Các bài viết “Học sinh xin chuyển tổ hợp môn, trường rối bời, bao giờ Vụ Giáo dục Trung học có hướng dẫn?” và "Lý do nào khiến nhiều học sinh lớp 10 dễ chọn nhầm môn/ tổ hợp môn?" đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được sự quan tâm đông đảo của bạn đọc.
Bài viết tiếp theo dưới đây, người viết - giáo viên đang giảng dạy bậc trung học phổ thông, xin được bàn thêm chuyện học sinh chọn nhầm môn/ tổ hợp môn sẽ để lại nhiều hệ lụy khôn lường, kéo theo công việc của nhà trường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ảnh minh họa: Phạm Minh/ giaoduc.net.vn |
Học sinh trúng tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông, niềm vui kéo dài chưa được bao lâu thì các em phải đối mặt với việc học theo chương trình mới gồm những môn bắt buộc và lựa chọn khác hẳn với bậc trung học cơ sở.
Sau một thời gian học tập, nhanh nhất là giữa học kì 1, chậm nhất là hết học kì 1, nhiều em nhận ra mình đã chọn nhầm môn/ tổ hợp môn do một số nguyên nhân như: tình trạng học lệch ở các lớp dưới; chương trình học giữa hai bậc khác nhau; đánh giá không đúng về năng lực bản thân; chọn môn theo cảm tính...
Vì thế, có em phải làm đơn xin hiệu trưởng nhà trường chọn lại môn/ tổ hợp môn học cho đúng với sở trường hơn.
Việc thay đổi môn/ tổ hợp môn từ khối tự nhiên sang khối xã hội phần nào dễ hơn so với khối xã hội sang tự nhiên do đặc thù môn học. Cùng với đó, học sinh bỏ thời gian để học lại môn học mới, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lí, khiến việc học nặng nề căng thẳng.
Nếu các em làm bài kiểm tra đạt yêu cầu, dĩ nhiên sẽ được chuyển môn/ tổ hợp môn, nhưng cũng mất thời gian dài làm quen với bạn bè, giáo viên mới. Và rồi trong năm học, liệu các em có theo kịp chúng bạn hay không vì cách học chắp vá.
Còn những em không đạt yêu cầu chắc chắn sẽ có tâm lí chán học vì học môn/ tổ hợp môn không được bản thân yêu thích chỉ mang đến sự chán nản.
Và một điều chắc chắn là thầy cô không có nhiều thời gian, thậm chí không thể dạy riêng cho một vài em vì vướng thời khóa biểu chung của toàn trường. Như thế, học sinh chỉ còn cách tự học, tự nghiên cứu bài vở, học thêm trên mạng Internet hay đến các trung tâm.
Mạng Internet mặc dù có nhiều tính năng vượt trội nhưng không bao giờ có thể thay thế được vai trò của người thầy. Bởi, giáo viên có phương pháp sư phạm, thấu hiểu tâm lí học sinh và còn là chỗ dựa tinh thần mỗi khi các em gặp khó khăn trong việc học.
Chỉ cần một câu khích lệ hay một lời an ủi, động viên của thầy cô là các em có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách. Nếu không có thầy cô bên cạnh, khác nào nhà trường bỏ rơi các em? Và chắc chắn học sinh cũng có cảm giác mặc cảm, tự ti vì không được thầy cô quan tâm, dạy dỗ.
Chưa kể, học sinh vừa học chính khóa, vừa phải học thêm kiến thức mới, ít nhất là một môn cũng làm cho việc học quá tải. Ngày thứ Bảy, Chủ nhật thay vì được vui chơi giải trí, luyện tập thể thao... thì các em chỉ biết vùi đầu vào học để thực hiện các bài kiểm tra đánh giá theo quy định. Gia đình học sinh nào có điều kiện kinh tế khó khăn quả là tạo thêm gánh nặng cho các bậc cha mẹ.
Về phía nhà trường, mỗi khi không tạo được điều kiện cho học sinh học tập tại chỗ thì lãnh đạo, thầy cô cũng rất khó ăn khó nói với phụ huynh học sinh. Nhưng điều động giáo viên đi dạy vào ngày nghỉ cũng không được vì luật không cho phép và thầy cô còn phải chăm lo cho gia đình, làm các công việc cá nhân hay đơn giản là nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
Nhưng có lẽ, lãnh đạo nhà trường và giáo viên khổ nhất đó là, mỗi khi có nhiều học sinh thay đổi môn/ tổ hợp môn thì phải phân chia lại lớp học, rồi thay đổi thời khóa biểu. Việc thay đổi thời khóa biểu là rất khó khăn vì ảnh hưởng đến hàng chục giáo viên, hàng trăm học sinh và gia đình các em vì thời gian biểu đảo lộn.
Một số trường khi có học sinh xin chuyển đổi môn/ tổ hợp môn thì lãnh đạo, giáo viên tư vấn cho các em theo kiểu "hãy suy nghĩ lại", "cố gắng đừng thay đổi"... là không hợp tình hợp lí chút nào cả. Các em có thể vì nhà trường mà không xin chuyển đổi môn/ tổ hợp môn nữa, nhưng kết quả học tập trong 3 năm bậc trung học phổ thông liệu có thay đổi gì không?
Một giáo viên dạy bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với người viết rằng, nhiều sinh viên học năm hai, năm ba còn bỏ học vì chọn sai ngành nghề, kể cả một số giáo viên dạy học có thâm niên cũng muốn chọn lại nghề thì chuyện các em chưa đầy 16 tuổi chọn nhầm môn/ tổ hợp là không có gì bất ngờ cả.
Học sinh bậc trung học phổ thông thay vì phải học hết các kiến thức mang tính "phổ thông" thì nay các em được chọn tổ hợp môn theo khối thi đại học cũng na ná như chương trình phân ban trước đây, thậm chí cách làm còn thua xa vì rối rắm, thiếu khoa học.
Trong khi đó, các cơ sở giáo dục gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dạy và học Chương trình mới, và cuối cùng học học sinh là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Đáng nói, sự bất cập trong việc chọn môn/ tổ hợp môn không biết bao giờ mới có thể khắc phục, là câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.