Vì sao Bộ GD không thể bỏ chia hạng, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên?

01/06/2022 06:36
Minh Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể giải quyết mong muốn của giáo viên khi họ là viên chức chịu sự chi phối của Luật Viên chức, Nghị định Chính phủ về viên chức.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập cả nước.

Theo người viết, dự thảo cơ bản xóa được những bất cập, bất công của chùm Thông tư 01-04/2021 được ban hành trước đó. Nhiều giáo viên cám ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự thảo Thông tư này.

Tuy nhiên, 2 vấn đề mà giáo viên quan tâm và bức xúc nhất chính là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và chia hạng giáo viên vẫn tồn tại trong dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư trên. Thực tế, nhiều giáo viên băn khoăn tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không bỏ luôn việc chia hạng, bỏ yêu cầu các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, căn cứ đánh giá và trả lương theo năng lực làm việc của thầy cô.

Ảnh minh họa - CTV

Ảnh minh họa - CTV

Trong bài viết, người viết xin tập trung vào vấn đề vì sao khi ban hành dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 vẫn không thể bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hay chia hạng giáo viên gây bức xúc trong thời gian qua.

Vì sao dự thảo vẫn giữ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên?

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dành cho giáo viên là điều rất bất cập, bất hợp lý đã được phản ánh trong rất nhiều bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đa số ý kiến giáo viên đều mong muốn bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vô bổ, giấy phép con này.

Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 đối với giáo viên ở cấp học mầm non, phổ thông, vẫn yêu cầu giáo viên ở hạng 3 phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (trước đây mỗi hạng phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp).

Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ban hành dự thảo Thông tư mới không thể bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên vì tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức yêu cầu “…3. Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.”

Không riêng gì giáo viên, tất cả viên chức muốn bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Cao hơn nữa Văn bản hợp nhất số: 26/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Viên chức 2010 và Luật số 52/2019/QH14 ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại Điều 33 có quy định hình thức đào tạo, bồi dưỡng viên chức gồm: “…b) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp;..”

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện theo đúng quy định của Luật Viên chức, Nghị định 89/2021 của Chính phủ về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, việc giảm từ 3-4 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp xuống còn 1 chứng chỉ, bên cạnh đó chùm Thông tư 01-04 đã bỏ chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học là sự cố gắng rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, những quy định trong Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 cũng được đơn giản hóa.

Tại khoản 2, 3 Điều 5 điều khoản thi hành của dự thảo nêu rõ (trích lược):

Giáo viên được dùng một trong các chứng chỉ hạng I, hạng II, hạng III trước đây tương đương các chứng chỉ chức danh hiện hành.

Giáo viên mới tuyển dụng phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong thời gian tập sự, nếu thuộc diện không tập sự thì bổ sung trong vòng 01 năm, giáo viên hiện nay chưa có chứng chỉ phải bổ sung trong vòng 3 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Dự thảo mới tuy vẫn còn quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhưng cũng giảm được áp lực lớn lên giáo viên và phù hợp quy định hiện hành.

Vì sao Bộ cũng không thể bỏ chia hạng giáo viên?

Tại chùm Thông tư 20-23/2015 chia giáo viên thành 3-4 hạng, chùm Thông tư 01-04/2021 và cả dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 chia giáo viên thành 3 hạng I, II, III.

Bất cập lớn của chia hạng là giáo viên cùng làm công việc như nhau nhưng lại chia hạng khác nhau, có tổ trưởng, hiệu trưởng hạng thấp hơn giáo viên.

Giáo viên ở hạng cao thì nghiễm nhiên được xếp lương cao dù có người không cố gắng, không giữ chức vụ gì,…vì không có cơ chế xuống hạng.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 quy định giáo viên đảm bảo 2 tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng là được bổ nhiệm hạng mới tuy đơn giản, dễ bổ nhiệm lương mới nhưng dễ xếp giáo viên “nhầm” hạng.

Giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ chỉ cần đảm bảo trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng III, II là sẽ được bổ nhiệm hạng II, tuy đơn giản nhưng cũng khiến giáo viên băn khoăn vì có giáo viên không có thành tích gì, không giữ nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn giáo viên hạng II mới cũng sẽ được bổ nhiệm hạng II, cũng không có trường hợp giáo viên ở hạng II nào xuống hạng III khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Đa phần giáo viên đều mong muốn bỏ chia hạng để đảm bảo công bằng khi thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, giáo viên là viên chức phải chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức và Nghị định Chính phủ về viên chức.

Tại Điều 31 Văn bản hợp nhất Luật Viên chức quy định về bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp:

“1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc sau:

a) Làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó;

b) Người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.”

Tại khoản 2 Điều 28 Nghị định Số: 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có quy định các chức danh nghề nghiệp viên chức gồm viên chức hạng I-IV.

Do đó, trong các Thông tư bổ nhiệm xếp hạng giáo viên, phân chia giáo viên thành 3 hạng là đúng theo quy định của Chính phủ, Luật Viên chức hiện hành.

Làm sao để bỏ chứng chỉ nghề nghiệp, chia hạng viên chức?

Do đó, muốn bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, bỏ chia hạng giáo viên không phải là chuyện một sớm, một chiều, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể giải quyết mong muốn của giáo viên khi họ là viên chức chịu sự chi phối của Luật Viên chức, Nghị định Chính phủ về viên chức.

Theo người viết, để giảm bức xúc trong giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình các cấp có thẩm quyền nghiên cứu phương án bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên từ nguồn kinh phí của nhà nước chi cho giáo dục về bồi dưỡng thường xuyên hoặc giao cho các đơn vị lên kế hoạch bồi dưỡng miễn phí cho giáo viên cả nước.

Về chia hạng giáo viên thì có thể tiến dần đến chia hạng hợp lý hơn, giáo viên giỏi có thành tích tốt ở hạng cao, giáo viên còn lại ở hạng thấp hơn.

Việc chia hạng giáo viên phải có thăng hạng, giáng hạng để giáo viên hạng cao luôn nỗ lực phấn đấu, hiện nay trong các văn bản của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định về giáng hạng nên vô hình trung tạo bất công, bất bình đẳng giữa người hạng cao, hạng thấp.

Xa hơn nữa, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan ban ngành nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo để xác định rõ các chức danh nhà giáo, nâng cao vị thế của nhà giáo tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và ban hành một số chính sách, chế độ đối với đội ngũ nhà giáo, tạo động lực thu hút, động viên đội ngũ nhà giáo toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục, tạo cơ sở pháp lý để nhà giáo hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm.

Khi xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo tiến tới giáo viên không còn là viên chức, khi đó sẽ có những lợi ích về việc tuyển dụng nhà giáo, không phân biệt giáo viên công – tư, không phân biệt giáo viên hợp đồng, giáo viên biên chế, khi đó mới có thể xây dựng lương nhà giáo tương xứng, khi đó có thể không còn việc bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức, chia hạng giáo viên mà giáo viên bức xúc như hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khoa