Dự thảo vị trí việc làm vẫn chia giáo viên phổ thông làm 3 hạng, quá rắc rối

03/02/2022 06:55
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên bậc phổ thông vẫn chia làm 3 hạng (hạng I, II, III) là một trong những quy định về vị trí việc làm của dự thảo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường, lớp dành cho người khuyết tật).

Đáng chú ý, viên chức làm công tác giảng dạy bậc phổ thông được chia làm 3 hạng: giáo viên hạng I, II, III.

Loay hoay với xếp hạng giáo viên

Ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập.

Kể từ lúc ban hành, chùm Thông tư này nhận được sự phản ứng gay gắt, bức xúc của giáo viên các cấp học trên cả nước vì nhiều nội dung quy định rất bất cập, chồng chéo, thiếu cơ sở thực tiễn.

Có thể liệt kê hàng loạt nội dung bất cập của chùm thông tư 01, 02, 03, 04 như các quy định về: nhiệm vụ; tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp; điều khoản thi hành.

Điều này đã được phản ánh trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua hàng loạt bài viết như: Thông tư 04 bất cập, giáo viên trung học phổ thông phải làm lại hồ sơ bổ nhiệm chức danh ngày 17/12/2021; Tôi bị loại hồ sơ thăng hạng oan uổng chỉ vì Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT ngày 17/11/2021.

Dự thảo Thông tư mới của Bộ chia giáo viên phổ thông làm 3 hạng. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Dự thảo Thông tư mới của Bộ chia giáo viên phổ thông làm 3 hạng. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Thế nhưng, Thông tư này cũng không thể giải quyết được những bất cập của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 mà chỉ cụ thể hóa một số nội dung về thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên như: nội dung, hình thức xét thăng hạng; cách tính điểm hồ sơ; xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng.

Điều này đã được phân tích qua nhiều bài viết của các nhà giáo đang đứng lớp đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam như: Thông tư 34 không quy định “nhiệm vụ” khi thăng hạng, thầy cô chớ vội mừng ngày 20/12/2021; Giáo viên khó có cửa thăng hạng theo Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT ngày 11/1/2022.

Và mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm ở trường phổ thông, trong đó viên chức giảng dạy bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được chia làm 3 hạng: giáo viên hạng I, II, III.

Cá nhân người viết không đồng tình việc phân hạng giáo viên ở trường phổ thông công lập. Bởi, phân hạng không có tác dụng nhiều trong việc nâng cao chất lượng dạy học, gây bất công trong công việc, kể cả làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của nhà giáo.

Thứ nhất, tôi lấy ví dụ nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng I có nội dung: “Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên”.

Kể từ năm 2000 đến nay Bộ Giáo dục mới thay đổi sách giáo khoa một lần thì giáo viên cũng chỉ lựa chọn sách một lần. Vậy sau khi lựa chọn xong sách giáo khoa, giáo viên có bao nhiêu lần làm các nhiệm vụ tương đương như thẩm định, lựa chọn tài liệu dạy học?

Nếu giáo viên không làm những nhiệm vụ của giáo viên hạng I thì có bịt “tụt” xuống hạng II không? Nếu giáo viên vẫn giữ nguyên hạng I thì hưởng lương có xứng đáng không? Và một điều chắc chắn rằng, không phải cứ giáo viên hạng II, hạng III thì không có khả năng làm nhiệm vụ của giáo viên hạng I.

Bộ Giáo dục không cần quy định giáo viên theo hạng mà hãy để vấn đề nhân sự cho lãnh đạo đơn vị được quyết. Chẳng hạn, đối với giáo viên có năng lực (tương đương hạng I, hạng II bậc trung học phổ thông), hiệu trưởng đã bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó để điều hành công việc chuyên môn nhà trường.

Hiện nay giáo viên giữ chức vụ quản lí chuyên môn như tổ trưởng được giảm 3 tiết dạy/tuần, được nhận 0,25% phụ cấp lương hàng tháng (bậc trung học phổ thông) là chưa tương xứng với công sức, cần có sự thay đổi về chế độ sao cho hợp lí, không cần phải thăng hạng mới chọn được người giỏi - chỉ mang tính hình thức.

Thứ hai, ngày 21/3/2021, trả lời Báo VietNamNet, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo – cho rằng “việc quy định hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên sẽ không cứng nhắc. Có nghĩa một giáo viên mà suốt cả đời chỉ là giáo viên hạng 3 cũng không sao cả.”

Riêng tôi thì không nghĩ như thế, bởi có nhiều trường hợp giáo viên sắp về hưu nhưng vẫn giữ chức danh giáo viên hạng III (hạng thấp nhất bậc trung học phổ thông), cũng không tránh khỏi sự ngại ngùng với đồng nghiệp giữ hạng II, hạng I.

Học sinh sẽ nghĩ thế nào khi thầy cô dạy cùng khối, cùng bậc nhưng người thì giữ hạng cao, hạng thấp khác nhau. Ở các trường chuyên, giáo viên hạng III sẽ ăn nói thế nào với học sinh của mình – em nào cũng giỏi, trong khi thầy cô chỉ ở hạng III.

Giả sử có chuyện lãnh đạo phân công giáo viên hạng I, hạng II dạy lớp chọn, lớp chuyên còn giáo viên hạng III dạy lớp thường, lớp yếu thì học sinh sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất. Chưa kể, nếu phụ huynh không đồng tình giáo viên hạng III dạy lớp yếu cho con em họ, lãnh đạo sẽ rất khó giải quyết.

Ngoài ra, không phải thầy cô nào cũng có cơ hội được thăng hạng chức danh nghề nghiệp vì vị trí việc làm của giáo viên hạng I, hạng II của mỗi trường chỉ khoảng 20%.

Điều 3 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi “cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.”

Dự thảo chủ yếu quy định danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong trường bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Dự thảo bắt đầu lấy ý kiến từ ngày 21/1 và kết thúc vào ngày 21/3/2022.

Tài liệu tham khảo:

https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1580

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-gd-dt-ly-giai-chuyen-xep-hang-dao-duc-giao-vien-721260.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên