10 năm Thanh Hóa không tuyển giáo viên, sinh viên ra trường sẽ đi về đâu?

18/12/2021 06:58
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù không có con số thống kê chính xác nhưng hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thì đội ngũ giáo viên là người Thanh Hóa nhiều vô kể...

Ngày 17/12/2021, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: “Giám đốc Sở Giáo dục Thanh Hóa: Năm nào cũng đề nghị tuyển giáo viên, 2020 tỉnh mới cho” của tác giả Trần Phương khiến nhiều người phải suy nghĩ- nhất là những sinh viên sư phạm ra trường trong nhiều năm trước đây.

Thanh Hóa là một tỉnh rộng, người đông và học sinh ở đây khá ham học. Vậy nên, sau khi học hết phổ thông thì nhiều học sinh lớp 12 đã thi, xét tuyển tuyển vào các ngành sư phạm. Nhưng có một thời gian khá dài, sinh viên sư phạm ở đây học xong thì nhiều người thất nghiệp.

Trong số này, có người phiêu bạt đến các tỉnh phía Nam để tìm việc, có người chuyển nghề, có người đi làm công nhân ở các khu công nghiệp…

Bởi lẽ, có đến 10 năm tỉnh Thanh Hóa không tuyển dụng giáo viên mới cũng đồng nghĩa với 10 khóa sinh viên sư phạm sau khi ra trường không có cơ hội được đứng trên bục giảng.

Ảnh chụp màn hình phóng sự Giáo viên đột ngột mất việc tại Thanh Hóa: “Không biết kêu ai” của Chuyển động 24h, VTV ngày 27/9/2016.

Ảnh chụp màn hình phóng sự Giáo viên đột ngột mất việc tại Thanh Hóa: “Không biết kêu ai” của Chuyển động 24h, VTV ngày 27/9/2016.

Hệ lụy của việc sinh viên học sư phạm ra trường mà địa phương không tuyển dụng

Bài viết: “Giám đốc Sở Giáo dục Thanh Hóa: Năm nào cũng đề nghị tuyển giáo viên, 2020 tỉnh mới cho” của tác giả Trần Phương đã dẫn lời ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở Giáo dục chia sẻ như sau: “Riêng tình trạng thiếu giáo viên và 10 năm không tuyển là tình trạng chung cả nước thiếu giáo viên. Còn không tuyển là vì năm nào cũng đề nghị nhưng mãi đến năm 2020 tỉnh mới cho tuyển”…[1]

Bài viết của phóng viên Trần Phương gợi lại nỗi buồn cho rất nhiều sinh viên sư phạm và giáo viên hợp đồng ở Thanh Hóa trong nhiều năm qua.

Nếu lấy mốc năm 2020 tỉnh Thanh Hóa mới có chủ trương tuyển dụng viên chức cho ngành giáo dục ở đây mà trừ đi 10 năm không tuyển dụng thì chúng ta sẽ quay về mốc từ năm 2010 tỉnh này đã không tuyển dụng giáo viên.

Nhưng, không phải là từ năm 2010 đến năm 2020 tỉnh Thanh Hóa “đóng băng” việc tuyển dụng giáo viên mà nhiều năm trước đó đã xảy ra tình trạng sinh viên sư phạm ra trường rất khó có cơ hội được đứng trên bục giảng.

Bởi từ năm 2005, khi chúng tôi ra trường thì đã không thấy địa phương này thông báo tuyển dụng viên chức một cách công khai. Những người xin được việc đa phần là phải có “nhiều thứ”…quan trọng.

Là người sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa nên sau khi tốt nghiệp đại học thì chúng tôi mong muốn về lại quê hương để theo đuổi nghề dạy học. Vừa là để cống hiến cho quê nhà, vừa được gần gũi gia đình.

Thế nhưng, cơ hội đã không đến với chúng tôi- cũng như rất nhiều sinh viên Thanh Hóa lúc đó mà còn chứng kiến thêm nhiều nỗi buồn, chua chát…

Lúc đó, thầy hiệu trưởng cũ của tôi đang là hiệu trưởng trường Trung học phổ thông bán công đã nhận tôi vào dạy hợp đồng.

Nhưng, trước khi được vào dạy hợp đồng theo tiết ở đây thì thầy đã gợi ý chúng tôi đưa 5 triệu đồng và một lời hứa hẹn là thầy sẽ lo cho vào hợp đồng không xác định thời hạn. Khi nào xong thì đưa thêm 10 triệu nữa.

