Hoạt động khoa học và công nghệ cùng hoạt động đào tạo là nhiệm vụ chính của cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước.
Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ trong các trường đại học ngày càng được chú trọng đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí. Trong đó, tiêu chuẩn số 6 về “nghiên cứu và đổi mới sáng tạo” quy định rõ:
Tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.
Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm.
Nghiên cứu khoa học phát huy nguồn lực của trường đại học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trường đại học là nơi có lực lượng tri thức chất lượng và đông đảo. Đào tạo là một hình thức sử dụng nguồn lực này, nhưng mới chỉ ở mức vừa phải và bị giới hạn bởi nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học là một hình thức quan trọng khác để phát huy nguồn lực của các trường đại học nhằm phục vụ cho đất nước.
"Ở chiều ngược lại, nghiên cứu khoa học là cách thức làm giàu tri thức và gia tăng nguồn lực của trường đại học. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng viên và sinh viên vừa được củng cố và làm giàu thêm các tri thức đã có, đồng thời khám phá ra những tri thức mới, vừa đóng góp cho sự phát triển của nhân loại, vừa thỏa mãn đam mê của bản thân.
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học còn là một kênh thu hút sự đầu tư nguồn lực từ xã hội cho nhà trường. Một trường đại học có uy tín về nghiên cứu khoa học sẽ có lợi thế lớn trong nhận được các khoản tài trợ, đầu tư cho nghiên cứu và thu hút được nhân tài đến học tập, làm việc. Không phải ngẫu nhiên mà các bảng xếp hạng đại học uy tín hiện nay đều đặt trọng số cao nhất cho các chỉ số về nghiên cứu khoa học", thầy Bình khẳng định.
Cùng trao đổi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức đánh giá, cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ là trụ cột chính của trường đại học, là một trong hai nhiệm vụ chính của mỗi giảng viên.
Theo cô Mai, nghiên cứu khoa học công nghệ góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ, chất lượng đào tạo đại học và sau đại học, đáp ứng các tiêu chí quan trọng trong kiểm định chất lượng giáo dục đại học và xếp hạng trường đại học. Đồng thời, góp phần nâng cao vị thế của trường đại học, tăng nguồn thu cho nhà trường.
Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học công nghệ trong nhà trường cũng góp phần phát triển kinh tế - xã hội như tạo ra các tri thức mới, các quy trình công nghệ mới, các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao. Công tác này cũng là căn cứ để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; là cơ sở cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech) nhấn mạnh, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, nâng tầm thương hiệu, thu hút sinh viên giỏi, giảng viên giỏi, giữ chân nhân tài. Đây cũng là một trong những nguồn thu quan trọng trong quá trình phát triển của trường. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được xem là cơ sở để tạo ra hiệu quả lâu dài và bền vững trong giáo dục cũng như phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thực trạng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, công nghệ của các trường đại học
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Với định hướng là một đại học nghiên cứu, tỉ trọng các nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ luôn chiếm khoảng 25-30% tổng thu của nhà trường, chưa tính nguồn thu của các đơn vị trực thuộc là tổ chức khoa học công nghệ có tư cách pháp nhân riêng như các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm, công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học Tự nhiên.
Cụ thể, năm 2021, nguồn thu từ khoa học và công nghệ chiếm 25% tổng thu của nhà trường, năm 2022 tỷ lệ này là 19% và năm 2023, sau khi khống chế được dịch Covid-19, nguồn thu khoa học và công nghệ đạt mức 28%".
Thầy Bình nhìn nhận, nguồn thu từ khoa học và công nghệ nêu trên có thể đã cao so với mặt bằng chung nhưng vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng của nhà trường. Trong thời gian tới, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp để gia tăng tỷ trọng của hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó tập trung vào khai thác các nguồn lực từ doanh nghiệp.
Còn Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cho biết, song song với các chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo, Hutech không ngừng đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
"Trong 3 năm 2021, 2022, 2023 tổng thu của nhà trường lần lượt đạt 1.044 tỉ đồng, 1.145 tỷ đồng, 1.260 tỷ đồng; trong đó tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học công nghệ đạt gần 2%. Nhà trường sẽ tiếp tục có những đầu tư tăng cường cho hoạt động khoa học công nghệ để nâng cao tỉ trọng này", Thạc sĩ Xuân Dung cho hay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Đại học Hồng Đức trong năm 2021 là 8,5%; năm 2022 là 4,9% và năm 2023 là 6,6%; trung bình 3 năm là 6,6%.
Vì sao các trường khó mở rộng, tăng nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ?
Nhìn nhận từ thực tế, thầy Bình cho rằng, có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, khiến hoạt động khoa học và công nghệ ở các trường đại học của Việt Nam chưa được sôi động, "hoành tráng" như các trường đại học trên thế giới. Theo thầy Bình, có một số nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất, hạ tầng nghiên cứu ở các trường đại học Việt Nam còn khá nghèo nàn, chưa được đầu tư một cách bài bản, dài hạn để tạo ra những sản phẩm khoa học có tính cạnh tranh cao.
Thứ hai, hệ thống chính sách pháp luật hiện hành còn tạo ra nhiều rào cản để các trường đại học, nhất là các trường đại học công lập, xâm nhập thị trường, cung ứng sản phẩm khoa học và công nghệ.
Thầy Bình nêu dẫn chứng: "Có thể thấy cơ chế sử dụng tài sản công (đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài sản trí tuệ) cho các mục đích có yếu tố thương mại còn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, yêu cầu các sản phẩm khoa học và công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước phải được thẩm định giá theo quy định tại Nghị định 70/2018/NĐ-CP, trong khi các sản phẩm khoa học và công nghệ là sản phẩm trí tuệ, không phải hàng hóa đại trà có trên thị trường nên việc định giá chính xác là bất khả thi. Chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ chưa có cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu nên khó tạo ra được những sản phẩm đột phá.
Ngoài ra, luật phòng chống tham nhũng không cho phép cán bộ, viên chức được quản lý doanh nghiệp gây khó khăn cho việc thành lập doanh nghiệp spin-off (loại hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn) hay startup (công ty khởi nghiệp) từ các trường đại học công lập".
Thứ ba, tư duy thị trường, kinh nghiệm kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp trong các nhà khoa học còn thấp do các lĩnh vực này trước đây chưa được chú trọng trong hệ thống giáo dục đại học và sau đại học. Các hình mẫu thành công về đưa kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường chưa có nhiều để tạo cảm hứng cho các nhà khoa học.
Thứ tư, thị trường khoa học và công nghệ ở trong nước đang ở mức độ phát triển thấp. Sự đầu tư của các doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển còn rất hạn chế. Hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn chưa đủ hiệu quả để đảm bảo quyền lợi của các nhà khoa học.
Thứ năm, đầu tư cho khoa học và công nghệ là đầu tư cho tương lai và ở một mức độ nào đó lợi ích thu được phải chia sẻ ra bên ngoài xã hội. Thế nên một số trường đại học không chú trọng vào việc này mà chỉ tập trung vào công tác tuyển sinh mang lại lợi ích trước mắt.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Mai cũng chỉ ra một số nguyên nhân khiến nhà trường khó mở rộng, tăng nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ.
Cô Mai nhìn nhận, để tạo ra các tri thức mới, các quy trình công nghệ mới... ngoài đội ngũ giảng viên giỏi cần phải có điều kiện trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại. Nhưng điều kiện trang thiết bị, phòng thí nghiệm của nhà trường còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ nghiên cứu khoa học, nhất là đối với các nghiên cứu ứng dụng.
Hơn thế nữa, tính ứng dụng của các đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ của một số giảng viên chưa cao, việc cập nhật các yêu cầu nghiên cứu khoa học công nghệ còn hạn chế.
Mặt khác, các cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ giảng viên đề xuất, thực hiện các đề tài, dự án, thành lập nhóm nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, thưởng cho các công bố quốc tế chưa đủ mạnh. Điều này xuất phát từ nguồn kinh phí của nhà trường còn rất hạn chế và chưa huy động được sự tham gia đóng góp, xây dựng quỹ nghiên cứu khoa học từ địa phương, doanh nghiệp.
"Trường Đại học Hồng Đức trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nên không được thực hiện đề tài cấp Bộ (Bộ cấp kinh phí). Do vậy, các trường đại học địa phương cũng thiếu nguồn lực để phát huy hết tiềm năng vốn có trong nghiên cứu khoa học.
Hoạt động chuyển giao công nghệ của nhà khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học còn khó khăn khi nhà khoa học và doanh nghiệp không "gặp" nhau. Trường Đại học Hồng Đức đã thành lập Trung tâm Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo nhằm góp phần giải quyết vấn đề này. Trung tâm này sẽ lấy đầu vào là kết quả nghiên cứu ở phòng thí nghiệm của nhà khoa học để thử nghiệm sản xuất ra sản phẩm cuối cùng rồi mới chuyển giao cho doanh nghiệp. Công đoạn này cần chi phí đầu tư lớn nhưng rủi ro cao bởi có thể sản phẩm không thành công nên rất khó kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp", cô Mai chia sẻ thêm.
Cần cơ chế thông thoáng hơn cho hoạt động khoa học công nghệ
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ, từ đó góp phần gia tăng nguồn thu này.
Thầy Bình chia sẻ: "Cần có cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước thông thoáng hơn cho hoạt động khoa học công nghệ. Không nên áp dụng một cách cơ học nguyên tắc bảo toàn ngân sách cho các khoản đầu tư cho khoa học công nghệ vì đây là một lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi tính sáng tạo cao và độ rủi ro lớn. Tốt nhất các khoản đầu tư cho khoa học và công nghệ nên chuyển thành các khoản tài trợ, các kết quả đạt được từ những khoản tài trợ một khi được sử dụng sẽ mang lại giá trị chung cho xã hội và gián tiếp hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước qua thuế kinh doanh.
Tiếp theo, cần có quy định rõ ràng, cụ thể về việc khai thác, sử dụng tài sản công cho mục đích thương mại có hoàn trả một phần kinh phí cho ngân sách nhà nước. Mục đích là để đưa tài sản công vào khai thác một cách hiệu quả nhất, tránh để không hoặc ít sử dụng, gây lãng phí cho xã hội.
Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn việc thực hiện quy định doanh nghiệp trích 3-10% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp và sử dụng quỹ này thực sự cho mục đích nghiên cứu khoa học.
Chúng ta cũng cần có kế hoạch đầu tư dài hạn cho nghiên cứu khoa học để phát triển các sản phẩm chủ lực. Đầu tư trang thiết bị gắn liền với đầu tư các nhiệm vụ nghiên cứu và chi phí vận hành để đảm bảo khai thác các khoản đầu tư một cách hiệu quả nhất".
Thầy Bình cũng kiến nghị cho phép các nhà khoa học là cán bộ, viên chức đứng ra thành lập và quản lý doanh nghiệp spin-off, startup ít nhất trong vòng 5 năm đầu tiên để doanh nghiệp có đủ sức sống và tồn tại được trên thị trường.
Thạc sĩ Xuân Dung bày tỏ, theo xu hướng chung, hầu như các trường đại học đều đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ để đáp ứng các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như yêu cầu tự thân theo sứ mạng của nhà trường.
"Hoạt động thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu để tìm đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu đóng vai trò quan trọng góp phần gia tăng nguồn thu cho trường đại học. Đây không chỉ là thách thức lớn đối với nhà trường, và cũng không phải chỉ cần sự cố gắng một phía từ cơ sở giáo dục đại học là được mà cần một cơ chế khuyến khích phù hợp", Thạc sĩ Xuân Dung nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Giám đốc Trung tâm truyền thông Hutech, để đạt được tiêu chuẩn số 6 theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học, Hutech thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ, từ đó góp phần gia tăng nguồn thu này.
Thạc sĩ Xuân Dung cho hay: "Nhà trường tăng cường năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu thông qua việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh chuyên ngành và liên ngành đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Thực hiện chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt ở các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn, mời các nhà khoa học đầu ngành trong nước và những người từng nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài về làm việc.
Đồng thời, phát triển hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, đáp ứng được tiêu chuẩn của đối tác. Mở rộng quan hệ hợp tác doanh nghiệp và quốc tế. Bên cạnh đó, Hutech chú trọng hoạt động liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức để đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ".
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức mong Bộ Khoa học Công nghệ sớm ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Hướng dẫn thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học để khai thác, hoàn thiện và thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ từ các kết quả nghiên cứu của cán bộ giảng viên.
Về phía Uỷ ban nhân dân tỉnh, cô Mai kiến nghị, đơn vị có quy định cụ thể về cơ chế, chính sách huy động nguồn tài chính từ các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ, tài trợ và thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh.
"Đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo tại các cơ sở giáo dục đại học một cách tương xứng về nguồn lực tài chính để trang bị cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Trước tiên là đầu tư cho khâu sản xuất thử nghiệm những sản phẩm đã được các nhà khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu từ phòng thí nghiệm", cô Mai chia sẻ thêm.