Từ năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu thực hiện chủ trương tự chủ biên chế và tổ chức trong các trường trung học phổ thông (chuyên Lê Hồng Phong và chuyên Trần Đại Nghĩa).
Ngày 16/8/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra Thông báo số 2261/TB-SGDĐT về tuyển dụng viên chức công tác ở các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục năm học 2021-2022. [1]
Tại Phụ lục 3 của Thông báo, có 16 đơn vị được phân cấp thực hiện tuyển dụng viên chức, bao gồm 8 trường cao đẳng/trung cấp kinh tế, 2 trường mầm non, 2 trường trung học phổ thông chuyên, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và 3 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (người khuyết tật).
Cũng từ năm học 2018-2019, hiệu trưởng trường trung học cơ sở một số quận như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Quận 12... được phép tuyển dụng giáo viên, do hiệu trưởng làm chủ tịch hội đồng xét tuyển. Giám khảo chấm ứng viên thi/xét tuyển viên chức gồm hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn và có hội đồng còn có thêm chuyên viên của phòng giáo dục.
Báo Đồng Nai ngày 2/3/2022 đưa tin, từ năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai giao quyền tổ chức tuyển dụng viên chức là giáo viên, nhân viên trường học về cho các trường trung học phổ thông công lập trực thuộc Sở Giáo dục thay vì trực tiếp tuyển dụng như những năm trước đây. [2]
Theo đó, khi có nhu cầu tuyển dụng, các trường trung học phổ thông công lập làm tờ trình để được Sở Giáo dục phê duyệt biên chế trước khi tuyển dụng. Ngay đầu năm 2022, đã có 13 trường trung học phổ thông công lập được Sở Giáo dục phê duyệt biên chế và tiến hành thông báo tuyển dụng.
Về hình thức tuyển dụng sẽ vẫn cơ bản áp dụng các hình thức như trước đây. Đối với vị trí giáo viên, ngoài xem xét hồ sơ sẽ phải tham gia thực hiện bài giảng trên lớp, riêng đối với vị trí nhân viên sẽ phỏng vấn trực tiếp.
Tuy vậy, theo tìm hiểu của tôi, công tác tuyển dụng giáo viên ở các địa phương chủ yếu do chủ tịch ủy ban nhân dân huyện/sở nội vụ/sở giáo dục đứng ra xét duyệt, quyết định biên chế - trong khi đó có thể thấy rõ chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục và đào tạo cũng như khả năng nắm bắt nhu cầu nhân lực từng trường của lãnh đạo các cơ quan này không thể bằng người đứng đầu các trường, dẫn đến nhiều bất cập.
Một phần nội dung Thông báo số 19/TB-THPT ngày 10/2/2022 về tuyển dụng viên chức năm học 2021-2022 của Trường Trung học phổ thông Xuân Lộc - Đồng Nai. Thí sinh nộp hồ sơ tại trường sau đó hội đồng thực hiện xét tuyển, không phải qua Sở Giáo dục Đồng Nai. (Ảnh: Ánh Dương) |
Hiệu trưởng tuyển dụng giáo viên là phương án đúng đắn
Theo ý kiến cá nhân người viết, sở giáo dục, phòng giáo dục địa phương giao quyền tuyển dụng giáo viên về cho các trường là phương án đúng đắn vì những lí do sau đây.
Thứ nhất, ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Cụ thể, Điều 7 quy định thẩm quyền tuyển dụng viên chức như sau:
"Đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức" (khoản 1).
"Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện" (khoản 2).
Cùng với đó, điểm d khoản 1 Điều 11 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có hiệu lực từ ngày 1/11/2020) quy định nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng bao gồm (trích):
"Thực hiện tuyển dụng, quản lý giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động, tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật".
Có thể nhận thấy, về hành lang pháp lí, hiệu trưởng được quyền tuyển dụng viên chức theo quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.
Thứ hai, hiệu trưởng là người trực tiếp sử dụng lao động, họ nắm rõ chủ trương chính sách, vị trí việc làm, số lượng giáo viên cần tuyển sao cho phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp với đặc thù của nhà trường.
Cách tuyển dụng thế này sẽ tránh được việc tuyển thừa giáo viên như nhiều địa phương đã và đang mắc phải, dẫn đến hệ lụy rất lớn là giáo viên chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi. Minh chứng là, năm 2018, hơn 500 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) do ủy ban Nhân dân huyện tuyển dụng dư thừa trong ba đời chủ tịch. [3]
Liên quan đến “số phận” của nhiều giáo viên trong số hàng trăm người dôi dư được ba đời Chủ tịch huyện Krông Pắk tuyển thừa với nhiều dấu hiệu vi phạm, sau 5 năm đi kiện, 5 giáo viên được bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng và một số quyền lợi khác - nhưng đây là con số quá ít giáo viên được thắng kiện, và khi "được vạ thì má đã sưng" chứ chẳng sung sướng gì. [4]
Ngược lại, nhiều trường có tình trạng thừa thiếu giáo viên nhưng cứ phải đợi chờ biên chế từ sở/phòng nội vụ phân dẫn đến rất bị động trong việc bố trí nhân sự, cuối cùng học sinh phải chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Thứ ba, hiệu trưởng nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ là cơ sở để thành lập hội đồng tuyển dụng sao cho tuyển được giáo viên có năng lực phù hợp với đơn vị. Hiệu trưởng tự chủ tuyển dụng góp phần giúp nhà trường tuyển được giáo viên giỏi, có năng lực.
