Cần tính toán lại khi bồi dưỡng giáo viên, tránh "tam sao thất bản"

28/01/2023 06:48
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhân dịp đầu xuân năm mới, nguyên Phó giám đốc Sở GD TP.HCM đã có đôi điều chia sẻ tâm huyết trong sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay.

Đã 3 năm ngành giáo dục chính thức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đến nay cả nước có 6 khối lớp được dạy và học theo chương trình mới (lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7, lớp 10). Năm 2023 được xem là “năm nhịp ở giữa của quá trình triển khai chương trình mới". Ngành giáo dục cả nước đã nỗ lực thực hiện đổi mới trong điều kiện hoàn cảnh còn có những khó khăn, thách thức.

Đúng như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhận định, trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là một trong những việc lớn nhất, dài nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất và sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc nhất cho giáo dục. (1)

Nhằm góp phần xây dựng, đóng góp ý kiến thúc đẩy việc triển khai chương trình mới được hiệu quả hơn, nhân dịp đầu xuân năm mới, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Phóng viên: Từng làm công tác quản lý trong ngành giáo dục, theo ông, việc quan trọng nhất để góp phần thực hiện thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là gì?

Ông Nguyễn Văn Ngai: Giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng, là lực lượng quyết định đến chất lượng và sự phát triển giáo dục. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là công cuộc đổi mới giáo dục lâu dài và toàn diện, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức lớn lao.

Bởi vậy, đội ngũ thầy cô giáo cũng cần có sự phát triển, đổi mới để kịp thích ứng với yêu cầu chương trình mới. Để có được điều này, một công việc quan trọng cần triển khai sâu rộng chính là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của tôi đánh giá, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu cho chương trình mới trong thời gian vừa qua chúng ta có làm, tuy nhiên chưa thực sự bài bản và chu đáo.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Ông vừa nhắc đến việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên chưa thực sự bài bản và chu đáo, cụ thể điều này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Ngai: Việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên chưa được chu đáo là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều lúng túng khi triển khai chương trình mới ở các cơ sở trường học, đặc biệt việc giảng dạy môn học mới.

Không thể phủ nhận rằng, để đổi mới chương trình, việc thay sách giáo khoa nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, để tiếp cận với sự phát triển của các nước trên thế giới đều là cần thiết. Tuy nhiên để thực hiện thành công việc đổi mới cần có sự đồng bộ trong việc xây dựng sách giáo khoa và xây dựng đội ngũ giáo viên.

Nhìn vào thực tế triển khai mấy năm vừa qua, chúng ta thấy rõ việc đội ngũ chưa có sự chuẩn bị chu đáo và kịp thời khi triển khai, dẫn đến hàng loạt những khó khăn bất cập cho giáo viên dạy môn tích hợp. Cụ thể, giáo viên trước đây chỉ được đào tạo đơn môn, tuy nhiên với chương trình mới lại triển khai dạy một số liên môn. Thực tế này đã khiến nhiều cơ sở gặp khó khăn trong việc phân công giáo viên giảng dạy môn tích hợp, công việc lên lịch thời khóa biểu, chấm điểm,... cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy còn đánh giá việc đổi mới dạy liên môn mới chỉ nằm ở hình thức, thực tế tính liên môn vẫn chưa được phát huy đầy đủ.

Do vậy, thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh việc đào tạo đội ngũ giáo viên dạy các môn mới để có đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Trong đó, cần phải phối hợp giữa cơ sở đào tạo và cơ quan sử dụng, gắn đào tạo chặt chẽ với nhu cầu sử dụng. Cơ sở đào tạo ở đây là các trường sư phạm và trường có khoa sư phạm, và nơi sử dụng ở từng địa phương là các Sở Giáo dục và Đào tạo - dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, bên cạnh công tác đào tạo mới, thì bồi dưỡng cho đội ngũ đang giảng dạy hiện nay cũng quan trọng và cấp thiết. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, cá nhân tôi nghĩ chúng ta cần chú trọng một khâu rất quan trọng khác trước khi tiến hành bồi dưỡng chính là công tác tư tưởng.

