Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục. Mục tiêu là số trường tư chiếm 21% tổng số trường học và 14-16% số học sinh vào năm 2025.
Mục tiêu cụ thể được đặt ra như sau, với bậc mầm non, số cơ sở giáo dục tư thục phấn đấu đạt tỷ lệ 30%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 30%. Đối với giáo dục phổ thông, số trường học tư phấn đấu đạt 13%, với số học sinh tiểu học đạt 8%, học sinh trung học cơ sở đạt 7%, và học sinh trung học phổ thông đạt 40%.
Năm học 2024-2025, Hà Nội có khoảng 2,3 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông, đông nhất cả nước. Điều này tạo áp lực lên hệ thống trường công lập, sĩ số lớp tiểu học ở 28/30 quận, huyện vượt quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (vượt 35 học sinh/lớp).
Năm học 2023-2024, Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng tuyển sinh năm học 2024-2025, chỉ có khoảng 77.000 suất học tại các trường trung học phổ thông công lập [1]. Vấn đề chỉ tiêu vào lớp 10 những năm qua vẫn luôn là câu chuyện được nhiều gia đình quan tâm.
Và để thực hiện được mục tiêu theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đặt ra không ít vấn đề cần được giải quyết.
Phụ huynh còn có tâm lý e dè trường tư
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thủy, Tổng Hiệu trưởng Hệ thống Giáo dục Alpha - thành viên Tập đoàn Giáo dục EQuest đánh giá: “Mục tiêu của Thành phố Hà Nội là hoàn toàn hợp lý và cấp thiết trong bối cảnh hiện tại. Việc thúc đẩy 40% học sinh lớp 9 vào trường tư thục không chỉ giải quyết vấn đề quá tải, mà còn khuyến khích sự phát triển đa dạng của các mô hình giáo dục tư nhân. Điều này giúp tăng cường sự lựa chọn và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của Thủ đô.
Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ khả thi khi các trường tư thục không ngừng cải thiện chất lượng đào tạo, tạo ra sự hấp dẫn đủ lớn để phụ huynh và học sinh sẵn lòng chuyển từ hệ thống công lập sang”.
Trên thực tế, để đạt được mục tiêu 40% học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào các trường trung học phổ thông tư thục trong năm học 2025-2026, ngành giáo dục Thủ đô còn đang đối diện với một số khó khăn và thách thức lớn.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thủy chỉ ra 5 thách thức như sau: “Thứ nhất, các trường công lập hiện nay chịu áp lực sĩ số lớn và quá tải hệ thống công lập: Trong năm học 2023-2024, Hà Nội có 133.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng các trường trung học phổ thông công lập chỉ có khoảng 77.000 suất học. Theo dự đoán, trong năm học này, con số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ còn tăng cao hơn nữa, do đó áp lực lên hệ thống giáo dục công lập của thành phố còn tiếp tục gia tăng.
Do quá trình đô thị hoá cao ở Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là tại những huyện ven đô thị như Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, tâm lý phụ huynh thường có mong muốn cho con học tại các trường trung học phổ thông công lập, nhằm giảm áp lực tài chính. Điều này khiến cho nhiều trường trung học phổ thông công lập có chất lượng cao, những trường trung học phổ thông ở những khu vực có tốc độ đô thị hoá cao bị quá tải.
Thứ hai, học phí tại các trường trung học phổ thông tư thục cao hơn đáng kể so với trường trung học phổ thông công lập, tạo ra rào cản tài chính cho nhiều gia đình. Đây là một yếu tố khiến nhiều phụ huynh ngần ngại khi lựa chọn các trường tư, dù biết rằng điều kiện học tập và chất lượng giáo dục tại một số trường trung học phổ thông tư thục đã có sự cải thiện đáng kể.
Thứ ba, một thách thức khác mà ngành giáo dục Thủ đô đang phải đối mặt là chất lượng của các trường trung học phổ thông tư thục không đồng đều. Nhiều trường còn thiếu hụt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chương trình đào tạo, không đủ sức cạnh tranh với các trường công lập có uy tín. Điều này khiến phụ huynh và học sinh e dè trong việc chọn các trường tư thục mà họ chưa có niềm tin.
Thứ tư, truyền thống và tư tưởng lâu đời của nhiều gia đình Việt Nam vẫn coi trường công là ưu tiên hàng đầu. Việc thi đỗ vào các trường công lập uy tín được coi là thước đo thành công của học sinh và gia đình. Điều này tạo ra áp lực thi cử căng thẳng và khiến việc tuyển sinh vào các trường tư thục gặp nhiều trở ngại.
Thứ năm, nhiều phụ huynh và học sinh chưa có cái nhìn đầy đủ về lợi ích của hệ thống giáo dục tư thục, cũng như không được tiếp cận thông tin rõ ràng về các chính sách hỗ trợ tài chính, học bổng hay ưu đãi học phí từ các trường tư. Điều này dẫn đến sự chậm trễ trong việc thay đổi nhận thức và quyết định lựa chọn trường”.
Từ những nhận định trên, Tổng Hiệu trưởng Hệ thống Giáo dục Alpha cho rằng, 2 thách thức lớn nhất mà các trường trung học phổ thông tư thục tại Hà Nội đang đối mặt trong tuyển sinh, chính là sự chênh lệch về học phí cũng như niềm tin của phụ huynh về chất lượng giáo dục tư thục và sự cạnh tranh gay gắt giữa trường tư - trường công.
“Với mức học phí cao hơn nhiều so với các trường công lập, các trường tư phải thuyết phục được phụ huynh rằng, chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất và các dịch vụ giáo dục bổ trợ mà họ cung cấp là xứng đáng với số tiền bỏ ra.
Tuy nhiên, cũng có sự chênh lệch giữa các trường tư thục, dẫn đến tình trạng phụ huynh và học sinh chỉ tập trung vào một số ít trường có thương hiệu tốt, trong khi các trường nhỏ hơn gặp khó khăn trong việc tuyển sinh.
Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt với các trường công lập cũng là một thách thức đáng kể. Trong khi các trường công lập vẫn được ưu tiên hàng đầu do chi phí thấp và uy tín lâu năm, các trường tư phải tìm cách tạo ra sự khác biệt rõ ràng để thu hút học sinh. Điều này đòi hỏi các trường tư phải đầu tư không chỉ về mặt chất lượng, mà còn cần xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả, nâng cao thương hiệu và niềm tin trong cộng đồng” - cô Thủy nhìn nhận.
Phân chia học phí thành nhiều mức, triển khai thêm chương trình học bổng
“Để góp phần hướng đến mục tiêu 40% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào trường trung học phổ thông tư thục của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, nhà trường đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút học sinh hơn nữa.
Cụ thể, nhằm tạo điều kiện cho học sinh giỏi và những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Alpha School có các chương trình học bổng hỗ trợ từ 20-100% học phí. Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo được vận dụng một cách uyển chuyển để học sinh có thể có cơ hội lựa chọn những tổ hợp môn phù hợp với năng lực của bản thân. Do đó, Alpha School cũng xây dựng chương trình trung học phổ thông theo hướng vừa đạt yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa phát huy những những thế mạnh đặc thù của hệ thống.
Chúng tôi cũng làm phong phú thêm các kết quả đầu ra của học sinh bằng các chương trình đào tạo gắn với các chuẩn quốc tế như IELTS, PreSAT, SAT, AP để học sinh khi tốt nghiệp trung học phổ thông của hệ thống, có thể tham gia xét tuyển vào cả trường đại học công lập, các khoa liên kết quốc tế, các trường đại học trong nước cũng như đi du học nước ngoài.
Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng chương trình hướng nghiệp giúp học sinh phát triển theo lộ trình Hiểu mình - Hiểu nghề - Chọn được ngành và trường phù hợp sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông”, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thủy cho hay.
Tổng Hiệu trưởng Hệ thống Giáo dục Alpha School cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến đề xuất trường tư thục nên phân chia học phí thành các mức khác nhau, đồng thời, có thể thu hút thêm sự chung tay từ xã hội hóa để đảm bảo cho mọi học sinh tiếp cận với giáo dục tư.
Theo đó, cô Thủy phân tích: “Đề xuất phân chia học phí thành nhiều mức khác nhau là một giải pháp hợp lý và có tính khả thi cao.
Hệ thống trường tư thục, đặc biệt là những trường có uy tín, thường có chi phí khá cao so với khả năng chi trả của nhiều gia đình. Việc phân chia học phí dựa trên nhiều tiêu chí, như mức độ hỗ trợ tài chính từ xã hội hóa, chương trình học mà học sinh lựa chọn, sẽ giúp nhiều gia đình dễ dàng tiếp cận với giáo dục tư thục. Điều này vừa giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh, vừa giúp các trường thu hút học sinh hơn.
Ngoài ra, xã hội hóa giáo dục cũng là một hướng đi cần thiết và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, khi các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và tổ chức xã hội có thể đóng góp vào việc phát triển cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và cả chi phí học tập, từ đó giảm bớt gánh nặng cho nhà trường và phụ huynh”.
Từ những nội dung chia sẻ trên, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thủy đề xuất: “Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh, các trường tư thục cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía chính quyền trong việc tăng cường truyền thông. Điều này sẽ giúp phụ huynh học sinh có cái nhìn đầy đủ và khách quan hơn về lợi ích khi cho con em theo học tại các trường tư thục.
Nhà trường cũng kiến nghị cần có những chính sách tài chính hỗ trợ học phí cho học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ các quỹ xã hội, để giúp các em có cơ hội học tập trong môi trường chất lượng cao mà không lo ngại về chi phí”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://daidoanket.vn/khoang-40-hoc-sinh-ha-noi-se-hoc-thpt-tu-thuc-ap-luc-truong-cong-co-giam-10291046.html