Tôi nhận thấy, chất lượng chuyên môn giáo viên một số trường trung học phổ thông chuyên ở Thành phố Hồ Chí Minh như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa ngày càng phát triển, khẳng định được thương hiệu với xã hội cũng nhờ một phần nhiều năm nay Sở Giáo dục Thành phố phân quyền cho nhà trường được tuyển dụng nhân sự.
Còn lại, đa số trường trung học phổ thông được Sở Giáo dục phân bổ nhân sự xuống thì chất lượng giáo viên thế nào hiệu trưởng cũng không thể kiểm soát. Chẳng hạn, tổ chuyên môn của tôi (một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh) có 15 giáo viên thì một số thầy cô mặc dù đã dạy nhiều năm nhưng vẫn chưa khẳng định được năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Có thầy cô giỏi chuyên môn nhưng nghiệp vụ chưa đảm bảo vì tốt nghiệp ngành ngoài sư phạm. Có thầy cô vững nghiệp vụ sư phạm nhưng chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu khi ngành giáo dục thay đổi phương pháp giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giả sử,hiệu trưởng được quyền tuyển dụng giáo viên thì sẽ hạn chế được rất nhiều những khiếm khuyết này.
Thay lời kết
Cũng có một số ý kiến cho rằng, khi hiệu trưởng được quyền tuyển dụng giáo viên thì quyền lực tập trung vào lãnh đạo, dễ nảy sinh tiêu cực. Cá biệt, nếu hiệu trưởng thiếu tâm và tầm sẽ tuyển nhân sự theo suy nghĩ cá nhân, không vì quyền lợi chung, dẫn đến trường học mất dân chủ.
Nhưng tôi cho rằng, hội đồng tuyển dụng còn có tổ trưởng chuyên môn, chuyên viên - những giáo viên giỏi, có đạo đức thì không phải sợ hiệu trưởng lấn át quyền hành. Nếu hiệu trưởng tuyển dụng giáo viên không đáp ứng được chuyên môn nghiệp vụ thì thế nào học sinh, phụ huynh, giáo viên cũng sẽ phản ánh.
Cùng với đó, để đảm bảo tính chính xác, công khai và minh bạch, sở/phòng giáo dục sẽ thẩm định hồ sơ của các ứng viên trúng tuyển trước khi trường ký hợp đồng chính thức, cũng là một cách làm có thể kiểm soát được quyền lực hiệu trưởng.
Để có thể giao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng được thực hiện rộng rãi ở các địa phương trên cả nước, tôi nghĩ, trước hết ngành giáo dục phải tổ chức thi tuyển hiệu trưởng công khai, minh bạch. Như thế sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc hiệu trưởng làm trái việc tuyển dụng vì lợi ích cá nhân.
Còn hiện tại, nếu hiệu trưởng không làm tốt việc tuyển dụng giáo viên thì cơ quan quản lí giáo dục phải có hình thức xử lý nghiêm minh như miễn chức vụ - kể cả cho thôi việc nếu vi phạm nghiêm trọng, chứ không điều chuyển lên sở/phòng hoặc giữ chức vụ ở đơn vị khác như một số địa phương vẫn làm.
Tài liệu tham khảo:
[1] //phongtccb.hcm.edu.vn/thong-bao/tin-khan-thong-bao-ve-tuyen-dung-vien-chuc-cong-tac-o-cac-don-vi-su-nghiep-cong/ct/41012/66965?fbclid=IwAR3DQ_5F6IFl_KX88a7IAtFNQcRocM4hKnLs5S8tSTNDpbVIiAo6Ga9hEVI
[2] //www.baodongnai.com.vn/xahoi/202203/giao-quyen-tuyen-dung-ve-cho-cac-truong-thpt-3105366/?fbclid=IwAR3DQ_5F6IFl_KX88a7IAtFNQcRocM4hKnLs5S8tSTNDpbVIiAo6Ga9hEVI
[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhung-tieng-keu-cuu-xe-long-cua-thay-co-ca-xa-hoi-oi-cuu-chung-em-voi-post184345.gd
[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dak-lak-sau-5-nam-di-kien-5-giao-vien-duoc-boi-thuong-hon-1-2-ty-dong-post223763.gd
[5] //vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hieu-truong-duoc-tuyen-dung-giao-vien-tuyen-sai-phai-bi-xu-ly-806251.vov?fbclid=IwAR0eAJ6Edhy3r8TEyqsSZOv1RfPyDdO9F1YUK-ghXos3LkUTPgRnzSt_78A
[6] //sgddt.dongnai.gov.vn/chi-dao/thong-bao/thong-bao-tuyen-dung-vien-chuc-cua-cac-don-vi-truong-hoc-nam-2022-cac-truong-thpt-vinh-cuu-phuoc-thien-ngo-si-lien-xuan-loc-7437.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.