Số tiền này đối với bản thân tôi lúc đó khá lớn nhưng nghĩ đến cảnh thất nghiệp hoặc phải xa quê nên tôi đành phải chấp nhận.

Tôi được nhận vào dạy hợp đồng, mỗi tuần được xếp 8 tiết dạy, mỗi tiết là 10.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng chúng tôi được nhận khoảng trên 300 ngàn tiền lương và tất nhiên là lúc nghỉ hè thì không có thu nhập.

Nhưng, cũng chỉ dạy được gần 2 năm thì những giáo viên hợp đồng trong trường đồng loạt được thông báo cho nghỉ. Lúc đó, không chỉ bản thân tôi mà trong trường có tới 5 giáo viên cũng đành ngậm ngùi ra đi như vậy.

Những hy vọng để được ký hợp đồng không xác định thời hạn tan biến, nhiều giáo viên hợp đồng của chúng tôi bắt buộc phải tìm hướng đi mới. Có người tìm một công việc trái nghề, có người phải đến địa phương khác để tìm cơ hội được đứng lớp, làm việc mà mình đã được học ở giảng đường đại học.

Sinh viên sư phạm ra trường, giáo viên hợp đồng đi về đâu?

Đọc bài viết: “Giám đốc Sở Giáo dục Thanh Hóa: Năm nào cũng đề nghị tuyển giáo viên, 2020 tỉnh mới cho” thì chúng ta dễ dàng nhận thấy, nếu thông tin nói trên là đúng thì mấu chốt của việc 10 năm địa phương này không tuyển mới giáo viên là tại…lãnh đạo tỉnh.

Vậy nhưng, các trường sư phạm trên cả nước năm nào cũng tuyển sinh, ngay ở Thanh Hóa thì Trường Đại học Hồng Đức vẫn tuyển sinh hằng năm và đào tạo bình thường nhưng sau khi tốt nghiệp thì sinh viên sẽ đi đâu, làm gì chẳng mấy ai quan tâm, để ý.

Cũng chính vì tỉnh không có chủ trương tuyển dụng giáo viên, nhiều trường thiếu nhân sự thì họ ký hợp đồng ngắn hạn và nhiều hiệu trưởng, lãnh đạo địa phương đã trở thành “những ông vua con” được nhiều người tìm đến nhờ cậy.

Vì thế mới có chuyện năm 2016 chỉ riêng huyện Yên Định ở Thanh Hóa đã cắt hợp đồng với 647 giáo viên vì lãnh đạo huyện tuyển dụng không minh bạch. Sau đó, những giáo viên hợp đồng ở huyện Yên Định đã phải gửi kiến nghị lên đến Ban tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ). [2]

Nhiều giáo viên hợp đồng đành ôm nỗi hận trong lòng rồi phải tìm nghề khác để sinh nhai. Nhiều người lỡ dở cả tương lai vì tin vào những lời đường mật của những “cò” chạy việc để rồi mất tiền, mất đi nhiều năm tuổi trẻ.

Nhiều sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm. Người nào yêu nghề thì khăn gói đến những địa phương khác để tìm cơ hội giảng dạy. Người nào đã lập gia đình hoặc vì hoàn cảnh gia đình thì ở lại tìm một công việc khác.

Thậm chí, nhiều người xin đi làm công nhân ở các khu công nghiệp- nơi mà đa phần các công ty chỉ yêu cầu trình độ văn hóa ở cấp trung học cơ sở…

Dù không có con số thống kê chính xác nhưng hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thì đội ngũ giáo viên người Thanh Hóa nhiều vô kể- đây cũng là hệ lụy từ việc nhiều năm địa phương này không tuyển dụng giáo viên.

Cũng may, nhiều tỉnh khác họ tuyển dụng giáo viên và minh bạch trong tuyển dụng nên hàng ngàn sinh viên sư phạm người Thanh Hóa còn có cơ hội đứng trên bục giảng. Nếu không, những sinh viên sư phạm có hoàn cảnh khó khăn không biết bấu víu vào đâu sau khi ra trường.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giam-doc-sgd-thanh-hoa-nam-nao-cung-de-nghi-tuyen-gv-2020-tinh-moi-cho-post223100.gd

[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thanh-tra-chinh-phu-yeu-cau-thanh-hoa-bao-cao-vu-647-giao-vien-mat-viec-post172005.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH