Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang: Thiếu giáo viên do không có nguồn tuyển dụng

16/08/2024 08:33
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhằm thu hút giáo viên, tỉnh Hậu Giang ban hành chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng/giáo viên ở một số môn học khi về tỉnh công tác, làm việc tối thiểu 5 năm.

Còn chưa đầy 1 tháng nữa, năm học 2024-2025 sẽ bắt đầu. Tuy nhiên tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn diễn ra tại nhiều địa phương. Tại tỉnh Hậu Giang, tình hình tuyển dụng giáo viên đầu năm tương đối khó khăn do không có nguồn tuyển dụng. Giáo viên thiếu tập trung ở các môn chuyên biệt như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục.

Nhằm giải quyết tình hình thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút giáo viên giảng dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh Hậu Giang thiếu 443 giáo viên

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho biết, thống kê trước thềm năm học 2024-2025, toàn tỉnh thiếu 443 giáo viên theo định mức do Bộ Giáo dục và đào tạo quy định và biên chế giao.

Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra tại tất cả các cấp học ở Hậu Giang. Trong đó, mầm non thiếu 290 giáo viên, tiểu học thiếu 68 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 35 giáo viên, trung học phổ thông thiếu 12 giáo viên, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thiếu 38 giáo viên. Trong đó, tình trạng thiếu giáo viên nhiều nhất ở các môn chuyên biệt như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

GĐ sở HG nguồn sở.png
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang (áo xanh). Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang.

Tại Hậu Giang, còn một số lớp chưa được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù tỉnh còn dư biên chế nhưng lại không có giáo viên ứng tuyển. Địa phương phải ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng giáo viên để đảm bảo công tác đào tạo.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho biết, thiếu giáo viên dẫn đến khó khăn trong việc giảng dạy, không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nguyên nhân chính của việc thiếu giáo viên theo bà Hằng là không có nguồn tuyển dụng. Đồng thời, Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ đạt chuẩn của giáo viên từ bậc mầm non đến bậc trung học cơ sở tăng lên so với trước đây. Trong khi đó, công tác đào tạo giáo viên chưa đáp ứng kịp nhu cầu của cả nước.

Khó đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Chia sẻ về tình hình tuyển dụng giáo viên tại huyện Phụng Hiệp, Thạc sĩ Trần Mê Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp phụ trách quản lý 63 đơn vị trường học thuộc ba cấp học. Cụ thể, mầm non có 17 trường, tiểu học có 34 trường, trung học cơ sở có 12 trường. Hàng năm, toàn huyện huy động khoảng 36.000 học sinh ở các cấp học này đến trường.

Thầy Ly cho biết, hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp đều xây dựng kế hoạch tuyển viên chức, nhưng không có năm nào tuyển đủ số lượng. Năm học 2024-2025, biên chế giáo viên của tỉnh giao cho huyện là 1.907 người. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở hầu hết các cấp học của huyện, đặc biệt là ở bậc mầm non và tiểu học.

Cụ thể, ngành giáo dục và đào tạo huyện Phụng Hiệp đang thiếu 132 biên chế, bao gồm 50 giáo viên mầm non, 69 giáo viên tiểu học, 13 giáo viên trung học cơ sở. Giáo viên thiếu tập trung chủ yếu ở các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Tình trạng thiếu giáo viên khiến các trường trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo chất lượng dạy và học, nhất là khi ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới với nhiều môn học. Các cấp tiểu học, trung học cơ sở khó đảm bảo dạy 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, Thạc sĩ Trần Mê Ly lý giải, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nhiều giáo viên hàng năm nghỉ hưu, chuyển công tác. Bên cạnh đó, theo Luật giáo dục 2019, giáo viên mầm non yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân trở lên.

“Trong khi đó, tỷ lệ học sinh trên địa bàn trúng tuyển vào các trường đại học có đào tạo ngành sư phạm rất ít. Bước đầu ngành giáo dục địa phương sẽ phải chấp nhận việc khan hiếm nguồn tuyển, nhưng 2-3 năm sau, tôi tin rằng nguồn tuyển dụng giáo viên sẽ khả quan hơn”, thầy Trần Mê Ly cho hay.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Võ Việt Oanh, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thành 1, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, đã nhiều năm nay, trường phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên.

Năm học 2024-2025, trường thiếu 1 giáo viên môn Âm nhạc, 1 giáo viên môn Tiếng Anh, 2 giáo viên chủ nhiệm, 1 giáo viên tổng phụ trách, 1 nhân viên kiêm nhiệm y tế - thủ quỹ.

Thực trạng này gây khó khăn trong việc bố trí, đảm bảo tiết học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các khối tiểu học. Hơn nữa, trường nằm ở địa bàn vùng nông thôn, cơ sở vật chất không đảm bảo, điều kiện đi lại khó khăn nên việc thu hút giáo viên là điều không đơn giản.

co oanh.jpg
Cô Võ Việt Oanh, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thành 1, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: NVCC.

Cô Oanh nhận định: “Nguyên nhân phần lớn do giáo viên đã lớn tuổi, ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang chưa có nguồn bổ sung giáo viên dạy môn chuyên biệt. Vì vậy, khi giáo viên chuyên xin nghỉ việc, nghỉ hưu, chuyển công tác, đơn vị sẽ không có nguồn dự trữ để thay thế tức thì”.

Những năm qua, áp lực về cải cách chương trình giáo dục, yêu cầu nâng cao trình độ, năng lực của nhân sự công tác trong ngành giáo dục ngày càng cao. Giáo viên tốt nghiệp cao đẳng, đã ra trường và đang trong quá trình chuẩn hóa đại học không được tuyển dụng vào cấp tiểu học.

Thêm vào đó, giáo viên nghỉ hưu chiếm tỷ lệ khá cao, trong khi nguồn nhân lực giáo viên để đào tạo, phân công về các trường không đáp ứng đủ. Vì vậy, đơn vị gặp khó trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao.

Một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho biết, Sở đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên trong biên chế được giao.

Ngoài ra, Sở tham mưu hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 27 ngày 24/7/2024 về Quy định số lượng hợp đồng giáo viên, nhân viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm học 2024-2025, với số lượng 252 giáo viên.

Bên cạnh đó, nhằm thu hút giáo viên dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tỉnh Hậu Giang đã ban hành chính sách thu hút hỗ trợ 50 triệu đồng/giáo viên. Cụ thể, giáo viên tuyển dụng mới và chuyển công tác về tỉnh dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc ở các cơ sở giáo dục công lập sẽ được hưởng mức hỗ trợ này.

Qua 2 năm triển khai, toàn tỉnh đã thu hút được 66 giáo viên dạy các môn này. Khi nhận chính sách thu hút, giáo viên phải cam kết giảng dạy tối thiểu 5 năm. Trường hợp giáo viên đã nhận kinh phí thu hút mà không đảm bảo thời gian công tác như đã cam kết, phải hoàn trả lại kinh phí.

Cùng bàn về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trước mắt, phòng giáo dục và đào tạo đã rà soát biên chế, phân công giáo viên dạy liên trường.

Dạy liên trường là giải pháp khắc phục phần nào tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Đặc biệt đối với một số cơ sở đào tạo chỉ có 10-12 lớp học, giáo viên sẽ không đủ định mức giờ dạy. Việc dạy liên trường cũng giúp giáo viên đảm bảo đủ định mức giờ dạy theo quy định. Tuy nhiên, khi thực hiện dạy liên trường, giáo viên sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại. Đồng thời, các chế độ trợ cấp, phụ cấp thêm cho giáo viên dạy hình thức này không nhiều.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp chia sẻ thêm, một tín hiệu đáng mừng hiện nay là ngành sư phạm đang dần được xã hội quan tâm hơn. Nhà nước đang tiến hành cải cách chính sách tiền lương, theo hướng ưu tiên lương giáo viên có tính đặc thù, cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp.

Hơn nữa, Nghị định 116/2020/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có tác động ngày càng lớn tới sự lựa chọn của thí sinh.

Bên cạnh đó, Thạc sĩ Trần Mê Ly đề xuất lãnh đạo có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện hạ chuẩn đào tạo đối với giáo viên hợp đồng. Nên có chính sách, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hợp đồng để họ có thể học nâng chuẩn.

“Giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm có thể ký hợp đồng để vừa học nâng chuẩn vừa giảng dạy. Khi họ đã nâng cấp bằng lên trình độ đại học thì mới được tuyển vào đơn vị. Từ đó, tạo thêm nguồn tuyển dụng ngay lập tức để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, đồng thời đáp ứng đủ nguồn nhân lực để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới", thầy Ly nhận đinh.

Cũng đồng tình với quan điểm này, cô Võ Việt Oanh cho rằng hạ chuẩn đào tạo là một giải pháp tích cực nhất để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Khi giáo viên được đào tạo trình độ cao đẳng chính quy, họ đã có đủ điều kiện, trình độ và năng lực để dạy cấp tiểu học. Vì lượng kiến thức ở cấp tiểu học mới chỉ ở mức cơ bản, không quá nâng cao và phức tạp.

Vì vậy, cô Oanh mong muốn, đơn vị được tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm làm việc hợp đồng đối với cấp tiểu học, trong thời gian chưa tuyển dụng được giáo viên có trình độ theo quy định.

Cô Oanh cho rằng, mức lương cải cách hiện nay đã cơ bản đảm bảo được cuộc sống của giáo viên. Tuy nhiên, giáo viên vẫn chưa hoàn toàn yên tâm công tác, do phải đối mặt với những áp lực không nhỏ từ học sinh, phụ huynh và xã hội. Đặc biệt về việc kỷ luật học sinh. Ngày nay, phần lớn các gia đình đều chỉ có 1-2 con nên một số bậc phụ huynh có xu hướng nuông chiều con thái quá. Do đó, mỗi khi giáo viên trách phạt học sinh, đều có thể phải nhận phản ứng từ các phụ huynh.

“Nhiều giáo viên gặp áp lực lớn từ vấn đề đạo đức học sinh và cách hành xử của phụ huynh. Đạo đức của một số học sinh hiện nay là một vấn đề. Tuy nhiên, chúng tôi không có chế tài xử lý đối với những phụ huynh nuông chiều con thái quá hoặc có hành động tiêu cực khi nhà trường, giáo viên xử phạt các em. Đây là vấn đề nan giải của nhiều giáo viên đứng lớp”, cô Võ Việt Oanh cho biết.

Để giáo viên toàn tâm cống hiến cho công việc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thành 1 cho rằng, ngành giáo dục cần có biện pháp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đẩy mạnh giáo dục đạo đức cho học sinh một cách đồng bộ nhất. Đồng thời gia tăng sự kết nối hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Khi ấy sự tôn nghiêm của nghề giáo mới được đảm bảo, giáo viên được giải tỏa áp lực về mặt tinh thần và gắn bó lâu dài với nghề.

Bích Ngọc