Bỏ 14 lĩnh vực ra khỏi Hội thi KHKT có ảnh hưởng chất lượng dự thi quốc tế?

03/12/2023 06:20
Nhật Lệ
GDVN- 14 lĩnh vực được dự thảo bỏ đều nằm trong nội dung cuộc thi Intel ISEF. Điều đó khiến nhiều thầy cô lo lắng dự án khó đạt giải cao ở kỳ thi quốc tế.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy chế hội thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông để thay thế Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT.

Dự thảo đề cập một số điểm mới về yêu cầu nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh phải đảm bảo thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; thúc đẩy giáo dục STEM theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông

Ngoài ra, tại dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bỏ nội dung khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học.

Học sinh giới thiệu về dự án của mình trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Học sinh giới thiệu về dự án của mình trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Điểm mới trong dự thảo đã khắc phục được các hạn chế

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Bùi Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ: “Sự thay đổi này đã đưa ra định hướng rõ ràng để các cơ sở giáo dục tổ chức cuộc thi cũng như giáo viên và học sinh tham gia cuộc thi vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống.

Từ đó, góp phần rèn luyện nâng cao năng lực cho học sinh cũng như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, góp phần thực hiện giáo dục định hướng nghề nghiệp và khơi dậy tiềm năng khởi nghiệp của học sinh. Đây cũng là một hình thức đổi mới phương pháp dạy học và triển khai giáo dục STEM trong nhà trường”.

Cũng theo thầy Tùng, những thay đổi này cũng góp phần hạn chế sự hỗ trợ, tham gia của các chuyên gia với những kiến thức quá hàn lâm, chuyên sâu không phù hợp với trình độ của học sinh phổ thông. Giúp cho học sinh tham gia dự án phải có sự sáng tạo dựa trên nền kiến thức phổ thông mà các em đã được học. Giúp cho những học sinh ở vùng sâu vùng xa có cơ hội tham gia các cuộc thi bình đẳng như những học sinh ở vùng có điều kiện tiếp cận với các nhà khoa học.

“Những điểm mới này sẽ khắc phục được tình trạng như các phương tiện thông tin truyền thông vẫn đưa tin đó là: học sinh phổ thông như những "siêu nhân" với những đề tài nghiên cứu quá tầm và làm mất đi sự sáng tạo của học sinh do có sự can thiệp sâu của các chuyên gia trong quá trình nghiên cứu”, thầy Tùng nhấn mạnh.

Cũng đồng tình với quan điểm này, đại diện Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho hay: Trong dự thảo Thông tư lần này Bộ đã đổi từ “Cuộc thi” thành “Hội thi” đây cũng là một điểm mới quan trọng trong việc chuyển định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông theo định hướng thực chất và tự nguyện, phát huy lòng đam mê nghiên cứu của các em.

“Ngày 14/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học. Nội dung giáo dục STEM thể hiện ở 3 cấp độ: Bài học STEM, hoạt động trải nghiệm STEM và hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

Dự thảo Thông tư có điểm mới về yêu cầu nội dung nghiên cứu khoa học, kĩ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, thúc đẩy giáo dục STEM theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.

Việc tổ chức cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, kĩ thuật bảo đảm phù hợp với năng lực, sở trường, hứng thú và tự nguyện tham gia của học sinh cũng như đánh giá đúng năng lực học sinh, đây là những điểm mới tích cực phù hợp xu thế và mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh thông tin.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học có vai trò quan trọng, khuyến khích học sinh say mê nghiên cứu khoa học. (Ảnh: Lã Tiến)

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học có vai trò quan trọng, khuyến khích học sinh say mê nghiên cứu khoa học. (Ảnh: Lã Tiến)

Lo ngại bỏ các nội dung khó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dự thi quốc tế

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên những dự án tham gia cuộc thi Intel ISEF của nhiều nước trên thế giới thường có kiến thức hiện đại, chuyên sâu. Nếu bỏ các nội dung khó ra khỏi hội thi, có thể đáp ứng được yêu cầu trong nước nhưng khi ra quốc tế khó mà cạnh tranh được với các nước khác trên thế giới.

“Liệu rằng những dự án đạt giải cao trong nước khi tham gia quốc tế có khó khăn gì hay không? Có phù hợp với mặt bằng về hàm lượng khoa học trong các dự án của quốc tế hay không?

Việc bỏ các lĩnh vực khó ra khỏi hội thi là phù hợp với các môn học trong chương trình phổ thông hiện nay. Tuy nhiên, các lĩnh vực này vẫn được quy định trong cuộc thi quốc tế. Vậy nếu học sinh đạt giải cao được tham dự cuộc thi Intel ISEF thì có khó khăn gì trong việc chuyển đổi lĩnh vực dự thi để phù hợp với quy định quốc tế?”, thầy Tùng nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng: 22 lĩnh vực trong quy chế hiện hành sát với các lĩnh vực của cuộc thi Intel ISEF nên nếu bỏ đi 14 lĩnh vực sẽ khiến nhiều người lo lắng về chất lượng các đề tài có đủ sức cạnh tranh khi ra đấu trường quốc tế hay không.

Tuy nhiên, 8 lĩnh vực của dự thảo lại rất gần gũi với các chủ đề mà học sinh được học. Các chủ đề này vẫn bao trùm các chủ đề của 22 lĩnh hiện hành. Nhưng thầy cô giáo và các em học sinh cũng cần có hướng đi linh hoạt để đảm bảo các dự án được thiết thực, hiệu quả.

Cũng theo vị này, tại tỉnh Quảng Ninh, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có hướng dẫn hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức cuộc thi tới các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Kết quả tại các cuộc thi cấp tỉnh, hàng năm có từ 90 đến 100 dự án được lựa chọn từ các phòng giáo dục và đào tạo, các cụm trường trung học phổ thông tham gia, tỷ lệ đạt giải 50%. Có 43 dự án dự thi cấp quốc gia hàng năm, có 37 dự án đoạt giải (tỉ lệ đoạt giải 86%), trong đó có 2 giải Nhất.

“Các dự án tại Quảng Ninh đều đảm bảo yêu cầu xuất phát từ ý tưởng của học sinh, được các em phát triển lên từ các vấn đề thực tiễn cuộc sống hoặc kiến thức bài học. Ví dụ dự án “Mô hình hệ thống điều khiển từ xa các thiết bị trong nhà” của học sinh Nguyễn Văn Hiếu, Lê Văn Đỉnh - Trường Trung học phổ thông Đầm Hà đoạt giải Nhì cấp quốc gia; Dự án “Máy làm sạch bề mặt đáy ao nuôi tôm” của học sinh Ngô Anh Tài, Nguyễn Đức Hoàn - Trường Trung học cơ sở Tân An, Quảng Yên đoạt giải Nhất cấp quốc gia. Đó là những dự án rất đời thường và có ý nghĩa thực tế cao.

Theo thể lệ cuộc thi, có một số phần nhiệm vụ các em có thể được sự hỗ trợ từ bên ngoài, tuy nhiên vẫn đảm bảo nguyên lý khoa học cốt lõi do các em làm chủ”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh thông tin.

Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên, cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển phẩm chất và năng lực chung cũng như năng lực đặc thù của học sinh. Học sinh tham gia cuộc thi không chỉ được củng cố kiến thức mà còn được bộc lộ, phát huy năng lực khá toàn diện.

Thầy Bùi Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên. (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Bùi Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên. (Ảnh: website nhà trường)

Trong quá trình tìm kiếm ý tưởng nghiên cứu giáo viên thấy rõ được năng lực sáng tạo ở học sinh. Khi thực hiện các thí nghiệm, học sinh được phát triển năng lực tự chủ và tự học, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Trong quá trình làm việc đội nhóm, học sinh được phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực ngôn ngữ.

Khi xử lý kết quả nghiên cứu, học sinh được phát triển năng lực toán học, tin học… Còn khi trình bày kết quả nghiên cứu học sinh cũng được phát triển năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, ngôn ngữ… Và quan trọng hơn nữa là thắp lên ở các em niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

“Với những giáo viên hướng dẫn học sinh làm việc nghiêm túc thì những gì học sinh thu nhận được sau khi thực hiện một đề tài có ý nghĩa rất lớn. Điều này đã góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Tuy nhiên nhiều đề tài còn đơn giản, chưa thể áp dụng rộng trong thực tiễn thì chúng ta cũng nên chấp nhận bởi mục tiêu cốt lõi của chúng ta là giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Chúng ta không nên kỳ vọng vào tính ứng dụng của đề tài do học sinh thực hiện cao như của thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Còn với những đề tài có dấu hiệu tiêu cực như đề tài trùng lặp, có hiện tượng “đạo” đề tài, người lớn làm hộ học sinh đi thi thì đáng để lên án”, thầy Tùng nhấn mạnh.

Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên cũng đề xuất cần quy định chi tiết hơn trong hồ sơ dự thi. Đó là “báo cáo kết quả thực hiện dự án dự thi” là bản toàn văn hay bản tóm tắt. Nên quy định cụ thể từng mục là gì, hình thức trình bày văn bản như thế nào, có quy định số trang là bao nhiêu… để giáo viên phổ thông chưa có kinh nghiệm hướng dẫn cũng như học sinh dễ dàng thực hiện.

Ngoài ra, cần có một trang thông tin công bố các dự án dự thi một cách minh bạch để xã hội nắm được.

Nhật Lệ