Lịch sử là môn bắt buộc, nhà trường phải cân đối, sắp xếp, phân bổ lại lựa chọn

30/07/2022 06:36
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Khi Lịch sử thành môn học bắt buộc, nhà trường phải điều chỉnh lại kế hoạch, cân đối, phân bổ phù hợp với nhu cầu của học sinh dựa trên điều kiện thực tế giáo viên

Thông tin môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc vẫn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều nhà trường đang băn khoăn trước câu chuyện sắp xếp, cân đối lại việc phân chia lớp cho học sinh khối 10, khi môn Lịch sử trở thành bắt buộc đã thay đổi cơ cấu tổ hợp Khoa học xã hội và số môn bắt buộc trước đó.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lý Văn Công (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Xuyên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) bày tỏ: “Chắc chắn, khi môn Lịch sử từ môn học lựa chọn trở thành môn học bắt buộc, sẽ kéo theo ít nhiều những thay đổi trong công tác chuẩn bị cũng như hoạt động giảng dạy của nhà trường”.

“Đặc biệt, trước đây, khi Lịch sử là một trong các môn lựa chọn thuộc tổ hợp: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) thì nhà trường cũng đã xác định sẽ xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Hiện nay, tuyển sinh vào lớp 10 tại trường vẫn chưa có kết quả.

Tuy nhiên, trước đó, theo kế hoạch phát triển giáo dục của năm 2022-2023, dự kiến nhà trường tuyển sinh 11 lớp 10, trong đó, có 7 lớp 10 sẽ chọn tổ hợp Khoa học xã hội, tức là các em đều sẽ học môn Lịch sử.

Thầy Lý Văn Công (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Xuyên). (Ảnh: NTCC).

Thầy Lý Văn Công (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Xuyên). (Ảnh: NTCC).

Tuy nhiên, hiện tại, khi môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, kế hoạch này phải điều chỉnh lại cho phù hợp với nhu cầu của học sinh nhưng cũng phải căn cứ dựa trên điều kiện thực tế giáo viên. Bởi ở các cơ sở giáo dục thường có tình trạng thừa thiếu cục bộ, nên khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh, mỗi nhà trường đều đã phải tính đến chuyện cân đối.

Như vậy, khi có thay đổi về môn Lịch sử, nhà trường cũng cần kịp thời thông tin đến phụ huynh, học sinh, để phụ huynh và học sinh nắm được tinh thần. Tiếp đến, chúng tôi sẽ thực hiện rà soát lại các nguyện vọng của học sinh, cho học sinh chọn lại tổ hợp, sau đó, có sự cân đối, sắp xếp, phân công lại cho thật phù hợp” - thầy Công phân tích.

Vị Hiệu trưởng cũng chỉ ra: “Trước đây, chương trình có 7 môn bắt buộc và thêm 5 môn lựa chọn, được chọn trong 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Nghệ thuật. Còn bây giờ, trong nhóm lựa chọn, tổ hợp Khoa học xã hội chỉ còn lại 2 môn: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Và môn Lịch sử từ 70 tiết xuống còn 52 tiết, vậy số tiết giảm đi, phải tính toán bù lại làm sao để cân đối giữa các môn trong trường, làm sao để học sinh được học tổng số tiết/năm học như nhau.

Bên cạnh đó, nhà trường phải cân đối lại số tiết, cân đối lại định mức của giáo viên để đảm bảo hài hòa giữa định mức của các giáo viên trong cả năm với tổng thể chương trình của cả trường trong năm học, để làm sao đảm bảo quyền lợi giữa giáo viên và học sinh”.

Hoạt động tại Trường Trung học phổ thông Kim Xuyên. (Ảnh: NTCC).

Hoạt động tại Trường Trung học phổ thông Kim Xuyên. (Ảnh: NTCC).

“Chắc chắn, đối với học sinh sẽ ít nhiều có sự xáo trộn, tuy nhiên để ổn định dạy và học thì vẫn đảm bảo. Nhà trường đã chuẩn bị tinh thần để không bị động quá nhiều trong việc triển khai chương trình. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo quán triệt lại, sắp xếp lại nhóm tổ hợp và triển khai cho thật phù hợp.

Và cũng phải thừa nhận, may mắn là những thay đổi này diễn ra trước khi chính thức bước vào năm học mới, chứ nếu đang học được một thời gian, một kỳ, hay một năm, mới thay đổi, thì lại phải tính đến thay sách thay vở, thay đội ngũ, xáo trộn rất nhiều.

Ở thời điểm hiện tại, chương trình đều đã được “lên khung” từ trước đó, nên bây giờ chỉ cần điều chỉnh lại là có thể triển khai năm học mới. Về đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử tại nhà trường vẫn được giữ ổn định với 5 thầy cô. Do vậy, nếu theo tinh thần chỉ đạo mới, thực hiện chương trình môn Lịch sử là môn bắt buộc, nhà trường vẫn có thể chủ động sắp xếp được đội ngũ giáo viên” - thầy Công chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đoạt (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên) cũng cho biết: “Theo Kế hoạch số 770/KH-BGDĐT ngày 11/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Lịch sử sẽ là môn học bắt buộc cấp trung học phổ thông với thời lượng 52 tiết/năm học. Môn bắt buộc từ 7 môn sẽ tăng lên 8 môn.

Ông Nguyễn Văn Đoạt (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên). (Ảnh: NVCC).

Ông Nguyễn Văn Đoạt (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên). (Ảnh: NVCC).

Ngoài khó khăn chung của tỉnh về cơ sở vật chất, khó tuyển giáo viên các môn đặc thù (Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh...), thì khi môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc dẫn đến số môn, số tiết tự chọn (hiện tại là 5 môn chọn trong 3 nhóm môn) sẽ giảm, phần nào ảnh hưởng đến việc bố trí giáo viên của các nhóm môn này.

Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chuẩn bị trước các tình huống và có những giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn khi Bộ điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông 2018. Về tập huấn cho đội ngũ giáo viên và trang bị sách giáo khoa cũng không gặp khó khăn gì lớn, Bộ triển khai là các địa phương thực hiện ngay”.

Ngân Chi