Quận Gò Vấp đề xuất tháo gỡ quy định diện tích đất trên số học sinh

18/03/2023 06:34
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quận Gò Vấp đề xuất tháo gỡ quy định diện tích đất trên học sinh, chứ không tính diện tích sàn.

Ngày 17/3, Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm làm trưởng đoàn đã thực hiện việc giám sát chuyên đề tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường chưa đảm bảo diện tích mặt bằng xây dựng

Báo cáo với đoàn giám sát, cô Phan Thị Châu – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh cho hay, trường có 52 lớp với 2.345 học sinh, nhưng chỉ có 44 lớp được học 2 buổi/ngày, còn lại thì 8 lớp phải thực hiện 6 buổi/tuần.

Cô Phan Thị Châu cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới đã thực hiện việc dạy học, truyền thụ kiến thức một chiều sang giáo dục và phát triển phẩm chất, năng lực người học, thông qua nội dung giáo dục và những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại, hài hòa giữa trí – đức – thẩm mỹ, chú trọng vào việc thực hiện, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đã học để giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống.

Ngoài ra, chương trình có sự tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần các lớp học trên, thông qua phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh.

Cô Phan Thị Châu - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu (ảnh: P.L)

Cô Phan Thị Châu - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu (ảnh: P.L)

Nội dung sách giáo khoa của chương trình mới mang tính mở, tích hợp nội dung dạy học và mang tính kế thừa phát huy được phẩm chất, năng lực của học sinh. Sách thiết kế dễ hiểu, dễ dạy, chủ đề gần gũi và thân thiện với học sinh. Giáo viên dễ tìm tư liệu giảng dạy, giá thành sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, mức sống của người dân.

Song song đó, hiệu trưởng nhà trường cũng chỉ ra những khó khăn mà trường đang gặp phải, như chưa đảm bảo diện tích mặt bằng xây dựng bình quân tối thiểu 6m2/học sinh đối với khu vực thành phố, diện tích sân chơi còn chật hẹp, chưa đảm bảo theo đúng quy định.

Trường chưa có đầy đủ các phòng chức năng để phục vụ cho việc học các môn học, sĩ số học sinh/ lớp còn đông, nên hạn chế trong việc tổ chức dạy học của thầy và trò. Một số cha mẹ học sinh thì chưa quan tâm đến việc học tập, rèn luyện của con em mình.

Đề xuất tháo gỡ quy định diện tích đất trên số học sinh

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh nói, liên quan đến lộ trình thực hiện việc học 2 buổi/ngày của học sinh, đến năm 2022, số phòng học hiện có của quận là hơn 2.900 phòng học gồm cả công và ngoài công lập.

Với chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân của Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra, thì hiện nay Quận Gò Vấp chỉ mới đạt được 234 phòng học/10.000 dân. Dự kiến, đến năm 2025, số dân trong độ tuổi đi học của Quận Gò Vấp sẽ là 133.619 em. Muốn đạt được chỉ tiêu này, thì quận phải xây dựng thêm 1.037 phòng học.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh chỉ ra điểm khó ở quận Gò Vấp là đất trong dân có, nhưng phải mua lại tuy nhiên giá bồi thường theo quy định thì lại quá thấp.

Người dân luôn đồng thuận với chủ trương, nhưng giá mua lại phải tương đối để sau đó người dân có thể đến khu tái định cư mới.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Gò Vấp phát biểu tại buổi giám sát (ảnh: P.L)

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Gò Vấp phát biểu tại buổi giám sát (ảnh: P.L)

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Gò Vấp đề nghị tăng giá trị bồi thường hỗ trợ, có chính sách tái định cư tại chỗ cho người dân tại khu vực đã quy hoạch.

Cũng theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học khiến các quận/huyện sẽ không muốn xây dựng trường mới trên nền đất cũ, do phải thực hiện theo quy định mới nên nếu chia diện tích đất trên số học sinh thì số học sinh sẽ bị giảm.

Do đó, ông Trịnh Vĩnh Thanh đề xuất nhanh chóng tháo gỡ vấn đề này, để phù hợp với tình hình và đặc điểm của địa phương.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Gò Vấp khẳng định, quá trình lựa chọn sách giáo khoa thì quận và thành phố đã thực hiện rất nghiêm túc, không có chuyện áp đặt các trường hay quận phải dùng bộ sách này, mà do chính thầy cô lựa chọn.

Thế nhưng, nếu trong quá trình dạy nếu ngữ liệu chưa được hay, trọn vẹn thì thầy cô sẽ thay thế ngữ liệu ở những bộ sách khác.

Thầy cô vượt khó khăn, áp lực để đạt kết quả bước đầu

Phát biểu kết luận buổi giám sát, ông Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, Trường tiểu học Lương Thế Vinh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trên tinh thần chủ động, tích cực, bám sát yêu cầu thực hiện chương trình mới, phù hợp với thực tế của nhà trường và thầy cô giáo.

Ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu kết luận (ảnh: P.L)

Ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu kết luận (ảnh: P.L)

“Thầy cô đã vượt qua mọi khó khăn, áp lực để đạt được những kết quả bước đầu. Qua đó sẽ tạo tiền đề, nền tảng để nâng cao chất lượng hiện có, và thực hiện tốt hơn đổi mới trong giai đoạn tiếp theo” – ông Phan Viết Lượng nhấn mạnh.

Việt Dũng