HUST sẵn sàng đào tạo mỗi năm hàng ngàn kỹ sư, cử nhân cho công nghiệp bán dẫn

20/10/2024 06:22
Thu Thuỷ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đại học Bách Khoa Hà Nội là 1 trong 18 cơ sở giáo dục được ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” đặt mục tiêu chung đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo và phát triển lực lượng nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Chương trình tập trung vào các khâu như thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử, đồng thời từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ sản xuất bán dẫn.

Chương trình cũng nêu rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng là sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn. Trong đó, Đại học Bách Khoa Hà Nội là 1 trong 18 cơ sở giáo dục đại học dự kiến được ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Để đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thành lập Tổ công tác đặc biệt gồm 19 chuyên gia. Theo đó, nhà trường đã chủ động phân tích yêu cầu đào tạo, nghiên cứu, nhu cầu nhân lực và tiềm lực thực tế để hoạch định kế hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo thực hiện chính xác và phù hợp.

Đảm bảo đội ngũ đào tạo 3000-5000 kỹ sư/cử nhân cho công nghiệp bán dẫn mỗi năm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Anh - Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, Phó tổ trưởng thường trực tổ công tác về triển khai nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định:

Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” được thảo luận, lấy ý kiến kỹ càng từ các bên liên quan kể từ khi Chính phủ xác định vai trò quan trọng của nền công nghiệp này là “cốt lõi” của các ngành công nghiệp và trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

pgs ts truong viet anh dai hoc bach khoa ha noi.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Anh - Trưởng ban Khoa học-Công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Thầy Việt Anh cho biết, ban lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội đã chủ động chỉ đạo cán bộ nghiên cứu, đánh giá về các vấn đề chuyên môn và tích cực tham gia các cuộc họp, lấy ý kiến dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành liên quan khác.

“Chúng tôi đã phải cân nhắc nhiều yếu tố như chương trình đào tạo, năng lực đào tạo, nguồn lực cơ sở vật chất, tài chính và con người. Đồng thời, chúng tôi cũng đánh giá nguồn lực hợp tác, đặc biệt là từ các đơn vị đào tạo uy tín trong nước và đối tác quốc tế từ các quốc gia phát triển mạnh về công nghiệp bán dẫn như Mỹ, Đông Bắc Á, Trung Quốc, Úc và châu Âu. Thông qua đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch đào tạo đại học và sau đại học, cũng như phương án tuyển sinh hợp lý, nhằm đạt mục tiêu chung là cung cấp 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.

Đối với một ngành công nghệ cao như bán dẫn, việc được chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu là một trong những điều kiện tiên quyết cùng với nguồn lực chuyên gia, giảng viên của các cơ sở giáo dục. Chính phủ đang có những chính sách khuyến khích công nghệ cao nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, từ đó giúp các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và nhà đầu tư có thêm động lực để nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao. Mục tiêu là giúp Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, phát triển kinh tế xã hội dựa trên tiến bộ khoa học công nghệ”, thầy Việt Anh nêu quan điểm.

Hiện nay, Đại học Bách Khoa Hà Nội có gần 1200 giảng viên, nhà khoa học. Trong đó, 76% giảng viên có trình độ tiến sĩ, phần lớn được đào tạo từ các nước tiên tiến. Ngoài ra, nhà trường có mạng lưới hợp tác với gần 300 tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chủ động định hướng và tiếp tục thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học quốc tế, tăng cường các hợp tác nghiên cứu để hình thành hệ sinh thái đào tạo, nghiên cứu phát triển về lĩnh vực bán dẫn theo kế hoạch trung hạn đến 2030 và dài hạn tới 2045.

Ngoài ra, đội ngũ nhà khoa học và chuyên gia từ các trường đại học và tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực bán dẫn đang được Đại học Bách khoa Hà Nội chú trọng và tăng cường hợp tác để phát triển bền vững cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Theo Quyết định 1017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ làm việc chặt chẽ với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thực hiện các chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm thúc đẩy đào tạo, chủ động nghiên cứu để phát triển nguồn nhân lực và tăng cường đội ngũ chuyên gia trong các công đoạn công nghệ bán dẫn trong thời gian tới. Cụ thể, đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia đào tạo các khâu liên quan trong chuỗi giá trị bán dẫn của trường lên tới gần 300 người là giảng viên từ các trường Điện - Điện tử, Vật liệu, Cơ khí, Hóa và Khoa học sự sống, Công nghệ thông tin - truyền thông, Khoa Vật lý kỹ thuật thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội, chưa kể các cộng tác từ đối tác trong và ngoài nước.

Bên cạnh các trường thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, 6 Viện nghiên cứu trực thuộc nhà trường đều có định hướng về phát triển nghiên cứu ứng dụng như: công nghiệp và thiết bị phụ trợ, phát triển mạch điều khiển thông minh, AIoT và AI ứng dụng, xử lý dữ liệu lớn, AI Robots và thiết bị không người lái để làm cơ sở phát triển và ứng dụng chip cảm biến, chip điều khiển.

"Trước mắt nhà trường đảm bảo đủ đội ngũ để đào tạo toàn diện chuỗi công nghệ phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn với 3000-5000 kỹ sư/cử nhân tốt nghiệp hàng năm. Ngoài ra, trong lộ trình 5-10 năm tới, nhà trường sẽ tuyển dụng thêm các chuyên gia, nhà khoa học phù hợp với quy mô và chiến lược phát triển", Trưởng Ban Khoa học và công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội bày tỏ.

Cũng theo thầy Việt Anh, để thu hút các nhà khoa học quốc tế đến làm việc, cần chuẩn bị tốt môi trường làm việc, bao gồm mức thu nhập phù hợp để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của họ. Đây là điểm mà nhà trường đang nỗ lực cải thiện. Thông qua mạng lưới hợp tác quốc tế và cựu sinh viên đang nghiên cứu thành công ở nước ngoài, nhà trường đã và đang tiếp tục thu hút nhân lực để bổ sung và phát triển đội ngũ, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo cho các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực bán dẫn.

Xác định chiến lược mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Anh khẳng định, nhà trường luôn tiên phong trong hợp tác hiệu quả, tạo ra lợi ích chung và chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cụ thể, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong thiết kế bán dẫn với các đối tác như: Cadence Design Systems, Qorvo… trong việc tài trợ đào tạo cấp bằng, phục vụ giảng dạy sinh viên thuộc chương trình thiết kế vi mạch của nhà trường. Doanh nghiệp bán dẫn lớn của Hàn Quốc là Seoul Semiconductor Vina đã tài trợ thiết bị cho phòng thí nghiệm đào tạo thực hành của sinh viên trong các ngành học liên quan đến chế tạo, đóng gói và kiểm thử. Đồng thời, nhà trường tiếp tục phối hợp với nhiều doanh nghiệp lớn như Samsung, Amkor, LG… trong xây dựng kế hoạch dài hạn cung ứng nguồn nhân lực ngành bán dẫn.

Đơn cử vào tháng 8/2024, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Arizona (Hoa Kỳ) nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn như: xây dựng các chương trình đào tạo liên quan đến công nghệ bán dẫn và công nghệ vi mạch; trao đổi sinh viên, giảng viên, học liệu, và thành quả nghiên cứu; thúc đẩy triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực phát triển chip, bán dẫn tại nhà trường.

Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội xác định 4 chiến lược mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp tham gia đào tạo bán dẫn trong thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục mở rộng thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể và đi vào chiều sâu với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn;

Thứ hai, tăng cường và thúc đẩy sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp vào các chương trình đào tạo bán dẫn. Xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; mời các chuyên gia của doanh nghiệp tham gia vào giảng dạy, chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực bán dẫn tới sinh viên;

Thứ ba, triển khai nhiều khóa thực tập, đặc biệt là học kỳ thực tập doanh nghiệp dành cho sinh viên các ngành bán dẫn tại các doanh nghiệp trong hệ sinh thái doanh nghiệp hợp tác với Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Thứ tư, thúc đẩy các hợp tác tài trợ từ doanh nghiệp: phần mềm, trang thiết bị, phòng thí nghiệm thực hành, phòng thí nghiệm đào tạo triển khai dành cho sinh viên lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Để xúc tiến nghiên cứu và làm chủ công nghệ cao, Đại học Bách khoa Hà Nội xác định, chủ trương xuyên suốt của nhà trường là chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, phương tiện và trang thiết bị nghiên cứu nhằm thúc đẩy đào tạo kỹ sư, chuyên gia, nhà khoa học tương lai cho xã hội.

Trong thời gian qua, nhà trường đã cải tiến mô hình quản trị theo tiêu chuẩn của các trường tiên tiến trên thế giới, đồng thời tích cực hội nhập và xây dựng hình mẫu tự chủ đại học theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường xác định phương châm “Vì sự thành công của người học, để người thầy tỏa sáng” là định hướng cho mọi hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội và nâng cao sản phẩm công nghệ, nhà trường cần xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo trong cả cán bộ và sinh viên.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, môi trường nghiên cứu và sáng tạo được Đại học Bách khoa Hà Nội ưu tiên hàng đầu. Trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, nhiều viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm đã được đầu tư, với 30 phòng thí nghiệm mới hiện đại hóa trang thiết bị thông qua dự án SAHEP (Dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học do Ngân hàng Thế giới tài trợ, được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 14/3/2017 và được điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 22/02/2022).

Gần đây, dự án “Phòng thí nghiệm công nghệ số thông minh và trí tuệ nhân tạo” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cũng mở ra cơ hội nâng cao năng lực tính toán và xử lý dữ liệu, hỗ trợ cho nghiên cứu và đào tạo về công nghệ bán dẫn kết hợp với AI. Với mạng lưới phòng thí nghiệm hiện có, nhà trường sẽ tiếp tục thu hút đầu tư để mở rộng phục vụ chiến lược đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Do đó, sự hỗ trợ từ Chính phủ và các nguồn hợp tác quốc tế là rất cần thiết.

20231127-tsp_4672.jpg
Đại học Bách Khoa Hà Nội chú trọng đầu tư phòng thí nghiệm nhằm đảm bảo công tác đào tạo đạt chất lượng hiệu quả. (Ảnh: Website nhà trường)

Trên cơ sở mục tiêu dài hạn, các chương trình đào tạo sẽ tiếp tục được cập nhật để đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu về số lượng và chất lượng nhân lực cho ngành bán dẫn đến năm 2035 và tầm nhìn 2045-2050. Nhằm học hỏi từ các quốc gia tiên tiến, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và giải pháp nhằm tối ưu hóa hiệu quả từ các nguồn đầu tư.

"Trước hết, nhà trường tiếp tục thúc đẩy việc chia sẻ và liên thông chương trình đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, tập trung vào chương trình kỹ sư chuyên sâu về bán dẫn và các ngành kỹ thuật liên quan, đồng thời tăng cường liên minh giữa các cơ sở giáo dục để phát huy nguồn giảng viên trong nước.

Bên cạnh đó, nhà trường thúc đẩy việc ký kết hợp tác để hình thành các phòng thí nghiệm chia sẻ giữa các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, thiết lập quy định và hướng dẫn về việc khai thác tài sản, chi tiêu ngân sách, cũng như tuyển dụng và sử dụng các chuyên gia quốc tế. Điều này sẽ hỗ trợ việc tiếp nhận đầu tư và quản lý các phòng thí nghiệm. Mặt khác, chương trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn vẫn cần đảm bảo tính bền vững nhằm tăng cường nội lực trong nước và đón đầu các cơ hội mới cho đất nước", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Anh bày tỏ.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong 5 cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong việc thành lập liên minh đào tạo bán dẫn, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Thu Thuỷ