Có thời giới quý tộc, hàn lâm xem mỹ thuật là đặc quyền, đặc lợi, chỉ dành cho kẻ quyền quý, kẻ lắm tiền, kể cả dẫu có là trọc phú.
Giới bình dân xưa nay không mấy khi dành nhiều thời gian cho mỹ thuật, bởi với họ, cơm áo gạo tiền mới là sự thiết thân, thiếu nó là chết.
Người nông dân xưa cả ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời còn đâu thời gian thưởng thức mỹ thuật.
Bộ phận khá đông công nhân thời nay sau giờ làm việc, về đến căn phòng trọ chật hẹp, lo xong bữa ăn chỉ còn chút thời gian lướt tivi hoặc điện thoại di động, dẫu muốn họ cũng đâu có điều kiện quan tâm đến mỹ thuật.
Thế nhưng quốc gia không thể không có nền mỹ thuật, thế nên quốc gia phải có đại học mỹ thuật, thế thì đất nước phải có đội ngũ người làm mỹ thuật và thế là mỹ thuật phải có những lùm xùm mang tính “mỹ thuật”.
Bốn điều “thế” nêu trên gọi là “Tứ thế”, đương nhiên nó không phải là đặc trưng của mỹ thuật đương đại Việt Nam mà chỉ là cách nghĩ của một người - vốn tự coi là không đủ “trình” để đánh giá mỹ thuật.
Năm 2016, một tờ báo đã đăng bài: “Kỳ vọng mỹ thuật Việt Nam vượt qua giai đoạn khủng hoảng”. [1]
Nhìn tổng thể, phải chăng “giai đoạn khủng hoảng” của mỹ thuật Việt Nam không phải là cá biệt bởi nhiều năm gần đây trong các lĩnh vực văn học, âm nhạc, thơ ca,… thật khó tìm thấy những tác phẩm có thể sống mãi với thời gian như thời kỳ chiến tranh chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc.
Sự khủng hoảng của mỹ thuật Việt Nam liệu có bao trùm lên cái nôi của mỹ thuật nước nhà là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam?
Người Việt có câu “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, thế nên dù có là đại học mỹ thuật thì ngôi trường này cũng không thể không mang những đặc điểm của nền giáo dục - vốn bị khá nhiều học giả, tác giả đánh giá là thất bại.
Thất bại đầu tiên và dễ nhận thấy ở đại học này là vị hiệu trưởng nhà trường, nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ Lê Văn Sửu.
Mới đây Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại kết luận xác minh nội dung tố cáo đối với ông Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã kiến nghị: “Kiểm điểm trách nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam”. [2]
Vì sao lãnh đạo một ngôi trường chuyên dạy về cái đẹp (mỹ thuật), một nhà giáo ưu tú lại bị cơ quan thanh tra kiến nghị “Kiểm điểm trách nhiệm”?
Cán bộ lãnh đạo nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật, mắc lỗi khi điều hành cơ quan, đơn vị không phải là chuyện lạ, vậy nên cũng không cần đi sâu vào việc ông Sửu với vai trò là Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (từ tháng 4/2013 đến nay), ba năm liền không tổ chức Hội nghị Công chức, viên chức nhà trường hay chuyện bỏ gần chục tỷ xây dựng thư viện điện tử nhưng sinh viên không thể đăng nhập,…
Vấn đề cần bàn luận là tâm đức và tài năng của một nhà giáo, nhất là khi nhà giáo đó được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.
Cùng bốn chữ “thế” nêu trên xin nói thêm về ba chữ “tiền, tài và tâm”.
Về chuyện tiền:
Được biết có một nghiên cứu sinh tên là Lê Văn Sửu bảo vệ luận án tiến sĩ đề tài “Hội họa trong thơ và chất thơ trong hội họa Việt Nam” vào ngày 12/02/2008 tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Nghiên cứu sinh này khi đó là Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. [3]
Là người quản lý ngôi trường dạy về cái đẹp, lại là nhà giáo ưu tú, ông Sửu chắc chắn phải biết quy định về định mức giảng dạy của Hiệu trưởng và chắc ông vẫn đủ minh mẫn để nhớ thực sự mình đã dạy bao nhiêu tiết.
Vậy vì sao ông Sửu còn chìa tay cầm số tiền dạy vượt định mức (108 tiết) mà cấp dưới “tính nhầm” cho ông để đến nỗi phải trả lại khi bị phát hiện?
Báo Thanhtra.com.vn kết luận nhà giáo ưu tú Lê Văn Sửu đã “Trục lợi thanh toán tiền vượt giờ đến hàng trăm tiết”. [4]
“Trục lợi” là cách nói khác của câu “ăn của dân không từ một thứ gì” vốn được dùng để nói về “bầy sâu” đang đục khoét đạo đức, văn hóa xã hội, bòn rút ngân sách làm giàu cho riêng mình.
Vấn đề là một cựu bộ trưởng làm một vụ gần 70 tỷ đồng (3 triệu USD) thì hơn 100 tiết giảng dạy được mấy triệu đồng mà phải tham, phải đánh đổi danh dự cả đời?
“Gà què ăn quẩn cối xay”, gà không què “ăn quẩn ngân sách” vài triệu đồng có bõ?
Về chuyện tâm:
Có hai bức phù điêu từng được rất nhiều người, cơ quan kêu cứu hàng chục năm nhưng hình như vẫn chưa được “cấp cứu”.
Ngày 12/06/2019, Báo Văn hóa điện tử, cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có bài: “Phù điêu có giá trị quý thời Mỹ thuật Đông Dương bị “nhốt”: 15 năm “năn nỉ” vẫn rơi vào quên lãng”. [5]
Bài báo cho biết: “Đó là hai bức phù điêu có nội dung về “Ngư nghiệp” và “Nông nghiệp”, khuôn khổ khoảng 2m x 6m và 2m x 10m.
Về hiện trạng, hai tác phẩm còn khá nguyên vẹn. Về giá trị nghệ thuật, đây là hai bức phù điêu quý có chất lượng nghệ thuật cao, sáng tác vào những năm 30 của thế kỷ trước, được gắn trong tổng thể kiến trúc của ngôi nhà học hình họa của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, xây dựng từ ngày thành lập trường”.
Bức phù điêu bị “nhốt”, 15 năm “năn nỉ” vẫn rơi vào quên lãng (ảnh Baovanhoa.vn) |
Bài báo liệt kê tên khá nhiều cá nhân nổi tiếng trong giới mỹ thuật đã kiến nghị song không thấy tên ông Lê Văn Sửu trong số đó.
Ba tháng sau khi bài báo nêu trên được đăng, tháng 9/2019 ông Lê Văn Sửu phê duyệt và cho dựng một bức phù điêu trên tường tòa nhà ngay cạnh lối vào trường.
Cận cảnh một phần bức phù điêu với hình người thày giống hệt ông Lê Văn Sửu |
Bức phù điêu mô tả một phòng học với người mẫu bán khỏa thân và ông thày đứng giảng chẳng có gì đặc biệt nếu chân dung ông thày đó không giống hệt ông Lê Văn Sửu.
Nếu là người có tâm, là thế hệ học trò biết đến câu “uống nước nhớ nguồn” thì hẳn ông Sửu phải rất phiền lòng vì tác phẩm có giá trị nghệ thuật, lịch sử của những người thày thế hệ đầu tiên của trường này còn sót lại đến hôm nay bị “nhốt” đến 15 năm trong khi lại chăm chút cho hình ảnh của chính mình.
Về chuyện tài:
Hiệu trưởng Lê Văn Sửu là Chủ tịch hội đồng duyệt phác thảo phù điêu cùng ông Ngô Tuấn Phong (Hiệu phó) và một số giảng viên chuyên ngành chấm tác phẩm 9,5 điểm vì tác giả đã có “sáng tạo nội dung và hình thức nghệ thuật”. [6]
Một chuyên gia điêu khắc bình luận: “Cánh tay chỉ của người thầy sai về cấu trúc xương, điểm hút ở mắt cũng mắc lỗi”. [6]
Quan sát bức phù điêu, không phải là chuyên gia điêu khắc cũng có thể thấy mắt ông thày đang bị “hút” đến điểm nào trên cơ thể người mẫu.
Một tác phẩm bị giới phê bình và dư luận chê tơi tả nhưng lại được cho tới 9,5 điểm có phản ánh tài năng, trình độ người chấm?
Với ba chứ “T” gắn với vị hiệu trưởng, nhà giáo ưu tú Lê Văn Sửu nêu trên, vì sao Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ dừng ở mức kiến nghị “cá nhân ông Lê Văn Sửu cùng tập thể lãnh đạo Trường, Chủ tịch Công đoàn nghiêm túc rút kinh nghiệm,…, tập thể lãnh đạo trường họp kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của ông Lê Văn Sửu”?
Và “sợi dây kinh nghiệm” mà cơ quan chủ quản Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu “rút” có giống như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng đề cập: “sợi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết”?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://dantri.com.vn/van-hoa/ky-vong-my-thuat-viet-nam-vuot-qua-giai-doan-khung-hoang-20161206151213822.htm
[2] https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/kiem-diem-trach-nhiem-hieu-truong-truong-dai-hoc-my-thuat-viet-nam-169908.html
[3] http://vicas.org.vn/fellow.aspx?sitepageid=587&id=37
[4] https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/kiem-diem-trach-nhiem-hieu-truong-truong-dai-hoc-my-thuat-viet-nam-169908.html
[5] http://baovanhoa.vn/giai-tri/my-thuat-nhiep-anh/artmid/478/articleid/19318/tiep-bai-phu-dieu-co-gia-tri-quy-thoi-my-thuat160dong-duong-bi-nhot%E2%80%9D-15-nam-%E2%80%9Cnan-ni%E2%80%9D-van-roi-vao-quen-lang
[6] https://vnexpress.net/phu-dieu-co-hinh-hieu-truong-dai-hoc-my-thuat-gay-tranh-cai-4028441.html