Không nên bỏ Hệ thống nhúng, Rô bốt và máy thông minh ra khỏi Hội thi KHKT

25/11/2023 06:31
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre chỉ ra những điểm mới của dự thảo Hội thi KHKT cấp quốc gia so với quy chế hiện hành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư ban hành quy chế Hội thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Dự thảo Thông tư sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT và Thông tư số 32/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2022-2023. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2022-2023. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thi khoa học kỹ thuật góp phần phát huy phẩm chất năng lực của người học

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng, Thanh Hóa cho rằng: Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học đã góp phần phát huy phẩm chất năng lực của người học, tạo điều kiện khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

Đặc biệt sau đó, học sinh có thể vận dụng kiến thức đã học để cải tiến, giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tế cuộc sống. Khi tham gia cuộc thi học sinh được thực hành những kiến thức lý thuyết đã học vào thực tiễn, giúp các em phát triển toàn diện….

Vị này cũng cho biết thêm, trong nhiều năm qua nhà trường đã chỉ đạo tích cực học sinh tham gia các dự án khoa học kỹ thuật và phần lớn đạt giải Nhì cấp tỉnh. Năm 2020, nhà trường có 1 dự án đạt giải Nhất cấp tỉnh, giải Nhất quốc gia và tham gia dự thi quốc tế.

Cũng đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre cho rằng: Nghiên cứu khoa học là một bậc cao hơn của giáo dục STEM mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đặt ra trong lộ trình thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

“Khi tham gia nghiên cứu khoa học, học sinh không chỉ được thực hành, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức vào giải quyết một đề tài cụ thể mà còn phát triển tư duy khoa học, năng lực khai thác tài liệu, năng lực thuyết trình, phản biện cũng như các kỹ năng làm việc nhóm.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học có ý nghĩa quan trọng vì giúp học sinh vận dụng được những kiến thức đã học làm nền tảng để nghiên cứu những kiến thức chuyên sâu hơn, và giải quyết các vấn đề thực tiễn để các em hứng thú trong học tập hơn” Thạc sĩ Võ Văn Bé Hai nhận định.

Thạc sĩ Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre. (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo ông Hai, cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp trong những năm qua đã thu hút hàng ngàn học sinh tham gia. Điều đó khích lệ, tạo động lực cho giáo viên thay đổi phương pháp dạy, giúp học sinh cũng thay đổi trong việc học đi đôi với hành.

Các dự án tham dự cấp tỉnh, cấp quốc gia đều có ý tưởng khoa học tốt, giải pháp đề xuất khá hoàn chỉnh, có sản phẩm, mô hình khá công phu, có tính thực tiễn và khả thi cao. Các dự án đạt giải đều thể hiện sự đầu tư nghiêm túc, sự dày công nghiên cứu của học sinh, sự quan tâm đầu tư của nhà trường, của các giáo viên bảo trợ, tư vấn và hướng dẫn (được các đơn vị có chức năng kiểm nghiệm, kiểm chứng sản phẩm để khẳng định tính khả thi của đề tài, làm tăng tính thuyết phục, tính khoa học của dự án).

Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh các điểm mới của dự thảo

Đại diện Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng, Thanh Hóa cho rằng: “Trong dự thảo có yêu cầu nội dung nghiên cứu khoa học, kĩ thuật của học sinh phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, theo tôi không có tiêu chí để đánh giá công trình của học sinh có phù hợp tâm sinh lí lứa tuổi hay không.

Thực tế trên thế giới hay kể cả Việt Nam có những em chỉ 10-15 tuổi nhưng đã có những sáng kiến, ý tưởng vượt độ tuổi. Do đó, không nên quy định lứa tuổi học sinh này phải làm cái này, làm cái kia. Như thế là kìm hãm sự phát triển phẩm chất, năng lực, sự sáng tạo của học sinh cũng như việc khuyến khích học sinh trong nghiên cứu khoa học”.

Về nội dung "góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá, thúc đẩy giáo dục STEM" theo đại diện Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng, Thanh Hóa nên sửa lại thành "góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học".

Còn nội dung "khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học", vị này cho rằng dự thảo bỏ nội dung này là hợp lý.

Trong dự thảo có nêu các lĩnh vực của hội thi gồm: Toán, Vật lý và thiên văn… nhìn chung các lĩnh vực đều chung chung. Còn dự thảo bỏ một số lĩnh vực của hội thi như: Y Sinh và khoa học sức khỏe; Kỹ thuật y sinh; Sinh học tế bào và phân tử; Hệ thống nhúng; Kỹ thuật cơ khí; Vi sinh; Rô bốt và máy thông minh; Y học chuyển dịch…

Vị này cho rằng, không nên bỏ lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí; Rô bốt và máy thông minh. Vì những dự án này học sinh có thể nghiên cứu được, chỉ cần một ý tưởng trong khi các lĩnh vực còn lại là các lĩnh vực chuyên sâu, đòi hỏi người nghiên cứu phải có tầm hiểu biết và kiến thức sâu rộng, một quá trình nghiên cứu dài, điều kiện nghiên cứu đầy đủ...

Với những ý kiến cho rằng một số đề tài “quá sức” với học sinh, mang tính hàn lâm, học thuật ngang tầm với luận án tiến sĩ như các nghiên cứu về điều trị ung thư, vị này khẳng định:

“Ví dụ công trình nghiên cứu về ung thư trên thế giới đã nghiên cứu rồi. Có những hợp chất trong tự nhiên có thể học sinh vẫn tìm ra, chiết xuất ra những chất đó để hỗ trợ trong vấn đề điều trị ung thư thì cũng không phải vượt quá tầm nghiên cứu của học sinh. Tuy nhiên để đánh giá được điều đó còn phụ thuộc vào đề tài mang tính chất như thế nào”, đại diện Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng nhận định.

Cũng theo thầy này, tất cả những đề tài nghiên cứu khoa học, kể cả luận văn, luận án đều phải có người hướng dẫn, miễn là người học tiếp thu được và thể hiện được đúng trên sản phẩm. Có thể ý tưởng là của thầy cô nhưng học sinh tiếp thu được kiến thức, ý tưởng rồi vận dụng để biến ý tưởng đó thành của mình, về cơ bản các em vẫn nắm được bản chất vấn đề.

Nhiều điểm mới của dự thảo so với quy định hiện hành

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre chỉ ra những điểm mới của dự thảo so với quy chế hiện hành. Cụ thể:

Mục tiêu của hội thi nhằm đáp ứng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; thúc đẩy giáo dục STEM trong phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Ngoài ra, yêu cầu về nội dung nghiên cứu khoa học, kĩ thuật của dự thảo với các dự án nghiên cứu phải bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.

Thống kê kết quả Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tại tỉnh Bến Tre từ năm 2012-2022. (Số liệu: NVCC)

Thống kê kết quả Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tại tỉnh Bến Tre từ năm 2012-2022. (Số liệu: NVCC)

Về giáo viên bảo trợ dự án học sinh tham gia hội thi: mỗi giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục chỉ được bảo trợ 1 dự án (so với trước đây là mỗi giáo viên được bảo trợ 2 dự án) và không liên kết học sinh giữa các cơ sở giáo dục với nhau (quy chế hiện hành là 2 học sinh của cùng đơn vị dự thi có thể ở 2 cơ sở giáo dục khác nhau).

Về số lượng dự án tham gia theo quy chế mới là mỗi đơn vị dự thi (trừ những thành phố lớn và đơn vị đăng cai tổ chức hội thi) là 3 dự án, với số lượng như trên thì quy mô của hội thi sẽ tăng, cũng phần nào tạo cơ hội cho các đơn vị dự thi có giải.

Ngoài những thay đổi trên, dự thảo còn nêu ra những điểm mới trong khâu tổ chức và xét giải của hội thi cụ thể như: về tên gọi theo dự thảo là Hội thi so với trước đây là Cuộc thi, việc đổi mới này cũng có thể làm nhẹ đi tính chất của nó; Quy định chi tiết về quy trình đăng ký, phê duyệt và lựa chọn dự án dự thi; Quy định bổ sung, điều chỉnh thành phần ban chỉ đạo, ban tổ chức, ban giám khảo và quy định rõ trách nhiệm của tổ thư ký; Quy định chi tiết về chấm thi chọn đội tuyển dự thi quốc tế và xử lý hiện tượng bất thường khi chấm thi; Thay đổi cách xếp giải bằng trao huy chương Vàng, Bạc, Đồng thay vì giải Nhất, Nhì, Ba.

Tỷ lệ xếp giải tính trên tổng số dự án dự thi theo từng lĩnh vực dự thi không quá 70%. Trong đó, huy chương Vàng không quá 10%, huy chương Bạc không quá 20% và huy chương Đồng không quá 40%.

Cũng theo ông Hai, việc dự thảo bỏ bớt một số nội dung thi là hợp lý nhưng cũng có những nội dung không nên bỏ.

“Theo cá nhân tôi, dự thảo bỏ một số lĩnh vực của hội thi như: Y Sinh và khoa học sức khỏe; Kỹ thuật Y sinh; Sinh học tế bào và phân tử; Kỹ thuật cơ khí; Vi Sinh; Y học chuyển dịch… là phù hợp vì các lĩnh vực trên đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và các điều kiện để thực hiện đề tài nghiên cứu hiện đại mới có thể đưa ra kết quả.

Tuy nhiên, nên giữ lại một số lĩnh vực như: Hệ thống nhúng, Rô bốt và máy thông minh vì hiện nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bộ môn Tin học và Công nghệ cơ khí cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về lĩnh vực Rô bốt, Hệ thống nhúng. Do đó, học sinh có thể thực hiện các đề tài nghiên cứu liên quan đến hai lĩnh vực này cũng là cơ hội cho các em có đam mê về công nghệ phát huy được sở trường của mình”, ông Hai nhận định.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lần đầu vào năm 2012 và duy trì mỗi năm một lần.

Hàng năm có từ 200 - 300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để lựa chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi cấp tỉnh. Trên cơ sở đó lựa chọn từ 2 - 6 dự án tham gia cuộc thi cấp quốc gia theo quy định từng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhật Lệ