Vào năm Tân Sửu sáu mươi năm trước (1961), đến năm 2021 vừa tròn một hoa giáp, nhà thơ Tố Hữu khi viết “Bài ca mùa xuân 1961” đã gọi thời điểm đó là “đỉnh cao muôn trượng”. Từ “đỉnh cao” đó có thể nhìn khắp cả địa cầu, có thể “Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau”.
Năm 2021 này, chưa có người Việt nào chào năm Tân Sửu - thời khắc bắt đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 21 - như ông Tố Hữu, ngược lại nhiều người nước ngoài và các phương tiện truyền thông quốc tế đánh giá Việt Nam là điều thần kỳ hiếm hoi, rằng thế giới u ám nhưng mặt trời vẫn tỏa nắng ở Việt Nam,…
Mười lăm năm sau “Chào xuân 61”, tháng 5 năm 1975 nước Việt Nam thống nhất, người Việt chưa kịp hưởng hòa bình đã lại phải đối diện với hai cuộc chiến ở hai đầu đất nước.
Vừa cầm súng chống cuộc xâm lấn của bọn diệt chủng Khơme Đỏ ở biên giới Tây Nam vừa đánh trả hàng chục vạn quân Trung Quốc xâm lược khắp toàn bộ biên giới phía Bắc.
Hoàn cảnh đất nước và quốc tế ngày nay không cho phép lặp lại nguyên xi những gì đã diễn ra nhưng người Việt chắc chắn vẫn phải bước vào những cuộc chiến mới, và bây giờ ít nhất cũng là “cuộc chiến ba đầu”, một đầu chống lại nạn “tham nhũng, lãng phí, cục bộ, nhóm lợi ích”, đầu thứ hai là đấu tranh xóa bỏ thói bảo thủ, trì trệ, giáo điều, nói mà không làm, làm không đến nơi đến chốn và đầu thứ ba là chống lại dã tâm bành trướng, xâm lược, nô dịch của những kẻ thù tiềm ẩn.
Sẽ có 25 năm (tính đến năm 2045) để Việt Nam lập nên kỳ tích mới trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc và điều này có vẻ dễ thực hiện hơn so với việc hình thành một thế hệ người Việt mới.
Giã từ năm 2020 không phải là cuộc chia tay giữa con người với con người, đó là cuộc “Chia tay thời gian”. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock) |
Để tạo dựng một đất nước thuộc nhóm nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, cần đến một thế hệ công dân mới, có tri thức, biết làm việc tập thể, yêu gia đình, quê hương, đất nước, dám sáng tạo và biết sáng tạo chứ không phải những cậu ấm, cô chiêu được bố mẹ gửi ra nước ngoài kiếm tấm bằng đại học rồi quay về hợp pháp hóa chiếc ghế đã kê sẵn.
Càng không cần những kẻ nằm trong guồng máy nhưng đã thủ sẵn hộ chiếu nước ngoài, những kẻ mắc Covid-19 được chữa khỏi bệnh tại Việt Nam rồi ra nước ngoài bôi nhọ đất nước quê hương họ.
Những kẻ đặt điều chê bai chính những người đã cứu sống họ chỉ xứng đáng với từ đầu tiên trong cụm từ “Con Người”.
Cuộc đời có nhiều cuộc chia tay, nào là “Chia tay hoàng hôn”, “Chia tay tuổi thơ”, “Chia tay hoài niệm”, “Tạm biệt chim én”, “Chia ly màu tím”,… Đa phần những cuộc chia tay ấy luôn lấp ló tia hy vọng rồi sẽ có ngày gặp lại.
Giã từ năm 2020 không phải là cuộc chia tay giữa con người với con người, đó là cuộc “Chia tay thời gian”, là cuộc chia tay vĩnh viễn, không thể tái hợp bởi dòng sông thời gian không có đôi bờ và luôn trôi theo một chiều, từ quá khứ qua hiện tại đến tương lai.
Trên dòng sông thời gian, con thuyền mà loài người giương buồm chưa bao giờ và không bao giờ có thể cập “Bến quá khứ”.
