Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã triển khai và thực hiện ở năm thứ ba. Tuy có một số điểm mới tích cực nhưng cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Người viết xin được nêu những hạn chế, bất cập và đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những tồn tại của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ảnh minh họa - P.L |
Những hạn chế, bất cập của chương trình mới
Thứ nhất, xuất hiện các môn tích hợp nhưng lại là ghép môn, ghép sách
Chương trình giáo dục mới 2018, xuất hiện các môn tích hợp ở tiểu học là (Tin học và Công nghệ, Nghệ thuật); ở trung học cơ sở (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Nghệ thuật, Giáo dục địa phương,…).
Gọi là các môn tích hợp nhưng thực tế đây là việc lắp ghép thiếu khoa học, đơn thuần là ghép môn.
Việc này không được giảm tải mà tăng thêm áp lực cho giáo viên.
Môn Khoa học tự nhiên, ghép 3 môn Lý, Hóa, Sinh vào 1 sách, mỗi nội dung của từng môn được sắp xếp theo cấu trúc vài chương một phân môn.
Môn Lịch sử và Địa lý gọi là tích hợp nhưng chia sách thành 2 phần khác nhau, chung kiểm tra, đánh giá.
Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp,… gom nhiều bài của nhiều môn vào 1 quyển sách.
Lạ kỳ nhất là môn Âm nhạc và Mĩ thuật không liên quan gì nhau, do 2 giáo viên khác nhau giảng dạy nhưng gom lại là một môn Nghệ thuật mỗi phân môn 1 tiết/ tuần nhưng được gọi là giảm môn.
Việc dự định đưa giáo viên đơn môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học tham gia các lớp chứng chỉ tích hợp khó khả thi, hiệu quả khó đạt như kỳ vọng.
Thứ hai, giáo án mới dài lê thê
Hiện nay, việc soạn giáo án, các kế hoạch ở cấp tiểu học theo công văn 2345, ở cấp trung học cơ sở theo công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đánh giá là dài lê thê, không theo định hướng tinh giản, giảm hồ sơ sổ sách.
Giáo án một tiết dạy có thể soạn cả chục trang giấy, vô cùng hình thức, lãng phí.
Thứ ba, kiến thức một số môn được đánh giá còn nặng
Lứa tuổi học sinh tiểu học, trung học cơ sở là giai đoạn cơ bản, vừa học vừa chơi, tăng cường trải nghiệm nhưng thiết kế sách giáo khoa lại khá nặng.
Môn Khoa học tự nhiên 7 những kiến thức thuộc phân môn Hóa học như mô hình Rutherford-Bohr; số vòng, số lớp nguyên tử; liên kết Ion; liên kết cộng hóa trị;… được cho là quá sức đối với độ tuổi học sinh lớp 7, trong đó có những kiến thức ở chương trình 2006 được dạy ở lớp 10.
Thứ tư, việc kiểm tra đánh giá chưa thực chất
Chương trình mới, việc đánh giá theo định hướng phát huy năng lực và phẩm chất người học, tuy nhiên việc đánh giá học sinh vẫn theo lối cũ, vẫn là đề kiểm tra trắc nghiệm, tự luận, nặng về kiến thức hàn lâm, thiếu đổi mới.
Thứ năm, tình trạng dạy thêm học thêm vẫn là bài toán nan giải
Khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới xuất hiện các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nhằm giúp các em phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong dạy học, đánh giá đúng năng lực, phẩm chất người học,…
Tình trạng dạy thêm học thêm vẫn diễn ra cho thấy mong muốn chương trình mới giảm tải cho người học không đạt kỳ vọng.
Thứ sáu, chạy theo thành tích không giảm
Tại đơn vị người viết đang giảng dạy, năm học 2021-2022 đã đạt các tỷ lệ lên lớp thẳng 99,3%, học sinh giỏi 41,6%, trung bình các bộ môn đều trên 90% không có học sinh kém,...
Tuy vậy, với chỉ tiêu "năm sau cao hơn năm trước", năm học 2022-2023, nhà trường yêu cầu giáo viên phải hoặc cao hơn năm 2021-2022, tức là đăng ký tỷ lệ lên lớp thẳng 99,4%, học sinh giỏi 41,7%, trung bình các bộ môn gần như tiệm cận 100%,...
Với chỉ tiêu "năm sau cao hơn năm trước", chỉ một thời gian ngắn nữa, tỷ lệ lên lớp thẳng sẽ là 100%, chất lượng bộ môn 100%, học sinh giỏi 60-70%,...
Có thể nói căn bệnh ngụy thành tích đã trở thành căn bệnh khó chữa, với chỉ tiêu “năm sau cao hơn năm trước” đã biến các trường học gần như đạt tỷ lệ tuyệt đối 100% như lên lớp thẳng, chất lượng bộ môn,… trường học thành nơi “cho điểm” không phải là nơi đánh giá thực chất người học.
Khi nào còn chỉ tiêu “năm sau cao hơn năm trước” thì chưa nhìn nhận đánh giá đúng chất lượng học tập, thực hiện chưa đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Thứ bảy, áp lực các kỳ thi vẫn y nguyên
Thực hiện chương trình mới, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, chuyển trung tâm từ người dạy sang người học nhưng các cuộc thi cho giáo viên và học sinh vẫn như cũ: vẫn thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, sáng kiến kinh nghiệm, kiến thức pháp luật,… như trước đây không có sự đổi mới, không thu hút và tạo động lực cho giáo viên.
Một số kiến nghị khi thực hiện chương trình mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới cần phải có sự chung tay, chung sức của toàn xã hội, trong đó để quyết định thành công thì người dạy nắm vai trò then chốt, hãy giảm bớt áp lực cho các thầy cô để chuyên tâm vào giảng dạy và giáo dục học sinh.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã rất cầu thị, những thay đổi được nhân dân đồng tình, rất mong thời gian tới, những gì còn tồn tại, hạn chế tiếp tục được Bộ mạnh dạn tiếp thu sửa đổi và có những thay thế phù hợp.
Người viết xin mạnh dạn có các kiến nghị sau:
Thứ nhất, hãy trả lại tên các môn học trong môn tích hợp.
Còn lại môn Nghệ thuật cũng nên tách ra thành 2 môn Âm nhạc, Mĩ thuật có kiểm tra, đánh giá riêng.
Đối với cấp trung học cơ sở, các môn Lịch sử và Địa lý nên tách thành 2 phân môn Lịch sử, Địa lý; môn Khoa học tự nhiên thành 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Nghệ thuật làm 2 môn Âm nhạc, Mĩ thuật; Nội dung Giáo dục địa phương phân môn nào nên trả về môn đó; Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nên xây dựng thực chất hơn, tránh lý thuyết suông,…
Thứ hai, không nên áp đặt giáo viên soạn giáo án theo đúng mẫu công văn 2345, 5512
Giáo án hay kế hoạch bài dạy là thể hiện các bước lên lớp của giáo viên, giáo viên thiết kế như thế nào là quyền của giáo viên để khi lên lớp đảm bảo mục tiêu bài học.
Giáo viên trẻ có thể thiết kế bài dạy chi tiết 4, 5 trang giấy nhưng giáo viên có thâm niên cũng có thể thiết kế 1 trang, miễn làm sao đảm bảo giáo viên dạy tốt và học sinh tiếp thu tốt.
Nên chuyển việc kiểm tra, đánh giá giáo án giáo viên sang kiểm tra học sinh tiếp thu được nội dung gì, đảm bảo mục tiêu chương trình mới hay không.
Giáo viên soạn và in giáo án mỗi năm gần 2000 trang giấy không làm cho học sinh tốt lên chỉ làm gia tăng áp lực, hình thức, nên được nghiên cứu bãi bỏ.
Thứ ba, Bộ Giáo dục tiếp tục quan tâm, kiến nghị về lương giáo viên
Nghề giáo là nghề cao quý, sự cao quý phải tương xứng, thu nhập không đủ sống, làm mọi nghề tay trái để sống thì khó tận tâm với nghề.
Thay đổi để giáo viên có được thang, bảng lương riêng, xây dựng lương giáo viên theo Nghị quyết 29/NQ-TW là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Thứ tư, sớm ban hành quy định về dạy thêm
Nó còn là nguyên nhân gây ra các vụ mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, thưa kiện kéo dài trong giáo viên.
Chương trình mới được xây dựng 2 buổi/ ngày, theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất người học thì nên hạn chế tối đa việc dạy thêm học thêm giống như một số nước đang thực hiện.
Thứ năm, thay đổi các đánh giá người học
Cách đánh giá theo kiểu cho điểm hiện nay đã tồn tại nhiều bất cập, khiến việc chạy theo thành tích nặng nề hơn, khiến việc dạy thêm học thêm tràn lan,…
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đổi mới cách đánh giá học sinh theo hướng không nên chú trọng điểm số, đánh giá đúng năng lực và phẩm chất người học, chấm dứt việc giao chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước,…
Trên đây là một số tồn tại, bất cập và đề xuất, kiến nghị của người viết khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, rất mong các cấp các ngành lưu tâm.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.