EMagazine

Hai lần bị từ chối quyết không bỏ cuộc và học bổng thạc sĩ toàn phần tại Hà Lan

Hai lần bị từ chối quyết không bỏ cuộc và học bổng thạc sĩ toàn phần tại Hà Lan

16/12/2024 06:52
Vân Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Giành học bổng ThS toàn phần tại Hà Lan, Nguyễn Ngọc Hải muốn tích lũy kỹ năng chuyên môn, kiến thức thực tế và tư duy quốc tế để trở về quê hương cống hiến.

Vừa tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương, Nguyễn Ngọc Hải (sinh năm 2002, Hà Nội) đã xuất sắc giành được học bổng thạc sĩ toàn phần VUFP (VU Fellowship Programme - dành cho sinh viên quốc tế xuất sắc) của Đại học Vrije Universiteit Amsterdam (Đại học VU Amsterdam - VU University Amsterdam) tại Hà Lan.

Được biết, Ngọc Hải rất yêu thích Hà Lan, một phần bởi vì, hệ thống giáo dục Hà Lan nổi tiếng với chất lượng cao, sự đổi mới và tính quốc tế; một phần do bản thân muốn trải nghiệm văn hóa, lịch sử các nước châu Âu.

tít 1.png

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Ngọc Hải cho biết: “Vào tháng 8/2024, khi giành được học bổng du học toàn phần bậc thạc sĩ, ngành Tài chính, tại Đại học VU Amsterdam (với mức học phí trị giá 17.960 euro gần 480 triệu đồng), tôi đã vỡ òa trong hạnh phúc. Tôi đã gặp không ít khó khăn trong quá trình xin học bổng, bị loại khỏi ngôi trường yêu thích không những 1, mà đến tận 2 lần, đó là Đại học Erasmus Rotterdam (Hà Lan)”.

Beige and Black Scrapbook Travel To India Presentation.png

Chia sẻ về hành trình đầy khó khăn của mình, Ngọc Hải cho biết: “Những trường mà tôi muốn xin học bổng du học bậc thạc sĩ ngành Tài chính ở Hà Lan bao gồm: Đại học Erasmus Rotterdam, Đại học VU Amsterdam và Đại học Utrecht.

Trong đó, Đại học Erasmus Rotterdam là trường yêu thích nhất của tôi vì ở đó có những tiền bối rất giỏi, tuy nhiên, tôi đã bị từ chối hồ sơ tới 2 lần. Lần đầu tiên, tôi bị từ chối do trường đã nhận đủ 200 hồ sơ chỉ trong 7 ngày đầu mở đơn; lần thứ hai, do bằng đại học của tôi không phù hợp với ngành xin học bổng.

Điều đó khiến tôi cảm thấy vô cùng thất vọng và chán nản. Tôi đã từng hoài nghi về năng lực của bản thân và lo lắng hồ sơ chưa đủ mạnh hay có lẽ tôi không có duyên với Hà Lan”.

Trước đó, Ngọc Hải đã có những thành tích học tập đáng nể. Năm 2023, Hải tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Quản trị kinh doanh quốc tế (với GPA 3.88/4.0) tại Trường Đại học Ngoại thương. Cùng năm đó, Hải giành giải Ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường (Trường Đại học Ngoại thương). Trong quá trình học tập, Ngọc Hải đạt học bổng khuyến khích học tập của Trường Đại học Ngoại thương các kỳ 5, 6 và một số học bổng khác.

Chia sẻ về lý do chọn ngành Tài chính, Nguyễn Ngọc Hải bày tỏ, có niềm yêu thích với những con số và thấy được tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành học trong tương lai.

Nam sinh bày tỏ, các trường ở Hà Lan rất chú trọng phát triển kỹ năng tự học, kỹ năng tư duy phản biện và kỹ năng làm việc nhóm. Hệ thống giáo dục đại học tại Hà Lan được chia làm hai hướng chính, đó là trường đại học nghiên cứu (Research Universities) và trường đại học khoa học ứng dụng (Universities of Applied Sciences hay còn gọi là Hogescholen). Chính những điểm đó đã thu hút nam sinh rất mạnh mẽ.

Sau khoảng thời gian buồn bã và chán nản, Hải may mắn nhận được thư mời nhập học từ Đại học VU Amsterdam. Từ đó, Hải bắt đầu hành trình mới chinh phục học bổng thạc sĩ.

Kể lại hành trình chuẩn bị xin học bổng, Nguyễn Ngọc Hải cho hay: “Ngay từ đầu, tôi đã thấy “hoa mắt” bởi độ dài và độ khó của đơn xin học bổng. Học bổng yêu cầu trả lời 6 câu hỏi theo định dạng cố định, mỗi câu khoảng 200 từ. Yêu cầu trả lời ngắn gọn nhưng đầy đủ, nên tôi phải tập trung vào các thành tích nổi bật nhất để thể hiện tiềm năng của bản thân.

Ngoài ra, trường cũng khắt khe với bài kiểm tra quốc tế GMAT (dùng để đánh giá năng lực của sinh viên muốn theo học các chương trình thạc sĩ liên quan đến kinh tế, kinh doanh và quản trị trên toàn thế giới - phóng viên) và chứng chỉ IELTS (tối thiểu 6.0, trong đó không có kỹ năng nào dưới 5.5). Bên cạnh đó, tôi cần đảm bảo số lượng tín chỉ các môn học cần thiết ở bậc đại học. Tháng 8/2024, tôi nhận học bổng thạc sĩ toàn phần từ Đại học VU Amsterdam nhờ sự chuẩn bị kỹ càng”.

tít 2.png

Nói về quá trình chuẩn bị cho việc học tập tại một quốc gia cách hơn 9.000km, Ngọc Hải chia sẻ: “Tôi tập trung phát triển một số kỹ năng quan trọng, nhằm thích nghi với môi trường học tập và cuộc sống mới. Đầu tiên là việc nâng cao khả năng tiếng Anh, vì đây là ngôn ngữ chính trong môi trường học tập quốc tế. Tôi tập trung vào cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và cố gắng tạo thói quen sử dụng tiếng Anh hàng ngày.

