'Vẽ' ra 108 tổ hợp môn trên lý thuyết thì dễ nhưng trường nào đáp ứng được?

17/04/2022 06:46
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Các trường Trung học phổ thông đều thiếu giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc và cũng rất khó mời được giáo viên dạy hợp đồng bởi ở cấp Trung học cơ sở cũng đang rất thiếu.

“Theo tôi, vấn đề mang tính cấp bách nhất hiện nay với tất cả các trường Trung học phổ thông trên cả nước là xây dựng tổ hợp môn cho năm học mới 2022 – 2023 vì đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với bậc học này.

Có thể thấy rõ chương trình đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu nguyện vọng, sở thích của người học. Tiếp đến là đáp ứng được nhu cầu hướng nghiệp sâu ở bậc Trung học phổ thông, đây là ý quan trọng chứ không đơn thuần chỉ đáp ứng nhu cầu sở thích, bởi đã là sở thích của học sinh sẽ rất đa dạng, nhà trường dù giỏi đến mấy cũng không thể nào đáp ứng hết được.

Nhưng điều quan trọng là nhà trường phải định hướng được nhu cầu đáp ứng nghề nghiệp trong tương lai của học sinh, xu hướng đó phải phù hợp với thị trường lao động ngày càng đòi hỏi đa dạng về ngành nghề, cũng như lao động bậc cao và trong một thời gian dài, chứ không chỉ trước mắt”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã cho biết.

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: T.D.

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: T.D.

Theo thầy Quân: “Một yếu tố rất quan trọng mà chương trình mới đề cập đến là các nhà trường có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu của học sinh. Học sinh có nhiều nguyện vọng, sở thích khác nhau nhưng nếu nhà trường không đáp ứng được thì cũng không thể thực hiện được đúng chương trình.

Nếu học sinh thích Mỹ thuật, Âm nhạc trong khi nhà trường không có giáo viên, như vậy cũng không thể triển khai được môn học đó. Tức là vừa đáp ứng được nhu cầu của người học, nhu cầu định hướng nghề nghiệp trong tương lai vừa bố trí xem cơ sở vật chất đội ngũ giáo viên của nhà trường có đáp ứng được hay không. Cả hai yếu tố phải kết hợp hài hòa thì triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới thành hiện thực, còn nếu không chỉ là trên lý thuyết mà thôi.

Bây giờ xét thực trạng của từng nhà trường, nếu ngồi “vẽ” ra các tổ hợp trên lý thuyết thì rất dễ, nhưng vấn đề là những tổ hợp môn đó có thực hiện được hay không? Cái này phải đặt vào từng điều kiện, từng hoàn cảnh và mỗi trường sẽ có cách lựa chọn hợp lý nhất phù hợp điều kiện của mình, cũng như đáp ứng được nhu cầu của học sinh về định hướng nghề nghiệp trong tương lai”.

Thầy Quân cho biết: “Với Trường Trung học phổ thông Đông Đô, chúng tôi đã nghiên cứu rất kĩ, cũng như căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường đồng thời căn cứ vào kinh nghiệm lâu nay trong việc tổ chức dạy học để chia nhóm học sinh cho phù hợp với năng lực.

Trong năm học tới với các môn lựa chọn, chúng tôi đã tự chọn:

Thứ nhất là nhóm môn Khoa học và xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và pháp luật, ở nhóm này học sinh sẽ học đủ cả 3 môn.

Thứ hai, đối với nhóm Khoa học và tự nhiên, chúng tôi chọn môn Sinh học bởi các môn khoa học đều hướng tới con người, phải hiểu con người sinh học, môi trường sống,…Môn này sẽ bổ trợ cho các môn Khoa học và xã hội một cách sát thực nhất.

Thứ ba, nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật sẽ chọn môn Tin học vì đây là môn học được xem là công cụ để phát triển đất nước trong thời đại 4.0.

Nói như vậy để thấy, nhà trường đã lựa chọn được 5 môn trong 3 nhóm môn lựa chọn.

Sở dĩ nhà trường chọn cả môn ở nhóm Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội bởi nó mang tính cụ thể, học sinh có năng lực ở lĩnh vực tự nhiên và xã hội cũng sẽ chọn 2 nhóm này, đồng thời nhóm môn học này mang tính phổ rộng bởi học sinh lớp 10 còn ngỡ ngàng chưa thể định hình rõ được sau này khi lên lớp 12 các em sẽ chọn ngành nghề gì.

Nếu đưa các em vào chọn ngành, tổ hợp môn quá hẹp thì sau này nếu có thay đổi sự lựa chọn cũng sẽ rất khó cho học sinh và nhà trường. Còn khi đã đưa vào Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội sẽ có rất nhiều ngành khác nhau trong đó.

Với những học sinh có hướng chọn Âm nhạc hoặc Mỹ thuật, vấn đề này nhà trường đã và đang triển khai các câu lạc bộ kĩ năng theo sở thích với nhiều hoạt động giúp cho học sinh phát triển năng lực vốn có như thể thao, nghệ thuật,…Với số lượng học sinh lựa chọn không nhiều nên theo tôi mô hình câu lạc bộ sẽ phù hợp hơn, hôm nay các em có thể chọn môn này, ngày mai không thích vẫn có thể đổi và không bị bó buộc như nhóm môn học trong suốt 3 năm”.

Học sinh trong giờ học Mỹ thuật. Ảnh minh họa: T.D.

Học sinh trong giờ học Mỹ thuật. Ảnh minh họa: T.D.

Giá như có sự chuẩn bị giáo viên từ trước

Việc các trường hiện nay đều thiếu giáo viên Mỹ thuật và Âm nhạc, chưa kể cũng đang gặp khó trong vấn đề mời giáo viên dạy hợp đồng được bởi ở cấp Trung học cơ sở cũng đang rất thiếu những giáo viên này. Vậy giải quyết bằng cách nào? Về vấn đề này, thầy Quân bày tỏ: “Thực tế là, các trường phổ thông không thể tự đào tạo giáo viên được. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chỉ đạo các trường Đại học sư phạm mở thêm các khoa và đào tạo cấp tốc giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường này để đáp ứng nhu cầu thực tế cấp bách của các trường hiện nay. Đáng lẽ bây giờ phải có đầy đủ đội ngũ các thầy cô giáo dạy môn này rồi, nhưng hiện nay vẫn chưa có và chắc chắn các trường Trung học phổ thông khó có thể triển khai được trong năm học tới nếu có học sinh lựa chọn môn học này.

Các trường có mời giáo viên dạy hợp đồng cũng chỉ là phương án tạm thời để ứng phó với nhu cầu của học sinh, nhưng hiện nay có một quy định nữa là những giáo viên dạy Mỹ thuật, Âm nhạc phải tốt nghiệp đại học thì mới có thể dạy được cấp Trung học phổ thông, nếu chỉ tốt nghiệp cao đẳng hoặc các hệ trung cấp thì sẽ không được phép dạy”.

Thầy Quân nói: “Với cách chia tổ hợp như hiện nay, sẽ có một tình huống nhiều môn không có học sinh chọn, và nhiều môn sẽ quá tải vì quá nhiều em yêu thích dẫn đến thừa thiếu giáo viên, việc bố trí thầy cô trong trường hợp này không hề đơn giản nhất là với những trường công lập.

Vậy phải tính toán cân đối số lượng học sinh giữa các nhóm môn thế nào? Thực tế chúng tôi quan sát mấy năm gần đây qua việc tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và Bộ cũng đã đưa ra hai định hướng là tổ hợp môn Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, và tổ hợp môn Khoa học tự nhiên gồm Lý, Hóa, Sinh đã làm cho học sinh Trung học phổ thông bắt buộc phải học theo hai tổ hợp này với mục đích để đi thi.

Nếu tới đây vẫn tiếp tục duy trì kiểu thi như vậy thì chắc chắn sẽ lại có chuyện phức tạp vì nó có sự liên đới với nhau, học sinh lựa chọn tổ hợp môn học chỉ để đi thi, chứ không phải chọn môn vì định hướng nghề nghiệp, như vậy chia tổ hợp môn tự chọn sẽ thành vô nghĩa”.

Các nhà trường chọn tổ hợp giúp học sinh

Nhà trường sẽ chọn và chia sẵn các tổ hợp môn cho học sinh? Với tình huống này, thầy Quân nêu quan điểm: “Các nhà trường cần công khai, chọn sẵn một vài tổ hợp giúp học sinh, các em thấy hợp lý ở tổ hợp nào sẽ tự lựa chọn. Nếu các nhà trường Trung học phổ thông không chọn trước cho học sinh, cứ để các em tự chọn thì chắc chắn nhà trường không thể xử lý được, có thể có tổ hợp chỉ vài ba học sinh chọn lựa thì nhà trường sẽ triển khai dạy thế nào?

Có thể nói nhà trường định hướng chọn tổ hợp giúp học sinh chứ hoàn toàn không phải áp đặt. Mọi sự lựa chọn phải phù hợp với điều kiện nhà trường và phù hợp với xu thế chung, nhà trường phải có tầm nhìn rộng hơn học sinh, chứ không thể bằng học sinh trong tình huống này. Nếu học sinh đăng kí nhóm môn mà nhà trường không thể dạy được, lúc này trả lời học sinh thế nào? Vậy nên các nhà trường cần tuyên bố ngay từ đầu, minh bạch nói rõ môn nào có, môn nào không đáp ứng được để học sinh và gia đình các em biết trước khi lựa chọn.

Việc quản lý cần phải thực tế, nếu chỉ nhìn về một phía học sinh và buộc nhà trường phải theo học sinh thì chắc chắn sẽ không làm được, nhà trường có đủ các điều kiện từ cơ sở vật chất, đến đội ngũ thầy cô đâu mà chạy theo học sinh”.

Tùng Dương