Giáo viên phải bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, giảng viên không cần, tôi thấy vô lý

23/11/2021 06:35
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài viết chỉ ra một số bất cập về quy định chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên và giáo viên bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không yêu cầu giảng viên đại học phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, người học ngành ngoài sư phạm và ứng viên tham gia thi/xét tuyển viên chức bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thì phải tuân thủ chuẩn trình độ đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định tại Thông tư số 11, 12/2021/TT-BGDĐT ban hành ngày 5/4/2021.

Giảng viên đại học không cần chứng chỉ sư phạm là chưa thỏa đáng

Ngày 26/10/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng Bộ Giáo dục quy định không yêu cầu giảng viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Đây là thông tư được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với Luật Giáo dục đại học sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019). Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/12/2020.

Trước đó, Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học là “Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học …”.

Điều 79 quy định “Trước khi được giao nhiệm vụ giảng dạy, giảng viên cao đẳng, đại học phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm…”.

Thông tư liên tịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ ban hành năm 2014 về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập quy định một trong các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giảng viên là “có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên”.

Cá nhân tôi cho rằng, những quy định trước ngày 12/12/2020 yêu cầu giảng viên dạy cao đẳng, đại học phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ sư phạm là hoàn toàn đúng đắn. Bởi, người làm nghề giáo đòi hỏi phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu như chuyên môn được thể hiện ở bằng cấp, học hàm, học vị thì nghiệp vụ chính là phương pháp giảng dạy, khả năng ứng xử sư phạm...

Có thể khẳng định, một giảng viên giỏi về chuyên môn nhưng nếu thiếu phương pháp giảng dạy, không am hiểu tâm lí lứa tuổi sinh viên, thiếu ứng xử sư phạm bài bản, linh hoạt thì rất khó để dạy tốt, dạy thành công.

Còn nhớ, khoảng trung tuần tháng 9/2021, một clip ghi lại buổi học trực tuyến, giảng viên mắng sinh viên là “óc trâu” lan truyền trên mạng xã hội. Clip này sau đó đã được Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) xác nhận đúng là giảng viên khoa cơ khí của trường.

Đồng ý việc dạy học trực tuyến dài ngày cũng khiến giảng viên căng thẳng, áp lực, tuy vậy, nếu người thầy biết ứng xử sư phạm linh hoạt, có tình có lí thì chắc chắn sự việc đáng tiếc này không thể xảy ra.

Bản thân tôi lúc học đại học, cao học thấy rằng, nhiều giảng viên giỏi chuyên môn, viết sách hay, công bố nhiều bài báo khoa học có giá trị nhưng giảng dạy thì rất chán. Chúng ta cũng thường nghe sinh viên kêu một giảng viên nào đó là “Tiến sĩ gây mê” chỉ vì thầy cô hạn chế về phương pháp truyền đạt.

Nhìn chung, nghiệp vụ sư phạm là tổng thể những kiến thức, kỹ năng giảng dạy - xử lý tình huống tối thiểu mà mỗi một nhà giáo cần có. Vậy nên, việc Bộ Giáo dục quy định không yêu cầu giảng viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là một bước thụt lùi, chứ không phải nới lỏng điều kiện cho giảng viên hành nghề.

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo thông tư hiện hành có gì mới?

Trong phạm vi bài viết này, tôi xin được dẫn Thông tư số 46/2012/TT-BGDĐT ngày 4/12/2012 và Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT ngày 5/4/2021 để so sánh về nội dung khối kiến thức bắt buộc tối thiểu của 2 thông tư này.

Ngày 4/12/2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 46/2012/TT-BGDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên trung học phổ thông.

