Chuyên gia cảnh báo trẻ có xu hướng "lo lắng, sợ hãi" vì hạn chế giao tiếp

08/09/2021 06:39
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến trẻ bị hạn chế về giao tiếp và môi trường sống, cha mẹ cần thấu hiểu để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tình hình dịch Covid-19 hiện nay vẫn còn căng thẳng và phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc khiến hoạt động vui chơi, học tập ở trường của trẻ bị gián đoạn. Điều đó có thể gây ra những tác động như thế nào, các bậc phụ huynh cần làm gì để tránh những ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe tinh thần và học tập của trẻ?

Để làm rõ hơn vấn đề này Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi cùng Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành, giảng viên bộ môn Tâm lý học, Đại học Hoa Sen; Cố vấn chuyên môn cho tổ chức HEARY – Giáo dục tích cực tại Việt Nam, chuyên gia đào tạo kỹ năng nuôi dạy con cái cho phụ huynh.

PV: Dịch Covid-19 xảy ra vào nhiều khoảng thời gian khác nhau trong suốt hai năm qua đã làm gián đoạn cả về điều kiện giao tiếp, môi trường học tập ở nhiều địa phương. Điều đó có thể gây ra những tác động gì tới sức khỏe tinh thần của trẻ nhỏ?

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành: Trước tiên cho phép mình xin được gửi lời hỏi thăm sức khoẻ đến tất cả các bạn đọc trên toàn quốc, khi mà chúng ta đang phải đương đầu với chuỗi ngày bất định và nhiều lo lắng do tình hình dịch bệnh gây ra.

Tổ chức Y tế thế giới đã viết rằng “Covid-19 không chỉ đơn giản là một cuộc khủng hoảng về sức khoẻ cộng đồng. Nó là một cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực” và trong đó không thể thiếu được các vấn đề về sức khoẻ tinh thần.

Nghiên cứu của mình và cộng sự khi làn sóng Covid-19 lần thứ 2 diễn ra ở Việt Nam đã cho thấy rằng, những căng thẳng về dịch bệnh như: lo lắng về việc bị lây nhiễm; lo lắng về hậu quả kinh tế; sang chấn về sức khoẻ tinh thần…đã làm suy giảm sự an lạc tâm lý của người trưởng thành. Vậy những ảnh hưởng này có xảy đến với trẻ em hay không? Câu trả lời là có.

Nghiên cứu của học giả Feinberg và đồng nghiệp (2021) đã cho thấy rằng, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng các vấn đề hành vi của trẻ em như lo lắng, giận giữ; Hành vi biểu hiện như hung tính, hiếu động quá mức... cũng có dấu hiệu gia tăng.

Một điều đáng lưu tâm nữa đó là, ảnh hưởng của đại dịch lên trẻ em không chỉ là con đường trực tiếp, mà nó còn gián tiếp, thông qua việc làm suy giảm chất lượng của việc nuôi dạy con cái, gia tăng các triệu chứng sức khoẻ tinh thần của cha mẹ như: lo lắng, trầm cảm (Feinberg và cộng sự, 2021).

Trong bối cảnh đại dịch, trẻ em sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định, nhất là các em trong giai đoạn độ tuổi đầu đời. Bởi vì trong độ tuổi này, trẻ còn phụ thuộc khá nhiều vào sự gắn bó và chăm sóc bởi cha mẹ, ông bà. Những thay đổi trong gia đình như công việc hay suy giảm về kinh tế, sức khỏe, hoặc tinh thần của cha mẹ không tốt… đều có ảnh hưởng lên trẻ ở một mức độ nào đó.

Hơn nữa trong bối cảnh đại dịch, có một số thông tin trẻ chưa hiểu và chưa lý giải được nếu không có sự trợ giúp từ người lớn. Điều này cũng gây ảnh hưởng lên tâm lý và hành vi của các em. Giả dụ như, trẻ phải ở trong nhà, không được đi đến lớp hay gặp bạn bè. Các em sẽ chưa thể hiểu được các quy định về phòng chống dịch, hoặc kể cả sự nguy hiểm của vi rút, nếu không được giải thích căn kẽ.

Và cuối cùng, trong một số trường hợp, khả năng nhận diện các cảm xúc khó của trẻ còn chưa tốt. Các em có thể trải qua trạng thái trầm buồn, mệt mỏi, căng thẳng, nhưng lại không nhận thức được mình đang ở trong những trạng thái cảm xúc đó. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến cả sức khoẻ tâm lý và các vấn đề hành vi của các em.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành, giảng viên bộ môn Tâm lý học, Đại học Hoa Sen. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành, giảng viên bộ môn Tâm lý học, Đại học Hoa Sen. Ảnh: NVCC.

PV: Vậy theo anh, các gia đình có thể làm gì để giúp trẻ vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực?

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành: Chuyên gia Jacob Hunt đến từ Unicef đã đưa ra 8 cách để các Ba mẹ và người chăm sóc có thể trợ giúp cho trẻ trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Xin trích lại và giải thích một số gợi ý này để các bậc phụ huynh có thể tham khảo:

Thứ nhất: Hãy đảm bảo rằng trẻ biết và hiểu phần nào các thông tin trọng yếu về Covid-19. Ba mẹ có thể đặt những câu hỏi mở và lắng nghe trẻ trả lời để kiểm tra được mức độ hiểu biết của trẻ về dịch bệnh để từ đó có những sự trợ giúp, giải thích lại hoặc bổ sung nếu thấy cần thiết.

Thứ hai: Hãy trung thực, giải thích sự thật theo cách phù hợp với trẻ em. Chúng ta nên nhớ rằng, nói dối trẻ không phải là một sự lựa chọn tốt ưu trong tình hình đại dịch đang diễn ra. Hãy giải thích các thông tin cho trẻ một cách trung thực nhưng phải phù hợp với mức độ nhận thức của trẻ theo từng độ tuổi.

Ví dụ, với trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 3 đến 5, khi các em chưa biết đọc, ba mẹ có thể truy cập vào website của Unicef, trên đó có các câu truyện để kể với trẻ về Covid, các cuốn truyện tranh tô màu cho trẻ đề giúp các em hiểu hơn về vi rút Corona và sự nguy hiểm của nó. Với trẻ nhỏ, hãy giải thích thật ngắn gọn và đảm bảo là trẻ có thể hiểu được.

Thứ ba: Chỉ cho trẻ cách bảo vệ bản thân, bạn bè và người thân. Ba mẹ có thể hướng dẫn trẻ một số cách đơn giản để bảo vệ bản thân mình như: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn, hoặc giữ khoảng cách khi trò chuyện với người khác.

Thứ tư: Hỗ trợ và an ủi tinh thần cho trẻ. Như mình đã đề cập bên trên, trong những ngày đại dịch diễn ra, nhất là khi chúng ta áp dụng giãn cách xã hội, trẻ em có thể trải qua những vấn đề về sức khoẻ tinh thần, như: lo lắng, căng thẳng, sợ hãi… Điều quan trọng mà ba mẹ cần làm đó là giúp trẻ nhận diện và gọi tên ra những cảm xúc ấy, sau đó chỉ cho trẻ cách để đối mặt và giải quyết.

Để làm được những điều này, quan trọng nhất là ba mẹ phải tôn trọng cảm xúc của trẻ, không nên phủ nhận hoặc làm lơ trẻ.

Ba mẹ cũng có thể bày cho trẻ một số cách để vượt qua những cảm xúc khó như: hít thở sâu, ôm ba mẹ để cảm thấy an toàn hơn, các hoạt động nghệ thuật như vẽ, tô màu...cũng có thể giúp trẻ bình tâm trở lại. Hãy nhớ là, luôn tôn trọng cảm xúc của con và giúp đỡ khi con cần đến chúng ta.

Thứ năm: Ba mẹ hãy tự chăm sóc bản thân mình để khoẻ mạnh bên trẻ. Khi chúng ta có một sức khoẻ thể chất và tinh thần tốt thì sự giúp đỡ dành cho trẻ sẽ toàn vẹn hơn. Ba mẹ có thể thực hành một số bài tập tự chăm sóc cả về thể chất và tinh thần cho chính mình.

Đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng, nhưng cũng có thể là một cơ hội để chúng ta nghĩ về sức khoẻ của chính bản thân mình nhiều hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng ở một góc độ nào đó thì khoảng thời gian giãn cách xã hội chống dịch giúp cho nhiều gia đình gần nhau hơn, là lúc mà cha mẹ sẽ có điều kiện trò chuyện thấu hiểu các con hơn. Anh nghĩ sao về điều này?

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành: Khoảng thời gian giãn cách xã hội, trẻ em phải ở nhà nhiều hơn, không có bạn bè để chơi cùng, điều này cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến các hoạt động của các em. Vậy theo mình, ba mẹ có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Đầu tiên, ba mẹ hãy cố gắng duy trì nhịp điệu sinh hoạt thường ngày của trẻ một cách nhất quán. Sự xáo trộn quá mức trong nhịp điệu sinh hoạt có thể sẽ gây ra những sự bối rối, lo lắng cho trẻ, hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thể chất của các em.

Thứ hai, trong khoảng thời gian này một số trẻ vẫn phải tham gia các lớp học online, vì vậy Ba mẹ hãy trợ giúp các em nếu cần. Hãy đảm bảo rằng trẻ đang ở trạng thái tốt nhất về thể chất và tinh thần khi học.

Thứ ba, hãy tạo ra các hoạt động giải trí cùng trẻ trong gia đình. Điều này vừa giúp trẻ cân bằng lại với việc học tập, vừa giúp gắn kết thêm tình cảm gia đình và có thể dạy cho trẻ một số kỹ năng mới. Các hoạt động này có thể là: Cả nhà cùng nấu ăn, học nấu một món mới, tham gia vào các hoạt động nghệ thuật như hát, vẽ tranh, nhảy. Cả nhà cũng có thể dành thời gian để xem một bộ phim cùng với nhau, hoặc chơi một trò chơi gì đó thật vui.

Thứ tư, hãy nhớ rằng “Thời gian chất lượng quan trọng hơn số lượng”. Trong những ngày dịch bệnh, cha mẹ phải vừa làm việc từ xa lại vừa trông chừng, chơi với con nhỏ. Việc chúng ta cố gắng quá sức để duy trì một khoảng thời gian cố định có thể sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi, áp lực, và kiệt sức cho ba mẹ. Điều này cũng làm suy giảm chất lượng tương tác giữa cha mẹ và con cái.

Chúng ta có thể không dành được quá nhiều thời gian bên con, nhưng khi đã ở bên con thì hãy biến đó thành khoảng thời gian chất lượng nhất. Thời gian chất lượng là khi ba mẹ và con cái hoàn toàn gắn kết vào hoạt động đó cùng nhau, hoạt động này mang lại nièm vui thú cho cả ba mẹ và trẻ.

Thêm nữa, những hoạt động này phải diễn ra trong bối cảnh phù hợp. Sẽ là rất khó nếu chúng ta chơi ném bóng với trẻ trong phòng bếp trong khi cha mẹ đang tranh thủ nấu nốt một món ăn. Điều này sẽ càng làm gia tăng thêm những căng thẳng bởi vì đây là bối cảnh không phù hợp và cha mẹ đang không gắn kết, nhập tâm hoàn toàn vào hoạt động này.

PV: Trên thực tế có những gia đình đã tìm đến các chương trình giảng dạy trực tuyến như một giải pháp tạm thời với mong muốn con trẻ không nhàm chán trong thời gian nghỉ dịch. Vậy đây có phải là một giải pháp an toàn không? Và cần lưu ý gì về những lớp học này?

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành: Trong thời gian trẻ ở nhà nhiều như hiện tại thì ba mẹ có thể nghĩ rằng “Đây là cơ hội để trẻ học thêm nhiều thứ” hoặc đơn giản là vì ba mẹ quá bận rộn với việc riêng của mình nên gửi trẻ vào các lớp học online như một giải pháp để “cách ly khỏi trẻ”. Mình sẽ không bàn đến tính đúng sai ở đây, bởi mỗi ba mẹ có những hoàn cảnh và câu chuyện của riêng mình. Chúng ta sẽ khó có thể hiểu được khi không ở trong hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, đúng là có một số vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất: Nên suy nghĩ kĩ về việc “ép” trẻ tham gia vào quá nhiều lớp học online cùng một lúc. Học online đối với trẻ nhỏ trong giai đoạn đầu đời vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi, thời gian mà các em tiếp xúc quá nhiều với màn hình vi tính trong một ngày cũng có thể ảnh hưởng đến thị lực và tâm trạng của trẻ. Sự tập trung của trẻ em trong giai đoạn này còn hạn chế, vì vậy việc “ép” trẻ tham gia liên tục vào các lớp học Online, nhất là khi trẻ không có hứng thú với môn học đó cần được suy nghĩ kĩ.

Thứ hai: Cân bằng giữa hoạt động học tập online và hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ. Trẻ em trong giai đoạn này cần được vui chơi, nhất là khi hiện tại các em không thể ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Phụ huynh hãy đảm bảo rằng trong một ngày con được tham gia vào các hoạt động giải trí độc lập, hoặc cùng với các thành viên khác trong gia đình.

Trẻ em lứa tuổi đầu đời, sẽ rất khó để tách bạch hoàn toàn việc học tập và vui chơi. Đối với các em, chơi chính là một hình thức học tập có hiệu quả mạnh mẽ. Trẻ hoàn toàn có thể học được các kỹ năng về cảm xúc – xã hội, tự chăm sóc bản thân, sự kiên trì, tử tế, tò mò…thông qua các hoạt động vui chơi.

Trân trọng cảm ơn Thạc sĩ!

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Cao Kim Anh