Dạy môn tích hợp: Giáo viên Vật lý, Sinh mất bao lâu để nhớ được bảng nguyên tố?

10/08/2022 06:36
Minh Khôi
GDVN- Nếu giáo viên không giỏi chuyên môn, không đủ kiến thức bộ môn sẽ không thể dạy được học sinh giỏi, hệ lụy sẽ vô cùng lớn.

Sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở bậc trung học cơ sở xuất hiện các môn tích hợp trong đó có môn Khoa học tự nhiên (tích hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Lịch sử và Địa lý (tích hợp môn Lịch sử, Địa lý).

Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều hướng tới việc sau khi đào tạo, bồi dưỡng, giáo viên sẽ đảm nhận được 2, 3 phân môn trên.

Ảnh minh họa - Vtv.vn

Ảnh minh họa - Vtv.vn

Tôi cho rằng có ít giáo viên đủ kiến thức môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sau đào tạo

Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng năm 2022-2023 với các lớp 1, 2, 3, 7, 10 và đến năm 2024-2025 sẽ thực hiện toàn bộ ở các cấp học, bậc học.

Hiện nay, ở bậc trung học cơ sở có 2 môn học còn phức tạp, rối rắm trong quá trình thực hiện là môn Khoa học tự nhiên (tích hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Lịch sử và Địa lý (tích hợp môn Lịch sử, Địa lý).

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có nhiều bài viết phản ánh bất cập, rắc rối phát sinh khi tích hợp 2, 3 phân môn thành môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở bậc trung học cơ sở như:

Các môn tích hợp liệu có kết cục giống VNEN?”; “Gần 1 năm các trường loay hoay 2-3 thầy cô dạy chung môn tích hợp, Bộ nên sơ kết”; “Đến giờ tôi vẫn không hiểu nổi sao Bộ lại "tích hợp" 2-3 môn vào 1 sách”; “Gần hết học kỳ I, giáo viên vẫn rối bời, khổ sở với các môn tích hợp mới”; “Chương trình bồi dưỡng môn tích hợp có trái Luật Giáo dục, chất lượng sẽ ra sao?”; “Tôi e kế hoạch bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp cho các thầy cô dễ phá sản”; “Số phận hàng ngàn giáo viên "bị tích hợp" sẽ về đâu?”; “Tình hình này tôi e việc tích hợp 2-3 môn vào 1 sách sẽ vỡ trận”; “Dạy môn học tích hợp, coi chừng sẽ thành “thầy bói xem voi”; “Tích hợp” 5 không, Bộ Giáo dục đang xây lâu đài trên cát”;…

Hay ý kiến đề xuất dừng việc tích hợp từ lớp 8, 9 như: “Tôi nghĩ Bộ nên sửa chương trình, dừng triển khai các môn tích hợp lớp 8, 9”; “Xin Bộ trưởng hãy cho dừng ngay kiểu tích hợp cơ học này”;…

Thực tế, qua 1 năm triển khai việc dạy tích hợp ở lớp 6 gặp vô số bất cập, sắp tới khi thực hiện ở lớp 7 dự báo sẽ còn nhiều bất cập, rối rắm.

Hiện nay, nhiều nơi chưa bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nên vẫn dạy theo kiểu 2, 3 thầy cùng một sách, cùng một cột điểm, đánh giá, nhận xét, bài kiểm tra định kỳ thì 2,3 giáo viên cùng chấm 1 bài, cùng nhận xét học sinh,…

Theo quan điểm chương trình mới, theo các hướng dẫn, quyết định bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp sẽ hướng đến 1 giáo viên sẽ dạy cả 2, 3 phân môn trong môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Qua một thời gian triển khai, vấn đề khó nhất khi thực hiện không phải phân công thời khóa biểu, sắp xếp môn giảng dạy, nhận xét mà khó nhất chính là việc sau khi bồi dưỡng sẽ khó có giáo viên đủ kiến thức để giảng dạy cả 2, 3 phân môn, nhất là ở khối lớp 8, 9 có nhiều kiến thức rất khó.

Bởi, giáo viên mất 3 – 4 năm để học 1 môn chuyên ngành, ra giảng dạy có những bài còn chưa được hài lòng, chỉ học thêm 300-540 tiết trong điều kiện vừa dạy vừa học thì khó có thể đáp ứng.

Để giảng dạy được thì giáo viên phải nắm được kiến thức chuyên ngành, chuyên sâu theo nguyên tắc “biết 10 dạy 1”.

Với giáo viên hiện nay ở lứa tuổi trên 40 tuổi, hơn 20 năm chỉ giảng dạy một môn, cộng với sức khỏe, trí nhớ suy giảm người viết cho rằng họ sẽ rất khó nắm bắt kiến thức cả 2, 3 phân môn để dạy tốt các môn tích hợp.

Giáo viên lớn tuổi, sức khỏe giảm sút, vừa dạy, vừa tập huấn chương trình mới, vừa thực hiện hàng loạt hồ sơ sổ sách mới,… gặp khó khăn trong việc học bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu 1, 2 phân môn còn lại để dạy được cả 2, 3 phân môn.

Giả sử với 1 giáo viên Vật lý, 20 năm chỉ học tập, giảng dạy Vật lý, kiến thức môn Hóa học, Sinh học đã không còn thì tiếp thu như thế nào với những kiến thức chuyên sâu, chuyên ngành của môn Hóa học, Sinh học để dạy tốt được cả 3 phân môn.

Giáo viên Vật lý, Sinh học trên cần bao nhiêu thời gian để học thuộc được tên các nguyên tố trong Bảng nguyên tố hóa học, hóa trị từng nguyên tố, tên gọi các nguyên tố, hợp chất dưới đây khi sức khỏe, sự tiếp thu đã không còn như trước đây.

Cách đọc mới một số nguyên tố hóa học - ảnh minh họa trên Facebook

Cách đọc mới một số nguyên tố hóa học - ảnh minh họa trên Facebook

Người viết cho rằng, chỉ với những lực lượng giáo viên trẻ mới ra trường được học bài bản môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý có khả năng dạy được ở lớp 6, 7, khi kiến thức nó chủ yếu cơ bản, phổ thông.

Với kiến thức của lớp 8, 9 các môn tích hợp sẽ khó hơn, người viết cho rằng với lực lượng giáo viên đang giảng dạy nhất là những giáo viên trên 40 tuổi, dù tập huấn, bồi dưỡng xong cũng sẽ có một lượng lớn không đủ kiến thức để có thể dạy được 2, 3 phân môn.

Một số giáo viên đã hoàn thành lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên cho rằng việc bồi dưỡng không hiệu quả vì chương trình bồi dưỡng thực chất giống giáo trình giảng dạy sinh viên đại học sư phạm, trong khi kiến thức phổ thông của các môn trên giáo viên đã không còn nhớ, khó tiếp thu nên việc bồi dưỡng chủ yếu “cưỡi ngựa xem hoa”, đối phó, chủ yếu để lấy được chứng chỉ để hợp thức hóa giảng dạy chứ hiệu quả thì người viết cho rằng rất thấp.

Nên người viết cho rằng, khó khăn nhất của bộ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý không phải là thời khóa biểu, vào điểm, nhận xét,... mà khó nhất trong thời gian tới là sau khi đào tạo bồi dưỡng sẽ có một số giáo viên không đáp ứng, không đủ kiến thức để giảng dạy được cả 2, 3 phân môn.

Điều này vô cùng nguy hiểm vì nếu giáo viên không giỏi chuyên môn, không đủ kiến thức bộ môn sẽ không thể dạy được học sinh giỏi, hệ lụy sẽ vô cùng lớn.

Theo ý kiến của người viết, Bộ Giáo dục nên nghiên cứu phương án các chuyên đề ở lớp 8, 9 của phân môn nào để giáo viên đó dạy để đảm bảo tính chuyên sâu, khoa học. Nó cũng là cơ sở, tiền đề để các em có lựa chọn môn học, định hướng nghề nghiệp từ lớp 10.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi