Bình Định: Nhiều thầy cô trúng tuyển không nhận việc, đề xuất nâng lương GV mới

22/08/2024 08:48
Minh Quân

GDVN - Ứng viên không đến nhận nhiệm vụ ngay sau khi được thông báo trúng tuyển là một trong những nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tại Bình Định.

Trước thềm năm học 2024-2025, nhiều địa phương trên cả nước đang khẩn trương tuyển dụng giáo viên để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân sự, đảm bảo đủ nhân lực trước khi đón học sinh đến trường.

Tại tỉnh Bình Định, công tác tuyển dụng đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn giáo viên ở một số môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh tuyển gần 1.100 giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định thông tin, trong năm học 2023-2024, ngành giáo dục tỉnh được bổ sung 241 biên chế giáo viên cho các trường mẫu giáo, mầm non và phổ thông công lập.

Trong đó, mầm non được bổ sung 67 biên chế; cấp tiểu học có thêm 44 biên chế; cấp trung học cơ sở có thêm 19 biên chế; cấp trung học phổ thông có thêm 111 biên chế.

Trong năm học 2023-2024, từ số biên chế được giao thêm, cộng với số biên chế do nghỉ hưu, chuyển công tác, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tuyển dụng được thêm 1.256 nhân sự cho ngành, gồm 1.122 giáo viên và 134 nhân viên.

Các địa bàn tuyển dụng nhiều nhất là thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Cát, huyện Tuy Phước và các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Crop.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định Đào Đức Tuấn (bên phải). (Ảnh: Website Trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định)

Theo lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Bình Định, đến nay tỉnh chưa được giao bổ sung biên chế giáo viên cho năm học 2024-2025.

Tuy nhiên, căn cứ vào số lượng giáo viên, nhân viên nghỉ hưu, chuyển công tác hàng năm, dựa trên cơ sở biên chế lớp học và việc điều chỉnh số biên chế thừa thiếu cục bộ giữa các cấp học, bậc học, ngành giáo dục tỉnh Bình Định dự kiến tuyển 1.256 viên chức; trong đó có 1.081 giáo viên.

Các trường học tại huyện Phù Cát, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn, huyện Tây Sơn và các đơn vị thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo chiếm hơn 80% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng.

Nhận định về công tác tuyển dụng giáo viên trên toàn tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đào Đức Tuấn đánh giá: “Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ diễn ra theo từng bộ môn, đơn vị, vùng miền do đặc thù ngành giáo dục và đào tạo định mức biên chế giáo viên theo số lớp học, phân phối chương trình giảng dạy, hoạt động chuyên môn, kiêm nhiệm,...

Vì vậy, sự biến động về số lượng học sinh, lớp học hàng năm sẽ tác động đến biên chế giáo viên theo từng môn học, đơn vị, vùng miền.

Về nguồn tuyển, tình trạng mất cân đối giáo viên theo từng bộ môn là vấn đề nan giải do sự lựa chọn của người học.

Một số môn học như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục kinh tế pháp luật, Giáo dục quốc phòng an ninh, Công nghệ không có người đăng ký tham gia tuyển dụng hoặc không có người trúng tuyển. Trong khi đó, các môn học như Tiếng Anh, Toán học, Ngữ Văn, Hóa học, Vật lý,... lại có quá nhiều người dự tuyển so với chỉ tiêu tuyển giáo viên của tỉnh.

Ngoài ra, các địa phương là thành thị, vùng kinh tế, xã hội phát triển (như Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn,...) thu hút rất nhiều người đăng ký tuyển dụng. Ngược lại, các địa bàn miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (như Vĩnh Thạnh, An Lão,...) có ít người đăng ký hơn”.

Để khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, ngành giáo dục tỉnh Bình Định đã tổ chức tuyển dụng thường xuyên để sử dụng có hiệu quả số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao hàng năm; thực hiện công tác điều động, thuyên chuyển, bố trí kiêm nhiệm các hoạt động chuyên môn cho giáo viên hợp lý.

Với các trường hợp thầy, cô giáo nghỉ hưu, thôi việc nhưng đang trong thời gian chờ tuyển dụng, các đơn vị đã thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ để đảm bảo đủ số lượng giáo viên cho hoạt động giảng dạy.

Trường thiếu giáo viên do ứng viên trúng tuyển không đến nhận nhiệm vụ

Tại huyện Phù Cát, địa bàn có nhu cầu tuyển dụng giáo viên lớn của tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Đỗ Xuân Thắng cho biết: “Trong năm 2024, số lượng biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện Phù Cát vẫn giữ nguyên 2.302 người theo Quyết định số 4705/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định.

Với số lượng trên, ủy ban nhân dân huyện đã phân công 485 biên chế cho các trường mầm non; 966 biên chế cho cấp tiểu học; 792 biên chế cho cấp trung học cơ sở; 59 biên chế cho trung tâm giáo dục thường xuyên

Sắp tới, các cấp học cần tuyển thêm 251 giáo viên để đủ biên chế được giao. Cụ thể, mầm non, 147 giáo viên; tiểu học 58 giáo viên; trung học cơ sở 43 giáo viên; trung tâm giáo dục thường xuyên 3 giáo viên”.

Trong 3 năm gần nhất, toàn huyện Phù Cát có 10 giáo viên nghỉ việc. Đây chủ yếu là các nhân sự mới được tuyển dụng, có thời gian giảng dạy ở các trường trên địa bàn từ 1 đến 2 năm. Sau khoảng thời gian trên, các giáo viên này đăng ký thi và trúng tuyển các trường gần quê nhà nên xin nghỉ việc để chuyển công tác.

Trong những cấp học do Ủy ban nhân dân huyện Phù Cát quản lý, các trường mầm non là nơi thiếu nhiều giáo viên nhất. Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn huyện có nhu cầu tuyển 210 giáo viên mầm non, nhưng kết quả trúng tuyển chỉ đạt 52 người, tương đương đạt gần 25%.

Đỗ Xuân Thắng.jpg
Ông Đỗ Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Website Ủy ban nhân dân huyện Phù Cát)

“Thiếu giáo viên mầm non là một vấn đề trăn trở của lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Có một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này, như:

Thứ nhất, số lượng giáo viên đăng ký dự thi trong các đợt tuyển dụng viên chức ít, không đáp ứng chỉ tiêu mà huyện đưa ra. Đây cũng là tình trạng chung của các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh Bình Định. Nguyên nhân quan trọng của việc này xuất phát từ số lượng giáo viên mầm non ra trường chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ hai, hiện tại quy định trình độ chuẩn của giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên nên số lượng giáo viên đủ điều kiện đăng ký dự tuyển sẽ ít hơn. Do quy định trước đây chỉ yêu cầu ứng viên có trình độ trung cấp.

Thứ ba, tiền lương hiện nay của giáo viên mầm non thấp hơn các cấp học khác nên chưa tạo sức hút đủ lớn để tăng nguồn học sinh đăng ký theo học ngành Giáo dục mầm non”, Ông Đỗ Xuân Thắng lý giải.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên do tuyển không đủ số lượng biên chế theo nhu cầu và giáo viên nghỉ hưu, hàng năm huyện Phù Cát luôn tiến hành tổ chức tuyển dụng để đáp ứng đủ số lượng biên chế giáo viên được giao.

Đối với các đơn vị còn thiếu biên chế giáo viên cục bộ sau khi thi tuyển, ủy ban nhân dân huyện thực hiện việc điều chuyển giáo viên giữa các trường có tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Trong trường hợp thật sự cần thiết để đáp ứng nhu cầu dạy và học, huyện sẽ xem xét, thực hiện việc hợp đồng giáo viên theo đúng quy định.

Trong đợt tuyển dụng giáo viên năm nay, Trường Tiểu học số 1 Cát Hanh cần tuyển thêm 9 giáo viên tiểu học, cao nhất trong số các trường thuộc cấp học này tại huyện Phù Cát.

Cô Lê Thị Như Phôi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Cát Hanh cho biết, nhà trường được sáp nhập với Trường Tiểu học số 3 Cát Hanh từ năm 2019 nên có nhiều giáo viên lớn tuổi. Từ năm 2020 đến nay, toàn trường đã có 11 giáo viên nghỉ công tác do đến tuổi hưu. Hàng năm, nhà trường luôn nắm rõ số lượng giáo viên dự kiến về hưu, chủ động xây dựng kế hoạch trình lên cấp có thẩm quyền để xin bổ sung chỉ tiêu tuyển dụng.

“Lãnh đạo cấp trên luôn tạo điều kiện, giao đủ số chỉ tiêu tuyển dụng nhà trường còn thiếu. Và gần như năm nào chúng tôi cũng tuyển đủ số lượng nhà giáo mình cần.

Tuy nhiên, khó khăn của nhà trường là số lượng giáo viên đi dạy sau khi trúng tuyển lại không đủ như chỉ tiêu đã tuyển.

Lý do thứ nhất là có trường hợp giáo viên trúng tuyển nhiều nơi cùng một lúc nên các thầy, cô này sẽ chọn trường học gần nhà nhất để công tác cho thuận tiện.

Ví dụ, trong đợt tuyển gần nhất, có một cô giáo ở Gia Lai sau khi trúng tuyển ở Trường Tiểu học số 1 Cát Hanh nhưng không đến nhận nhiệm vụ do đã tìm được việc tại một trường ở quê.

Thứ hai, có trường hợp giáo viên trúng tuyển rồi nhưng sinh con nhỏ nên cũng không đến nhận nhiệm vụ. Họ thường chờ đến khi con lớn rồi mới thi tuyển lại.

Thứ ba, một số giáo viên sau khi trúng tuyển có đến nhận nhiệm vụ và giảng dạy tại trường. Sau khoảng vài tháng đến 1 năm, họ lại thi tuyển vào nơi khác. Nếu trúng tuyển, họ sẽ chủ động xin thôi việc để được chuyển sang nơi làm việc mới gần nhà hơn, đi lại thuận tiện hơn, cô Phôi thông tin.

Theo cô Phôi, việc xáo trộn số lượng giáo viên vì những nguyên nhân trên là vấn đề nhà trường lo lắng hàng đầu. Để khắc phục tình trạng này, Trường Tiểu học số 1 Cát Hanh luôn tìm kiếm những giáo viên chưa thi tuyển sống gần hoặc ngay tại địa phương để ký hợp đồng giảng dạy nhằm đảo bảo nhân sự cho nhà trường.

Đề xuất nâng mức lương cho giáo viên mới ra trường

Để góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên diễn ra trên khắp cả nước, Dự thảo Luật Nhà giáo đang đề xuất cho phép các cơ sở giáo dục hoặc cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp tuyển dụng nhà giáo.

Bên cạnh đó, theo Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/08/2024, Bộ Chính trị cũng yêu cầu thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Lê Thị Như Phôi đánh giá: “Những chính sách của Đảng và Nhà nước chăm lo cho sự phát triển của ngành giáo dục đã tạo được sự an tâm cho giáo viên. Nếu quy định xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp được thực thi, điều này sẽ giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục dù công tác ở bất cứ đâu. Từ đó, ngành giáo dục sẽ thu hút được nhiều nhân lực chất lượng cao làm giáo viên".

Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Phù Cát cho rằng, việc ưu tiên xếp lương giáo viên cho thấy xã hội đánh giá cao và rất tôn trọng vai trò của nhà giáo. Việc triển khai quy định này từ luật cũng nên nghiên cứu nâng lương cho giáo viên mới ra trường để giúp các thầy, cô đáp ứng điều kiện sinh hoạt tốt hơn.

image-20231023104858-2.jpeg
Trong năm 2023, huyện Phù Cát chỉ tuyển được 52 giáo viên mầm non, tương đương 25% tổng chỉ tiêu. (Ảnh: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định)

Về đề xuất giao quyền tuyển dụng giáo viên cho cơ sở giáo dục và ngành giáo dục, ông Thắng nêu quan điểm: “Việc phân cấp thẩm quyền là phù hợp với chủ trương của Đảng, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động tuyển dụng, khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ.

Tuy nhiên, việc triển khai quy định này cần cân nhắc kỹ lưỡng điều kiện nhân lực (số lượng, trình độ, năng lực của đội ngũ làm công tác tuyển dụng) và vật lực của những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Nếu giao cho các trường được quyền tuyển dụng, có nhiều trường chưa đảm bảo về nhân lực, vật lực. Tùy vào tình hình thực tế của từng địa phương nên giao cho các đơn vị quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục tuyển dụng.

Bên cạnh đó, cũng cần xét đến thực tế một số phòng giáo dục và đào tạo chỉ có 5 biên chế công chức. Nếu một năm tuyển dụng nhiều lần thì số lượng nhân lực không đáp ứng được.

Đối với những nơi nhân lực phòng giáo dục và đào tạo ít, ủy ban nhân dân cấp huyện tuyển dụng sẽ đáp ứng yêu cầu về nhân lực, nhưng không thể làm nhanh được vì phải tổng hợp nhu cầu của cả huyện để tuyển theo đợt.

Do đó, bất kể giải pháp nào cũng đòi hỏi phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương về nhân lực, vật lực. Tôi thiết nghĩ việc này, cơ quan soạn thảo nên lấy ý kiến các địa phương, rồi sau đó tổng hợp và sẽ đưa ra giải pháp khả thi nhất”.

Ngoài những nội dung đã nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo, để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định đề xuất cần có chính sách quan tâm hơn đến đối tượng nhân viên tại trường học.

Theo ông Tuấn, đây là đội ngũ có vai trò quan trọng, góp phần đáng kể giúp nhà trường vận hành tốt để thực hiện thành công các nhiệm vụ giảng dạy. Tuy nhiên, các nhân viên trường học hiện nay có tiền lương rất thấp, không có chế độ ưu đãi gì khác. Thực tế này đang khiến nhiều trường học không thu hút được người lao động vào làm việc, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đóng tại các địa bàn không thuận lợi.

Minh Quân