Vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa vào thời quốc gia Âu Lạc mới được thành lập, người ít, lực yếu. Thương Vua và con dân Âu Lạc, đêm đêm các tiên nữ lén rời vườn thượng uyển xuống trần giúp mọi người đào đất xây thành.
Có con gà trống lâu thành tinh ở núi Thất Diệu, sợ Cổ Loa xây to sẽ chiếm mất chỗ trú ngụ, cứ đến nửa đêm nó liền cất tiếng gáy, các tiên nữ nghe gà gáy tưởng trời sắp sáng liền vội vã bay về thượng giới khiến thành xây mãi không xong.
Sau này nhờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ diệt trừ con gà tinh ấy mà An Dương Vương xây xong Loa Thành.
Người Tầu từ thủa xa xưa cũng nói rất nhiều về các con vật thành tinh, nổi tiếng nhất có lẽ là con khỉ - Tôn Ngộ Không, con trâu - Ngưu Ma Vương… trong Tây du ký.
Thần thoại Hy Lạp, La Mã tôn sùng con vật gọi là Nhân sư, dù khác nhau về văn hóa, con người lại có điểm chung, ấy là gán cho các con vật thành tinh sức mạnh ghê gớm.
Ngộ Không có thể khuấy đảo cả thiên đình, chỉ một tiếng gà gáy cũng có thể ảnh hưởng đến việc xây thành, đắp lũy.
Tiếng của loài vật còn thế, tiếng nói con người đương nhiên phải hơn hẳn.
Có một câu nói, hình như xuất hiện từ thời Hán Sở tranh hùng, rằng: “Làm quân tử dễ, làm tiểu nhân khó”, ngụ ý câu nói chỉ dành cho hai loại người “quân tử thật” và “tiểu nhân thật”.
Làm quân tử dễ, làm tiểu nhân khó, ảnh minh họa sưu tầm, không rõ tác giả |
Nói theo tiếng Tầu là “chân quân tử” và “chân tiểu nhân”, còn loại “ngụy quân tử” hay “ngụy tiểu nhân” không phải là đối tượng bàn luận.
Riêng khái niệm “Quân tử” thời @ có đôi chút thay đổi, “quân tử” được chia thành “thường quân tử” và “chân quân tử”.
“Thường quân tử” chỉ cần giữ mình trong sạch, nói những “lời có cánh”, không làm những việc trái đạo lý, lúc nào cũng tâm niệm “đi qua ruộng dưa không cúi xuống sửa giày, đứng dưới gốc mai không vươn tay sửa mũ”.
Những “thường quân tử” ngày xưa khi không có khả năng thay đổi thời thế thì rũ bỏ quan trường, về quê trồng rau, nuôi cá, mở lớp gõ đầu trẻ kiếm sống một cách thanh tao, mặc cho con tạo xoay vần.
Trong số các “thường quân tử” có người sống thật liêm khiết, lấy mình làm gương cho người khác, cố giữ mình trong như ngọc.
Tiếc rằng ngọc quý thường dễ vỡ, lại cũng dễ bị bọn tiểu nhân nhòm ngó nên phải giữ gìn cẩn thận, nâng niu từng ly từng tí.
Thế nên mới có người lên tiếng, rằng "người đời chán các vị chỉn chu, trau chuốt lắm rồi"!
Nói thế hay nói nữa thì cũng “không vội được đâu”, chừng nào bánh xe “quy trình” vẫn còn quay, tất nhiên “gặp thời thế, thế thời phải thế”.
Quân Vương, tội ác và trừng phạt(GDVN) - “Một Quân vương không nên sợ mang tiếng là tàn ác, khi cần phải giữ thần dân trong vòng đoàn kết và phục tùng" |
Muốn hãm bánh xe “quy trình” có khi lại cần tiếng gà gáy lúc nửa đêm, thậm chí lúc hoàng hôn càng tốt.
Có điều gà gáy lúc hoàng hôn dân gian gọi là “gà gáy gở”, điều ấy chẳng hay ho gì.
Có người “khiêm tốn” tuyên bố, rời quan trường vẫn phải làm lụng đến “thối cả móng tay”, hoặc của cải có được là "tiền mồ hôi, nước mắt, xuất phát từ trí tuệ, vận động cá nhân chứ không phải là dựa dẫm vào bất kỳ ai"... Thế có phải đích thị họ là “quân tử”?
