Sáng ngày 18/3, Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Mai Hoa và ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Không có học sinh nào thiếu sách giáo khoa
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã phối hợp với các nhà xuất bản chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh các khối lớp trước khi vào năm học mới.
Qua giám sát, các cơ sở giáo dục đã thực hiện việc mua đủ số lượng sách lưu trữ tại thư viện nhà trường, đồng thời lập danh sách học sinh khó khăn để nhận sách tặng, thực hiện hỗ trợ sách giáo khoa cho các học sinh khó khăn, đảm bảo tất cả học sinh có đầy đủ sách giáo khoa, không để học sinh nào bị thiếu sách trước khi bước vào năm học mới.
Đối với các tài liệu tham khảo được sử dụng trong nhà trường, các trường không ép buộc, vận động học sinh hoặc cha mẹ học sinh mua tài liệu tham khảo.
Với tài liệu giáo dục của thành phố: Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở các cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021, báo cáo đầy đủ tiến độ việc thực hiện biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục địa phương theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Qua giám sát cho thấy, nội dung giáo dục địa phương của thành phố đã tuân thủ các quy định nêu trong chương trình tổng thể, đồng thời chú ý đến đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa, dân cư thành phố, được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt để có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của đơn vị khác nhau, phù hợp với khả năng của giáo viên, với các nhóm đối tượng học sinh khác nhau, thực tiễn dạy học ở nhà trường, song vẫn bảo đảm trình độ chung của giáo dục phổ thông trên cả nước.
Đã hoàn thành thẩm định tài liệu giáo dục địa phương đối với các lớp khối tiểu học và lớp 6
Đến nay, thành phố đã hoàn thành công tác thẩm định, có báo cáo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương Thành phố Hồ Chí Minh lớp 7,10, hoàn thành thẩm định tài liệu giáo dục địa phương đối với khối lớp tiểu học và lớp 6.
Hiện thành phố có 22.482 giáo viên tiểu học, 17.484 giáo viên trung học cơ sở, 12.005 giáo viên trung học phổ thông. Số giáo viên tiểu học đạt chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 83%.
Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
100% giáo viên tham gia đứng lớp, cán bộ quản lý các trường được tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới, bồi dưỡng nội dung giảng dạy sách giáo khoa mới, hầu hết giáo viên tham gia chương trình giáo dục phổ thông mới tự chủ chuyên môn, chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, các lớp với những điều kiện khác nhau để phù hợp với học sinh và từng lớp, góp phần đảm bảo dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay thì đa số các trường tiểu học đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn giáo viên tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên các cấp học phổ thông, các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án giải quyết phù hợp từng đối tượng như: Điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, áp dụng cơ chế thỉnh giảng và hợp đồng lao động ngắn hạn, chủ động sắp xếp và phân công dạy thêm giờ…để đảm bảo triển khai được chương trình.
Các trường hợp giáo viên do sức khỏe, độ tuổi hoặc do nguyên nhân khác không đảm bảo yêu cầu giảng dạy thì xem xét điều chuyển vị trí việc làm từ giáo viên sang nhân viên trường học (thiết bị, thí nghiệm, thư viện…) hoặc giải quyết nghỉ hưu sớm theo quy định.
Việc tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên được thành phố quan tâm và triển khai thường xuyên, đảm bảo điều kiện đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều trường thiếu kinh phí trang bị thiết bị thực hành
Số trường học ngoài công lập trên địa bàn thành phố chiếm tỷ lệ 41,67%, với 222.742 chỗ học, chiếm 14,1% tổng số học sinh đang theo học từ mầm non đến trung học phổ thông. Mạng lưới trường ngoài công lập phát triển mạnh, ngày càng mở rộng về quy mô, số lượng, chất lượng đã góp phần việc tạo ra nhiều chỗ học tập, giảm sức ép về sĩ số đối với các trường công lập, đảm bảo cơ hội học tập cho học sinh.
Hiện tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày trên địa bàn thành phố đối với học sinh tiểu học là 74,1%, đối với trung học cơ sở là 63,2% và đối với trung học phổ thông là 95,2%. Việc xây dựng thêm các trường lớp mới góp phần giảm sĩ số học sinh/lớp, thuận lợi hơn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới.
Về trang thiết bị dạy học: Thiết bị để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Kinh phí đầu tư, mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, dụng cụ thí nghiệm ở các đơn vị tự chủ còn hạn chế, gây khó khăn cho một số bộ môn ở một số nội dung mà chương trình yêu cầu phải có những trang thiết bị và đồ dùng dạy học mới thực hiện được.
Thiết bị tin học hầu hết cũ, chậm thay thế do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chậm do đấu thầu, mua sắm tập trung theo quy định. Thiết bị dạy học ngoại ngữ chưa được đầu tư, đảm bảo theo yêu cầu, nhiều trường còn thiếu.
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới gồm:
Giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, do giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm những môn mới chưa được đào tạo chính quy, trong khi thời gian tập huấn ngắn vừa tập huấn xong phải vào dạy ngay; tỷ lệ phòng học/lớp chưa đáp ứng được đà tăng dân số, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu và việc thiếu phòng học để tổ chức học 2 buổi cho những năm tiếp theo khi tỷ lệ học sinh học 2 buổi của khối tiểu học sẽ là khó khăn lớn của thành phố.
Tình trạng sĩ số học sinh cao so với quy định dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực.
Một số trường có diện tích nhỏ hẹp, có trường vùng ven hay vùng áp lực dân nhập cư có sân chơi nhỏ hẹp, thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng do tất cả phòng đều tập trung để làm phòng học. Thiết bị dạy học chưa được trang bị đầy đủ, cụ thể là máy tính để phục vụ dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều trường trung học phổ thông của thành phố không đủ kinh phí để trang bị thiết bị thực hành, thí nghiệm phục vụ cho các môn học có thực hành thí nghiệm theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Một số trường phải sử dụng các thí nghiệm ảo trên máy tính để cho học sinh xem.