Mười điều mong mỏi của giáo viên trước thềm năm học mới 2022-2023

26/08/2022 06:36
Minh Khôi
GDVN- Tuy thiếu giáo viên nhưng nhiều địa phương vẫn giao chỉ tiêu phải giảm 10% biên chế khi sĩ số càng ngày càng tăng, nên rất khó đặt hàng tuyển dụng.

Năm học 2021-2022 có thể nói là một năm vô cùng đặc biệt, thầy và trò cả nước vừa gồng mình phòng chống dịch vừa phải căng mình dạy và học trực tuyến với khoảng thời gian học trực tuyến có nơi lên đến 8 tháng.

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, ngày 5/9 cả nước sẽ đồng loạt tổ chức khai giảng trực tiếp ở tất cả các cơ sở giáo dục trong không khí hân hoan, trong niềm vui chung cả nước.

Ảnh minh họa - P.L

Ảnh minh họa - P.L

Thực tế, dù ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng trong năm qua nhưng người viết cho rằng sự thay đổi vẫn còn chậm, những sự việc tiêu cực, vi phạm đạo đức nhà giáo, đạo đức người học xuống cấp, vi phạm dạy thêm học thêm, chưa trung thực,…vẫn còn tồn tại khiến nhiều người bức xúc và bất bình.

Qua bài viết này, người viết là giáo viên công tác nhiều năm xin được gửi đôi lời mong ước, hy vọng về năm học mới gửi đến các cơ quan ban ngành và các cấp có thẩm quyền.

Thứ nhất, nên dùng yêu thương, bao dung để xử lý sai phạm của học sinh

Học sinh ở lứa tuổi mà tâm sinh lý đang trong giai đoạn hình thành và phát triển nên có nhiều em trở thành cá biệt, dễ hư hỏng nếu không có tình thương, bao dung của người thầy và nhà trường.

Nhiều em lứa tuổi trung học cơ sở thích thể hiện mình, thích làm người lớn, thích nổi trội,…dẫn đến những bất bình thường, nghịch ngợm.

Việc chạy theo thành tích, chỉ tiêu lên lớp thẳng 100%,…đã khiến nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”, tâm sinh lý bị ức chế.

Thực tế, có nhiều học sinh nghịch ngợm phá phách, hư hỏng ở bậc trung học cơ sở nhưng khi bước qua tuổi hiếu động, nghịch ngợm các em sẽ tự điều chỉnh mình, nhiều em trong số đó trở thành người có ích cho xã hội. Các em sẽ dần hoàn thiện, bổ khuyết đức - trí - thể - mỹ bằng lòng nhiệt tâm uốn nắn, dạy dỗ của thầy cô giáo.

Do đó, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên nên uốn nắn mình hơn để có cách cư xử cho phù hợp hơn, đừng vì những phút nóng giận quá đà khiến các em bỏ học, khiến các em hư hỏng, phá vỡ cuộc đời các em.

Xin đừng nhầm lẫn giữa xử phạt học sinh với bạo hành thân thể, nên hy vọng trong năm học mới sẽ chấm dứt tình trạng giáo viên bạo hành học sinh, hãy dùng yêu thương để xử lý học sinh, đặt mình vào vị trí học sinh và tạo ra những phương pháp giáo dục nhân văn, nhân bản hơn.

Thứ hai, trao cho thầy cô thêm quyền tự chủ trong giáo dục học sinh

Ngành giáo dục đang ra sức phát động và xây dựng mô hình trường học hạnh phúc để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” nhưng hình như quên khía cạnh muốn trường học hạnh phúc thì không chỉ học sinh hạnh phúc mà thầy phải hạnh phúc, thầy phải cảm thấy an toàn, được bảo vệ trong môi trường trong giáo dục.

Có thể nói giáo dục với nhiều thay đổi nhưng hiện nay thì 2 vũ khí của người thầy là xử lý học sinh và cho điểm đều bị “tước đoạt” bởi những chỉ tiêu cao ngất ngưởng 99-100%.

Với những quy định mới trong điều lệ trường học, giáo viên thậm chí còn không được phê bình học sinh trước lớp cho dù học sinh đó có vi phạm như thế nào đi nữa theo người viết là “phản giáo dục”.

Giáo dục có nhiều phương pháp cách thức khác nhau, linh hoạt trong vận dụng phương pháp cũng là làm cho giáo dục linh hoạt hơn, giúp học sinh sửa sai và trở thành người tiến bộ, có ích.

Tất nhiên, xúc phạm thân thể là không còn phù hợp nhưng giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp khi học sinh vi phạm nặng là không phù hợp.

Với việc chạy theo thành tích, chỉ tiêu 100% lên lớp thẳng, 100% giỏi, khá chính là những chỉ tiêu tước đoạt quyền cho điểm đúng năng lực người học, tước đoạt quyền lưu ban của học sinh.

Thứ ba, cấp thiết có thang bảng, lương riêng cho nhà giáo

Làn sóng giáo viên nghỉ việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và nhiều địa phương khác đã cho thấy lương, thu nhập giáo viên hiện nay chưa tương xứng với vị thế của nhà giáo, với nghề được xem là cao quý, với nghề giáo là nghề đặc thù tạo ra những ngành nghề khác, chưa tương xứng với giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Giáo viên mới ra trường chưa đến 4 triệu đồng, giáo viên công tác 10 năm cũng chỉ tầm 5,5 triệu đồng,… rõ ràng không còn phù hợp phải thay đổi.

Nếu không cấp thiết thay đổi lương, thu nhập, đãi ngộ cho nhà giáo thì khó ngăn làn sóng nghỉ việc của giáo viên, khó thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm, khó giữ chân giáo viên giỏi.

Thứ tư, hãy trung thực trong giáo dục

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 12/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, giáo dục luôn được xã hội quan tâm, nhưng cũng thừa nhận giáo dục chưa trung thực.

Câu chuyện trung thực trong giáo dục không mới, khi trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục phải “dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Tuy nhiên, chữ “Thật” trong giáo dục chưa được như kỳ vọng, vấn nạn chạy theo chỉ tiêu, thành tích, nâng điểm, sửa điểm,… vẫn còn tồn tại.

Thứ năm, bớt gánh nặng hồ sơ sổ sách

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 theo hướng đánh giá năng lực và phẩm chất học sinh, hướng đến giáo dục học sinh tích cực, giỏi về thực hành, vận dụng vào cuộc sống.

Tuy nhiên, những trang giáo án theo Công văn 5512 mỗi bài dài hàng chục trang, những việc soạn một đề kiểm tra bao gồm ma trận, bảng đặc tả, đề, đáp án,... khuôn mẫu cũng dài hàng chục trang cho thấy bệnh hình thức chưa được thuyên giảm.

Những việc ghi nhận xét hàng trăm học sinh mà một số địa phương đang áp dụng từng học kỳ cũng khiến giáo viên ngao ngán.

Giáo viên càng mất thời gian thực hiện hồ sơ, giáo án khuôn mẫu thì sẽ mất nhiều thời gian, mất đi sự sáng tạo.

Thứ sáu, hạn chế việc dạy thêm thu tiền

Vấn nạn o ép hay dạy thêm học thêm trái quy định ngày càng biến tướng, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Thời gian qua, Chính phủ có những chỉ đạo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu phương án giảm học phí, giảm giá sách giáo khoa, cho học sinh mượn sách giáo khoa,… được nhiều người đồng tình.

Theo báo cáo từ nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trung bình gia đình học sinh Việt Nam đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh đi học, trong đó khoản chi lớn nhất là học thêm.

Hiện nay, nhiều điều khoản của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản thay thế nên rất khó trong quản lý, kiểm soát dạy thêm, nhất là dạy thêm học sinh chính khóa.

Theo người viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nhanh chóng ban hành quy định về dạy thêm học thêm thay thế Thông tư 17 trong đó nên quy định rõ giáo viên được dạy thêm tối đa bao nhiêu nhóm, quy định rõ kinh phí tối đa mà người học phải đóng, cấm dạy thêm học sinh chính khóa,...

Thứ bảy, giảm bớt hội họp, tập huấn vô bổ

Hiện nay, giai đoạn công nghệ thông tin bùng nổ, việc trao đổi thông tin giữa giáo viên trong tổ chuyên môn, trong trường qua rất nhiều phương tiện Zalo, Facebook, văn phòng điện tử,…rất tiện lợi.

Việc quy định cứng mỗi tháng tổ chuyên môn họp tổ 2 lần, họp hội đồng sư phạm 1 lần, chưa kể họp đột xuất, họp lãnh đạo,…theo tôi đã không còn phù hợp, nó chiếm khá nhiều thời gian của giáo viên.

Theo tôi, chỉ khi nào cần lấy phiếu kín về ý kiến tập thể thì cần triệu tập họp tổ, họp hội đồng, những vấn đề dạng trình bày, báo cáo chỉ cần hiệu trưởng triển khai và tổ trưởng triển khai lại tổ viên.

Những buổi tập huấn trực tuyến, trực tiếp thời gian vừa qua chưa cho thấy hiệu quả, cần được giảm tối đa dành thời gian cho giáo viên nghiên cứu bài, sản phẩm học tập của học sinh.

Thứ tám, chia hạng giáo viên “đúng hạng”

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin qua khảo sát đa số giáo viên đồng tình với việc chia hạng.

Tuy nhiên, việc chia hạng hiện nay còn cào bằng, hên xui, chưa đánh giá đúng năng lực, chưa thể hiện người giỏi có thành tích ở hạng cao.

Nên, người viết tha thiết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để làm sao giáo viên được bổ nhiệm “đúng hạng”, tạo động lực cho giáo viên phấn đấu.

Thứ chín, hạn chế tình trạng thiếu giáo viên

Tình trạng thiếu giáo viên cả nước, khan hiếm nguồn tuyển giáo viên là thực trạng diễn ra thời gian gần đây.

Gần như địa phương nào cũng thiếu giáo viên, những bộ môn mới xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì không có nguồn tuyển, chưa đào tạo,... khiến chương trình mới khó thực hiện suôn sẻ.

Tuy thiếu giáo viên nhưng tại nhiều địa phương vẫn giao chỉ tiêu phải giảm 10% biên chế khi sĩ số học sinh càng ngày càng tăng nên rất khó đặt hàng, khó đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng.

Người viết cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quyết liệt hơn trong các việc sáp nhập trường liên cấp, mở rộng trường ngoài công lập, cơ sở giáo dục nào thiếu hơn 20% giáo viên thì nên tính đến phương án giải thể, sáp nhập với đơn vị khác.

Thứ mười, giảm các phong trào, kỳ thi giáo viên và học sinh không cần thiết

Để thực hiện chương trình mới thành công thì giáo viên cần chuyên tâm vào bồi dưỡng chương trình mới, nghiên cứu bài giảng, nên giai đoạn này người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tạm dừng các hội thi của giáo viên và học sinh.

Trên đây là những vấn đề mà theo người viết là rất cần thiết, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét có những điều chỉnh ngay từ khi bắt đầu vào năm học mới 2022-2023, từng bước đưa giáo dục phát triển một cách thực chất, cả giáo viên và học sinh đều cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi