Lớp học bơi miễn phí của cô giáo người Vân Kiều

20/07/2023 06:50
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều kiện còn khó khăn thiếu thốn nhưng lớp học bơi miễn phí của cô giáo Hồ Thị Dung đã giúp hàng chục em nhỏ vùng cao có kỹ năng phòng tránh đuối nước

Ngày hè nắng nóng, gió lào thổi rát từng cơn, lũ trẻ người Vân Kiều ở vùng Lìa (Hướng Hóa, Quảng Trị) thường tim cách giải nhiệt bằng cách vũng vẫy trong dòng sông Sê Pôn, hồ Lìa hoặc bất kỳ khe suối nào có nước.

Những đứa trẻ vùng núi luôn tự học cách sinh tồn nên kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước của các em còn rất hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao. Bà con nhân dân vùng Lìa cũng đã chứng kiến không ít vụ việc trẻ em đuối nước đau lòng.

Hai năm trở lại đây, cô giáo người Vân Kiều Hồ Thị Dung, giáo viên dạy bộ môn Thể dục, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Túc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) chủ động đề xuất ý tưởng dạy bơi cho học sinh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Hồ Thị Dung cho biết, năm học 2021-2022, thực hiện các văn bản của cấp trên về tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh về phòng, chống đuối nước, cô Dung đề xuất lãnh đạo nhà trường thay đổi cách thức tuyên truyền giáo dục về chủ đề này.

Theo đó, thay vì chỉ cảnh báo, tuyên truyền suông như trước, cô Dung đề xuất làm việc thực tế, dạy luôn cho các em biết bơi.

Cô giáo Hồ Thị Dung trong ngày phát động lớp học bơi. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Cô giáo Hồ Thị Dung trong ngày phát động lớp học bơi. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Với ý tưởng này, ban đầu lãnh đạo nhà trường lo lắng bởi trường không có bể bơi, không có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, không đảm bảo kinh phí chi dạy ngoài giờ.

Vùng Lìa lại quá khó khăn, đa số học sinh ở đây đều là người dân tộc thiểu số, nhận thức của bà con còn hạn chế, việc vận động gia đình cho con học bơi là điều không đơn giản. Việc tổ chức dạy bơi tại cộng đồng lại càng khó khăn bởi liên quan đến phong tục tập quán của địa phương.

Thế nhưng, trước sự quyết tâm của cô Dung, nhà trường đã đồng ý chủ trương và tạo mọi điều kiện để cô “hiện thực hóa” ý tưởng đó.

Cùng với chính quyền sở tại, cô Dung và nhà trường đã bắt tay vào khảo sát thực tế. Vùng nước gần trường có thể thực hiện việc tổ chức học bơi chính là hồ Lìa. Tuy nhiên, mực nước của hồ Lìa rất phức tạp nên lớp học phải mất 2 ngày để khảo sát thực địa, chọn vùng để có thể tổ chức học bơi.

Chọn được địa điểm an toàn, cùng với nhà trường, chính quyền sở tại, cô Dung đã huy động lực lượng chặt tre, chăng dây tạo điểm dạy bơi.

Để đảm bảo việc phối hợp tốt với gia đình học sinh, cô phối hợp chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên xã Lìa, thôn Tăng Cô Hang (nơi có địa điểm có thể dạy bơi), các già làng, trưởng bản để vận động học sinh ở địa phương tham gia học bơi; tuyên truyền về tầm quan trọng của việc phòng chống đuối nước cho trẻ em. Gia đình nào đăng ký cho con em học bơi thì tự nguyện viết cam kết, đưa đón và theo dõi các em trong quá trình học.

Lớp học được tận dụng từ cơ sở vật chất sẵn có. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Lớp học được tận dụng từ cơ sở vật chất sẵn có. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Để đáp ứng điều kiện dạy bơi tối thiểu, cô Dung đã đề xuất nhà trường bố trí thêm 1 giáo viên thể dục để hỗ trợ và trang bị áo phao, bóng, dây... cái nào có thì tận dụng.

Sau lớp đầu tiên triển khai có 15 học sinh đăng ký học bơi, kết quả tốt. Mùa hè năm nay cô Dung tiếp tục mở lớp thứ 2 với 35 học sinh đăng ký.

Đa số học sinh theo học là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Hiện tại đã có 21 em “tốt nghiệp”, có thể nắm vững kỹ thuật bơi, thậm chí đi thi tỉnh, huyện đã có em đạt huy chương.

“Trong số các em tham gia có em Hồ Thị Hà Na, lớp 6 đã có thành tích ở huyện, tỉnh”, cô Dung cho biết.

Lớp học bơi được bố trí 2 buổi/ tuần, cô Dung tập trung truyền đạt cho các em hiểu biết về phòng chống đuối nước, kỹ năng bơi và kỹ năng thoát hiểm.

Giáo dục các em về nguy cơ đuối nước và cách chủ động đề phòng, như: không tự ý tắm sông, suối khi không biết bơi, không có áo phao và không có sự giám sát của người lớn.

Nói thêm về lớp học bơi, cô Dung cho biết: “Trời ngày hè vùng này nắng nóng gay gắt, điều kiện dạy còn đơn sơ, phải ngâm mình nhiều giờ trong nước hồ, nếu không giữ thể lực tốt thì rất dễ bị ốm.

Mặt khác, hồ Lìa rất rộng nên tôi cũng rất cẩn trọng, để ý từng ly từng tí để đảm bảo độ an toàn cho học sinh. Tôi mong muốn địa phương được có một bể bơi đảm bảo để các em học sinh được học bơi một cách an toàn.

Còn trước mắt khi cơ sở vật chất còn khó khăn thì cô trò cùng nhà trường tận dụng nguồn lực hiện có.

Dù là tận dụng nhưng trong lớp học cũng được trang bị những điều kiện tối thiểu như phao bơi, áo phao… và luôn có nhân viên y tế trực cùng đề phòng các tình huống bất trắc”.

Lớp học của cô Dung luôn có nhân viên y tế hỗ trợ. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Lớp học của cô Dung luôn có nhân viên y tế hỗ trợ. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, cô Dung đã có hơn 10 năm công tác và là một giáo viên thể dục hết mình vì học sinh.

Không chỉ trang bị cho học sinh vùng dân tộc thiểu số về kỹ thuật bơi mà cô Dung còn hướng dẫn cho các em kỹ năng phòng chống đuối nước. Các em không chỉ có kỹ năng thoát hiểm khi xuống nước mà có thể giúp bạn bè khi gặp nạn.

Trao đổi thêm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Trần Xuân Linh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Túc cho biết:

“Từ yêu cầu bức thiết của thực tế và đặc biệt là sự nhiệt tình của cô Dung, nhà trường đã hỗ trợ các điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất, giáo viên phụ trợ và phân bổ thời gian học bộ môn thể dục tại nhà trường đan xen ngoại khóa một cách phù hợp để cô Dung dạy bơi miễn phí cho học sinh. Tiết dạy cô Dung sắp tới sẽ được đưa vào phần học tự chọn của chương trình môn Thể dục.

Trong mỗi tiết học của cô Dung, Nhà trường luôn phối hợp đảm bảo về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, có nước uống, các vật liệu khoanh lại hồ bơi. Đặc biệt là có đầy đủ nhân viên y tế và giáo viên hỗ trợ, chính vì thế phụ huynh cũng rất tin tưởng giao con cho lớp của cô Dung.

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tạo điều kiện để cô Dung triển khai các lớp dạy bơi tiếp theo, góp phần hỗ trợ học sinh vùng khó phòng, tránh đuối nước”.

Trần Phương