Chống đại dịch Covid-19, chung tay hay trách móc?

21/02/2021 06:19
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đợt bùng phát dịch thứ ba cũng là cơ hội để nhìn lại chủ trương, chính sách và các bước chỉ đạo của các cơ quan từ trung ương xuống địa phương.

Nếu cuộc đua Marathon chống đại dịch Covid-19 (biến thể mới của virus corona được định danh là SARS-CoV-2) dài hơn 40 km thì nhân loại mới chạy được khoảng 20 km, nghĩa là non nửa chặng đường.

Với các biến thể mới, chặng thứ hai sẽ còn khốc liệt hơn và chưa có gì đảm bảo chắc chắn nhân loại sẽ nhanh chóng chiến thắng con virus bé nhỏ đến mức gần như vô hình này, bởi như nhận định của giới khoa học: “Khả năng tái nhiễm COVID-19 luôn tồn tại khi các biến thể mạnh hơn đang dần chiếm ưu thế, đặc biệt là một vài biến thể độc hơn như B.1.1.7 tuy mới xuất hiện nhưng đã gia tăng sự lây lan trong một số khu vực dân cư”.

Việt Nam đang đối mặt với đợt bùng phát thứ ba mà tâm dịch được xác định là tỉnh Hải Dương. Cho đến nay cả 12 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh này đều đã xuất hiện các ổ dịch và Hải Dương đã quyết định cách ly toàn tỉnh.

Một số ý kiến cho rằng “Hải Dương chậm trễ, yếu kém nên dịch càng dập càng loang” hoặc chủ quan, chưa kiên quyết khoanh vùng dập dịch và đặc biệt là đội ngũ cán bộ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh chưa làm tròn trách nhiệm trong việc nắm bắt kịp thời số lượng đối tượng thuộc diện F0, F1, F2,…, như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Ngược lại, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho rằng: “Đáng tiếc nhất là việc phát hiện ra ổ dịch Công ty Poyun quá muộn”, rằng “chúng ta phải đánh giá lại công tác phòng chống dịch trong thời gian qua. Chúng ta cho nhập cảnh với người nước ngoài, đưa người Việt Nam từ những nước có dịch về nước. Chúng tôi luôn lo ngại đây là nguồn nguy cơ mang dịch bệnh từ bên ngoài vào nếu như không được kiểm soát tốt…”.

Người viết không cho rằng có gì đó chưa ổn trong ý kiến qua lại giữa lãnh đạo Bộ Y tế và chính quyền tỉnh Hải Dương, cũng không cho rằng việc đưa người Việt Nam từ những nước có dịch về nước là sai lầm song phải thừa nhận công tác phòng chống đại dịch Covid-19 vẫn đang tồn tại những lỗ hổng cần phải bịt kín.

Hải Dương khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm SARS- CoV-2 ở những nơi có nguy cơ cao. (Ảnh: Nhandan.com.vn)

Hải Dương khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm SARS- CoV-2 ở những nơi có nguy cơ cao. (Ảnh: Nhandan.com.vn)

Một số vấn đề cần phải được trả lời càng sớm càng tốt:

Thứ nhất, liệu có chuyện “ngủ quên trên chiến thắng” khi cả thế giới khen ngợi Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tính đến cuối năm 2020?

Chắc chắn là không, điều này được thể hiện qua nhiều phát biểu, chỉ đạo kịp thời và kiên quyết của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ… đặc biệt là hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đứng đầu là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Trong dân chúng thì sự chủ quan, thờ ơ với phòng chống dịch, thậm chí trốn cách ly, tiếp tay cho người vượt biên trái phép vào Việt Nam tuy không phổ biến nhưng vẫn tồn tại.

Ngay tại Hà Nội, sau khi có lệnh dừng một số hoạt động lễ hội, kinh doanh vỉa hè,… thì vẫn có tình trạng quán nước mở bán và người ngồi uống vẫn vô tư trò chuyện.

Thứ hai, công tác lấy mẫu xét nghiệm có chuẩn xác tuyệt đối, trang thiết bị xét nghiệm, cách ly có đủ phục vụ công tác dập dịch trên quy mô lớn?

Phải khẳng định ngay là đội ngũ cán bộ y tế nước ta bên cạnh trình độ chuyên môn tốt còn có ý thức trách nhiệm rất cao đối với sức khỏe nhân dân, nhiều người nhận nhiệm vụ đi vào tâm dịch ngay trong những ngày tết cổ truyền mà không một lời than vãn.

Sự tận tâm của các lực lượng Y tế, Quân đội, Công an,… đặc biệt là bộ đội biên phòng là không có gì phải bàn luận.

Cá nhân người viết cũng không thấy bất cứ lời than phiền nào về sự tận tâm của các Y, Bác sĩ, nhân viên y tế tại các khu vực có dịch, tuy nhiên khi tại cơ sở cách ly 60 người dùng chung một nhà vệ sinh thì không thể ngây thơ (hay hồ đồ?) cho rằng đó không phải là nguyên nhân lan truyền dịch bệnh.

Vấn đề cần quan tâm là độ tin cậy của các trang thiết bị xét nghiệm dành cho ngành Y tế, có hai câu hỏi cần người có trách nhiệm liên quan trả lời:

Một là vì sao vị chuyên gia người Nhật của công ty Mitsui (Bệnh nhân số 2229) xét nghiệm hai lần tại Thành phố Hồ Chí Minh đều âm tính với vius corona nhưng khi ra Hà Nội lại dương tính và tử vong tại khách sạn?

Hai là vì sao một công nhân làm việc tại công ty Poyun (Chí Linh – Hải Dương) xuất cảnh sang Nhật có kết quả xét nghiệm dương tính mặc dù trước đó công nhân này đã được cơ quan y tế Việt Nam kết luận là âm tính (với Covid-19)?

Nếu khẳng định chất lượng trang thiết bị xét nghiệm không có vấn đề gì thì phải chăng chỉ còn hai khả năng: thời điểm lấy mẫu xét nghiệm và tay nghề của nhân viết xét nghiệm?

Thứ ba, năng lực nghiên cứu và khả năng sản xuất thiết bị Y tế:

Một trong những tồn tại dai dẳng hơn nửa thế kỷ qua là không ít công trình nghiên cứu khoa học, khá nhiều luận án tiến sĩ khi báo cáo đều đạt kết quả tốt, rất tốt nhưng sau đó đều “cất nóc tủ” vì không áp dụng được vào thực tiễn hoặc áp dụng không mang lại hiệu quả kinh tế nổi trội.

Việt Nam đã phát hiện dịch Covid-19 từ rất sớm và đã thành công trong dập dịch (đợt bùng phát thứ nhất, thứ hai).

Thế nhưng cho đến nay, khi Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ,.. đã có Vacxin phòng dịch bán khắp thế giới thì Việt Nam vẫn trong giai đoạn thử nghiệm và Chính phủ đã phải quyết định mua 30 triệu liều vacxin từ nước ngoài.

Trung Quốc đã phát triển bộ xét nghiệm Covid-19 trong vòng 15 phút, Israel chuẩn bị đưa ra đại trà thiết bị xét nghiệm chỉ mất chưa đến 1 giây và có độ tin cậy 95% nhưng giá thành chỉ khoảng 200 USD và chi phí mỗi lần xét nghiệm là 25 cent (1 đôla = 100 cent),…

Tại Việt Nam bộ xét nghiệm do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất sử dụng phương pháp Real-Time RT-PCR, thời gian đầy đủ của quy trình để cho ra kết quả dương tính hay âm tính với SARS-CoV-2 của bộ sinh phẩm này là hơn 2 giờ đồng hồ.

Sử dụng bộ xét nghiệm của Việt Nam tại các sân bay quốc tế, cửa khẩu,… đòi hỏi người nhập cảnh phải chờ đợi ít nhất 2 tiếng rõ ràng là rất khó khăn cho việc sàng lọc người mắc bệnh.

Thứ tư, vai trò chống dịch của chính quyền:

Sân bay Vân Đồn – Quảng Ninh được chọn là một trong số ít sân bay đón các chuyến bay quốc tế về Việt Nam khi đại dịch bùng phát. Rõ ràng đây là địa điểm có nguy cơ cao nếu máy bay, phi hành đoàn và hành khách có mang theo virus conona thế nhưng Quảng Ninh lại không phải là tâm dịch của đợt bùng phát thứ ba.

Quảng Ninh từng bị truyền thông nhắc khéo về chuyện đổ đá giữa đường ngăn chặn phương tiện giao thông ra vào tỉnh này song có phải sự kiên quyết ấy đã giúp Quảng Ninh tránh được các đợt bùng phát dịch?

Thống kê cho thấy Hà Nội có hơn 8 triệu người, mật độ dân số là 2.398 người/km2; Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 9 triệu người, mật độ dân số là 4.292 người/km2.

Mật độ dân số tại hai thành phố trên thuộc diện cao nhất cả nước, hai thành phố cũng có sân bay đón các chuyến bay quốc tế đưa người nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam.

Xét về khía cạnh dịch tễ học có thể thấy rằng tại hai thành phố này, khả năng lây nhiễm cộng đồng cao hơn nhiều so với các địa phương còn lại của cả nước.

Và chắc chắn không thể nghi ngờ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa công bố tất cả các ca nhiễm bệnh hoặc các ổ dịch.

Điều quan trọng hiện nay là cả nước cùng chung tay với nhân dân vùng dịch, trung ương chung sức giúp chính quyền địa phương chống dịch chứ không phải lúc quy trách nhiệm cho người/cơ quan nào.

Hà Nội đã giúp Hải Dương 2 tỷ đồng và 50.000 khẩu trang, Hải Phòng hỗ trợ Hải Dương 5 tỷ đồng và 500.000 khẩu trang, nhiều đơn vị, cá nhân đang chung tay cùng Hải Dương chống dịch vật chất và tinh thần, đó chính xác là những gì người Việt nên làm lúc này.

Đợt bùng phát dịch thứ ba cũng là cơ hội để nhìn lại chủ trương, chính sách và các bước chỉ đạo của các cơ quan từ trung ương xuống địa phương.

Bên cạnh việc nhanh chóng sản xuất vacxin phòng bệnh, thuốc chữa bệnh, sản xuất các thiết bị y tế có độ tin cậy cao thì không nên xem nhẹ khái niệm “Miễn dịch cộng đồng” bởi sự “Miễn dịch cộng đồng” liên quan đến sự tồn vong của nhân loại.

Trong lịch sử, loài người đã trải qua không ít đại dịch:

Dịch hạch Justinian được cho là bắt nguồn từ Ai Cập vào năm 541 sau Công Nguyên, đại dịch này sau đó lan ra các lục địa khác. Đại dịch hạch Justinian chỉ kết thúc khi nó khiến khoảng 30 - 50 triệu người tử vong, tương đương với một nửa dân số thế giới lúc bấy giờ.

Không có bằng chứng hoặc tư liệu nào cho thấy những người sống sót là nhờ sống cách xa các khu vực nhiễm bệnh hoặc loài người khi đó đã tìm ra thuốc chữa bệnh và do đó chuyện miễn dịch cộng đồng là một trong những khả năng không thể bỏ qua.

Đại dịch “Cái chết đen” (Black Death) xảy ra vào năm 1347 khiến 200 triệu người bị chết chỉ trong vòng 4 năm.

Bệnh Đậu Mùa đã khiến 90 - 95% người dân bản xứ châu Mỹ bị xóa sổ trong vòng 1 thế kỷ. Chính bệnh này đã khiến nhà khoa học người Anh Edward Jenner phát minh ra vacxin chống đậu mùa vào năm 1796.

Đại dịch HIV là mối đe dọa toàn cầu, tại Việt Nam Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Chúng ta không thể quên rằng trong năm vừa qua (2016 – NV) vẫn có gần 2 triệu người mới nhiễm HIV. Rất nhiều người trong số họ là phụ nữ. Vẫn còn hơn 20 triệu người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV”. Liên Hiệp Quốc có chủ trương đến năm 2030 sẽ cơ bản xóa bỏ HIV trên toàn thế giới. [1]

Có thể thấy dịch hạch Justinian và đại dịch “Cái chết đen” chấm dứt không phải do nhân loại tìm ra thuốc chữa bệnh hoặc vacxin phòng bệnh và liệu đó có phải nhờ tình trạng “Miễn dịch cộng đồng” hay không vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Nếu nhân loại cứ ỷ lại vào thuốc chữa bệnh hoặc vacxin mà quên nâng cao sức đề kháng của chính bản thân thì đó chắc chắn là một sai lầm.

Số liệu tổng kết cho thấy số ca nhiễm Covid-19 tính đến ngày 19/02/2021 tại châu Âu là 32.748.804; Bắc Mỹ là 32.695.388; Châu Á là 24.298.187; Nam Mỹ là 17.217.117 và Châu Phi là 3.823.291.

Dân số châu Phi năm 2020 là 1.340.598.147 người; châu Âu là 747.636.026 người; Bắc Mỹ là 368.869.647 người.

Không thể nói châu Phi giàu có hơn châu Âu hay Bắc Mỹ, càng không thể nói khả năng chăm sóc y tế châu Phi hơn các khu cực còn lại song vì sao với số dân đông gần gấp đôi châu Âu, gấp gần 4 lần Bắc Mỹ nhưng số ca nhiễm Covid-19 lại chỉ bằng khoảng 1/10?

Nếu không phải do kháng thể đã có sẵn trong con người thì phải chăng do thời tiết nóng nên virus hoạt động kém hay khả năng cuối cùng là nhờ miễn dịch cộng đồng?

Chống đại dịch không chỉ cần sự chung sức, đồng lòng của toàn dân mà còn cần đến một chiến lược sáng suốt, khoa học của Nhà nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/xa-hoi/dai-dich-aids-se-cham-dut-vao-nam-2030-520035.vov

Xuân Dương