LTS: Vào ngày 9/5/1945, lực lượng liên quân chấp nhận việc phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, đánh dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh ở châu Âu. Cuộc thế chiến thứ II chỉ kết thúc khi Nhật đầu hàng ba tháng sau đó.
Thế nhưng cuộc chiến tranh khủng khiếp có mầm mống từ đâu, đến nay vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi?
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít, tòa soạn xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết "Kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít và bài học về hiểm họa độc tài Hitler" của tác giả, luật sư Phạm Mạnh Hà.
Chủ nghĩa phát xít đã châm ngòi cho chiến tranh thế giới thứ II - một cuộc chiến thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại.
Chiến tranh thế giới thứ II bắt đầu từ năm 1939 và chấm dứt vào năm 1945 giữa lực lượng Đồng Minh và phe theo chủ nghĩa phát xít.
Hầu hết mọi lục địa trên thế giới đều bị ảnh hưởng của cuộc chiến này (ngoại trừ châu Nam Cực và Nam Mỹ).
Ước tính, đã có khoảng 62 triệu người đã bị chết do cuộc chiến này gây ra, kể cả các hành động tàn sát diệt chủng của Đức Quốc Xã (Holocaust). 60% người chết là thường dân, chết vì bệnh dịch, nạn đói, nạn diệt chủng và bom đạn.
Thiệt hại nặng nhất là Liên Xô với 27 triệu người chết, Trung Quốc với 10 triệu người, theo phần trăm dân số thì là Ba Lan với 16% (5,6 triệu người chết so với 34,8 triệu người trước chiến tranh).
Chiến tranh thế giới thứ hai là một cuộc chiến tranh toàn diện, kể cả dân thường không ở mặt trận cũng bị đánh bom, giết hại hàng loạt.
Thế nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh khủng khiếp có mầm mống từ đâu, đến nay vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi?
Adolf Hitler - nhà độc độc tài phát xít (ảnh:internet) |
Tuy nhiên người ta chưa chú ý thích đáng đến vai trò của những cá nhân là trung tâm châm ngòi cho cuộc chiến - đó là những nhà độc tài phát xít.
Trong đó nổi lên nguy hiểm nhất là Adolf Hitler, nhân vật trung tâm của phe trục phát xít, người làm thổi bùng lên chủ nghĩa phát xít ở nước Đức.
Rõ ràng với hòa ước Versailles sau khi Thế chiến 1 kết thúc, nước Đức hiếu chiến đã bị khống chế hoàn toàn về quân sự, không thể đe dọa nền hòa bình của Châu Âu lúc bấy giờ. Và chủ nghĩa phát xít đã không thể bùng lên nếu Hitle không lên cầm quyền nước Đức.
Điều này được khẳng định chắc chắn qua những diễn biến của nhóm các tướng lĩnh là tướng Beck (cầm đầu), tướng Friedrich Olbricht (Cục trưởng Tổng hợp-Thanh tra Lục quân), Đại tá tham mưu trưởng Mertz von Quirnheim dưới quyền Olbricht, Đại tá Stauffenberg, và Trung úy Haeften (tùy viên của Stauffenberg), âm mưu chống đối Hitle ngay trong lòng đảng Đức Quốc xã. Thậm chí họ đã đi đến hành động ám sát (hụt) Hitler.
Hồng quân Liên Xô cắm cờ chiến thắng trên nóc nhà quốc hội Đức. Ảnh Internet |
Điều này cũng cho thấy ngoại trừ Hitler thì những người còn lại trong đảng Quốc xã không thể nguy hiểm đến mức đẩy nước Đức lao vào cuộc chiến tranh toàn diện với châu Âu.
Vậy Hitler nguy hiểm thế nào đối với nhân loại ?
Sau khi lên nắm quyền tối cao nước Đức, người ta thấy ông ta biến cả nước Đức thành một xưởng vũ khí khổng lồ, nhờ vào việc biết trọng dụng nhân tài.
Mặt khác, bằng "cỗ máy" tuyên truyền khoa trương sẵn sàng lừa bịp dư luận Đức, Hitler đã khiến người dân Đức có ấn tượng tình cảm đặc biệt về mình, sùng bái mình như một vị lãnh tụ.
Hitler cũng lấy lòng người Đức thông qua việc thổi bùng lên niềm tự hào dân tộc đòi phục thù hậu quả của thế chiến thứ I. Thổi phồng lên tính ưu việt của dân tộc Đức trở thành dân tộc siêu đẳng nhất thế giới, có quyền thống trị tất cả các dân tộc khác.
Như vậy ngoài việc tăng đột biến vũ trang, tư tưởng sùng bái cá nhân, tư tưởng phục thù, Hitler đã "đầu độc" người Đức chính bằng tư tưởng độc tài phát xít. Đây là nguyên nhân đẩy nhân dân Đức và thế giới đến thảm họa chiến tranh thế giới thứ II.
Đối với nước Đức, hậu quả mà chiến tranh thế giới thứ 2 để lại là vô cùng khủng khiếp. Ước tính đã có khoảng 9.700.000 người Đức bị thiệt mạng (theo tài liệu nghiên cứu năm 2000 của tiến sĩ Rüdiger Overmans) trong cuộc chiến này.
Thật đáng tiếc, nếu như người Đức không đưa Hitler lên nắm quyền lãnh đạo, hoặc các nước Châu Âu ngăn chặn kịp thời quá trình Hitler phát xít hóa nước Đức, thì chiến tranh thế giới thứ II đã không nổ ra.
Ngày nay, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít, người ta lại cần ôn lại bài học lịch sử về mầm mống của phát xít Đức, để ngăn chặn được kịp thời hiểm họa chiến tranh thế giới lần thứ ba có thể hình thành bất cứ nơi nào trên quả địa cầu này.
Đó là việc phát hiện sớm "Hitler" mới, để ngăn chặn quá trình cực đoan hóa, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc cực đoan.