Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025". Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% các đại học, học viện, trường đại học, 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 05 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Những năm gần đây, các cuộc thi về sáng tạo và khởi nghiệp tiếp tục thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên. Đơn cử, cuộc thi SV Startup năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã ghi nhận sự góp mặt của 775 dự án từ học sinh, sinh viên trên cả nước, trong đó 125 dự án được chọn vào vòng chung kết.
Ở lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội, dự án Hệ thống giám sát và duy trì độ tỉnh táo cho tài xế bằng công nghệ sóng não (Awake Drive) của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được trao giải Nhất.
Xuất phát từ mong muốn giảm thiểu tai nạn giao thông
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trần Văn Lực - sinh viên năm 4 ngành Khoa học máy tính, Trưởng nhóm dự án Hệ thống giám sát và duy trì độ tỉnh táo cho tài xế bằng công nghệ sóng não (Awake Drive) cho biết, trong quá trình nghiên cứu, nhóm nhận thấy tình trạng tài xế buồn ngủ, mất tập trung là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông.

“Điều đó thôi thúc chúng tôi phát triển một giải pháp giúp theo dõi mức độ tỉnh táo và cảnh báo kịp thời để giảm thiểu rủi ro. Từ ý tưởng đó, Awake Drive ra đời ứng dụng công nghệ sóng não, giúp tài xế duy trì sự tỉnh táo và nâng cao khả năng xử lý tình huống khi lái xe, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Cách đây 3 năm, tôi bắt đầu dự án này cùng các bạn từ trong phòng thí nghiệm. Ban đầu, chúng tôi chỉ là một nhóm bạn chơi thân với nhau, cùng tham gia các cuộc thi trong lĩnh vực IT, giải các đề bài công nghệ. Thấy hợp tính và làm việc ăn ý, chúng tôi quyết định tiếp tục đồng hành trong các dự án sau này. Dần dần, chúng tôi đam mê hơn với việc tìm hiểu về khoa học công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới như sóng não.
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận ra công trình của mình có thể ứng dụng vào lĩnh vực giao thông, giúp giám sát độ tỉnh táo của tài xế. Từ đó, chúng tôi chuyển hướng, phát triển bài nghiên cứu ban đầu thành sản phẩm thực tế để mang đi thi đấu. Hiện tại, nhóm tôi có khoảng 10 bạn. Lúc đông nhất, nhóm từng có 15 người, nhưng 5 bạn đã rời nhóm vì mỗi người có định hướng và mục tiêu riêng”, Lực chia sẻ.
Theo Lực, nhóm đã đối mặt với hai khó khăn lớn trong quá trình phát triển dự án.
Thứ nhất là bài toán tài chính, khi lĩnh vực mà nhóm theo đuổi còn khá mới mẻ ở Việt Nam, trong khi các thiết bị nghiên cứu lại rất hạn chế và đắt đỏ. Để có thể tiến hành thử nghiệm, các thành viên đã phải tự góp tiền mua sắm thiết bị và vấn đề kinh phí này trở thành áp lực kéo dài suốt chặng đường phát triển.
Khó khăn thứ hai nằm ở tinh thần và sự gắn bó của các thành viên trong nhóm. Ban đầu, mọi người tham gia với tâm thế thi đấu, mong muốn tạo dấu ấn trong thời sinh viên. Tuy nhiên, khi nhóm quyết định chuyển hướng sang khởi nghiệp thực sự, từ tư duy "đi thi" sang điều hành và vận hành một công ty, thì đây trở thành thử thách lớn, đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức và cam kết lâu dài từ mỗi thành viên.

Chia sẻ về sản phẩm, Lực bày tỏ, Awake Drive được ra đời với kỳ vọng có thể giúp các tài xế duy trì được trạng thái tỉnh táo của mình khi tham gia giao thông. Sản phẩm Awake Drive gồm 2 phần chính.
Trong đó, phần cứng là thiết bị dùng để đo sóng não của người dùng và truyền dữ liệu thông qua Bluetooth. Còn phần mềm là ứng dụng trên điện thoại giúp phân tích dữ liệu đã đo được, đưa ra cảnh báo và phát nhịp Isochronic từ đó giúp người dùng duy trì trạng thái tỉnh táo khi lái xe. Như vậy, phần cứng sẽ đo sóng não của người dùng, qua kết nối với Bluetooth, truyền tới phần mềm trên điện thoại để phân tích và đưa ra bước xử lý phù hợp tiếp theo.
“Awake Drive không chỉ là một sản phẩm công nghệ mà còn là một giải pháp mang tính nhân văn, giúp giảm thiểu rủi ro tai nạn do tài xế buồn ngủ.
Ngoài ra, Awake Drive giúp doanh nghiệp vận tải đảm bảo tài xế không rơi vào tình trạng mệt mỏi kéo dài, từ đó duy trì năng suất làm việc. Hiện nay, mỗi vụ tai nạn đều gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp (bảo hiểm, chi phí sửa chữa, tổn thất thời gian). Do đó, Awake Drive giúp giảm thiểu rủi ro này. Chưa kể, khi doanh nghiệp sử dụng Awake Drive cho tài xế của mình, họ thể hiện sự quan tâm đến nhân viên, khách hàng, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu.
Hơn hết, khi Awake Drive được áp dụng rộng rãi, việc đánh giá tình trạng tỉnh táo trước khi lái xe có thể trở thành một tiêu chuẩn an toàn trong ngành vận tải”, Lực thông tin.
Thành lập công ty để hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm
Theo Lực, với sự hướng dẫn tận tụy từ Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến, Trưởng Phòng thí nghiệm Mạng máy tính và Công nghệ truyền thông thế hệ mới (Đại học Bách Khoa Hà Nội), nhóm dự án Awake Drive đã ghi dấu ấn mạnh mẽ tại nhiều cuộc thi sáng tạo và khởi nghiệp như Quán quân SOICT 2023 (Đại học Bách khoa Hà Nội), Quán quân Sáng tạo trẻ 2023 (Đại học Bách khoa Hà Nội), Top 5 Khởi nghiệp cùng Kawai 2024 (Đại học Ngoại Thương), Quán quân Khởi nghiệp trẻ 2024 (Học viện Tài chính), Giải nhất Bệ phóng khởi nghiệp Lần II - 2024 (Thành phố Hà Nội), First runner up
Global EntrePrep Incubator 2024 (VinUniversity).
“Chúng tôi hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ sóng não vào các giải pháp hỗ trợ sức khỏe và an toàn, đặc biệt là trong các lĩnh vực giao thông, làm việc và chăm sóc sức khỏe. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, chúng tôi tin rằng việc ứng dụng công nghệ sóng não sẽ mang lại những bước tiến đột phá trong việc giám sát và cải thiện trạng thái tỉnh táo, từ đó giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao tỉnh táo”, Lực nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về dự án, Tiến sĩ Trương Công Tuấn - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp sinh viên (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, sản phẩm Awake Drive với mục tiêu giúp duy trì độ tỉnh táo cho tài xế được đầu tư bởi Quỹ BK Fund và một nhà đầu tư Hàn Quốc vào năm 2024. Theo cam kết, tổng số vốn đầu tư là 600 triệu đồng (khoảng 25.000 USD). Đến nay, dự án đã được giải ngân khoảng 250 triệu đồng (tương đương khoảng 10.000 USD). Phần còn lại dự kiến sẽ tiếp tục được giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2025.

“Cuối năm 2024, nhóm đã thành lập Công ty Cổ phần Awake Drive, hợp tác cùng các bên để tiếp tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Có thể nói, sản phẩm này được kỳ vọng có thể góp phần vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao năng suất lao động và mang lại sự an toàn, bền vững cho cộng đồng.
Hiện nay, Đại học Bách Khoa Hà Nội luôn có nhiều nguồn hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho các bạn sinh viên có dự án tiềm năng và mang tính ứng dụng cao. Bên cạnh những cuộc thi, trường còn có một quỹ đầu tư đặc biệt mang tên BK Fund. Quỹ BK Fund là Quỹ đầu tư hình thành từ mạng lưới cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, là một thành tố trong hệ sinh thái đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Quỹ tập trung vào việc tài trợ, cố vấn và kết nối các dự án đổi mới sáng tạo của sinh viên, giảng viên và cựu sinh viên Bách Khoa với doanh nghiệp và nhà đầu tư. BK Fund không chỉ cung cấp nguồn vốn mà còn hỗ trợ về chuyên môn, quản trị và phát triển thị trường, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam.
Đối với Awake Drive, các bạn đã nhận được sự hỗ trợ từ phía Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp sinh viên, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trong đó, nhóm được cung cấp không gian làm việc, kết nối với các đơn vị trong trường để hỗ trợ nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm”, thầy Tuấn chia sẻ.
Thầy Tuấn bày tỏ, trong kỷ nguyên số, công nghệ chính là yếu tố quyết định mở ra những cơ hội và thách thức mới. Sản phẩm Awake Drive không chỉ khẳng định vị thế trên nhiều sân chơi cuộc thi mà còn góp phần nâng cao an toàn giao thông, tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng.
“Tôi kỳ vọng, sản phẩm sớm được kiểm nghiệm và mở bán ra ngoài thị trường để lắng nghe phản hồi từ khách hàng sau khi trải nghiệm sản phẩm. Không chỉ riêng Awake Drive, tôi mong muốn ngày càng nhiều các bạn sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp tốt, đem lại giá trị cho xã hội”, thầy Tuấn cho hay.
Lộ trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm:
Tháng 11/2022: Khởi động nghiên cứu về công nghệ sóng não dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến.
Tháng 12/2022 - tháng 3/2023: Nghiên cứu ứng dụng sóng não trong xác định trạng thái tỉnh táo của người dùng, hợp tác cùng hai phòng thí nghiệm chuyên sâu.
Tháng 3 - tháng 4/2023: Phát triển nguyên mẫu thiết bị phiên bản 1.0 có khả năng đo sóng não và phát tín hiệu cảnh báo thông qua hệ thống loa.
Tháng 5 - tháng 8/2023: Tiến hành thử nghiệm sản phẩm trong phòng thí nghiệm và với các thành viên nhóm.
Tháng 9/2023 - tháng 8/2024: Chế tạo và hoàn thiện nguyên mẫu (Prototype), thực hiện thử nghiệm và cải tiến dựa trên ý kiến đóng góp từ các giảng viên và mentor trong các cuộc thi.
Tháng 7/2024: Tham gia BK Investor Network 2024.
Tháng 7/2024: Gọi vốn thành công 25.000 USD để nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Tháng 10/2024: Thành lập Công ty Cổ phần Awake Drive, hợp tác cùng các bên để tiếp tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm.