Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông có một thay đổi quan trọng là việc xây dựng chương trình theo định hướng nghề nghiệp, phân hóa, học sinh được lựa chọn môn học theo sở trường, đam mê,…
Được lựa chọn môn từ thời trung học phổ thông cũng là một bước tiến mới trong giáo dục, được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Ảnh minh họa - Trần Lý |
Nhìn lại quá trình xuất hiện và vướng mắc khi xây dựng tổ hợp chọn môn hiện nay
Thực tế thời gian qua, vấn đề chuyển trường, thay đổi môn lựa chọn bậc trung học phổ thông đang khiến nhiều nhà trường, gia đình bối rối.
Tại mục 2.1 quy định về nội dung giáo dục bậc trung học phổ thông của Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông nêu “Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn học lựa chọn gồm 3 nhóm môn:
- Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
- Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hoá học, Sinh học.
- Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật).
Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học.”
Nhưng khi bắt đầu triển khai gặp nhiều vướng mắc phát sinh, xuất hiện đến 108 tổ hợp chọn môn, khiến các trường lúng túng, không khả thi.
Bên cạnh đó, do có nhiều ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018.
Môn học Lịch sử (từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học xã hội) trở thành môn học bắt buộc.
Điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 09 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 04 môn học trong 09 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật.
Nếu học sinh được lựa chọn môn sẽ xuất hiện 126 tổ hợp chọn môn, do điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự khó đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học ở bậc trung học phổ thông cho phép các trường được tự xây dựng vài tổ hợp môn lựa chọn theo điều kiện của nhà trường.
Chính việc trường xây dựng vài tổ hợp chọn môn học đã xuất hiện nhiều bất cập do học sinh không được chọn môn, chỉ được lựa chọn tổ hợp môn, trong đó có nhiều môn không phải sở trường, không phải đam mê.
Và, quan trọng sau khi học sinh lựa chọn tổ hợp chọn môn có nhiều môn không phù hợp thì rất khó có thể chọn lại, học sinh khi chuyển trường, ở lại lớp cũng gặp muôn vàn khó khăn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có hướng dẫn cho học sinh được chuyển môn lựa chọn nhưng cũng khó khả thi, do vướng mắc học sinh chỉ cần đổi 1, 2 môn trong tổ hợp chọn môn không phải đổi cả tổ hợp môn.
Với hướng dẫn mới, có thể hiểu học sinh nếu muốn thay đổi phải đổi cả tổ hợp chọn môn.
Đến giai đoạn hiện nay, khi thực hiện chương trình lớp 10 hơn nửa chặng đường vẫn khá rối về các phương án lựa chọn tổ hợp chọn môn, khó khả thi.
Học sinh được lựa chọn môn học, học theo tín chỉ là phương án khả thi
Như đã trình bày, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh được chọn môn học theo sở trường, đam mê từ bậc học trung học phổ thông theo người viết là phù hợp xu thế giáo dục mở, tiến bộ của thế giới.
Theo tìm hiểu cả người viết, tại đất nước có nền giáo dục tiên tiến được thế giới công nhận như Úc, học sinh bậc trung học phổ thông chỉ gồm hai năm học lớp 11 và 12, gồm các môn Lịch sử, Toán học, Khoa học, Địa lý, Anh văn. Với các môn còn lại, học sinh được tự do lựa chọn môn học với độ khó phù hợp với sức học.
Học sinh được lựa chọn môn học là đúng đắn, người viết cho rằng thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp tục nghiên cứu và cho học sinh được lựa chọn môn học một cách thực chất, bài bản hơn.
Một bạn đọc nêu chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam quan điểm về việc cho học sinh được chọn môn như sau: “Đến người trưởng thành nhiều khi còn phân vân, thậm chí không chuẩn trước một vấn đề cần lựa chọn. Nên các cháu mới bậc trung học phổ thông chọn tổ hợp chưa phù hợp, muốn đổi lại là bình thường. Nên có cơ chế cho các cháu lựa chọn lại môn học dễ dàng. Vì đây là hướng đi cuộc đời các cháu. Giải quyết việc này không khó. Nên thay đổi cách đánh giá kết quả học tập. Chuyển sang thi tín chỉ các môn là xong. Hoàn thành đủ tín chỉ là tốt nghiệp, là thi đại học thoải mái. Cách làm này còn có lợi, có nhiều cháu chỉ 2 năm là xong chương trình bậc Trung học phổ thông…”
Đây cũng là một ý kiến khá hay, theo người viết để việc lựa chọn môn học ở bậc trung học phổ thông dần đi vào thực chất nên cho học sinh được lựa chọn môn học theo sở thích, được đổi môn lựa chọn thì cách tốt nhất là cho học sinh từ bậc trung học phổ thông được học theo tín chỉ.
Lợi ích của việc học theo tín chỉ là học sinh được lựa chọn môn học, linh hoạt về thời gian học tập, ra trường, học sinh có thể đổi môn học dễ dàng qua việc học tín chỉ, học sinh có thể kết thúc sớm chương trình trung học phổ thông trong vòng 2 năm hoặc cũng có thể kéo dài thời gian ra trường,…tùy theo năng lực hoặc chọn lại môn.
Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng nghề nghiệp, học phân hóa dần là chủ trương đúng nên ngay từ bậc phổ thông phải mạnh dạn cho học sinh học theo tín chỉ để khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian qua.
Học sinh học theo tín chỉ từ bậc trung học phổ thông sẽ giải quyết được bài toán học sinh được chọn môn học, được đổi môn học, được tự chủ trong việc học tập, thời gian ra trường,…
Nhà trường cũng sẽ linh động bố trí, sắp xếp, thỉnh giảng,…giáo viên một cách chủ động, bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ chọn được giáo viên giỏi giảng dạy, và giáo viên sẽ luôn luôn phấn đấu giảng dạy hết mình.
Thực tế, chương trình giáo dục phổ thông mới đã không còn quy định số tiết mỗi môn học trên tuần mà chỉ quy định số tiết học môn học cả năm, đó chính là cơ sở rất thuận lợi để chuyển sang dạy học theo tín chỉ.
Nếu không mạnh dạn đổi mới dạy và học theo tín chỉ từ bậc trung học phổ thông thì việc đổi mới còn nửa vời, những bất cập vướng mắc về chọn môn, tổ hợp môn, chuyển trường,…sẽ khó có hướng giải quyết thỏa đáng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.