Năm học 2021-2022 là một năm học mà ngành giáo dục gặp muôn vàn khó khăn ngay từ những ngày đầu Khai giảng bởi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 khá phức tạp. Đầu năm học thì gần như tất cả các tỉnh phía Nam phải dạy và học trực tuyến cho đến bây giờ và cuối học kỳ I thì dịch bệnh lại dịch chuyển ra các tỉnh phía Bắc.
Chính vì thế, việc dạy và học ở các nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các lớp 1, lớp 2 và lớp 6 đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học này. Giáo viên chưa được tập huấn kĩ lưỡng, nhiều môn học ở cấp tiểu học chưa thể dạy được vì các trường đang phải ưu tiên cho các môn chính như Tiếng Việt, Toán…
Việc dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh hoạ: rgep.moet.gov.vn) |
Nhưng, có lẽ rối rắm, khó khăn hơn cả là các môn học tích hợp ở lớp 6- năm đầu tiên của cấp trung học cơ sở. Một học kỳ đã trôi qua nhưng nhiều nhà trường chưa định hình được cách dạy rõ ràng, mọi thứ gần như đang được “thử nghiệm” nên luôn có những ý kiến trái chiều từ đội ngũ nhà giáo.
Bộ nên có đánh gia sơ bộ ban đầu về các môn học tích hợp ở lớp 6
Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tính đến ngày 16/1/2022, cả nước có 33 tỉnh, thành vùng xanh (cấp độ dịch 1); 23 tỉnh vùng vàng (cấp dộ dịch 2); 7 tỉnh vùng cam (cấp độ dịch 3), không có tỉnh vùng đỏ. Trong đó, vùng xanh là vùng có mức độ bình thường mới trong phòng chống dịch Covid-19.
7 địa phương dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học mầm non, tiểu học, phổ thông gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thái Bình và Hà Nam. Các địa phương này đều đang ở cấp độ dịch 1 (vùng xanh). [1]
Nhìn vào số liệu thống kê này, chúng ta đã thấy rất rõ những khó khăn đối với những lớp học đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 là lớp 1, lớp 2 và lớp 6 vì các lớp học này đang được tổ chức học trực tuyến khá nhiều.
Việc dạy và học trực tuyến đối với chương trình mới đang tạo ra những bất cập nhất định ở các nhà trường. Bởi lẽ, một môn học có đến 2-3 giáo viên cùng dạy, khi dạy thì thực hiện riêng nhưng đến khi kiểm tra, vào điểm, nhận xét thì lại thực hiện chung.
Trong khi, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chủ trương phát triển phẩm chất, năng lực người học thì việc đánh giá, nhận xét học sinh theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT rất khó được chính xác.
Chẳng hạn, môn Khoa học tự nhiên có 3 người dạy 3 phân môn khác nhau nhưng khi nhận xét thì chỉ có thể một người thực hiện và tất nhiên giáo viên đó mới nhìn được những ưu điểm, hạn chế của học sinh qua phân môn mình dạy, những phân môn khác làm sao giáo viên biết được.
Vì thế, cách nhận xét kết quả của học sinh ở những môn tích hợp ở lớp cho học kỳ I vừa qua đang thể hiện sự khiên cưỡng và chắc chắc rất khó có được tính chính xác, khách quan.
Bộ nên có đánh gia sơ bộ ban đầu về các môn học tích hợp ở lớp 6
Thời điểm này- dù là dạy trực tuyến hay trực tiếp thì các trường học cũng đã cơ bản dạy và kiểm tra xong kiến thức học kỳ I ở các cấp học nên việc đánh giá, rút kinh nghiệm sơ bộ cho những môn học tích hợp cũng là điều rất cần thiết.
Nếu Bộ tổ chức đánh giá sơ bộ các môn tích hợp và nhìn nhận đúng thực tế để thấy những ưu điểm, hạn chế của môn học sẽ có định hướng tốt hơn trong giảng dạy trong thời gian tới.
Bởi lẽ, sự bất cập của các môn tích hợp hiện nay không chỉ bộc lộ ở việc 2-3 giáo viên dạy chung một môn học và được thực hiện độc lập, riêng lẻ nhưng đến khi kiểm tra lại phải cùng thống nhất với nhau trong một đề kiểm tra.
Việc dạy riêng nhưng ghép chung các đơn vị kiến thức trong một đề kiểm tra sẽ dẫn đến những bất cập trong việc xây dựng ma trận, thiết lập các đơn vị kiến thức theo cấu trúc 4-3-2-1 (40% nhận biết, 30 % thông hiểu, 20% vận dụng thấp, 10% vận dụng cao) mà Bộ đang triển khai.
Hơn nữa, việc nhận xét học sinh qua từng môn học sẽ thực hiện ra sao cho hiệu quả bởi 2-3 người dạy những chắc chắn khi nhận xét thì chỉ có 1 giáo viên thực hiện chứ không thể là cả 3 người cùng ngồi nhận xét chung. Trong khi, có em giỏi Hóa nhưng dở môn Lí, Sinh và có thể ngược lại….
Việc đánh giá sơ bộ các môn tích hợp ở học kỳ I sẽ giúp cho các địa phương, các nhà trường có những định hướng tốt nhất trong việc chỉ đạo các kế hoạch ở học kỳ II, cũng như đình hình ra cách dạy, cách thực hiện ở các năm học sau được tốt hơn.
Bởi, các năm học tới đây sẽ đến lớp 7, lớp 8 và lớp 9- những lớp học cao hơn tất nhiên sẽ tăng dần độ khó nên việc giảng dạy của giáo viên sẽ phức tạp hơn nhiều thì việc dạy và học các môn tích hợp cũng sẽ phức tạp hơn.
Một khi các trường học chưa có sự thống nhất trong việc thực hiện sẽ dẫn đến mỗi trường thực hiện mỗi kiểu và tất nhiên là mục tiêu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng sẽ khó đạt được- nhất là đối với các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở.
Chính vì thế, lúc này toàn ngành đã thực hiện xong học kỳ I thì việc có một hội nghị để sơ kết, rút kinh nghiệm cho các môn học tích hợp là rất cần thiết và rất nên làm.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://suckhoedoisong.vn/ca-nuoc-hien-chi-co-7-tinh-day-hoc-truc-tiep-cho-hoc-sinh-tat-ca-cac-cap-hoc-169220118161624182.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.