Người Việt sắp chia tay năm Canh Tý để đón năm Tân Sửu, và chắc chắn sẽ không bao giờ có một năm giống năm 2020 trong tương lai dù tên năm Canh Tý cứ 60 năm lại lặp lại.
Nhìn vào cơ đồ đất nước, nói một cách công bằng chứ không phải phụ họa, quả thật chưa bao được giờ như hôm nay.
Ổn định xã hội giúp cho người dân an cư lạc nghiệp trong khi ngay tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean), đảo chính quân sự, việc ban bố tình trạng khẩn cấp, biểu tình biến thành bạo lực diễn ra không phải chỉ tại một nước và cũng không phải chỉ có trong quá khứ.
Những cuộc biểu tình trở thành bạo loạn gây chết người, đập phá cơ sở vật chất, cướp phá cửa hàng, gây đình trệ giao thông, những vụ xả súng giết người bừa bãi,… diễn ra đâu đó trên khắp thế giới có phải chính là biểu hiện “tự do, dân chủ” mà giới chóp bu tư bản muốn xuất khẩu sang nước khác hay thực ra chỉ với mục đích làm thế giới bất ổn còn mình hưởng lợi?
Rõ ràng thứ “tự do, dân chủ” mà người Việt cần có phần giống nhưng nhiều phần không giống với những khái niệm được rao giảng đang thịnh hành ở không ít quốc gia phương Tây.
Người Việt hiểu quá rõ cái giá của chiến tranh và bất ổn chính trị và vì vậy cần sự an bình trong cuộc sống. Tuy nhiên sự an bình ấy phải đi kèm sự công khai, minh bạch, thượng tôn pháp luật, sự tuân thủ các quy định trong Hiến pháp, trong các đạo luật đã được ban hành.
Gần trăm triệu người Việt cần đội ngũ lãnh đạo từ phường xã đến trung ương liêm chính, thông tuệ, trung thực với dân, không mị dân. Cần những người thực thi công vụ nói đi đôi với làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm, dám chủ động làm những điều người khác không dám làm nếu điều đó mang lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Cùng với đó ngay từ lúc này, cơ quan lập phát cần ban hành cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm (với động cơ trong sáng) không để lặp lại câu chuyện buồn đã xảy ra với ông Kim Ngọc - Cố Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc - một lần nữa.
“Dân chủ” mà Người Việt cần là kiểu “Dân chủ đơn giản”, không phải dân chủ theo triết lý của các học giả, điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“Dân chủ thật ra có nghĩa là để cho dân được mở miệng”. [1]
Nếu mong mỏi của dân chúng và giáo huấn của Bác Hồ được thực hiện thì hệ quả chắc chắn sẽ là “Dân tin, dân ủng hộ, dân hiến kế, dân cùng làm, dân bảo vệ”.
Chính thông tin các ca nhiễm Covid-19 được công bố thường xuyên, chính xác đã khiến người dân tin tưởng, chung tay cùng cơ quan chức năng chống dịch và đó là một trong những nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam mà thế giới phải thừa nhận.
Nếu trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tài sản quan chức và họ hàng của họ, những sai phạm cán bộ mắc phải cũng được minh bạch như Covid-19, người bị nhiễm “Bệnh tham nhũng” cũng được “Cách ly tập trung” để chạy chữa thì thắng lợi không thể bị nghi ngờ.
Nhìn vào từng gia đình, tivi, tủ lạnh, xe máy,… trở thành những đồ dùng sinh hoạt bình thường mà có thời mọi người Việt, kể cả lãnh đạo cao cấp nhất đều mong ước.
Nhìn tổng thể, ngoại trừ một số khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, ở đâu cũng thấy các khu công nghiệp, khu đô thị đẳng cấp, đường cao tốc, trường học, bệnh viện,… Tất cả những gì hiện diện, đúng là xưa nay chưa từng có.
Và cũng vì nói một cách công bằng nên bên cạnh ca ngợi những thành tựu về kinh tế, quốc phòng, an ninh, xã hội, y tế, giáo dục,… thì không thể giả bộ quên đi một thực tại là sự phân hóa giàu nghèo dần trở nên trầm trọng, là môi trường bị ô nhiễm nặng nề, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, là sự không bình đẳng trong hưởng thụ thành quả phát triển kinh tế giữa các vùng miền và các tầng lớp dân cư, là nạn tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ quan chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là tham nhũng quyền lực ở các cấp.
Trả lời báo chí sau khi bế mạc Đại hội Đảng 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết có trường hợp cán bộ xách vali toàn đô la Mỹ đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để biếu xén, lấp liếm, chạy tội.
Vào tận nơi làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với vali đầy đô la liệu có thể là người nông dân, công nhân, giáo viên hay người “buôn thúng bán mẹt”?
Nếu không phải họ thì còn lại chỉ có thể hoặc là quan chức kiếm được rất nhiều tiền hoặc không phải quan chức nhưng (cũng rất nhiều tiền) có mối liên hệ mật thiết với “Nhóm lợi ích Quan – Doanh” kiểu như Trần Bắc Hà, Trịnh Xuân Thanh, Vũ “nhôm”, Út “trọc”,…
Năm Tân Sửu khiến người viết nhớ đến câu thành ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Dẫu tại một số địa phương vẫn còn cảnh con trâu lầm lũi kéo cày trên những thửa ruộng bậc thang hay thửa ruộng con con nhưng cả nước gạo đã đủ ăn và còn dư để xuất khẩu.
Tiếc là ông Kim Ngọc không được tận mắt nhìn thấy cảnh những con tàu vạn tấn mang gạo Việt Nam bán khắp thế giới.
Và cũng đôi chút tiếc nuối cho gạo ST25 của Anh hùng lao động Hồ Quang Cua và cộng sự đã giành vị trí nhất thế giới nhưng đi thi lần thứ hai lại bị đánh tụt một bậc.
Giá có một chút cân nhắc, một chút tỉnh táo để rồi không thi lần thứ hai thì làm gì có chuyện bị mất vị trí số một!
Đón năm mới, không ngạc nhiên khi quốc tế loan tin có nước láng giềng vừa mới xây căn cứ tên lửa cách biên giới phía Bắc có 20 km.
Người ta cũng từng xây các nhà máy điện nguyên tử Phòng Thành cách biên giới Việt Nam có 50 km, nhà máy Xương Giang cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 100 km và nhà máy Trường Giang cũng chỉ cách biên giới Việt Nam hơn 200 km.
Vào mùa đông, gió mùa Đông Bắc thổi qua khu vực ba nhà máy này rồi xuống đất liền Việt Nam từ Quảng Ninh đến tận Nam Trung Bộ.
Gió thổi tự do mang theo những gì có trên bầu trời nhưng nước sông Cửu Long về đồng bằng Nam Bộ càng ngày càng ít vì bị chặn ở đầu nguồn, đấy là những gì người Việt nhìn thấy, cảm nhận được cùng với những gì thỉnh thoảng nghe thấy về mấy chữ, mấy chữ.
Loài người bước đến tương lai với hành trang toàn là nghịch lý, bằng cách tự chia thành các chủng tộc, tự cô lập bởi đường biên giới quốc gia để rồi cố gắng tạo nên các liên minh kiểu Nato, kiểu G7, G20,…
Những quốc gia mạnh nhất thế giới ngày nay cũng không thể tự bảo vệ mình, vậy nên chia tay năm cũ không phải là lúc để hối tiếc, cũng không phải lúc để tung hô mà phải biến những gì khẳng định trong nghị quyết thành của cải vật chất, thành sự ấm no hạnh phúc cho nhân dân – như lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
“Chia tay thời gian” vào năm 2020, với người Việt không chỉ niềm vui mà còn ngổn ngang lo toan, thậm chí không ít nỗi buồn.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://xaydungdang.org.vn/Home/MagazineStory.aspx?mid=52&mzid=409&ID=933