Công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, tôi biết rằng sẽ khó tránh khỏi trường hợp với giáo viên có quá trình giảng dạy lâu năm, họ sẽ nảy sinh tâm lý ngại đổi mới nếu chưa được làm tốt về công tác tư tưởng. Do đó, trước khi thực hiện đổi mới, chúng ta cần chú trọng vào công tác tư tưởng, phải cho giáo viên thấy được cái mới, cái hay, những điểm tiến bộ của chương trình mới so với chương trình cũ. Khi đã có niềm tin vào công cuộc đổi mới rồi, người giáo viên mới không ngại khó ngại khổ, nỗ lực khắc phục khó khăn và sẵn sàng tham gia đổi mới.

Một điểm nữa trong công tác bồi dưỡng giáo viên thời gian qua mà cá nhân tôi thấy chưa được hiệu quả lắm, đó là việc chú trọng bồi dưỡng cốt cán là chưa đủ.

Chúng ta hiểu rằng, cốt cán thì mỗi tỉnh/thành chỉ cử một số người, thời gian bồi dưỡng cũng không có nhiều; mà ông bà ta đã có câu “tam sao thất bản”, đội ngũ cốt cán cũng không phải tất cả 100% người đều có năng lực truyền đạt lại cho người không đủ điều kiện đi tập huấn chung, do đó không tránh khỏi sự “rơi rớt” trong quá trình triển khai về cơ sở. Do đó, thời gian tới, tôi nghĩ rằng cần có sự tính toán lại, tổ chức triển khai bồi dưỡng đồng bộ để nâng cao hơn nữa hiệu quả bồi dưỡng, tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, hay làm cho có!

Ngoài bồi dưỡng về mặt chuyên môn và làm công tác tư tưởng, theo tôi cũng cần phải có cải tiến về chế độ chính sách phù hợp về lương giáo viên, để nhà giáo có thể an tâm với công việc đó, sẵn sàng tham gia đổi mới và hết lòng vì cái công việc mình đang đảm trách, từ đó mới mang lại hiệu quả tốt được.

Phóng viên: Theo ông, giải pháp tăng lương có phải là một động lực giúp giữ chân đội ngũ nhà giáo, hạn chế tình trạng nghỉ việc, bỏ việc như trong năm vừa qua?

Ông Nguyễn Văn Ngai: Tôi nghĩ đây cũng là một điều cần thiết. Quyết định tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có đội ngũ nhà giáo) từ 1/7/2023 thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên nói riêng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đây là một điều đáng ghi nhận.

Mong muốn giáo viên sống được bằng nghề của mình luôn là một trăn trở đối với ngành giáo dục nhiều năm qua. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai,… trong mấy năm qua, quyết định tăng lương hy vọng sẽ tạo ra được một động lực lớn lao cho các thầy cô giáo.

Đương nhiên vấn đề nào cũng có tính hai mặt: Bên cạnh đảm bảo cuộc sống giáo viên để họ an tâm công tác, dành thời gian đầu tư cho công việc dạy và học, chúng ta cũng phải có những yêu cầu về trách nhiệm đối với giáo viên. Trong một tập thể lớn, đa số giáo viên đều nỗ lực hết lòng, nhưng cũng không tránh khỏi một bộ phận giáo viên ít nhiều gì đó vẫn chưa nhiệt tình, chưa hết lòng, lơ là trong công tác. Đối với những trường hợp như vậy, ngành giáo dục cần có các giải pháp nhắc nhở, uốn nắn, thậm chí xử lý một cách mạnh dạn.

Phóng viên: Việc xây dựng được môi trường văn hóa dân chủ, lành mạnh trong nhà trường cũng là một yếu tố quan trọng giúp giáo viên yêu nghề hơn đúng không, thưa ông? Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện dân chủ trong trường học hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Ngai: Theo tôi là đúng, giống như Bác Hồ đã từng nói: “Dân chủ là cái quý báu nhất của nhân dân. Thực hành dân chủ chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”. Về dân chủ trong trường học thì Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương, ngành giáo dục đã có chỉ đạo, có sự kiểm tra giám sát để có sự nhắc nhở, uốn nắn nơi làm chưa tốt, khen thưởng nơi làm tốt để phát huy, mở rộng.

Hiệu trưởng một trường chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên trong việc điều hành quản lý hoạt động của trường theo quy định chung của ngành, nhưng hiệu trưởng có ba đầu sáu tay đi nữa nhưng không được sự ủng hộ, tin phục của giáo viên thì không thể phát huy được thế mạnh của đội ngũ giáo viên.

Thực hiện dân chủ hóa trong trường học, công khai các hoạt động tài chính sẽ tạo niềm tin của giáo viên đối với lãnh đạo, đồng thời thể hiện sự quan tâm chăm lo đến đội ngũ giáo viên.

Để đánh giá về việc thực hiện dân chủ trong trường học hiện nay, cá nhân tôi sẽ không thể đưa ra đánh giá chi tiết và toàn diện được. Tuy nhiên, qua tâm sự với đồng nghiệp, và theo dõi báo đài, tôi thấy rằng hiện nay đã có rất nhiều cơ sở làm tốt điều này, nhất là những cơ sở có hiệu quả tốt trong giảng dạy, học tập thì chắc chắn sẽ có nhiều khía cạnh dân chủ hóa trong trường học được phát huy rất sâu rộng.

Tuy nhiên chắc chắn vẫn có một số nơi chưa làm tốt vấn đề dân chủ, điều này thể hiện qua thực tế vẫn có đơn thư khiếu nại, tố cáo,... gửi lên ngành, các cơ quan chức năng.

Phóng viên: Xin ông hãy đề xuất một số giải pháp để nâng cao việc thực hiện dân chủ trong trường học?

Ông Nguyễn Văn Ngai: Như tôi đã nói ở trên, vấn đề dân chủ trong trường học Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, vấn đề này chúng ta cũng triển khai nhiều năm nay rồi. Để phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, tôi cho rằng các cơ quan lãnh đạo cấp trên, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo, công đoàn ngành, các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương… cần có tổ chức khảo sát, nắm bắt từng cơ sở trường học làm tốt vấn đề dân chủ và một số cơ sở vẫn còn hạn chế, để từ đó có tổng kết, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân và hướng giải pháp cụ thể với điều kiện từng cơ sở.

Đồng thời, chúng ta cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm nhằm phát huy tối đa sức mạnh dân chủ trong nhà trường.

Phóng viên: Năm 2023, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, và trách nhiệm người thầy càng thêm trọng trách. Nhân dịp đầu xuân năm mới, ông có gửi gắm gì tới đội ngũ nhà giáo?

Ông Nguyễn Văn Ngai: Đối với các thầy giáo, cô giáo chúng ta, một khi đã lựa chọn gắn bó với sự nghiệp dạy học rồi thì điều tôi mong mỏi nhất, chính là chúng ta hãy đối xử với học sinh như chính con em mình. Hãy đặt mình ở vị trí là những người anh, người chị đi trước đang giúp đỡ lại cho các đàn em. Hãy đặt mình ở vị trí là một người phụ huynh, chúng ta mong ước con em mình được đối xử như thế nào, thì với vai trò là người thầy giáo, hãy cố gắng nỗ lực hết mình, với lòng nhiệt huyết và trái tim người thầy thực hiện trọn vẹn những mong ước đó.

Các chế độ, chính sách là công việc, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Người giáo viên có quyền và trách nhiệm lên tiếng, có kiến nghị, đề xuất để điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta không được vì sự điều chỉnh chưa kịp thời mà mình không làm tròn trách nhiệm của thầy cô giáo.

Cuối cùng, tôi rất mong lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp tục nghiên cứu về chế độ, chính sách để thầy cô giáo an tâm giảng dạy. Đồng thời, trong thời gian tới, ngành giáo dục cũng cần có kế hoạch, sự chuẩn bị chu đáo về mặt đội ngũ thầy cô giáo, đảm bảo trả về đúng chuyên môn nghiệp vụ để góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới giáo dục.

Trân trọng cảm ơn ông.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://vov.vn/xa-hoi/bo-truong-bo-gd-dt-sap-toi-chac-chan-se-co-chuyen-bien-ve-thu-nhap-cua-giao-vien-post994680.vov?fbclid=IwAR2-iys4iAdxOhlns5JlQSXuIKy9CoS_c7TIwdlFKMxhu4qnHYjD2pnPAJM

Doãn Nhàn