Chuyện sách giáo khoa tăng giá, sách giáo khoa giá cao, sách giáo khoa sử dụng một lần rồi bán phế liệu không còn là chuyện lạ với mọi người trong những năm vừa qua bởi nó đã trở nên quen thuộc và được lặp đi, lặp lại từ năm này sang năm khác.
Thời điểm này, dù còn hơn 3 tháng nữa mới tới năm học 2022-2023 nhưng trên các diễn đàn đã nóng về chuyện giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 vì chưa tính giá sách giáo khoa tiếng Anh thì giá cao gấp 2-3 lần sách giáo khoa chương trình 2006.
Đại diện các nhà xuất bản thì đưa ra nhiều lý do, nguyên nhân khác nhau để lý giải về chuyện sách giáo khoa của chương trình 2018 cao hơn sách giáo khoa chương trình 2006, cùng với những mĩ từ rất cao đẹp bởi những bộ sách giáo khoa mới là vì học trò, vì xã hội còn “mục đích kinh doanh chỉ là phương tiện”. [1]
Nhưng, cứ xem cách phát biểu hay những từ ngữ mà các đơn vị này đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy có nhiều điều đáng nghĩ suy. Họ cũng đang giành giật thị trường và cạnh tranh tranh nhau ghê gớm lắm…
Sách giáo khoa mới đang có giá cao hơn rất nhiều các bộ sách trước đây (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Sách giáo khoa chứ đâu phải là truyện tranh mà phải in nhiều tranh màu đến vậy?
Theo giá niêm yết trong Thông cáo báo chí về giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ngày 27/4 vừa qua thì sách giáo khoa cho năm học tới đây khá cao.
Cụ thể: “Giá bộ sách giáo khoa lớp 3 từ 177.000 đồng/bộ đến 183.000đ/ bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh). Giá bộ sách giáo khoa lớp 7 từ 208.000 đồng/bộ đến 209.000 đồng/ bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh)
Giá bộ sách giáo khoa lớp 10 từ 246.000 đồng/bộ đến 301.000 đồng/bộ (tuỳ thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn).
Giá bộ sách giáo khoa lớp 10 gồm tổng giá bìa sách của 5/7 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập”.
Đối với bộ sách giáo khoa Cánh Diều các lớp 3, 7, 10 của Công ty đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam liên kết với Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Huế phát hành có mức giá cao hơn một chút.
Cụ thể: sách lớp 3 có mức giá 220.000 đồng/bộ (chưa tính sách ngoại ngữ); sách lớp 7 mức 255.000 đồng/bộ (chưa tính giá sách ngoại ngữ); với lớp 10, chỉ riêng các đầu sách của những môn học bắt buộc (chưa tính ngoại ngữ, giáo dục địa phương) gần 200.000 đồng.
Các đầu sách thuộc nhóm môn học lựa chọn có mức giá từ 35.000 - 39.000 đồng/cuốn, sách chuyên đề từ 13.000 - 20.000 đồng/cuốn.
Như vậy, chỉ nhìn vào giá sách đã được các nhà xuất bản niêm yết thì chúng ta đã thấy giá sách chương trình 2018 cao hơn từ 2-3 lần sách giáo khoa chương trình 2006.
Nhưng, đây mới chỉ là những cuốn sách giáo khoa được niêm yết giá chứ thực tế khi vào học thì học sinh còn phải mua thêm nhiều loại sách khác như sách giáo khoa, sách bài tập môn Ngoại ngữ, Nội dung giáo dục địa phương…
Không hiểu vì sao mà các nhà xuất bản nhiều năm qua thường không công bố giá sách giáo khoa tiếng Anh trên website của mình? Chỉ biết, mỗi bộ sách giáo khoa, bài tập tiếng Anh (chương trình 2006) mà những phụ huynh phải mua thường đắt hơn tất cả những sách giáo khoa của mười mấy môn học khác cộng lại.
Rõ ràng, giá những bộ sách giáo khoa của chương trình mới đối với các lớp đã áp dụng và các lớp 3, lớp 7 và lớp 10 tới đây đang là nỗi lo lắng cho nhiều phụ huynh nghèo.
Trong khi, những cuốn sách giáo khoa mới được một số lãnh đạo của các nhà xuất bản phát biểu thì giá thành cao có một phần là giấy tốt, giấy khổ lớn, kênh hình nhiều, in màu….
Nhưng, những điều này thì phụ huynh và học sinh có cần lắm không và thực tế những cuốn sách giáo khoa mới có tốt như lãnh đạo các nhà xuất bản nói hay không?
Chúng tôi cho rằng giấy tốt, giấy bóng cũng chẳng để làm gì vì học sinh chỉ lật qua vài lần là sách cong queo lên hết và thực tế đây là những sách giáo khoa chứ đâu phải là truyện tranh đâu mà phải in nhiều tranh ảnh, in màu cho đẹp….
Cái cần nhất của sách giáo khoa là nội dung tốt, sách được sử dụng nhiều lần chứ không phải là hình thức lòe loẹt bắt mắt nhưng sau một năm sử dụng thì hư, bong, rách hoặc phải chỉnh sửa lại nội dung như một số môn học ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 trong thời gian qua.
Sự cạnh tranh thị trường sách giáo khoa đang thực sự vì ai?
Chúng tôi không tường tận “cách tiếp cận” của các đơn vị xuất bản sách giáo khoa đối với các địa phương hiện nay như thế nào nhưng thông qua báo chí thì ai cũng thấy được họ đang có sự cạnh tranh quyết liệt và khắc nghiệt lắm.
Sách giáo khoa của chương trình mới trong năm học vừa qua và năm học tới đây có bộ sách Cánh Diều của Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam và 2 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống.
Thế nhưng, trong thông cáo báo chí của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vào ngày 27/4 vừa qua thì đơn vị này đã khẳng định: “Giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thấp hơn trung bình 20% so với giá sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác”.[1]
Trước đó, vào thời điểm tháng 9/2020 thì Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đang “đầu quân” cho Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam để làm Tổng Chủ biên sách Tiếng Việt (cấp tiểu học) và sách Ngữ văn (cấp trung học cơ sở) thì đã có chia sẻ với báo Ngày nay về sách giáo khoa.
Giáo sư Thuyết cho biết như sau: “Tôi chỉ biết là bộ sách Cánh Diều là bộ sách được lựa chọn với tỷ lệ cao nhất trong 5 bộ sách giáo khoa. Nhưng tôi cũng được biết là có những chuyện không được hay lắm trong cạnh tranh. Nhiều tỉnh thành đã đảo ngược kết quả lựa chọn của cơ sở, làm giảm tỷ lệ chọn Cánh Diều.
Nhưng mà thôi, nói cho cùng đó cũng là chuyện của thị trường. Phải qua thực tế sử dụng mới biết sách phù hợp đến đâu với học sinh, giáo viên và điều kiện thực hiện của địa phương”...[2]
Rõ ràng, những thông điệp này dù không cụ thể thì mọi người cũng thấy được đối tượng mà người nói đang hướng tới rất cụ thể và chia làm 2 đơn vị rất rõ ràng.
Sự cạnh tranh cũng là bình thường bởi thị trường tiêu thụ sách giáo khoa hiện nay rất lớn với trên dưới 20 triệu học trò. Đặc biệt, thị trường này luôn ổn định mà người sử dụng sản phẩm không bao giờ được mặc cả giá hay được chiết khấu % theo giá bìa…
Thỉnh thoảng, chúng tôi đọc một số bài báo thấy đại diện các nhà xuất bản nói rất hay về sách giáo khoa, họ lý giải về giá cả, rồi vì cái này, vì cái khác. Nhưng, thông qua những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018- một người rất hiểu về sách giáo khoa thì dư luận tự tìm thấy những câu trả lời cho riêng mình.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.nxbgd.vn/bai-viet/thong-tin-bao-chi-ve-gia-sach-giao-khoa-lop-3-lop-7-va-lop-10-theo-ctgdpt-2018
[2] https://ngaynay.vn/gs-nguyen-minh-thuyet-co-nhung-chuyen-khong-hay-lam-trong-canh-tranh-sach-giao-khoa-post96384.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.