Theo đó, nội dung khối kiến thức bắt buộc tối thiểu dành cho những người có bằng tốt nghiệp đại học các ngành học phù hợp với các môn học được dạy ở trường trung học phổ thông, có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học phổ thông như sau:

STT

Nội dung học phần

STT

Nội dung học phần

1

Quản lý hành chính Nhà nước và quản lí ngành giáo dục. Công tác quản lí trong trường trung học phổ thông

6

Lí luận dạy học môn học 2

2

Cơ sở Tâm lý học của giáo dục

7

Giao tiếp và ứng xử sư phạm

3

Tâm lí học người giáo viên

8

Công tác chủ nhiệm lớp và công tác Đoàn ở trung học phổ thông

4

Giáo dục học ứng dụng vào thực tiễn giáo dục trung học phổ thông

9

Đánh giá trong giáo dục

5

Lí luận dạy học môn học 1

10

Thực tập sư phạm

Ngày 5/4/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT ban hành chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Cụ thể, chương trình gồm khối học phần chung (phần A) và khối học phần nhánh: người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với các môn học cấp trung học phổ thông, có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học phổ thông (phần C).

Khối học phần chung (phần A):

STT

Nội dung học phần

STT

Nội dung học phần

A1

Tâm lý học giáo dục

A9

Kỷ luật tích cực

A2

Giáo dục học

A10

Quản lý lớp học

A3

Lý luận dạy học

A11

Kỹ thuật dạy học tích cực

A4

Đánh giá trong giáo dục

A12

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học

A5

Quản lý Nhà nước về giáo dục

A13

Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng

A6

Giao tiếp sư phạm

A14

Tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở trường phổ thông

A7

Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

A15

Giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống

Học phần tự chọn (02 tự chọn, chọn 01 trong số 10 học phần):

A16

Giáo dục vì sự phát triển bền vững

A8

Hoạt động giáo dục ở trường phổ thông

A17

Xây dựng môi trường giáo dục

Khối học phần nhánh trung học phổ thông (phần C): Người học có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với 01 môn học cụ thể ở trường trung học phổ thông thì cần đăng ký học nhóm học phần lựa chọn tương ứng (09 tín chỉ) để học tập, rèn luyện và phát triển năng lực dạy học môn học đó.

STT

Nội dung học phần

C1

Phương pháp dạy học

C2

Xây dựng kế hoạch dạy học

C3

Tổ chức dạy học ở trường trung học phổ thông

C4

Thực hành dạy học cấp trung học phổ thông ở trường sư phạm

C5

Thực hành kỹ năng giáo dục ở trường trung học phổ thông

C6

Thực tập sư phạm 1 ở trường trung học phổ thông

C7

Thực tập sư phạm 2 ở trường trung học phổ thông

C8

Tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông

C9

Tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở trường trung học phổ thông

C10

Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường trung học phổ thông

Bảng so sánh cho thấy, Thông tư 12 có nhiều học phần hơn so với Thông tư 46. Tuy vậy, Thông tư số 12 chủ yếu có thêm 3 học phần mới, đó là: Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; Tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở trường phổ thông; Giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống.

Theo tôi, nếu người học đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định tại Thông tư số 46 thì chỉ cần học thêm 3 học phần này là đủ. Hơn nữa, trong quá trình dạy học hàng năm, giáo viên (diện hợp đồng và viên chức) đã được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên 3 nội dung này.

Giá như, khi ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục chỉ cần thêm 3 học phần như trên (có thể hơn) hoặc cho giáo viên được quy đổi từ những nội dung đã tập huấn, các module bồi dưỡng thường xuyên là hợp lí.

Và chắc chắn sẽ không có sự việc đau lòng - dù đã có quyết định phê duyệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh, giáo viên Hưng Yên bức xúc khi xét tuyển đặc cách lại cần có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo thông tư mới, được phản ánh qua bài báo “Sở đòi chứng chỉ sư phạm mới, giáo viên hợp đồng Hưng Yên kêu cứu Cục Nhà giáo” đăng trên Giáo dục Việt Nam ngày 9/10/2021.

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/giang-vien-dh-bach-khoa-tp-hcm-mang-sinh-vien-la-oc-trau-da-xin-loi-20210921214835614.htm

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-46-2012-TT-BGDDT-Chuong-trinh-Boi-duong-nghiep-vu-su-pham-152886.aspx

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-12-2021-tt-bgddt-chuong-trinh-boi-duong-nghiep-vu-su-pham-200906-d1.html

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/so-doi-chung-chi-su-pham-moi-giao-vien-hop-dong-hung-yen-keu-cuu-cuc-nha-giao-post221538.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên