Thời cổ, Thiên Nữ đầu thai kiếp khác trong một gia đình trần tục.
Trưởng thành giữa nhân gian, trong mình tồn tại song song hai nhân cách, nhân cách thiên thần lạnh lùng, kiêu ngạo coi dân chúng chỉ như loài kiến, nhân cách trần tục thiện lương, nhân hậu.
Thiên Nữ bay trên trời với mái tóc đen bồng bềnh và đôi chân gót đỏ tỏa ra muôn vàn tia sáng.
Trí giả nhân gian vốn quen đánh giá qua dáng vẻ bên ngoài, nhìn vào màu đen trên đầu và màu đỏ dưới chân nên mô tả Thiên nữ “Chân đạp Hồng Quang, đầu mang Hắc Ám”.
Con cháu chắt chút chít của Thiên nữ không hài lòng với từ “Hắc ám” bởi nghe có vẻ không quang minh chính đại nên đổi thành “Chất xám”.
Hậu duệ của Thiên nữ ngày nay dẫu là đế vương hay kẻ bần cùng thì trong đầu cũng chứa chất xám, chẳng ai mang trong đầu chất đỏ hay vàng.
Hình tượng Thiên nữ dẫu mang đầy “Nhân kiến” ấy chẳng hiểu sao lại được đưa vào sách của một số người gọi là Thánh hiền, dần dà những lời Thánh hiền được tôn thờ gọi là “Đạo kiến”, các đệ tử si mê Đạo kiến được phân thành hai loại: “Kiến giả” và “Kiến dân”.
Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Phatgiao.org.vn |
Đến thời tân cổ, một số người nghi ngờ, có ý bác bỏ Đạo kiến song số tin vào Đạo kiến vẫn không ít.
Họ cho rằng những gì tồn tại dưới ánh Hồng quang được hàng thế kỷ thì tất phải có đạo lý của nó và do đó nhiệm vụ của các Kiến giả là phải gạn đục khơi trong, phải tìm cách “tán trương” đạo pháp để Đạo kiến không chỉ là tâm hướng của Kiến giả mà cũng còn là vầng ngũ sắc mãi mãi đưa đường chỉ lối cho các “Kiến dân”.
Không biết có phải người phương Tây bất mãn với phương Đông nên các bức vẽ thần Vệ nữ đều tóc vàng chứ không phải tóc đen.
Những kẻ chê bai Đạo kiến còn tiến xa hơn khi cho rằng thần Vệ nữ - một trong ba vị nữ thần đẹp nhất bầu trời - lại là vợ của vị thần xấu xí, thọt chân là Thần Thợ rèn.
Không những thế, tuy Vệ nữ là thần tình yêu nhưng lại là kẻ lăng nhăng, ngoại tình.
Một trong những cuộc tình vụng trộm của Vệ nữ với Thần Chiến tranh (anh em ruột của Thần Thợ rèn) đã sinh ra thần ái tình Cupid.
Chính vì các nữ thần cũng ghen ghét, đố kỵ lẫn nhau nên mới tranh giành quả táo vàng mà nữ thần Bất Hòa ném vào bàn tiệc với dòng chữ: “Tặng người đẹp nhất”.
Dẫu có thế thì thần thánh cả phương Tây lẫn phương Đông đều không thể thoát khỏi sự ràng buộc của “Thần cách” (tương tự như Nhân cách của người trần), đó là sự đa dạng - đôi khi là đối lập tuyệt đối - trong mọi biểu hiện: hồng quang và hắc ám, tình yêu và chiến tranh, sắc đẹp và gian dối,…
Cày ải… tư duy |
Thần thánh đã thế thì người trần mắt thịt chẳng thể nào khác, đặc biệt là các vị vốn tự nhận mình là “Con trời”.
Mỗi cuộc bể dâu sẽ lưu vào lịch sử tên tuổi vài nhân vật, mỗi cuộc chiến tranh đẫm máu sẽ làm nổi bật tên một số tướng lĩnh nhưng cùng với đó là hàng vạn sinh linh phải lìa bỏ cõi trần về với cát bụi.
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô” chính là điều được các Kiến giả tổng kết.
Mọi cuộc chiến, dẫu là nội chiến hay ngoại chiến đều không tránh khỏi thương vong cho “Kiến dân”, Quân vương và các Kiến giả dẫu có khoa chân, múa tay, gân cổ hùng biện thì cũng rất ít người xuất hiện nơi chiến hào, trước rừng tên, mũi đạn.
Thế nhưng lưu danh sử sách thì chỉ có Quân vương và Kiến giả, Kiến dân đông như… kiến thì lấy đâu ra tường để ghi tên, lấy đâu ra đất để làm khu lưu niệm!
Có ông nhà văn mượn lời gã say rượu mà rằng “Trên đời này chưa có cái mả nào có thể trở thành cụ lớn nhưng các cụ lớn thì chắc chắn sẽ thành cái mả”.
Thế là cãi nhau inh ỏi bởi ở nơi Kiến dân đông vào bậc nhất thế giới, người ta cấm bán quan tài, tất cả đều phải hỏa táng, vừa tiết kiệm gỗ, vừa vệ sinh sạch sẽ lại không tốn quá nhiều đất đắp mả.
Cấm mả thì con cháu Cụ lớn xây khu lưu niệm, chung quy là bùn vẫn trong ao nhà ta!
Chuyện Cụ lớn nói cả ngày không hết, đành nói chuyện Kiến dân vậy.
Xưa có người thợ săn thấy con hổ gần chết bèn đem về cứu chữa, khi khỏi hổ được thả về rừng, người thợ săn tự nhủ mình đã làm việc thiện, tích đức cho đời sau.
Một thợ săn khác bảo hổ được cứu sống sẽ ăn thịt các con vật khác trong rừng, khiến thợ săn không còn gì để ăn, vậy là tích đức cho mình mà vô đức với đồng loại.
Chạm tới bầu trời rất dễ, rời khỏi mặt đất mới khó |
Người trồng trọt bảo nếu không có hổ thì trâu, bò, dê, thỏ đầy rẫy mọi nơi, ăn hết cỏ tất sẽ ăn rau, lúa, khoai, sắn,… khiến người trồng bị đói, thế nên cứu hổ là đúng.
Kiến giả đi hỏi Thiên nữ, Thiên nữ khoát tay một vòng tròn, không nói câu nào.
Một vòng tuần hoàn được khép lại, chẳng ai sai hay chẳng ai đúng?
Có kẻ hiến kế bắt hết hổ nhốt vào lồng, tìm các con vật ốm yếu, bệnh tật cho hổ ăn, thế là cứu được cả thợ săn và người trồng cây.
Quân vương gật gù khen hay, vừa không phải giết hổ vừa để Kiến dân bớt lo ngại lũ nhai lại.
Chỉ tiếc là Quân vương chẳng thể nào biết cần bao nhiêu chiếc lồng để nhốt hết lũ hổ và tốn bao nhiêu công sức, tiền của để trông coi, nuôi dưỡng chúng.
Vả lại nếu hổ bị nhốt hết trong lồng, chỉ được ăn các con vật bệnh tật, ốm yếu tất sẽ hạn chế sinh sản, dẫn tới tuyệt chủng, vậy đời sau lấy đâu da hổ phủ ghế ngồi cho các bậc đế vương và những kẻ quyền quý?
Đến đây thì Quân vương gật hay lắc?
Quân vương ngày xưa là con trời (Thiên tử) nên mật mã di truyền gói gọn lại trong câu “Chân đạp Hồng Quang, đầu mang Hắc Ám”.
Phải chăng vì thế mà có kẻ tổng kết: “Phi hắc ám bất thành Thiên tử”?
Đến thời bốn chấm, năm G, trí tuệ lên ngôi, vai trò của Đế vương có nhiều thay đổi, mật mã di truyền của “Loài Đế vương” biến thành “Chân đạp Hồng Quang, đầu mang chất xám”, tuy vậy vần “Ám” vẫn giữ nguyên, không thể thay bằng vần khác.
Thế mới biết làm Kiến dân khổ, làm Đế vương khó.
Càng khó hơn khi Đế vương vừa phải có chất xám lại phải có mưu mẹo, thứ mà ngày xửa ngày xưa gọi là hắc ám.