Thói xấu nói tục, chửi bậy bao giờ có làn sóng tẩy chay đủ mạnh?

12/12/2024 06:38
Triệu Mẫn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Không biết từ khi nào, chuyện nói tục, chửi bậy lại trở thành một quan niệm sai lệch trong mắt không ít bạn trẻ, như một cách thể hiện bản thân?

Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát động cuộc thi viết "Sống đẹp", rất nhiều ý kiến bạn đọc gửi thư về tòa soạn bày tỏ trăn trở về thực trạng một bộ phận giới trẻ hiện nay sử dụng từ ngữ trong giao tiếp kèm các từ nói tục, chửi bậy. Đáng ngại hơn, có 1 số idol (thần tượng - pv) được nhiều người hâm mộ vô tư dùng từ ngữ thiếu chuẩn mực văn hóa trong giao tiếp. Điều này có thể gây nên những ảnh hưởng xấu với giới trẻ.

Một độc giả tại Đồng Nai rất bức xúc chia sẻ: "Nhà tôi ở gần một sân bóng của một trường trung học cơ sở - trung học phổ thông, hàng ngày nghe học sinh chửi bậy, nói tục mà tôi còn cảm thấy xấu hổ thay cho các cháu. Không hiểu, các cháu nghĩ gì khi văng tục không biết ngượng mồm trong giao tiếp với bạn bè như vậy. Tôi rất nhiều lần không cho con mở cửa sổ nhìn về phía sân bóng vì sợ cháu "học theo" các anh chị này".

Câu chuyện của độc giả trên không phải là cá biệt, trên các nền tảng mạng xã hội, tình trạng nói tục, chửi bậy đang ngày càng xuất hiện nhan nhản, nhất là qua những cuộc hội thoại giữa những người trẻ với nhau. Đáng lo ngại hơn, nói tục, chửi bậy đang dần trở thành một chuyện thường, không quá xa lạ đối với lứa tuổi học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Black Modern Professional Business Project Presentation (3).png
Ảnh minh họa. Thiết kế: Vân Anh

Cô giáo Trịnh Thị T. (giáo viên tại một trường tư thục trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi từng bắt gặp một số học sinh độ lớp 8, lớp 9 đứng ăn quà vặt ngay trước cổng trường, vừa ăn, vừa tranh luận rôm rả về một chủ đề nào đó có vẻ rất hào hứng. Đáng nói, thi thoảng các em lại "chêm" câu rất tục tĩu, để miêu tả và biểu hiện cảm xúc cá nhân.

Tôi khá ngỡ ngàng và ái ngại, các em mới chỉ từng đó tuổi, mà không hề ngượng miệng và phát ngôn ra những từ ngữ như vậy - những từ ngữ mà đến một người lớn như tôi còn phải ngại thốt ra. Nhưng tất cả các em đều nói và nghe một cách rất thản nhiên, giống như điều đó đã dần trở thành một thói quen vậy. Tôi cũng không thể hiểu, vì sao các em lại có thể thoải mái và tự nhiên như vậy, khi dùng những thứ ngôn từ đó để giao tiếp và bày tỏ quan điểm cá nhân?

Khi tôi tò mò, hỏi một em học sinh gần đó, em nói rằng, đó là cách nói chuyện gần gũi giữa những người bạn thân thiết. Em này còn cho rằng phải đủ thân, thì mới có thể nói những điều như vậy!”.

Chia sẻ về một tình huống mới gặp gần đây, thầy giáo N.V.B. (một giáo viên sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể lại: “Chiều muộn, khi đi tập thể dục quanh công viên gần nhà, tôi thấy một nhóm học sinh mặc đồng phục, có cả nam và nữ, các em khoảng 16-17 tuổi, ngồi trà đá nói chuyện với nhau.

Những lời nói tục, chửi bậy từ các thanh niên liên tục phát ra khiến tôi rất khó chịu. Đặc biệt, có thanh niên thể hiện thái độ đầy bức xúc về việc bị giáo viên cho điểm thấp, thậm chí, còn dùng nhiều từ ngữ hỗn hào và có những lời nói rất tục tĩu. Càng lắng nghe, tôi càng thất vọng... Những câu chuyện xoay quanh vấn đề về điểm số, việc học hành, thậm chí cả những mâu thuẫn cá nhân đều được các em đem ra bàn tán với giọng điệu giễu cợt với những từ ngữ thô tục.

Có em nói về giáo viên với thái độ thiếu tôn trọng, dùng những từ ngữ khiến tôi không tin nổi là có thể phát ra từ miệng của một học sinh ở độ tuổi này. Là một giáo viên, khi nghe những lời như thế, tôi cảm thấy rất buồn và trăn trở. Tôi tiến lại gần, định góp ý, thì nhóm học sinh giải tán đi chỗ khác...”.

“Nhớ lại ngày xưa, khi còn là học sinh, chúng tôi đều rất kính trọng thầy cô. Dẫu có những lúc bất đồng quan điểm hoặc cảm thấy chưa hài lòng với cách đánh giá của giáo viên, chúng tôi vẫn luôn giữ chừng mực trong lời nói và hành xử. Bởi lẽ, trong suy nghĩ của chúng tôi khi đó, thầy cô không chỉ là người dạy tri thức, mà còn là tấm gương để noi theo trong cách sống, cách đối nhân xử thế.

Thời ấy, mỗi khi trò chuyện cùng bạn bè, chúng tôi đều ý thức về lời nói của mình. Những lời lẽ thô tục, bất kính hiếm khi xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày, dù trong các cuộc trò chuyện không có mặt người lớn.

Những buổi họp lớp, khi nhắc lại kỷ niệm xưa, chúng tôi vẫn thường kể về những lần bị thầy cô phê bình mà không hề oán trách. Bởi vì chúng tôi hiểu rằng, thầy cô mong muốn học sinh của mình trở thành những người tốt, có ích với xã hội...” - nam giáo viên bộc bạch.

Thầy N.V.B. lo ngại, sự khác biệt thế hệ này, không chỉ phản ánh sự thay đổi về thời gian mà còn cho thấy một vấn đề gốc rễ trong môi trường giáo dục và xã hội: “Nhìn lại thực tại, tôi không khỏi trăn trở khi chứng kiến sự khác biệt trong cách ứng xử của thế hệ trẻ ngày nay. Việc kính trọng thầy cô, giữ gìn lời ăn tiếng nói dường như không còn được coi trọng như trước.

Điều này khiến tôi tự hỏi, môi trường sống và cách giáo dục trong gia đình lẫn nhà trường đã có phần nào buông lỏng? Trẻ em ngày nay dễ dàng tiếp cận với những nội dung tiêu cực trên mạng xã hội, mà không phải lúc nào cũng nhận được sự định hướng đúng đắn từ người lớn”.

Vị thầy giáo này cũng trăn trở, nói tục, chửi bậy dường như đang trở thành một hiện tượng phổ biến trong đời sống của giới trẻ hiện nay. Điều đáng nói, thói quen này không chỉ xuất hiện trong giao tiếp trực tiếp mà còn lan tràn trên các nền tảng mạng xã hội.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc biến tấu những từ ngữ thô tục đã trở thành một xu hướng, từ việc viết tắt bằng chữ cái đầu hay sử dụng chúng như một cách “làm màu” để thể hiện sự “sành điệu” của bản thân.

Một nữ sinh tại Bắc Ninh chia sẻ: “Việc nói tục, chửi bậy trên các nền tảng mạng xã hội online hiện nay không còn quá hiếm. Nhiều khi, lướt mạng xã hội, tôi có thể vô tình bắt gặp rất nhiều bình luận mang tính tiêu cực, nói xấu nhau bằng những từ ngữ thô tục, thậm chí là sẵn sàng mạt sát, thóa mạ với những ngôn từ đầy xúc phạm. Chưa kể, có những dòng trạng thái được chia sẻ trong khi tâm trạng tức tối, bực bội, cũng được “đệm” thêm rất nhiều từ ngữ xấu xí để thể hiện mình...

Càng giật mình hơn, khi có những lời lẽ như vậy lại xuất phát từ những tài khoản là chính những em học sinh, những bạn sinh viên còn rất trẻ. Bởi vậy, có những lúc, tôi thấy “sợ” sử dụng mạng xã hội, “sợ” phải đọc những trạng thái, bình luận tiêu cực, với những từ ngữ thô tục, cứ có cảm giác, mỗi lần đọc trúng mấy câu đó là như có một lần bị chửi, mắng oan vậy...”.

Black Modern Professional Business Project Presentation (4).png
Thực trạng nói tục, chửi bậy đang ngày càng phổ biến trên mạng xã hội. Ảnh minh họa

Chị Lê Thùy Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bày tỏ sự lo ngại khi đứng trước những sự “biến tướng” của ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của học sinh: “Khi xã hội đang nỗ lực xây dựng một nền văn hóa văn minh, hiện đại, việc “bình thường hóa” ngôn ngữ thô tục không chỉ là việc làm thiếu trách nhiệm, mà còn gây hậu quả lâu dài đối với sự phát triển của ngôn ngữ và giao tiếp xã hội.

Khi im lặng trước những thói hư, tật xấu và xem đó là chuyện bình thường, chúng ta cần phải suy nghĩ về hệ lụy lâu dài mà việc này có thể để lại. Nếu không có biện pháp ngăn chặn và giáo dục kịp thời, việc nói tục, chửi bậy sẽ trở thành thói quen trong giao tiếp, làm méo mó các chuẩn mực trong văn phong và ngữ pháp tiếng Việt.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp hằng ngày, mà còn làm suy giảm giá trị của một ngôn ngữ giàu tính truyền thống và văn hóa. Việc thói quen này trở nên phổ biến, sẽ dẫn đến sự mất tôn trọng trong giao tiếp, gây mâu thuẫn và sự khó chịu trong cộng đồng. Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp mạnh mẽ, khi nó bị lạm dụng, sức mạnh ấy có thể bị làm yếu đi, làm xói mòn các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc”.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam mong muốn nhận được các bài viết từ chính các em học sinh, sinh viên, thầy cô, quý độc giả chia sẻ quan điểm, góp ý giải pháp làm sao để hạn chế việc nói tục, chửi bậy trong một bộ phận giới trẻ, học sinh hiện nay, từ đó nhân lên lối sống đẹp trong học sinh, nhà trường và xã hội nói chung. Bài viết vui lòng gửi về mail toasoan@giaoduc.net.vn.

Triệu Mẫn