Ngoài ra, kỹ năng tự học và quản lý thời gian cũng là những yếu tố vô cùng quan trọng. Tôi rèn luyện khả năng tự học bằng cách tự tìm hiểu tài liệu và giải quyết vấn đề một cách độc lập.

Tiếp đó, kỹ năng quản lý thời gian là điều tôi rất chú trọng. Tôi tạo thói quen, lập kế hoạch học tập và công việc hàng ngày, đảm bảo mọi nhiệm vụ được hoàn thành đúng hạn. Cuối cùng, là kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, việc hiểu và quản lý chi tiêu đã giúp tôi tự tin hơn trong việc làm chủ cuộc sống tại Hà Lan”.

Ngọc Hải cho biết thêm: “Hiện nay, ở thành phố Amsterdam (Hà Lan), tình trạng thiếu hụt nhà ở rất nghiêm trọng, dẫn đến việc tìm được nhà rất khó hoặc phải chấp nhận giá nhà rất cao. Tuy nhiên, tôi đã may mắn tìm được nhà dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều, nhờ có học bổng toàn phần, điều đó giúp tôi giảm bớt gánh nặng tài chính của mình”.

“Hà Lan là một trong những quốc gia thân thiện với xe đạp nhất thế giới, có hệ thống đường dành riêng cho xe đạp lớn, người dân thường sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển, nên bầu không khí rất trong lành. Vì vậy, tôi ngày càng cảm thấy việc đạp xe trở nên thư giãn hơn...

Cảm xúc đầu tiên của tôi khi đặt chân đến Hà Lan là nhớ nhà, khi trước mắt tôi, mọi thứ đều khác lạ. Tôi nhớ từng món ăn ở quê hương, nhớ nhất là những chiếc bánh mì ở Việt Nam. Có lần, tôi đã thức cả đêm để tìm quán bánh mì ở gần nhà, mà không thấy... Đến sáng ngày hôm sau, khi trời vẫn còn se lạnh, tôi đã đạp xe hơn 6km chỉ để tìm mua được một ổ bánh mì, cho đỡ nhớ hương vị quê nhà” - nam sinh nhớ lại.

Nam sinh gốc Hà Nội cho biết thêm, sau khi tham gia vào cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Hà Lan, Hải đã làm quen được thêm rất nhiều bạn mới, cũng như nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ những người đồng hương. Điều này giúp nam sinh tự tin hơn trong hành trình học tập nơi đất khách.

Chia sẻ về quá trình học tập và nghiên cứu tại Đại học VU Amsterdam, Ngọc Hải cho biết: “Khối lượng kiến thức và bài tập ở trường rất nhiều, trong khi khoảng thời gian học lại khá ngắn, chỉ trong độ 6 tuần là đến kỳ thi hết môn. Tôi cố gắng tập trung cao độ để nắm bắt bài giảng ngay trên lớp, sau đó, tự tóm tắt, tổng hợp lại những kiến thức đã học để chuẩn bị tốt cho kỳ thi cuối kỳ. Ngoài ra, đối với các bài tập nhóm, tôi may mắn có rất nhiều bạn học vừa giỏi lại nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ, các bạn đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc hoàn thành bài tập nhóm một cách hiệu quả”.

Nói về những dự định trong tương lai, chàng trai 22 tuổi bộc bạch: “Tôi muốn được trở về Việt Nam để sinh sống, làm việc, đóng góp phần nào vào sự phát triển của đất nước. Tôi tin rằng, việc tích lũy kinh nghiệm thực tế và hiểu biết sâu sắc về thị trường tài chính trong nước sẽ giúp tôi đạt hiệu quả trong lĩnh vực mình theo đuổi.

Ngành tài chính rất rộng lớn với nhiều mảng đa dạng như quản trị rủi ro, đầu tư, tài chính doanh nghiệp hay phân tích thị trường. Hiện, tôi đang tìm hiểu, nghiên cứu để xác định lĩnh vực phù hợp nhất với năng lực và đam mê của bản thân.

Tôi cũng chưa có dự định học tiến sĩ vào thời điểm này, mà muốn dành thời gian để đạt được nền tảng vững chắc về kinh nghiệm thực tế trước khi đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu học thuật.

Trong tương lai, tôi dự định sẽ làm việc từ 1-2 năm tại các công ty nước ngoài để tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn, kiến thức thực tế và tư duy quốc tế. Điều này không chỉ giúp tôi học hỏi cách làm việc chuyên nghiệp mà còn tạo ra những giá trị bổ ích khi trở về Việt Nam.

Sau khi đã có nền tảng vững chắc, tôi muốn quay trở lại quê hương, đóng góp kiến thức, kinh nghiệm của mình vào việc phát triển nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam, cũng như có một cuộc sống ổn định tại quê nhà”.

Nam sinh Nguyễn Ngọc Hải cũng nhắn nhủ đến các bạn trẻ đang có ước mơ và khát khao đi du học: Mỗi người luôn phải cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ, để đạt được những thành tích to lớn. Cho dù có những lúc thất bại, đó cũng chính là động lực để bước tiếp trên hành trình du học”.

Vân Anh