lúc bấy giờ là 540.000 đồng, cộng với phụ cấp đứng lớp thì mỗi tháng sẽ nhận được khoảng 1,3 triệu đồng- tương đương 1 chỉ vàng.

Cũng những thầy cô đó, sau 15 năm công tác thì hiện nay đang hưởng lương bậc 5, hệ số 3,66, cộng thêm phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp thì mỗi tháng được gần 7 triệu đồng, thầy cô nào kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn, có thêm phụ cấp chức vụ thì tổng thu nhập mỗi tháng được khoảng trên 7 triệu đồng một chút.

Nếu tính tổng số thu nhập hàng tháng hiện nay so với 15 năm trước thì chúng ta dễ dàng nhìn thấy nó tăng gấp hơn 5 lần nhưng tính giá trị mua bán hàng hóa thì chẳng chênh lệch được bao nhiêu.

Bây giờ, giáo viên mới ra trường cũng hưởng lương với hệ số 2,34, lương cơ sở là 1.490.000 đồng, tổng thu nhập mỗi tháng khoảng trên 3 triệu đồng một chút, tính ra vàng mới được hơn nửa chỉ.

Nhưng bây giờ, yêu cầu của ngành cao hơn rất nhiều so với ngày trước, chuẩn trình độ cũng cao hơn, chứng chỉ cũng nhiều hơn và tất nhiên đồng lương giáo viên nhiều khi cũng bị “bay” đi ít nhiều vì cứ hết chứng chỉ này lại đến chứng chỉ khác.

Những năm qua, giáo viên được yêu cầu học rất nhiều chứng chỉ (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Những năm qua, giáo viên được yêu cầu học rất nhiều chứng chỉ

(Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Giáo viên trẻ rất khó để sống bằng những đồng lương hàng tháng của mình

Câu chuyện lương giáo viên suốt hàng chục năm qua cũng được các cơ quan chức năng bàn đi, tính lại nhiều lần nhưng qua nhiều đời Bộ trưởng thì đến nay gần như vẫn giậm chân tại chỗ. Thậm chí, nếu thực hiện đúng theo luật thì phụ cấp thâm niên của giáo viên đã bị cắt từ hơn 1 năm nay.

Đời sống của phần lớn giáo viên vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khi 2 năm qua lương cơ sở không tăng vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tất nhiên, trong khó khăn chung của đất nước thì giáo viên cũng không dám đòi hỏi gì thêm bởi họ hiểu được tình hình kinh tế đất nước.

Nhưng, điều họ buồn nhất là trong 2 năm qua Bộ ban hành một số văn bản yêu cầu giáo viên phải học thêm rất nhiều loại chứng chỉ khác nhau. Nhiều thầy cô giáo đi học và phải chi phí cho việc học tập không hề ít chút nào.

Đồng lương người giáo viên vốn đã eo hẹp mà liên tục phải học tập theo kiểu bắt buộc như hiện nay chắc chắc khó làm cho nhà giáo yên tâm công tác.

Khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định về mã số, chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập khiến nhiều giáo viên lo lắng.

Bởi lẽ, nhiều giáo viên mầm non chưa có bằng cao đẳng sư phạm, nhiều thầy cô giáo ở cấp tiểu học đến trung học phổ thông chưa có bằng đại học sư phạm hoặc bằng cử nhân phù hợp theo quy định.

Nhiều người trong số này vì điều kiện mà chưa có bằng đại học hoặc vì có những thầy cô trước đây dạy tiểu học rồi lên làm quản lý nhà trường nên họ chỉ có bằng cao đẳng sư phạm tiểu học và bằng cử nhân quản lý giáo dục.

Nhiều thầy cô đang dạy cấp trung học cơ sở được điều xuống dạy tiểu học hoặc mầm non vì 2 cấp học này thiếu nhưng cấp trung học cơ sở lại thừa giáo viên.

Nhiều thầy cô giáo đáng lẽ ra họ được tuyển dụng và giảng dạy môn học mà mình đã được đào tạo ở trường đại học nhưng ra trường thì môn đó thừa, trong khi địa phương lại chủ trương tuyển dụng họ vào dạy môn học khác…

Những trường hợp như vậy, giờ đây được xem là “chưa có bằng cử nhân phù hợp”, phải xuống hạng III, cho dù nhiều năm nay họ đang là giáo viên hạng II.

Thế rồi, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu họ cam kết đi học nâng chuẩn, trong số đó có nhiều thầy cô được yêu cầu nâng chuẩn bằng kinh phí tự túc dù Nghị định 71/2020/ NĐ- CP hướng dẫn họ là đối tượng nằm trong lộ trình nâng chuẩn.

Chuyện văn bằng là vậy, chuyện chứng chỉ của giáo viên còn tréo ngoe hơn nhiều.

Những năm trước đây thì văn bản Bộ, Sở, Phòng gửi xuống nhà trường, Ban giám hiệu thì căn cứ vào công văn, kế hoạch ở trên mà “động viên” giáo viên đi học chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Giáo viên vì sợ ảnh hưởng đến công việc của mình nên nhiều thầy cô phải cố gắng học cho đủ chứng chỉ theo quy định. Nhưng, nhiều thầy cô “sưu tầm” xong chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì bây giờ lại không yêu cầu bắt buộc phải có.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, hàng loạt giáo viên bắt buộc phải đi học chứng chỉ theo Quyết định của Bộ.

Đó là giáo viên Tin học ở tiểu học đi học chứng chỉ để về dạy cả Tin học và Công nghệ. Giáo viên Sử, Địa, Lí, Hóa, Sinh phải đi học để có chứng chỉ dạy 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở theo các Quyết định số 2453, 2454; 2455/QĐ-BGDĐT mà Bộ ban hành vào ngày 21/7/2021.

Điều mà giáo viên các môn học này dễ dàng nhìn thấy là ngay phần đầu 3 Quyết định này thì Bộ đã “gài” sẵn câu: “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Tin học và Công nghệ ở Tiểu học; môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí ở cấp Trung học cơ sở”.

Với cách hướng dẫn như vậy thì những giáo viên dạy các môn học này đố dám không đăng ký đi học và thực tế nhiều địa phương hiện nay đã cho giáo viên đăng ký, lập danh sách để giáo viên đi học theo hướng dẫn của Bộ.

Xót xa những đồng lương còm cõi… không cánh mà bay

Lâu nay, nhiều người biết đến hiện tượng một số giáo viên dạy thêm nhưng không phải giáo viên môn nào, cấp học nào, khu vực nào cũng dạy thêm được. Việc giáo viên dạy thêm cho học trò chỉ là một số lượng rất nhỏ so với số lượng đội ngũ nhà giáo hiện nay.

Vì thế, phần lớn giáo viên chỉ có nguồn thu chủ yếu từ đồng lương dạy học của mình. Giáo viên lớn tuổi thì có thêm chút thâm niên, giáo viên còn ít tuổi nghề thì thâm niên thấp, thậm chí là 5 năm đầu tiên đi dạy chưa có phụ cấp thâm niên và phụ cấp này cũng đang nằm trong lộ trình bị cắt.

Chính vì thế, cuộc sống của phần lớn giáo viên vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là giáo viên trẻ, giáo viên công tác xa quê. Nhưng, đồng lương của nhiều thầy cô giáo nhiều khi không cánh mà bay vì liên tục phải học hết chứng chỉ này đến chứng chỉ khác.

Nhiều thầy cô giáo chưa hết lo chuyện văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo đúng chuẩn trình độ, đúng quy định với các hạng giáo viên thì đến nay lại bắt đầu lo đi học tiếp chứng chỉ để dạy môn Tin học- Công nghệ ở tiểu học và môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở.

Có những chứng chỉ giáo viên phải đóng tiền kinh phí hoàn toàn, có những chứng chỉ đơn vị hỗ trợ một phần, hoặc toàn phần. Nhưng, dù không phải đóng tiền học phí thì giáo viên vẫn đang phải chi thêm nhiều khoản tiền trong quá trình học tập.

Thiết nghĩ, 9 module mà Bộ thiết kế cho giáo viên tập huấn đại trà được thì tại sao Bộ không thiết kế cho giáo viên tự bồi dưỡng môn Tin học- Công nghệ ở tiểu học và môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở như tập huấn chương trình mới mà cứ bắt buộc phải học chứng chỉ?

Mỗi tín chỉ 150 ngàn đồng, giáo viên các môn học này học ít nhất là 20 tín chỉ, giáo viên nhiều nhất là 36 tín chỉ. Để đào tạo xong cho đội ngũ giáo viên về dạy các môn Tin học- Công nghệ ở tiểu học và môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở chắc chắn sẽ là một khoản kinh phí rất lớn.

Bởi, kinh phí đào tạo mỗi giáo viên ít nhất là 3 triệu đồng, nhiều nhất là 5,4 triệu đồng.

Dù kinh phí học tập do giáo viên chi trả, nhà trường hay địa phương chi trả thì đây rõ ràng vẫn là một khoản tiền cực lớn trong bối cảnh khó khăn hiện nay- nhất là đối với đồng lương của nhiều nhà giáo vốn đã 3 cọc ba đồng luôn thiếu trước hụt sau.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN