
Đọc những dòng tin nhắn chan chứa kỷ niệm từ người đồng đội cũ, khóe mắt ông giáo già đỏ hoe. Ông khẽ gập điện thoại lại, lấy tay lau nhẹ đôi mắt đã mờ đục vì thời gian. Bao ký ức về chiến trường xưa như ùa về, sống động và tha thiết như chỉ mới hôm qua, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua.
Người đàn ông ấy là Bùi Chí Quý, nguyên Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức, nguyên giáo viên Toán trường Trung học phổ thông Đan Phượng và Trung học phổ thông Hoài Đức A (Hà Nội), một nhà giáo "đi B" tiêu biểu của thế hệ mình.

Ông Bùi Chí Quý sinh năm 1939, quê ở Hà Tây cũ. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo giàu truyền thống yêu nước, từ nhỏ, ông đã nuôi dưỡng khát vọng học tập để sau này "giúp đời, giúp nước".
Tốt nghiệp khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962, ông bắt đầu sự nghiệp gieo chữ tại Trường Phổ thông cấp 3 Quốc Oai, sau đó là trường trung cấp sư phạm ở Hà Tây. Những tưởng cuộc đời ông sẽ bình lặng bên trang giáo án và những thế hệ học trò, nhưng tiếng gọi non sông đã làm thay đổi tất cả.
Tháng 10/1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, chàng giáo viên 29 tuổi ấy đã viết đơn tình nguyện đi B bằng… máu. Khi đó, ông đã có gia đình với ba đứa con nhỏ, đứa lớn mới chín tuổi, đứa út còn đang trong bụng mẹ. Để gửi gắm khát vọng lớn lao ấy, ông đặt tên cô con gái chưa chào đời là Bùi Hòa Bình - như một lời thề son sắt cho mục tiêu hòa bình, độc lập.
"Hàng ngàn giáo viên, sinh viên miền Bắc khi ấy ai cũng nô nức xung phong. Ai nấy đều chỉ có một tâm nguyện: vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất đất nước mà không tiếc tuổi xuân, máu xương", ông Quý bồi hồi nhớ lại.

Đó là những năm tháng không thể nào quên. Từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, tiếng gọi của non sông đã lay động trái tim của cả một thế hệ. Khắp các trường học, từng tốp giáo viên trẻ nối nhau viết đơn tình nguyện "đi B", tiếp sức cho tiền tuyến. Có người vừa lập gia đình, có người vừa nhận nhiệm sở đầu tiên, có người còn mẹ già, con thơ... Thế nhưng tất cả đều gác lại tình riêng, khoác ba lô lên đường với khát vọng hòa bình, mang theo tuổi trẻ và lý tưởng bước vào cuộc trường chinh lịch sử.
"Chúng tôi ra đi với hành trang là niềm tin tất thắng, với trái tim đỏ lửa vì miền Nam yêu dấu. Những đơn tình nguyện viết vội sau những buổi họp, những lá thư chia tay thấm đẫm nước mắt... nhưng chẳng ai nản lòng", ông xúc động kể lại.
Với những nhà giáo trẻ tuổi năm ấy, chiến trường không chỉ là nơi cầm súng đánh giặc, mà còn là nơi họ tiếp tục sứ mệnh trồng người giữa khói lửa chiến tranh. Chính cuộc đời của họ đã hóa thành những bài học sống động nhất về lòng yêu nước, tinh thần hy sinh và trách nhiệm thiêng liêng đối với dân tộc.

Bước chân vào chiến trường Tây Nam Bộ, người thầy từ Hà Tây quê lụa nhanh chóng được đồng đội và đồng bào gọi với cái tên thân thương "Chú Ba quê lụa". Bởi giữa cái gian khổ, ác liệt của chiến tranh, cái nét mộc mạc, chân chất ấy như thắp lên một niềm tin bền bỉ.
Dù đối mặt với muôn vàn thiếu thốn, gian khổ, ông Bùi Chí Quý và đồng đội vẫn kiên cường bám đất, bám dân, kiên trì gây dựng phong trào giáo dục tại các vùng giải phóng. Các thầy cô đã mở lớp bình dân học vụ cho đồng bào, đào tạo giáo viên tại chỗ, bổ túc văn hóa nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời bí mật tổ chức các lớp học giữa rừng sâu hay trong những ngôi nhà lá giữa đồng nước mênh mông.
Nhớ lại những tháng năm gian khổ mà hào hùng ấy, ông Quý trầm ngâm:
"Trong cuộc chiến đấu thiêng liêng vì độc lập, thống nhất đất nước, tôi luôn tự nhủ phải hoàn thành mọi nhiệm vụ, dù phải đánh đổi bằng tuổi trẻ, bằng máu xương. Không chỉ tự động viên mình, tôi còn nhắc anh em đồng đội phải giữ vững tinh thần, ngày đêm rèn ý chí chiến đấu, vừa bảo vệ chính mình, vừa góp sức tiêu diệt quân thù. Gần một trăm ngày đêm trèo đèo lội suối xuyên dọc Trường Sơn, súng chắc trong tay, lưng còng oằn vì quân trang, lương thực... Có những lúc, gánh nặng còn nhân đôi khi phải cõng thêm những đồng đội bị thương, ốm đau".

Ánh mắt ông lặng lại khi nhắc đến những lần băng qua đường 9, Kon Tum, nơi mưa bom bão đạn xé nát đất trời. Ông kể về những cánh rừng nhuộm đỏ máu đồng đội, những dòng sông cuộn xiết cuốn theo cả sự sống và cái chết. Tiếng bom đạn gầm rít, tiếng máy bay gào rú suốt ngày đêm, nhưng những người lính - thầy giáo như ông vẫn kiên gan bền chí, đứng vững giữa bão lửa.
Về miền Tây sông nước, kỹ năng sinh tồn lại càng khắt khe. "Phải tập bơi lội cho dẻo dai, chèo thuyền ba lá cho nhanh nhẹn, bơi xuồng cho nhẹ tay, khéo mắt. Khi nước chảy xiết hay lúc sông cạn, lúc giặc rình rập trên trời, dưới đất, càng phải linh hoạt, ẩn mình, vượt đập, vượt sông trong thầm lặng, không để một tiếng động nào đánh động kẻ thù", ông Quý cười hiền, ánh mắt xa vắng như đang soi bóng xuống những dòng nước mênh mông, nơi ông cùng đồng đội từng thầm lặng chiến đấu, bền bỉ sống còn.


Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Quý vinh dự được chọn vào lực lượng xung kích, cùng bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Cần Thơ. Là một nhà giáo, ông nhanh chóng được phân công vào Ủy ban quân quản, phụ trách tiếp quản và tái thiết hệ thống giáo dục thành phố từ đại học đến mẫu giáo.
"Chúng tôi phải vừa khôi phục cơ sở vật chất, vừa tổ chức đào tạo lại đội ngũ giáo viên, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, chuẩn bị khai giảng năm học mới 1975 - 1976", ông kể. Đó là năm học đầu tiên của Cần Thơ trong hòa bình, mở ra một chặng đường mới đầy hy vọng.
Một năm sau làm công tác quản lí giáo dục tại Trường Phổ thông cấp 3 thành phố Cần Thơ, ông được Bộ Giáo dục điều động ra Bắc, đoàn tụ với gia đình sau tám năm xa cách. "Khoảnh khắc ấy hạnh phúc đến nỗi, tôi không cầm nổi nước mắt," ông xúc động.

Trở lại miền Bắc, ông tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, từ giảng dạy đến công tác quản lý, cho đến năm 1998 mới nghỉ hưu. Hơn nửa đời người, ông đã dành trọn cho lý tưởng gieo chữ, vun bồi những thế hệ học trò nên người.
Hôm nay, ở tuổi 87, nhà giáo - chiến sĩ Bùi Chí Quý vẫn không ngừng suy nghĩ về sự phát triển của đất nước. Dù đã qua bao năm tháng, những trăn trở về tương lai của dân tộc vẫn luôn hiện hữu trong ông. Người thầy năm xưa, từng kiên cường cầm súng và vững vàng với phấn, giờ đây vẫn giữ nguyên sự tận tụy và giản dị trong từng lời nói, hành động. Ông không tự nhận mình là anh hùng, chỉ lặng lẽ sống trọn một cuộc đời cống hiến, với hy vọng đất nước ngày càng vững mạnh, phát triển hơn nữa trong tương lai.
Ông nhắn gửi tới thế hệ trẻ: "Thế hệ trẻ hôm nay là trụ cột của đất nước, phải tiếp nối lý tưởng cộng sản, rèn luyện bản lĩnh, ý chí và niềm tin. Phải không ngừng học tập, đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng dạy và học, để xây dựng đất nước ta ngày càng hùng cường trong kỷ nguyên mới".
Ông bảo, thế hệ ông đã đi qua chiến tranh bằng máu và nước mắt, nên càng quý trọng giá trị của hòa bình, của độc lập hôm nay. Những trang đời ông đã viết nên bằng cả "tay súng" và "tay bút", bằng lòng trung hiếu son sắt với quê hương đất nước.

Chiều muộn, nắng nhạt dần trên mái hiên nhà. Trong tiếng gió thổi vi vu ngoài ngõ, người giáo già lật lại những trang hồi ký ố vàng, lần giở những tấm ảnh cũ, nơi những gương mặt đồng đội, những con rạch, cánh rừng, con xuồng ba lá năm nào vẫn còn in hằn trong trí nhớ.
Giữa thời bình, bóng dáng của "Chú Ba quê lụa" - nhà giáo đi B năm xưa, vẫn lặng lẽ mà rực sáng, như một chứng nhân sống động của những năm tháng không thể nào quên.