Chẳng biết ngày nay có mấy “thường quân tử” như người xưa, xa rời quan trường dựa vào trồng rau, nuôi cá để sống qua ngày?
Còn mở lớp gõ đầu trẻ thì hình như chỉ là truyện “thời xa vắng”, ngoại trừ trường hợp mở cả cái “trường to” kiểu Hollywood phục vụ đóng phim “Kinh Công”.
Lắm tiền như ông Đặng Thành Tâm vẫn còn liểng xiểng ở Đại học Hùng Vương, trường ấy có nguy cơ sắp phải giải thể, giáo dục không phải là thương trường, buôn giỏi thì cứ đi buôn sao lại dại mà chuyển sang “gõ đầu trẻ”?
“Chân quân tử” đương nhiên không giống “thường quân tử”, đó là người dám làm, dám chịu, có thể không được đám bình dân cho là “người tốt” nhưng sẽ được lịch sử xếp vào hàng kiệt xuất nếu việc làm của họ góp phần thay đổi một thể chế, một xã hội hay cả thời đại.
Mãi gần đây thủ đô Hà Nội mới có phố mang tên Thái sư Trần Thủ Độ, có lúc không hiểu vì lý do gì người ta không muốn nhắc đến công lao của Ngài, có lẽ là do hành động của Ngài đối với hoàng thân triều Lý.
"Họ là một nước lớn nhưng hành động không quân tử"(GDVN) - 170 thanh niên kiều bào đến từ 30 quốc gia trên thế giới đã tận mắt chứng kiến những bằng chứng lịch sử về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. |
Thử hỏi, nếu Thái sư Trần Thủ Độ không kiên quyết củng cố vương triều Trần, liệu người Việt có chiến thắng oanh liệt ba lần trước giặc xâm lăng phương Bắc?
Hành động của Ngài là độc ác với hoàng thất triều Lý nhưng nó góp phần bảo tồn nước Đại Việt, bảo tồn nòi giống Việt.
Người dám nhận cái ác về mình để dẹp “giặc nội xâm”, để quân dân nhà Trần đoàn kết nhất trí chống giặc xâm lăng, giữ yên bờ cõi, để đất nước có một trang sử chói lọi mà nhân loại khắp năm châu phải nghiêng mình ngưỡng mộ, đó mới chính là hành động của bậc “chân quân tử”.
Sĩ phu Bắc Hà từ xưa đến nay phê phán “mối tình” của Huyền Trân Công chúa với quan Nhập nội Hành khiển Trần Khắc Chung dù chẳng có chứng cứ gì cụ thể.
Chẳng biết dựa vào lý do “chính đáng” nào hay chỉ là sĩ diện của sĩ phu xứ Bắc mà có nơi người ta bỏ tên phố “Huyền Trân Công chúa”, trong khi Vua Chúa triều Nguyễn xếp Bà vào hàng khai quốc công thần.
Chính Huyền Trân Công chúa, thân gái dặm trường làm dâu xứ người đã làm mở mang bờ cõi chứ không phải các danh tướng cầm quân trăm vạn.
Có thể có phố Bà Hyện Thanh Quan, sao chỉ vì chút “sĩ” mà đổi tên con phố mang tên một vị khai quốc công thần? Dù là bậc nữ lưu, Huyền Trân Công chúa vẫn xứng đáng được liệt vào hàng “chân quân tử”.
Chuyện “chân tiểu nhân” đã từng được đề cập trong bài “Trò “Chơi ô ăn quan” và chuyện Tít to, tít bé”.
“Chân tiểu nhân” nghĩa là dám công bố cho thiên hạ biết mình là kẻ tiểu nhân, dám công khai mình là kẻ tham lam, nịnh bợ, luồn cúi, ai không thích thì tránh xa, muốn đưa hối lộ thì lại gần, ai có của thì giữ cho cẩn thận nếu không sẽ bị ăn trộm.
“Chân tiểu nhân” còn là những kẻ dám công bố “ta là cướp đây, đừng có đeo vàng bạc ra đường sẽ bị cướp đấy”…
Thế nên trên đời này, tìm “quân tử” dễ hơn tìm “tiểu nhân”, làm tiểu nhân đúng nghĩa khó gấp trăm nghìn lần làm quân tử bởi chẳng kẻ cắp nào nhận mình ăn cắp, chẳng kẻ cướp nào chịu nhận mình là cướp.
Binh pháp quan trường, kế thứ 8 – “Ngôn pháp Tà Lưa”(GDVN) - Ngôn ngữ “Tà Lưa” vốn là một ngôn ngữ “cổ”, tuy chưa thất truyền nhưng dân gian ít người sử dụng, ngược lại nó rất thông dụng ở những chốn cao sang, quyền quý. |
Chẳng thế mà kẻ cướp mạnh nhất ai cũng biết trên Biển Đông luôn ra rả, rằng họ đang vì các nước lân bang mà gìn giữ hòa bình?
Có câu nói bị coi là “lời nói gió bay”, cũng có câu “nặng tựa nghìn cân”, lại còn loại câu nói mà người Hy Lạp gọi là “lời có cánh”.
Nhân tiện xin nhắc vài câu để cùng xem đó là lời gió bay, lời có cánh hay nặng nghìn cân.
Chẳng hạn mới đây có bậc trượng phu nêu “định nghĩa” người tài xứ mình như sau: “Người có tài là những người có đạo đức và tập trung cho chuyên môn chứ không nghĩ đến mấy trò xỏ lá, ba que”.
Không biết từ đâu người xưa lại “phát minh” ra cụm từ “ba que - xỏ lá”, lại cũng hơi ngờ ngợ khi ngài ấy đảo ngược thành “xỏ lá - ba que”.
Nghĩ nát óc mới hiểu, hóa ra theo quan điểm của người ấy, người tài thì trước phải là “đạo đức” sau mới đến “chuyên môn”, giống như có người thích nói “vừa đỏ, vừa giỏi”!
Thường khi đã được người đời công nhận là giỏi chuyên môn thì sang Tây sang Tầu vẫn là giỏi, còn bảo “người tài” là trước tiên phải có “đạo đức” thì không biết chính xác được mấy phần.
Không ít người tài có “đạo đức” hẳn hoi nhưng sang một số nước, chỉ cần ăn thịt bò, thịt lợn sẽ bị xem là vi phạm đạo đức, ở đó họ có thể là “vô đạo” nhưng không thể nói họ không phải người tài.
Câu “lắm tài, nhiều tật” mà cổ nhân truyền lại dường như khẳng định một thực tế, rằng chắng mấy khi “tài” mà lại không “tật”.
Dù có “tật” nhưng vẫn là có thể là người tài, có “đạo đức” thì chỉ là “có đạo” chứ chưa chắc đã là người tài.
Câu nói sau đây của một vị thuộc phái nữ thì chắc “người nghèo cũng khóc”, nhưng chả biết “quân tử” có khóc hay không: “Mọi người (Việt kiều) cũng rất muốn làm giàu cho đất nước, cho quê hương. Nhưng mà đất lành thì chim đậu, nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết cả chim”.
Về câu này thì xin phép đề nghị vị nữ ấy, rằng bà nên tách bạch “đất lành” với bọn bợm nhậu, phó thường dân có mơ cũng chẳng bao giờ được phép “nhòm trộm” chứ đừng nói tham gia “nhậu hết cả chim”.
Mấy trai hư ở tỉnh nọ chỉ mới “thó” 3 con chim đã ngấp nghé ngồi tù (nghe nói khi thu hồi vẫn còn sống, chưa rụng cái lông nào), chuyện này báo chí nói ra rả chứ chẳng phải chuyện bịa, thế nên “chúng thường dân” nhìn thấy chim là sợ, còn đâu “hồn vía” mà tham gia nhậu!
Có chăng chỉ là những cao thủ “chơi chim” có giấy chứng nhận đàng hoàng, thế nên đối với dân chúng cần lao, quê hương luôn là “đất lành” chứ không phải “đất dữ”.
Bắt bẻ đôi chút về câu chữ gọi là “phản biện” chứ thâm tâm người viết đánh giá cao sự thẳng thắn của các vị qua các câu nói, dù rằng “lời nói gió bay” song những “lời có cánh” vẫn khiến người ta háo hức ngay cả khi đó là “tiếng gà gáy lúc hoàng hôn”.
Thổ lộ được bức xúc dẫu sao cũng hơn mấy người suốt nhiệm kỳ cứ đóng vai “con hến”, hy vọng quý vị sẽ ngủ ngon, đừng như vài người, bấm nút xong về cả đêm thao thức!