Dự thảo Thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý sôi nổi của các cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia,... trong thời gian vừa qua.
Tại tọa đàm “Góp ý dự thảo Thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở Đại học Thái Nguyên ngày 1/8, đại diện cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều ý kiến liên quan tới các tiêu chuẩn, tiêu chí bộ chuẩn như: điều kiện học tập (bao gồm diện tích đất, cơ sở vật chất, cơ sở thí nghiệm, thực hành), tài chính, nghiên cứu đổi mới sáng tạo…
Nhiều ý kiến khác nhau về chuẩn cơ sở giáo dục đại học
Giáo sư Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam |
Góp ý tại tọa đàm, Giáo sư Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ đồng tình với việc cần xây dựng các tiêu chí cụ thể để các trường đại học phải đáp ứng. Tuy nhiên, theo thầy Cường, bộ chuẩn cần quy định rõ hơn về các điều kiện học tập cho các nhóm ngành học đặc thù.
"Quy định mét vuông cho điều kiện học tập, tuy nhiên với các ngành đặc thù - khoa học thực nghiệm, đặc biệt ví dụ khối ngành Nông lâm - Ngư nghiệp - Thủy sản thì nên quy định thêm diện tích để đảm bảo thực hành, thực tập. Nếu không thì khó đảm bảo được chất lượng", Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu ý kiến.
Về quy định liên quan đến tài chính, theo Giáo sư Cường, ngoài việc cân đối thu chi của học phí, kiến nghị xem xét không đưa vào tiêu chuẩn các ngành đặc thù như ngành cần có sự đầu tư của nhà nước hoặc nhà nước đặt hàng,...
Nhận định các quy định về điều kiện học tập là rất quan trọng, thảo luận tại tọa đàm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Bảo - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược, Đại học Huế cơ bản đồng ý với những quy định tại dự thảo. Đồng thời, lãnh đạo Trường Đại học Y dược, Đại học Huế đề xuất bổ sung thêm tiêu chí về cơ sở thực hành phù hợp, nhất là với các trường đặc thù như y-dược cần có bệnh viện thực hành.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Bảo - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược, Đại học Huế |
Trong khi đó, một số lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học khác lại đặc biệt quan tâm đến quy định về diện tích đất. Góp ý tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Đông - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình cho rằng, Thông tư ra đời cần đi kèm với quy hoạch Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để có quỹ đất cho các cơ sở giáo dục đại học.
Theo Giáo sư Đào Văn Đông, xu hướng chung hiện nay, sinh viên vẫn sẽ tiếp tục tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, quỹ đất tại 2 thành phố lớn này lại không thể “nở ra tiếp được”.
Vì vậy, theo vị này, cần có thêm đánh giá sâu hơn để các trường yên tâm như quỹ đất... để có kịch bản đầu tư, mở rộng thì độ tin cậy của dự thảo Thông tư sẽ tốt hơn nữa. Ngoài ra, Bộ cũng nên xem xét có lộ trình áp dụng từng nấc thang của tiêu chuẩn, tiêu chí về diện tích đất.
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Đông - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng - Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng nêu băn khoăn về tính khả thi về các quy định diện tích đất trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt với các cơ sở giáo dục thuộc khu vực nội thành như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, Phó giáo sư Trương Đại Lượng đề xuất các quy định của Thông tư sẽ tính đến đặc thù, trong đó có thể kết hợp với các điều kiện đi kèm. Cụ thể, ví dụ nếu cơ sở giáo dục chưa đủ diện tích theo quy định thì có thể tạm thời không tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho đến khi đáp ứng được.
Liên quan đến tiêu chí tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ và tiêu chuẩn nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ý kiến của các đại diện cơ sở giáo dục hầu hết tập trung vào việc cần cơ chế đặc thù trong từng khối, lĩnh vực khi đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí này.
Trong đó, cả 2 đại diện khối ngành quân đội, công an là Học viện Hậu Cần và Học viện An ninh nhân dân đều đề nghị có cơ chế đặc thù cho các cơ sở giáo dục đại học thuộc 2 khối này.
"Nếu cứ giữ khư khư nhồi trong nội đô thì sẽ không còn chỗ thở”
Chia sẻ với những băn khoăn của các cơ sở giáo dục đại học, đại diện tổ chuyên môn - Tiến sĩ Lê Đông Phương thừa nhận: “Diện tích đất và sàn xây dựng là câu chuyện chúng ta đã thắc mắc mấy chục năm nay chứ không phải bây giờ. Nhưng khi giáo dục đại học đang hiện đại hoá thì tiêu chuẩn về diện tích là không tránh khỏi”. Vì vậy, theo ông, không thể nào từ bỏ tiêu chuẩn, tiêu chí này.
Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương: “Hà Nội hiện tại có gần 600 nghìn sinh viên đại học, nếu cứ giữ khư khư nhồi trong nội đô thì sẽ không còn chỗ thở”. Vì vậy, ông khuyến khích các trường mạnh dạn với tiêu chuẩn này để mở rộng ra ngoài nội đô.
Trao đổi thêm từ góc độ ban soạn thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, một số trường đại học băn khoăn tỷ lệ giảng viên là giáo sư, tiến sĩ trên mỗi sinh viên hiện còn cao nhưng đây là điều chúng ta nên làm bởi phải đào tạo có tầm chiến lược.
Giáo sư Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên |
Giáo sư Phạm Hồng Quang chia sẻ một số giải pháp để các trường tính toán tăng tỷ lệ giảng viên tiến sĩ: Cần có giải pháp đào tạo chiến lược đồng thời, có thể xem xét giảm mẫu số, "nhỏ nhưng mạnh".
Ông lấy dẫn chứng, các trường có 200 giảng viên nhưng 100 tiến sĩ cũng chất lượng hơn trường có rất nhiều giảng viên nhưng trình độ cử nhân.
Ngoài ra, các trường đại học cần có các chính sách để thu hút tiến sĩ ở nơi khác về để tăng số lượng giảng viên tiến sĩ tại đơn vị.
Chia sẻ thêm, Giáo sư Quang cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đồng thời bày tỏ quan điểm: “Chúng ta vừa kỳ vọng, vừa lo lắng, vừa khát vọng phấn đấu đến những gì chất lượng, vì con em chúng ta. Vấn đề quy hoạch đại học mặc dù khó nhưng là vì đất nước, vì lâu dài”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chuẩn không phải để xử phạt
Từ trái sang: Tiến sĩ Lê Đông Phương - cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, Giáo sư Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên |
Phát biểu kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhận định, các ý kiến đóng góp của đại biểu đều đến từ thực tế của đơn vị mình, là góc nhìn thực tiễn quan trọng. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng ý kiến đóng góp cần có cái nhìn rộng hơn cho toàn hệ thống, vì mục tiêu phát triển chung cho cả hệ thống về lâu dài.
“Làm sao để quy hoạch, sắp xếp hệ thống tốt hơn, trật tự, bài bản, khang trang, chuẩn mực hơn. Muốn làm được thì đầu tiên cần phải đưa ra các điều kiện tối thiểu, tất nhiên các điều kiện sẽ có một vài tỉ lệ phần trăm trường đạt được, trường chưa đạt, để cả hệ thống cố gắng cùng sự vào cuộc của các bên liên quan: Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư…
Hình dung bức tranh tương lai của hệ thống giáo dục đại học thì từng trường cần có tầm nhìn rộng chứ không phải chỉ xem năm tới có đạt được không, tuyển sinh thế nào”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước nhiều băn khoăn về chế tài xử phạt cũng như tác động khi ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng chia sẻ:
“Ban hành quy định không phải để “chăm chăm” đi phạt! Trước hết, ban hành quy định để các trường nhìn vào phấn đấu. Các tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra để đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, đặc biệt là người học nhìn vào là biết "sức khoẻ" của trường thế nào”.
Theo Thứ trưởng, việc đưa ra chuẩn cũng không phải để đối sánh, xếp hạng nhưng hiệu ứng phụ của việc công bố chuẩn sẽ là thông tin minh bạch cho xã hội, xã hội nhìn vào đó có sự đối sánh.
“Khi chuẩn cơ sở giáo dục đại học được ban hành sẽ có tác động lớn. Tỷ lệ khác nhau ở mỗi trường về từng tiêu chuẩn, tiêu chí sẽ dẫn đến những tác động khác nhau. Đây là công cụ quan trọng quản trị trong từng trường học và quản trị toàn hệ thống”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu rõ.
Cuối cùng, đánh giá tổng kết các ý kiến trao đổi, thảo luận tại tọa đàm, Thứ trưởng nhận định các ý về cơ bản đã thống nhất với các tiêu chuẩn, tiêu chí tại dự thảo. Đối với một số đề xuất chủ yếu về đặc thù lĩnh vực/khối, Thứ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ xem xét tiếp thu để đưa vào hệ số cho phù hợp, đảm bảo tính khả để thực hiện mục tiêu quy hoạch hệ thống và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.