Giáo việt mệt mỏi với chứng chỉ CDNN lắm rồi, Cục Nhà giáo đừng lòng vòng nữa

04/12/2021 06:45
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ cần thống nhất về cách chỉ đạo chứ không thể chỉ mỗi chuyện chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mà lúc thế này, khi lại thế khác!

Những bất cập trong các văn bản điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những năm qua thì giáo giới chúng ta đã thấy khá nhiều nhưng có lẽ chưa bao giờ giáo viên lại phải lên tiếng nhiều như chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ra đời vào thời điểm tháng 02/2021.

Vì sao giáo viên lại phải lên tiếng về chùm thông tư này nhiều đến vậy? Bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà giáo, nó nhiêu khê, phức tạp và có quá nhiều bất cập về các tiêu chuẩn đối với từng hạng giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông.

Ngày 23/11 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 5392/BGDĐT-NGQLGD hướng dẫn về việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và một lần nữa giáo viên lại thấy nó rối rắm, nhiêu khê vô cùng.

Chỉ mỗi chuyện chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên mà Bộ liên tục có những thay đổi như vậy thì giáo viên biết tin vào văn bản nào? Không chỉ giáo viên mà các địa phương cũng vất vả chạy theo những chỉ đạo của Bộ liên quan đến đến chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Tóm lại, mỗi giáo viên có bao nhiêu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và những văn bản mà Bộ đã ban hành vào tháng 2, tháng 3/2021 vừa qua có liên quan đến chứng chỉ này sẽ xử lý ra sao? Hủy, sửa đổi hay vẫn giữ nguyên các văn bản này?

Công văn số 5392/BGDĐT-NGQLGD Bộ mới ban hành (Ảnh chụp từ màn hình)

Công văn số 5392/BGDĐT-NGQLGD Bộ mới ban hành (Ảnh chụp từ màn hình)

Công văn số 5392/BGDĐT-NGQLGD và nỗi ám ảnh chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Còn nhớ, khi Bộ ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/2/2021 và Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 12/3/2021 thì yêu cầu giáo viên hạng III, hạng II, hạng I đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Mỗi hạng, mỗi loại chứng chỉ khác nhau.

Điều này được thể hiện rõ trong các Điều 3, 4, 5 của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 và đặc biệt là trong tại mục 2.d của Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn như sau:

Trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này.

Đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới.

Ví dụ: giáo viên trung học cơ sở hạng II chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II nhưng đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I, thì phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II để bảo đảm đủ điều kiện theo quy định”.

Vì thế, nhiều giáo viên đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II, hạng I theo cách xếp hạng của chùm Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT trước đây nhưng giờ đây xếp hạng theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021TT-BGDĐT thì họ bị xuống hạng và nhiều nhà giáo đã phải bổ sung thêm 1 chứng chỉ mới.

Ngày 23/11/2021 vừa qua, Bộ ban hành Công văn số 5392/BGDĐT-NGQLGD lại hướng dẫn:

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập.

Đồng thời, xây dựng, ban hành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông để thay thế cho các chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện hành.

Vì vậy, trong thời gian này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện một số nội dung sau:

1.Cân nhắc việc tổ chức mới các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.

2. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố điều chỉnh phương án triển khai bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục”.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 8 tháng, từ ngày 12/3/2021 đến ngày 23/11/2021 thì Bộ đã có 2 chỉ đạo khác nhau về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Tất nhiên, trong khoảng thời gian này thì có rất nhiều giáo viên đã phải bỏ ra số tiền trên 2 triệu đồng để học chứng chỉ. Bởi, ngay sau khi Bộ ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT và Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD thì nhiều trường đại học đã gửi thông báo đến các địa phương để chiêu sinh học trực tuyến.

Trong đó, có nhiều thông báo chiêu sinh được chính Sở, Phòng Giáo dục gửi về cho các nhà trường qua đường email nội bộ của ngành. Đó là chưa kể nhiều cá nhân đứng ra quảng cáo trên các trang facebook của hàng chục nhóm giáo viên…

Số tiền mà giáo viên trên cả nước đã bỏ ra để học chứng chỉ theo hướng dẫn của chùm Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT; chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT và Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD chắc chắn là rất nhiều. Và, không ít thầy cô giáo đã có hơn 1 chứng chỉ này.

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐ còn hiệu lực sao Bộ lại yêu cầu Sở “cân nhắc”, “tham mưu”...?

Ngày 11/11 vừa qua thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, sửa đổi chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐ.

Ngày 26/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại thì Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có chỉ đạo gì mới về việc xếp hạng, xếp lương theo chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐ.

Các địa phương sẽ thực hiện ra sao khi các Thông tư 01, 02, 03, 04 vẫn còn nguyên hiệu lực mà Công văn số 5392/BGDĐT-NGQLGD lại hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo: “Cân nhắc việc tổ chức mới các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp…”?

Chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐ vẫn chưa sửa đổi, vẫn còn hiệu lực thì làm sao các Sở Giáo dục và Đào tạo có thể: “Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố điều chỉnh phương án triển khai bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục” đây?

Và, nếu Bộ đang “xây dựng, ban hành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông để thay thế cho các chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện hành” thì liệu tới đây những chứng chỉ giáo viên đã học rồi có còn nguyên giá trị hay lại bị thay thế?

Chẳng lẽ, giáo viên cứ miệt mài chạy theo văn chứng chỉ, cứ yêu cầu học xong xong lại bỏ, lại không công nhận và lại phải đi học cái mới hay sao? Bao giờ thì giáo viên mới hết cảnh chạy theo văn bằng và chứng chỉ như các hướng dẫn của Bộ?

Lúc này, nhiều giáo viên trên cả nước cũng đã khổ lắm rồi nên Bộ cần thống nhất về cách chỉ đạo chứ không thể chỉ mỗi chuyện chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mà lúc thế này, khi lại thế khác!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY