Dự thảo Hội thi KHKT: "Người trong cuộc" góp ý về quy trình chấm thi

26/11/2023 06:33
Phạm Hằng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lào Cai lo ngại, việc chấm thi qua 2 phần độc lập sẽ khó đánh giá thực chất mức độ tham gia của học sinh vào các dự án.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Theo dự thảo, quy trình chấm thi mỗi dự án sẽ được đánh giá qua 2 phần độc lập: Phần 1 đánh giá thông qua hồ sơ dự án dự thi; Phần 2 đánh giá thông qua gian trưng bày và trả lời phỏng vấn.

Từng giám khảo xem xét dự án dự thi tại khu vực trưng bày, phỏng vấn các thí sinh có dự án dự thi thuộc lĩnh vực được phân công và cho điểm độc lập theo hướng dẫn chấm thi đã được phê duyệt; thí sinh trình bày, trả lời phỏng vấn bằng Tiếng Việt.

Điểm của Phần 1 là trung bình cộng các điểm của các thành viên Tiểu ban giám khảo chấm thi Phần 1; điểm của Phần 2 là trung bình cộng các điểm của các thành viên Tiểu ban giám khảo chấm thi Phần 2.

Trường hợp điểm của thành viên giám khảo lệch 20% so với điểm trung bình cộng của Tiểu ban giám khảo thì loại bỏ điểm đó và tính lại điểm trung bình của các thành viên còn lại; không làm tròn điểm của từng thành viên giám khảo, điểm của dự án dự thi theo lĩnh vực làm tròn đến một chữ số thập phân. Điểm của dự án dự thi là tổng điểm hai phần thi: Phần 1 và Phần 2.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Ngô Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai cho rằng quy chế chấm thi còn bộc lộ điểm hạn chế cần được điều chỉnh.

Tiến sĩ Ngô Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Ngô Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai. Ảnh: NVCC

Là người nhiều năm tham gia chấm thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, thầy Xuân nhận thấy, có những dự án phần hồ sơ viết rất tốt, ban giám khảo chấm đạt điểm cao nhưng đến phần trả lời phỏng vấn lại rất hạn chế, thí sinh chưa thực sự am hiểu dự án mình dự thi. Chính vì vậy, mặc dù phần 2 bị chấm điểm thấp nhưng do phần 1 hồ sơ tốt lại có điểm cao, nên chung cuộc những dự án này vẫn có thể có giải.

Để khắc phục tình trạng trên, thầy Xuân đề xuất, quy trình chấm thi nên điều chỉnh theo hướng chấm 1 vòng bao gồm cả hồ sơ và đánh giá chất lượng dự án.

“Nếu vẫn giữ quy trình chấm 2 vòng thì cần phải bổ sung quy định. Cụ thể, nếu ở vòng 2 thí sinh không hiểu về dự án, hoặc không có đóng góp nhiều về dự án thì không xếp giải dù điểm hồ sơ vòng 1 có cao. Như vậy mới đánh giá thực chất các dự án là do chính học sinh tham gia, tránh học sinh học thuộc các dự án, hay nhờ làm hộ”, thầy Xuân nhấn mạnh.

Vẫn cần khuyến khích dự án có tính đột phá

Theo dự thảo, Hội thi được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; thúc đẩy giáo dục STEM trong phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo là yêu cầu nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.

Việc tổ chức cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, kỹ thuật bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công khai, minh bạch, phù hợp với năng lực, sở trường, hứng thú và tự nguyện tham gia của học sinh.

Theo Tiến sĩ Ngô Thanh Xuân, những điều chỉnh trên sẽ giúp cuộc thi đi vào thực chất, hướng đến mục tiêu tích cực như đã đề ra. Bởi thực tế trong các trường học hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học không phải dành cho tất cả học sinh mà chỉ dành cho một số học sinh thực sự có đam mê, có năng lực để tham gia. Hơn nữa, nếu mỗi giáo viên hướng dẫn 1 đề tài thì cũng không thể đủ số lượng giáo viên hướng dẫn cho học sinh toàn trường.

Về việc dự thảo đã bỏ nội dung “Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học”, thầy Xuân nêu ý kiến: “Còn có tranh cãi về việc Thông tư 38/2012/TT không quy định mức độ % công sức của người hướng dẫn, người bảo trợ dẫn đến học sinh cho “ra lò” nhiều dự án “tầm cỡ”, “vượt sức”. Nhưng tôi cho rằng rất khó để đánh giá thế nào là dự án “vượt sức”, bởi nghiên cứu khoa học là đi tìm ra những cái mới, có thể quá sức với người này nhưng chưa hẳn đã quá sức với người khác”.

Thầy Xuân dẫn chứng, thực tế trên thế giới đã có nhiều phát minh của những người trẻ chưa đến 18 tuổi, ví dụ như Jack Andraka đã làm nên tên tuổi trong lĩnh vực y khoa khi tìm ra phương pháp phát hiện ung thư tuyến tuỵ năm 15 tuổi... Vì vậy, nghiên cứu khoa học sẽ không có giới hạn, không có chuẩn nào mà e ngại vượt tầm cỡ hay không.

Tuy rằng trong những năm gần đây, các dự án của học sinh Việt Nam dự thi Hội thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế ISEF chưa đạt giải cao; và thực tế thì độ khó, hàm lượng khoa học trong dự án của các em chưa vượt được học sinh đến từ các nước khác nhưng điều đó chứng minh “tầm cỡ” của dự án sẽ phụ thuộc vào năng lực, điều kiện của nhóm nghiên cứu chứ không phụ thuộc vào lứa tuổi.

“Vấn đề ở đây là ban giám khảo có đánh giá được những dự án đó do học sinh làm hay do người lớn làm hộ. Còn nghiên cứu khoa học vẫn cần khuyến khích những dự án có tính mới, tính đột phá”, thầy Xuân nói.

Chia sẻ thêm về tác động của cuộc thi đối với phát triển năng lực học sinh trong trường, thầy Xuân cho biết, những năm qua, học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai đã tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

Thông qua cuộc thi, các em phát huy được khả năng tư duy độc lập, tư duy phản biện; phát triển được kỹ năng tìm kiếm tài liệu, viết báo cáo, thuyết trình… đồng thời nâng cao trình độ ngoại ngữ nhờ việc tìm kiếm và dịch tài liệu, thuyết trình bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, cuộc thi cũng là cơ hội để các em nhận được học bổng và trúng tuyển vào các trường đại học. Nhiều cựu học sinh của Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai từng đạt giải cao trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật các cấp đều tiếp tục có thành tích học tập xuất sắc ở các trường đại học trong nước và quốc tế.

Phạm Hằng