Chiều ngày 16/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Mai Hoa và ông Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân Quận 12 liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Khưu Mạnh Hùng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12 cho biết, tổng số trẻ mầm non của quận là 28.183 em, số học sinh tiểu học là 48.565 em, trung học cơ sở là 30.326 học sinh.
Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày tại quận đạt 28,3%, còn ở bậc trung học cơ sở là 24,6%.
Ông Khưu Mạnh Hùng đánh giá, chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa kế thừa, phát triển những ưu điểm của chương trình cũ, vừa khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình này. Cụ thể:
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập, môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình.
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng triệt để việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Từ đó, học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng và vận dụng vào đời sống. Thầy cô không còn thiên về truyền thụ mà đóng vai trò hướng dẫn hoạt động cho học sinh.
Trong việc thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bố thời gian dạy học, lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Đây là những yếu tố quan trọng để giảm tải chương trình.
Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có những chuyển biến tích cực, như: Học sinh mạnh dạn trình bày ý kiến trước lớp, việc học tập dưới hình thức nhóm trong lớp ngày càng có hiệu quả.
Buổi giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại Quận 12 diễn ra chiều 16/3 (ảnh: P.L)8 |
Học sinh được nắm các kiến thức cơ bản của môn học, được trang bị phương pháp, lĩnh hội được bài học thông qua rèn luyện kỹ năng thực hành, nhằm phát triển năng lực, phẩm chất. Giáo viên làm việc có kế hoạch, biết tổ chức hệ thống công việc để hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu, tự khám phá, tránh làm thay, hiểu thay và nói thay.
Tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới như với sự gia tăng dân số cơ học ngày càng cao, chỉ có thể đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân, không đảm bảo tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình mới.
Nhiều trường trên địa bàn quận thiếu giáo viên môn đặc thù như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục và Công nghệ do không tuyển dụng được vì không có giáo viên đăng ký tuyển dụng những vị trí trên.
Do thiếu như vậy nên hầu hết các giáo viên nhiều môn học ở tiểu học phải dạy các tiết kiêm nhiệm, thêm vào đó số giáo viên không nhận được các khoản hỗ trợ 2 buổi/ngày so với các khối lớp khác cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý, đời sống của giáo viên.
Một số giáo viên lớn tuổi mặc dù nhiều kinh nghiệm giảng dạy, nhưng việc tổ chức các hoạt động giáo dục vẫn chủ yếu theo thói quen cũ.
Một vài cha mẹ học sinh chưa hiểu rõ chương trình mới, nên có tâm lý so sánh chương trình, sách giáo khoa cũ với chương trình, sách giáo khoa mới, từ đó đưa ra những nhận định, đánh giá chưa thật phù hợp, đầy đủ, gây áp lực cho học sinh, giáo viên và nhà trường.
Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12, chương trình giáo dục phổ thông mới được thể hiện qua nhiều bộ sách giáo khoa từ nhiều nhà xuất bản, là một chủ trương đúng đắn, hợp lý, giúp cho đội ngũ giáo viên, phụ huynh và học sinh có nhiều tài liệu tham khảo, khách quan trong quá trình dạy và học.
Danh mục sách giáo khoa được phê duyệt đều có những sáng tạo riêng trong cách thức trình bày, thể hiện nội dung đối với cùng một yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục.
Bên cạnh đó, nội dung trong mỗi bản sách đều bám sát chương trình tổng thể với lượng kiến thức đi từ cơ bản đến vận dụng thực tiễn, dễ hiểu, không gây khó đối với học sinh, giúp học sinh dễ tiếp cận với bài học bởi kênh chữ, kênh hình đẹp, dễ hiểu. Mỗi bài học đều có nội dung liên hệ thực tế, mở rộng, nhiều số liệu thông tin được cập nhật mới, hình ảnh minh họa cho bài giảng bài học phù hợp, ngắn gọn với nội dung yêu cầu mà sách giáo khoa cần truyền đạt.
Mỗi bản sách giáo khoa đều đi kèm nguồn học liệu điện tử, giúp giáo viên và học sinh thuận tiện khai thác, đưa vào bài giảng điện tử.
Ông Khưu Mạnh Hùng cho hay, hệ thống giáo dục ngoài công lập vài năm trở lại đây bắt đầu phát triển tại Quận 12, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ và chưa thu hút nhiều học sinh tham gia học. Chính vì thế, hệ thống ngoài công lập chưa chia sẻ được lượng học sinh quá tải tại các trường công lập.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12 kiến nghị, thành phố sớm phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án xây dựng mới trường học trên địa bàn quận, ưu tiên ghi vốn các công trình giáo dục để đáp ứng nhu cầu của học sinh, giảm sĩ số trên lớp và tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày của quận, do nhu cầu xây dựng trường lớp ở quận là rất lớn.
Có thêm chính sách ưu đãi đối với giáo viên dạy học 2 buổi/ngày thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là giáo viên tiểu học nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay.
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thủ tục hành chính để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công – tư, kích cầu, xã hội hóa.
Kiến nghị các trường sư phạm nâng chỉ tiêu đào tạo giáo viên dạy các môn học đang thiếu cục bộ, để các quận/huyện không còn tình trạng thiếu giáo viên nữa.