Đừng ấn định chỉ tiêu cao ngất ngưởng thì mới hy vọng “dạy thật, học thật”

14/05/2021 06:53
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ai cũng mong muốn thầy cô giáo dạy thật, đánh giá thật, còn học sinh thì học thật, có ý chí vươn lên trong học tập để có được những nhân tài thật cho đất nước.

Dạy thật, học thật, thi thật” đã trở thành chủ đề nóng hổi trên diễn đàn của khá nhiều tờ báo trong những ngày qua với rất nhiều bài viết của các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh từ khắp nơi trên cả nước.

Tựu trung lại, ai cũng mong muốn thầy cô dạy thật, đánh giá thật, học sinh học thật, có ý chí vươn lên trong học tập để có được những nhân tài thật cho đất nước. Những mong muốn bình dị ấy nghe chừng giản đơn nhưng suốt hàng chục năm qua thì nó đã trở nên xa xỉ.

Vì sao vậy? Phải chăng, một số lãnh đạo ngành, lãnh đạo nhiều địa phương chưa dám nhìn thẳng vào sự thật, chưa dám đương đầu với sự thật để đưa ra giải pháp cho một vấn đề này một cách cụ thể?

Nhiều địa phương thường “né” và che đậy hạn chế này bằng những con số đẹp trong những báo cáo, bằng những tỉ lệ học sinh khen thưởng cuối năm cao ngất ngưởng và tiếng vỗ tay ồn ào trong những buổi tổng kết năm học…rồi thôi!

Tình trạng điểm 9, điểm 10 đang khá phổ biến ở nhiều trường học (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: DAD/Vietnamnet.vn)
Tình trạng điểm 9, điểm 10 đang khá phổ biến ở nhiều trường học
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: DAD/Vietnamnet.vn)

Ấn định chỉ tiêu đầu năm cao ngất là nguyên nhân cơ bản khiến cho việc dạy thật, học thật trở nên xa vời

Có một sự thật đang tồn tại ở gần hết các trường phổ thông không chuyên là luôn có một bộ phận học sinh chưa có động lực học tập, học hành rất yếu, yếu từ khi mới vào tiểu học. Nhưng, các em vẫn được lên lớp bình thường, thậm chí nhiều em yếu mà vẫn được khen thưởng vào dịp cuối năm.

Vì sao lại có tình trạng tréo ngoe như vậy?

Ngay từ những ngày bước vào năm học mới, Sở, Phòng gửi về số liệu thống kê kết quả học tập của các đơn vị ở năm học trước. Những trường lớn thì tỉ lệ học sinh giỏi, khá nhiều là điều đương nhiên, không có gì bàn cãi nữa. Bởi, phần lớn các trường có điều kiện thì phụ huynh luôn đầu tư cho con em mình những điều tốt nhất trong học tập.

Những trường khó khăn trong địa bàn thì chất lượng học tập thật của học sinh đương nhiên sẽ thấp hơn. Nhưng, lãnh đạo những nhà trường này không muốn như vậy. Họ luôn đặt câu hỏi và so sánh số liệu trước Hội đồng sư phạm nhà trường về chất lượng giữa trường mình và trường khác.

Và, bao giờ cũng vậy, trong ngày đại hội viên chức đầu năm học thì Ban giám hiệu nhà trường cũng ấn định chỉ tiêu chất lượng giảng dạy cho các tổ chuyên môn, các khối học của đơn vị mình tương đồng với tỉ lệ bình quân về học lực của huyện, của tỉnh và giáo viên gần như không được “mặc cả” về những chỉ tiêu này.

Khi mà tỉ lệ ấn xuống như vậy, giáo viên phải đăng ký chất lượng giảng dạy của mình về tỉ lệ khá, giỏi, trung bình theo chỉ tiêu mà trường đã giao cho tổ chuyên môn.

Cuối năm, nếu giáo viên không đạt chỉ tiêu đăng ký đầu năm thì không được xếp loại đánh giá viên chức ở mức cao, không được xét thi đua khi chất lượng không hoàn thành chỉ tiêu.

Nhưng, có mấy thầy cô lại chấp nhận đánh đổi việc dạy thật - học thật - thi thật với kết cục mình bị xếp loại viên chức ở mức thấp, không có danh hiệu thi đua, bị chê trách là dạy kém?

Vì thế, những học sinh yếu thì được đôn lên loại trung bình, trung bình lên khá, khá lên giỏi. Muốn đạt được số liệu như vậy thì thực ra cũng không có gì là khó khăn cả. Khi kiểm tra thì giáo viên “linh hoạt” cho điểm. Học sinh yếu thì cho làm bài tập nhóm để lấy điểm cả nhóm.

Khi kiểm tra học kỳ thì giới hạn ít bài, Sở, Phòng thì chỉ mới ra đề với học sinh cuối cấp nên đa số các khối còn lại thì trường ra đề.

Vậy nên, khi ôn kiểm tra thì có những giáo viên ôn sát đề cho học sinh, thậm chí còn hướng dẫn trực tiếp vào đề kiểm tra. Ngày kiểm tra, học sinh chỉ việc “tái hiện” lại trên bài của mình mà thôi.

Vậy, học sinh không được điểm cao mới là lạ, còn học sinh được điểm cao là chuyện rất bình thường. Chính vì thế, nhiều học sinh đạt điểm trung bình các môn đến trên 9 phẩy nhưng vẫn xếp hạng ở mức giữa của lớp…

Ở cấp tiểu học thì loạn điểm 9 và 10 vào dịp kiểm tra cuối kỳ và danh hiệu học sinh xuất sắc.

Vì nhiều trường phân công giáo viên chủ nhiệm tự gác kiểm tra, tự chấm bài lớp mình. Nhiều giáo viên chủ nhiệm còn chủ động đưa danh sách học sinh khen thưởng cho giáo viên các môn chuyên từ khi chưa kiểm tra học kỳ để giáo viên chuyên lưu ý và nâng từ mức “hoàn thành” lên “hoàn thành tốt” để đủ điều kiện khen thưởng.

Bây giờ, các trường học từ cấp mầm non đến trung học phổ thông đều vận động phụ huynh đóng tiền để khen thưởng học sinh cuối kỳ, cuối năm học nên nhiều trường vận động được nhiều thì khen nhiều.

Ban giám hiệu nhà trường vui, lãnh đạo cấp trên mừng, giáo viên thì được khen dạy giỏi, phụ huynh thì cũng mong con mình được khen…thành ra có nhiều khi khen ảo.

Dạy thật, học thật phải bắt đầu từ…sự thật

Chúng tôi cho rằng, muốn hạn chế và tiến tới việc dạy thật, học thật thì phải bắt đầu nhìn vào sự thật. Sự thật ở đây là chất lượng đầu vào của học sinh, vào tay nghề của giáo viên, vào sự đầu tư của địa phương, nhà trường cho các hoạt động dạy và học.

Giáo viên sẽ khó đào tạo ra toàn học sinh giỏi và khá khi mà chất lượng đầu vào thấp, học sinh có động lực học tập thấp. Và, học sinh cũng khó trở thành những học sinh giỏi nếu chưa gặp được những thầy cô tâm huyết, giỏi chuyên môn.

Vì thế, muốn dạy thật, học thật phải bắt đầu từ rất nhiều khâu khác nhau.

Thứ nhất: lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành, lãnh đạo nhà trường vào nhìn vào điều kiện của đơn vị mình để đề ra chỉ tiêu cho các nhà trường, các tổ chuyên môn. Không đánh đồng, so sánh chất lượng giáo dục giữa trường này với trường khác mà phải căn cứ vào thực tế để có kế hoạch khích lệ động lực học tập cho học trò tiến bộ.

Lãnh đạo nhà trường mạnh dạn chỉ đạo giáo viên dạy thật, đánh giá thật, không chạy theo chỉ tiêu thành tích. Nếu một khi phụ đạo mà học sinh không tiến bộ, không nắm được những kiến thức cơ bản thì mạnh dạn cho học sinh ở lại lớp.

Nếu các nhà trường cứ đánh giá nửa vời, học sinh luôn được thầy cô nâng đỡ thì nhiều em sẽ mất đi động lực học tập bởi có những em quan niệm học như thế nào thì cuối cùng cũng được lên lớp.

Thứ hai: giáo viên được quyền đánh giá thật mà không bị ràng buộc giữa các yếu tố xếp loại thi đua, khen thưởng. Nhà trường có chính sách khen thưởng, động viên những giáo viên nhiệt tình, có nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả dạy học, giúp được học sinh yếu kém tiến bộ.

Những giáo viên đánh giá không đúng năng lực học tập học trò, không công bằng thì cũng cần thiết phải phê bình, rút kinh nghiệm.

Thứ ba: ngành giáo dục cần bớt đi các cuộc thi, hội thi vô bổ, hạn chế tối đa các phong trào ngoài ngành.

Các tiêu chí xếp loại thi đua, xếp loại viên chức, chuẩn giáo viên cần hướng vào thực chất công việc. Không nhất thiết phải đề cao một vài phong trào như thi viết sáng kiến kinh nghiệm, thi làm đồ dùng dạy học…và đề cao quá mức các phong trào này.

Những loại hồ sơ, sổ sách, hội họp không cần thiết thì giảm tải cho giáo viên để tránh lãng phí về thời gian, công sức của người thầy, để họ tập trung cho chuyên môn.

Thứ tư: phụ huynh cần chung tay giáo dục học trò, quan tâm đến con em mình khi ở nhà. Gia đình phải là điểm tựa và khích lệ để các em cùng tiến bộ. Tạo động lực cho con em mình sẽ hơn là tạo áp lực, so sánh.

Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình phải được duy trì một cách bình đẳng, cảm thông và trách nhiệm…

“Dạy thật, học thật” không phải là quá khó, cái khó là nhiều người không dám nhìn thẳng, không dám đối diện với sự thật. Nếu mọi người cứ mải mê chạy đua theo những số liệu ảo, danh hiệu ảo thì mục tiêu hướng tới việc “dạy thật, học thật” chỉ mãi nằm trên khẩu hiệu mà thôi!

KIM OANH