Năm học 2022-2023 là năm mà cả 3 cấp học phổ thông đều thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 1,2,3 ở tiểu học; lớp 6,7 ở cấp trung học cơ sở; lớp 10 ở cấp trung học phổ thông) nhưng đến nay vẫn đang còn nhiều ý kiến trái chiều khác nhau.
Vẫn biết, khi thực hiện chương trình mới sẽ có nhiều khó khăn, bất cập nhưng có lẽ chưa có chương trình nào lại khiến cho cơ sở rối rắm như chương trình 2018 dù khi ban hành chương trình thì Bộ và nhiều tác giả chương trình cho rằng đây là chương trình ưu việt và được chuẩn bị công phu nhất.
Năm 2022 đã khép lại, năm 2023 đã đến, chúng tôi xin phác thảo lại những bất cập mà chương trình mới đang thực hiện ở các cấp học phổ thông với hy vọng toàn ngành sẽ phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, bất cập và đưa có những giải pháp căn cơ trên lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chương trình mới đã triển khai được một nửa chặng đường (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Nhìn lại quá trình chuẩn bị, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng ta thấy có một sự chuẩn bị dài hơi trong trong nhiều năm và có nhiều lợi thế hơn các chương trình đã ban hành trước đây. Tính đến nay, chương trình 2018 đã qua 3 nhiệm kỳ Bộ trưởng…
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố vào chiều ngày 5/8/2016- lúc đó, thầy Phạm Vũ Luận đang làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đến chiều ngày 28/7/2017, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình giáo dục phổ thông 2018) chính thức được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua. Ngày 27/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình môn học.
Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 - thời điểm này thầy Phùng Xuân Nhạ đang làm Bộ trưởng.
Khi thầy Nguyễn Kim Sơn lên làm Tư lệnh ngành thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Chương trình mới sẽ thực hiện cuốn chiếu đến năm học 2024-2025 sẽ thực hiện xong ở các lớp cuối cấp là lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Như vậy, lấy mốc ngày 5/8/2016- ngày mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến hết năm học 2024-2025 (lúc thực hiện xong cả 3 cấp học) là 9 năm. Nếu tính cả thời gian chuẩn bị dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì thời gian còn nhiều hơn.
Tuy nhiên, đến năm 2022 vừa qua - năm mà ngành giáo dục triển khai đồng loạt việc giảng dạy ở cả 3 cấp học thì chúng ta vẫn thấy còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, nhất là ở cấp trung học phổ thông và trung học cơ sở.
Thứ nhất: môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông đã thay đổi vào “phút chót”.
Theo thiết kế ban đầu, Lịch sử là môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông qua chương trình dự thảo, chương trình chính thức từ nhiều năm trước đây.
Trước khi thông qua chương trình tổng thể, chương trình môn học, Bộ đã đăng tải chương trình dự thảo trên cổng thông tin của Bộ và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều tháng để lấy ý kiến.
Theo đó, chương trình môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế theo 2 giai đoạn (giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm, từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm, từ lớp 10 đến lớp 12) và có một lộ trình rất rõ ràng.
Đó là giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Lịch sử là nội dung bắt buộc nhưng đến giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn.
Như vậy, về cơ sở pháp lý thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện công khai và công bố rộng rãi đến các cơ quan chức năng và các tầng lớp Nhân dân. Chỉ tiếc, suốt mấy năm trời, mọi thứ đều yên bình, không có sự gay gắt từ các cơ quan, ban ngành và cá nhân về vấn đề này.
Mãi đến thời điểm các nhà xuất bản phát hành sách giáo khoa lớp 10 (chương trình 2018) và các trường trung học phổ thông lên kế hoạch tuyển sinh 10 nhằm chuẩn bị cho năm học 2022-2023 thì dư luận xã hội mới đồng loạt lên tiếng gay gắt về chuyện môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông.
Vì thế, theo thiết kế ban đầu, môn Lịch sử là môn học không phải môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông cũng đồng nghĩa chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử đã được kết thúc ở lớp 9 nên học sinh học xong lớp 9 là đã được trang bị kiến thức cơ bản về Lịch sử.
Bây giờ, khi môn Lịch sử đã trở thành “bắt buộc” ở cấp trung học phổ thông, các nhà biên soạn sách giáo khoa phải điều chỉnh lại kiến thức môn Lịch sử cho phù hợp và tất cả học sinh cấp Trung học phổ thông.
Thứ hai: chính vì việc môn Sử trở thành môn học bắt buộc dẫn đến việc định hướng tổ hợp ở cấp trung học phổ thông bị xáo trộn và các trường phải thay đổi việc lựa chọn tổ hợp cho học sinh.
Việc lựa chọn tổ hợp ở cấp trung học phổ thông nhìn chung vẫn khá rối vì trên cơ sở là học sinh được lựa chọn môn học nhưng đa phần các trường đã bố trí tổ hợp sẵn vì liên quan đến nhân sự, kinh phí được giao của nhà trường.
Vì vậy, dù là môn học lựa chọn nhưng học sinh vẫn không hoàn toàn được lựa chọn những môn học mình thích.
Thứ ba: các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn khiến cho các trường “đau đầu” khi bố trí giáo viên giảng dạy; sắp xếp thời khóa biểu; tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ.
Mặc dù mang tiếng là môn học “tích hợp” nhưng các môn học này vẫn đang được bố trí giáo viên dạy riêng lẻ. Môn ít nhất là 2 giáo viên (Nghệ thuật; Lịch sử và Địa lý); môn nhiều nhất là Nội dung giáo dục địa phương (6 giáo viên cùng dạy 35 tiết/ năm học).
Nhiều môn học ở cấp trung học cơ sở chưa được tập huấn, giáo viên vẫn thực hiện theo cách hiểu của riêng mình như Hoạt động trải nghiệm; Nội dung giáo dục địa phương nên hiệu quả, mục đích của các môn học này vẫn đang là thách thức cho các nhà trường.
Thứ tư: chương trình giáo dục phổ thông 2018 xem “chương trình” là pháp lệnh; sách giáo khoa là “tư liệu” nhưng thực tế thế nào.
Thị trường sách giáo khoa vẫn âm thầm sôi động trong việc cạnh tranh thị phần giữa các bộ sách, nhà xuất bản với nhau. Sách giáo khoa về cơ bản được chuyển theo một vòng tròn khép kín giữa các công ty phát hành sách và nhà trường vì nếu phụ huynh, học sinh mua ở ngoài sẽ rất khó tìm được một bộ sách hoàn chỉnh vì một lớp học có nhiều bộ sách khác nhau.
Không đơn thuần chỉ có 3 bộ sách giáo khoa: Cánh Diều; Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo mà môn Tiếng Anh đã có 9 bộ sách được Bộ phê duyệt; môn Mĩ thuật lớp 10 có tới 11 cuốn sách giáo khoa khác nhau.
Vì thế, thời điểm đầu năm học, câu chuyện sách giáo khoa vẫn là một cái gì đó khó khăn, bí ẩn mà phụ huynh khó tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Bên cạnh sách giáo khoa là sách tham khảo, sách bổ trợ vẫn được một số nhà trường bán theo kiểu “bia kèm lạc” khiến cho phụ huynh phải đầu tư rất nhiều tiền cho bộ sách của con em mình.
Thứ năm: sách giáo khoa chương trình mới có lẽ vì các nhà xuất bản thực nghiệm quá ít và đưa vào áp dụng đại trà ngay nên gần như các bộ sách đều có “sạn”. Chất lượng sách giáo khoa không đồng đều. Về pháp lý, giáo viên được quyền lựa chọn sách giáo khoa để dạy nhưng thực tế không đơn giản.
Địa phương nào dạy bộ sách nào là cả tỉnh (thành) đều dạy chung một bộ sách cho môn học đó. Vì thế, có những bộ sách giáo viên yêu thích nhưng nhiều lý do khác nhau mà tổ chuyên môn của họ phải lựa chọn theo bộ sách chung của địa phương mình.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai giảng dạy ở các trường phổ thông được một nửa chặng đường và phía trước vẫn còn nhiều gian nan, vất vả. Hơn lúc nào hết, giáo viên rất cần Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo tháo gỡ được những khó khăn bằng những chỉ đạo phù hợp, rõ ràng và nhanh chóng khắc phục những bất cập đang hiện hữu.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ song hành cùng toàn ngành giáo dục hàng chục năm tới đây và chắc chắn toàn ngành sẽ bước tiếp nhằm đào tạo ra các thế hệ học trò có đủ phẩm chất, năng lực để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội.
Vì thế, lãnh đạo Bộ, Sở bên cạnh sự kiên định về mục tiêu cần có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, ổn định thị trường sách giáo khoa và hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay ở các địa phương.
Nếu chương trình 2018 ưu việt hơn trước đây thì sách giáo khoa cần gọn nhẹ, giá cả phải phù hợp, học sinh không phải đi học thêm mà chỉ cần học chính khóa vẫn nắm được những nội dung cốt lõi của chương trình mới thực sự là ưu việt hơn các chương trình trước đây.
Bước sang năm mới, chúng tôi hy vọng, mong muốn toàn ngành giáo dục chung sức, chung lòng, cùng nhau vượt qua những khó khăn, bất cập trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình mới để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo và tạo được niềm tin cho toàn xã hội.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.