Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hòa nhập đối với học sinh khuyết tật trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận đã hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật và công tác lập hồ sơ theo dõi, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện đối với học sinh khuyết tật trong trường trung học cơ sở, trung học phổ thông từ năm học 2017-2018.
Cần quan tâm việc giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật (Ảnh minh họa: Mai Hải). |
Văn bản nêu rõ:
Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học trong đó chú ý xác định mục tiêu, có biện pháp tăng tỉ lệ huy động và tỉ lệ duy trì đối với học sinh khuyết tật để đạt tỉ lệ huy động 70% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được đến trường (đối với các huyện, thị xã, thành phố).
Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông xây dựng kế hoạch dạy học và kế hoạch các hoạt động phù hợp theo chương trình vùng miền với từng địa phương.
Hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm có học sinh khuyết tật xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân theo hướng dẫn trong nội dung tập huấn.
Các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông điều tra nắm chắc số trẻ trong độ tuổi đặc biệt đối với trẻ khuyết tật để có biện pháp huy động hết trẻ khuyết tật trong độ tuổi có khả năng học tập tham gia giáo dục hòa nhập.
Chỉ đạo thống nhất việc bàn giao giữa các trường tiểu học và trung học cơ sở, đặc biệt đối với học sinh khuyết tật cần bàn giao đầy đủ hồ sơ theo dõi học sinh khuyết tật trong quá trình theo học ở cấp tiểu học.
Đảm bảo tỷ lệ huy động đạt 70% trở lên. Tỷ lệ duy trì chung đạt 90%.
Có các biện pháp cụ thể duy trì số trẻ khuyết tật tham gia hòa nhập không bỏ học vì khó khăn trong học tập và điều kiện hoàn cảnh khó khăn.
Tranh thủ huy động các nguồn lực để tạo được nguồn kinh phí hỗ trợ trẻ khuyết tật tham gia hòa nhập ở từng nhà trường, địa phương.
Tiếp tục quán triệt để thực hiện dạy học giáo dục hòa nhập có hiệu quả, cần chú ý từ khâu xây dựng kế hoạch, thực hiện chương trình, xét miễn giảm từng nội dung hoặc môn học đối với học sinh khuyết tật tham gia hòa nhập.
Trong tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo các yêu cầu và mục tiêu chung cần chú ý khích lệ những học sinh khuyết tật tham gia, chú ý khai thác tốt khả năng của các em (cá biệt có những em có khả năng bẩm sinh như múa, hát, vẽ,… ), điều đó hết sức có ý nghĩa trong giáo dục hòa nhập.
Đồng thời quán triệt sâu sắc hơn, thống nhất hơn về quan điểm, phương pháp đánh giá quy định.
Chú trọng việc đánh giá xếp loại 2 mặt học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó đối với học sinh khuyết tật: Đánh giá học sinh khuyết tật theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và sự tiến bộ của học sinh là chính.
Trong đánh giá học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập phải nhìn nhận sự tiến bộ của học sinh ở mọi khía cạnh, mối quan hệ từ tâm tư tình cảm đến kỹ năng sống, mức độ hòa nhập với bạn bè, chứ không phải chỉ là kết quả các bài kiểm tra từng môn học, để nhằm động viên khuyến khích là chính.
Khi đánh giá học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập phân làm 2 loại. Một là đối với những học sinh có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục, được đánh giá bình thường như những học sinh khác nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả học tập, giảm nhẹ cũng là để động viên khuyến khích.
Hai là học sinh khuyết tật tham gia giáo dục khuyết tật hòa nhập nhưng không xếp loại, rất cần sự đánh giá động viên, khuyến khích sự tiến bộ trong quá trình học tập của học sinh.
Dù học sinh thuộc loại nào thì quá trình đánh giá phải góp phần thực hiện mục tiêu cuối cùng là trẻ khuyết tật được hòa nhập trong trường trung học, đây là một vấn đề xã hội chứ không phải chỉ là vấn đề y tế, giáo dục.
Đồng thời giáo dục hòa nhập góp phần xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền.
Vì vậy các cấp quản lí giáo dục, mỗi cán bộ giáo viên trường trung học cần có nhận thức đúng, quan điểm thống nhất trong việc thực hiện chương trình, tổ chức dạy học và các hoạt động và đặc biệt là kiểm tra đánh giá học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập.