Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.
Theo đó, từ năm học 2021-2022 Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu thực hiện ở lớp 6, trong đó có 2 môn tích hợp lần đầu tiên xuất hiện, đó là: Khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn: Vật lí, Hoá học, Sinh học) và môn Lịch sử và Địa lý (tích hợp từ 2 môn Lịch sử và Địa lí).
Đáng chú ý, Bộ Giáo dục chỉ đạo: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.
Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học”.
Cá nhân người viết cho rằng, chỉ đạo của Bộ Giáo dục giao khiến lãnh đạo các trường phổ thông đang gặp khó về phân công chuyên môn và đào tạo giáo viên dạy học tích hợp.
(Ảnh minh họa: VTV.vn) |
Giáo viên cốt cán cũng không biết phải “tích” thế nào cho “hợp”
Băn khoăn về việc dạy môn Lịch sử và Địa lí, người viết trao đổi với một tổ trưởng chuyên môn cũng là giáo viên cốt cán môn Lịch sử ở Thành phố Hồ Chí Minh thì thầy giáo cho biết, bản thân thầy đến giờ cũng không rõ lắm về dạy học tích hợp.
“Đến thời điểm này, đa số giáo viên bậc trung học cơ sở vẫn chưa được tập huấn module 4 (Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh – tác giả).
Tôi đọc Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục thì liên tưởng đến câu chuyện “Cây tre trăm đốt” - “khắc nhập khắc xuất”, rối hết cả não”, thầy giáo ngao ngán.
Để minh chứng cho điều này, thầy giáo phân tích: “Đã gọi là môn môn Lịch sử và Địa lí (khắc nhập) nhưng lại tách thành 2 phân môn riêng, gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí (khắc xuất).
Mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng (khắc xuất), nhưng trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau (khắc nhập).
Mỗi phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ (khắc nhập). Còn việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn (khắc xuất).
Nhưng bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng bao gồm nội dung phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí theo tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của mỗi phân môn đến thời điểm kiểm tra, đánh giá (khắc nhập).”
Chia sẻ dạy học môn tích hợp nói chung, môn Lịch sử và Địa lí nói riêng, một tổ trưởng chuyên môn cũng là giáo viên cốt cán môn Lịch sử ở tỉnh Quảng Trị nêu quan điểm, tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì 1 giáo viên có thể đảm nhiệm hết 2, 3 môn tích hợp nhưng điều đó khó có thể làm với tình hình đội ngũ nhà giáo bây giờ.
“Người ta nói, “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. “Một nghề cho chính còn hơn chín nghề”. Cho nên, dạy học tích hợp là không có sự chuyên môn hóa. Giáo viên lo 1 môn mà còn chưa xong, nói gì 2, 3 môn.
Bản thân tôi được đào tạo cao đẳng sư phạm Sử, Địa nhưng cũng không muốn dạy 2 môn vì không có thời gian nghiên cứu bài vở. Chắc chắn lâu dài phải từ khâu đào tạo sư phạm tích hợp, nhưng với tình hình này (lương giáo viên thấp – tác giả) để thu hút nhân tài vào nghề giáo là rất khó khăn”, thầy giáo thẳng thắn nhìn nhận.
Trải lòng về chuyện nghề, thầy giáo kể, bản thân thầy lâu nay chỉ dạy Lịch sử. Về lí thuyết, lãnh đạo có thể yêu cầu thầy dạy kiêm nhiệm Địa lí nhưng với giáo viên Địa lí thì khó dạy Lịch sử vì không có chuyên môn.
Cũng theo thầy giáo này, khó nhất là việc ra đề kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) vì 2 giáo viên ra chung 1 đề (cho dù tỉ lệ 50/50) thì cũng rất phiền hà. Chưa kể tính bảo mật đề kiểm tra, rồi việc chấm bài – ai chấm trước, ai chấm sau; ai tổng điểm, ai ra điểm trung bình môn; ai vào điểm học bạ, ai kí tên; ai chịu trách nhiệm chuyên môn?
“Ngược lại, môn Âm nhạc và Mĩ Thuật đã được “li hôn” (tách làm 2 môn so với chương trình cũ). Chương trình cũ chung 1 sách Âm nhạc và Mĩ Thuật nhưng tách hẳn 2 môn rất rõ ràng – môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật, điểm ai nấy lo, sổ ai nấy kí”, thầy giáo so sánh kiểu tích hợp kì lạ đối với môn Lịch sử và Địa lí.
Khó tránh khỏi đào tạo giáo viên kiểu cưỡi ngựa xem hoa
Cá nhân người viết cho rằng, nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn là đương nhiên vì xuất hiện 2 môn học mới: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Thế nhưng, việc đào tạo lại (kể cả đào tạo mới) giáo viên để dạy những phân môn tích hợp chắc chắn sẽ bất cập vì những lí do sau đây.
Thứ nhất, giáo viên trung học cơ sở tốt nghiệp các chuyên ngành ghép như: Ngữ văn- Lịch sử; Lịch sử – Địa lí; Hóa học – Sinh học… hiện tại đang dạy môn chính: Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Hóa học… bởi ở trường cao đẳng (đại học) không đào tạo kiến thức theo kiểu 50/50.
Hơn nữa, lúc đăng kí thi sư phạm, học sinh (hầu như) chỉ yêu thích một môn nên mong muốn học chuyên ngành nhất định mà thôi. Sau này trở thành sinh viên, người thầy tương lai mới được học thêm chuyên ngành ghép.
Vậy nên, giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn - Lịch sử thì hầu như được phân công dạy Ngữ văn. Nếu buộc họ kiêm nhiệm thêm một môn/phân môn Lịch sử thì trong một chừng mực nào đó vẫn dạy được.
Thế nhưng, giáo viên chuyên ngành Lịch sử - Địa lí (Lịch sử là chính) thì khó dạy tốt Địa lí, bởi liên quan đến nhiều kiến thức tự nhiên như: khí hậu, thời tiết, tài nguyên, thổ nhưỡng, địa lí thực vật, các vấn đề về môi trường, tai biến thiên nhiên…
Thứ hai, việc đào tạo lại giáo viên để dạy phân môn tích hợp, cho dù có cố gắng đến đâu chăng nữa cũng khó đảm bảo chất lượng, bởi việc bồi dưỡng chỉ được thực hiện ở một số thời điểm ngắn ngủi trong năm học.
Giáo viên chỉ có thể học vào thứ Bảy, Chủ nhật, thời gian nghỉ hè hoặc học online. Tuy vậy, công việc chính của người thầy vẫn là giảng dạy; quản lí giáo dục học sinh; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ liên quan… thì lấy đâu ra thời gian học tập.
Dẫu biết rằng, có đi ắt có đến – giáo viên rồi cũng được phổ cập kiến thức, nhưng học tập theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa như thế thì rất đáng trăn trở. Người thầy thiếu hụt kiến thức, khi lên lớp sẽ đọc chép, mới hơn là chiếu chép thì “mèo lại hoàn mèo”, có hô hào đổi mới cũng vô ích.
Tất nhiên, không ai phủ nhận việc tự học của giáo viên, nhưng trong một số trường hợp phải học trái với sở trường, niềm yêu thích, kể cả bị “cưỡng chế” thì hoài công, thậm chí còn gây tác dụng ngược.
Thứ ba, việc đào tạo mới giáo viên để dạy môn tích hợp cũng còn quá nhiều điều phải bàn, đó là lấy đâu ra học sinh toàn năng về năng lực, phẩm chất vào học sư phạm?
Thực tế cho thấy, học sinh giỏi Toán, Vật lí, Hóa học, cũng rất hiếm em chọn ngành sư phạm để ra làm thầy dạy môn Khoa học tự nhiên. Bởi học sinh giỏi nhiều chuyên môn thường chỉ chọn một chuyên ngành chuyên sâu ở bậc đại học, cơ hội nghề nghiệp sẽ rộng mở sau khi tốt nghiệp.
Cá nhân người viết đã và đang tham gia thỉnh giảng một số trường tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh thấy rằng, môn Toán ở bậc trung học phổ thông thường được giao cho 2 giáo viên dạy riêng biệt: phần Đại số và Hình học.
Như thế để thấy rằng, ngay trong một môn học cũng khó có giáo viên giỏi toàn diện, nói gì đến môn tích hợp. Kể cả môn Ngữ văn của bậc phổ thông hiện hành, giáo viên vẫn dạy riêng 3 phân môn: văn, tiếng việt và tập làm văn, chứ có tích hợp được bao nhiêu.
Giáo viên bậc trung học cơ sở đang rất băn khoăn, năm học 2021-2022 sẽ dạy môn tích hợp nhưng bản thân lại rất mơ hồ, không biết việc giảng dạy sẽ thế nào đây. Phải chăng, đây là “Một câu hỏi lớn không lời đáp”?
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/2-mon-tich-hop-qua-moi-sao-bo-lai-giao-cho-truong-tu-boi-duong-giao-vien-post218867.gd
[2] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/tranh-cai-mon-dia-ly-thuoc-khoa-hoc-tu-nhien-hay-khoa-hoc-xa-hoi-327497.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.